Thursday 10 February 2011

THƯ GỞI EM GÁI

Sài gòn, ngày …. Tháng … năm 2010.

Em gái quý mến,

Edmonton vào đông rồi phải không em? Anh chưa bao giờ có cơ hội cảm nghiệm cái lạnh cắt da ở đây, nghe tả mùa đông - nhiệt độ xuống thấp từ -30 đến -40, tuyết phủ trắng và những con sông vốn hiền hòa giờ chỉ là những khối băng -  chỉ tưởng tượng mà thấy lạnh người.

Cái lạnh làm cho người ta co rúm lại.  Giữa cái bạt ngàn của đất trời, con người vốn đã nhỏ thì hình như càng nhỏ nhoi hơn. Và khi co người lại trước cái lạnh, người ta phải trở về với chính mình, đôi lúc, cũng là đối diện với chính nỗi lòng mình. Trong hoàn cảnh như thế, nếu người ta sống trong một sự cô đơn, lẻ loi “không gia đình” giữa cái lạnh đến buốt da buốt thịt này, thì cuộc sống có lẽ sẽ  bi đát lắm.

Anh đã nghe đâu đó những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt xinh của những cô sinh viên xa nhà, hay những người đơn thân độc hành trên đường đời khi nghe bài hát “đêm đông”, của Nguyễn Văn Thương : có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà.

Ngôn từ “đêm đông không nhà”, hình như không chỉ muốn nói đến một thực tế là không có một chốn tá túc, nhưng đúng hơn, đó là cảm giác cô độc, không gia đình. Cái cảm giác này có thể đến với bất kỳ ai, ngay cả lúc họ đang trú ngụ trong những ngôi biệt thự sang trọng nhất. Mà cũng phải thôi, từ bé, người ta đã sinh ra trong một gia đình. Vì thế không quá là cường điệu khi so sáng gia đình như một vòng nôi đưa chúng ta vào đời, như một tổ ấm để chúng ta sống và lớn lên. Luật trừ của qui trình này : số trẻ em bị bỏ rơi, bị bứt ra khỏi tổ ấm gia đình từ thuổ mới sinh chỉ là một con số quá nhỏ.

Nói như vậy, để mình phải luôn khẳng định rằng : mối liên hệ gia đình giữ một vị trí không hề nhỏ trong cuộc sống của chúng ta, một mối liên hệ lớn lao có sức bao trùm lên cả sự mênh mông của khoảng cách không gian và thời gian. Bằng chứng là ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, thậm chí cay nghiệt của cuộc đời, người ta vẫn có thể thấy ấm long, thấy được an ủi và động viên bởi những tình cảm yêu thương của cha mẹ, anh chị em ; vợ chồng hay con cái. Chính tình thương và sự liên hệ này như đôi cánh nâng rước chúng ta qua những khó khăn. Nó có sức vực dậy những quỵ ngã tuyệt vọng nhất. Và như thế, khoảng cách không gian và thời gian xem ra không bao giờ tỉ lệ nghịch với mối liên hệ gia đình. Có những khung trời rất xa, nhưng tình yêu gia đình thì rất gần, ngay trong trái tim của mỗi người.

Khi người ta bước ra khỏi gia đình để gầy dựng một gia đình mới, điều ấy không có nghĩa là cắt đứt một mối dây gia đình, nhưng là mở rộng mối quan hệ này thêm rộng, thêm lớn. Cái gia đình với cha mẹ, anh chị em, giờ đây lại nhân rộng với ông bà nội ngoại của hai vợ chồng. Họ trở nên thành viên của một gia đình lớn hơn, sự quan tâm và tình thương yêu được san sẻ và trao gởi nhiều hơn. Sự hiện diện của họ không còn thường xuyên trong gia đình như trước kia, vì chính họ đang xây dựng thêm mối liên hệ cho một gia đình mới, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là mối dây liên hệ gia đình bị cắt đứt, đoạn tuyệt.

Cuộc đời nào cũng có những khó khăn, và hoàn cảnh của từng người, từng gia đình không phải lúc nào cũng là một bầu trời xán lạn, ngập tràn ánh nắng. Cũng sẽ có lúc từng dải mây xám kéo về, cũng có những giông gió và cuồng phong, nhưng nếu tình yêu thương và cảm thông vẫn như là mối dây ràng giữ gia đình, thì chắc chắn, mối liên hệ này sẽ vẫn mãi bền chặt, và thậm chí bền chặt hơn rất nhiều, vì mọi người đã cùng chung chia những hoạn nạn. Chính trong và qua những khó khăn, người ta mới có thể thẩm định mức độ cao sâu của tình cảm gia đình nơi trái tim mình. Những lời nói yêu thương có cánh, dù rất cần, nhưng không đủ để chứng minh cách tròn đầy tình cảm gia đình của mỗi người.

Quý giá và cần thiết như thế, nên tình cảm gia đình cần phải được trân quý và vun đắp từng ngày. Bởi như một viên ngọc pha lê, nó cũng có thể bị trầy xước, thậm chí vỡ vụn vì sự chểnh mảng hay hời hợt của con người. Đôi khi, sự đổ vỡ đến choáng váng, thậm chí rất nghiệt ngã, bởi lẽ, lương thực của tình cảm gia đình là yêu thương, cảm thông và tha thứ, chứ không bao giờ là oán hờn và thù hận.

Này em,

Khi mùa đông đến, những hàng cây bên đường rụng lá, cả đấy trời sẽ như phủ một màn trắng của bất động, của giá rét. Nhưng khi mùa xuân trở lại, khi những tia nắng rực rỡ của mặt trời sẽ đem về sự ấm áp, lúc ấy, đất trời sẽ thay một chiếc áo mới : chiếc áo của sức sống, của tình yêu. Hãy luôn tin vào quy luật đổi thay ấy để cảm nghiệm những cung bậc, những thăng giáng của cuộc sống, và nhất là để nuôi dưỡng những tình yêu trong trái tim mình. Không bao giờ có dấu chấm hết đứt đoạn bởi những  vấp ngã vì sự yếu đuối của mỗi người.

Gởi đến em những tình cảm quý yêu nhất của gia đình. Vẫn muốn cùng khe khẽ hát với em  bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của tác giả Ngọc Lễ, bài hát với giai điệu mộc mạc và ca từ rất dung dị , trinh khiết như tình yêu gia đình :

Ba là cây nến hồng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến vàng, ba ngọn nến lung linh, ấm áp một gia đình”. Mong là tình yêu gia đình sẽ vẫn như ngọn lửa hồng, dù có những lúc leo loét vì giông gió, vẫn cháy và đủ nóng để sưởi ấm em trong những ngày đông giá nơi vùng đất lạnh quê người.