Saturday 29 August 2009

THỊT DA NÀY DÀNH CHO THÙ HẬN ?

Hãy nói dùm tôi, hãy dùm tôi, hãy thở dùng tôi. Thịt da này dành cho thù hận, cho bạo tàn, cho tham vọng của một lũ điên”.

 

Những ca từ đầy tiếng uất hận của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm tôi bật khóc khi nghĩ đến sự phi lý và tàn bạo đến vô nghĩa của những cuộc chiến tranh, của những cuộc tương tàn chủng tộc, tôn giáo và ý thức hệ chính trị. Những tiếng súng đã im ắng sau 34 năm của cuộc chiến nam – bắc, những tưởng chiến tranh biên giới 1979, vốn đã cuớp đi sinh mạng hàng vạn người dân Việt, đã trở thành quá khứ, hoặc những tưởng máu thịt của đồng bào tôi không còn phải đỏ thẫm trong cuộc chiến ý thức hệ mà chính quyền gọi bằng mỹ từ “nghĩa vụ quốc tế” tại Cambuchia khi mà Hội nghị quốc tế về Cambuchia đã đi đến những hệ luận, trong đó Việt Nam rút quân về nước hạn chót vào năm 1992.

 

Thời điểm đó, tôi đã mơ một đất nước an bình, không còn tiếng súng, và tất cả tinh túy, sức mạnh của dân tộc sẽ được vận hành để có một Việt Nam trở thành con rồng của Châu Á.

 

Sau 34 năm, sau 30 năm và sau 17 năm nhìn lại, Việt Nam như người mẹ mà thân thể mang đầy những vết thương nhức buốt của ngày hôm qua tưởng chừng đã lành da, giờ lại bị giày xéo bởi xung đột ý thức hệ về tôn giáo, chính trị, xã hội. Những chính sách về ruộng đất, về việc điều hành quy hoặch hay những dự án kinh tế, chính trị của Đảng Cộng Sản được che đậy bằng  những ngôn từ hết sức hoa mỹ, nhưng bên trong, thực chất là sự cướp bóc để tạo ra những bất công xã hội, mầm mống của những xung đột.

 

1. Cải cách ruộng đất : Cuộc cách mạng “long trời lở đất” về điền địa đã giết hại hàng trăm ngàn người, và tài sản của những nạn nhân này đã trở thành một thứ điền khóang xung công và dần dần trở thành một thứ sở hữu của những “công bộc “ nhân dân. Cho đến ngày nay, sự thật về những cái chết oan khiên, về những trò chơi say máu vẫn còn là đề tài cấm kỵ và che đậy. Người ta không thể đưa ra một thống kê chính xác về số nạn nhân. Theo một tài liệu của Wikiedia, thì con số này có thể lên đến 172.008 người.

 

2. Cải tạo công thuơng và đánh tư sản : Chính sách được thực hiện dưới thời của Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã đẩy hàng vạn gia đình vào cảnh trắng tay. Cuỡng bức hàng ngàn gia đình đi kinh tế mới, hay mở cuộc đào thóat cho người Hoa hay bán bãi đưa người vượt biên của những năm cuối thập niên 70, đã là những cơ hội để cán bộ chiếm cứ số tài sản khổng lồ kia. Cuộc cách mạng, nói chính xác là cuộc cưỡng chiếm vĩ đại, đã làm bao gia đình tan nát. Bất công xã hội vì thế mà cũng dâng cao.

 

(Cho đến ngày giải phóng 1975, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân.

 

Để công hữu hóa tư liệu sản xuất và đưa công nhân lao động làm chủ nhà máy, xí nghiệp, sau năm 1975 chính quyền cách mạng đã tiến hành vận động hai đợt cải tạo công thương nghiệp. Kết quả là đã quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ lớn, khôi phục 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thu hút 27 vạn công nhân và lao động, vận động hồi hương lập nghiệp và từng bước phân bố lại lao động.

(Trích thông tin lịch sử của website TPHCM)

 

3. Quy họach : Tình trạng cưỡng chiếm này vẫn tiếp tục tiếp diễn hôm nay trong ngôn từ “quy họach”. Hàng ngàn hecta đất của người dân được giải tỏa với giá đền bù rẻ mạt, rồi sang tay cho những công ty đầu tư nước ngòai, hoặc được chia chác cho những cán bộ và thân nhân của họ, đã đẩy người nông dân mất đất trở thành dân oan, đóng vai con kiến đi kiện củ khoai

 

Chính những chính sách bất công này đã tạo ra những xung đột. Máu tiếp tục đổ, người tiếp tục chết và hận thù mãi chất chồng. Người dân Việt lao vào cuộc chiến như những con thiêu thân say máu thù, để rồi tất cả trở thành nạn nhân “thịt da này dành cho thù hận, cho bạo tàn, cho tham vọng của một lũ điên”. Trò chơi xác người, một khi đã say máu, hầu như chặng chặng kết thúc vẫn còn là  một con đường còn quá xa.

 

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông của chính quyền, xuất hiện cụm từ “quần chúng tự phát” để gây hấn tại các nơi tranh chấp tôn giáo. Và để biện minh cho thế giới rằng Việt Nam không có đàn áp tôn giáo, những cuộc xung đột đổ máu này được gán cho là sự căng thẳng, xung khắc giữa các tín đồ với thành phần “quần chúng tự phát” này. Hố thẳm của sự chia rẻ và hận thù giữa các tôn giáo đang được cới đào để chính quyền chiếm vị thế “ ngư ông đắc lợi “.

 

Hình như đến giờ phút này, người cộng sản vẫn mỉm cười nhìn những con thiêu thân “thịt da dành cho thù hận” giết chóc lẫn nhau, mà họ không hiểu hết được, vực thẳm hận thù một khi đã được đào xới, thì việc san lấp là cả một giá đắt, rất đắt, nhiều khi gấp ngàn lần mối lợi trong giây phút mà họ đã đạt được.

Tuesday 11 August 2009

CÂU CHUYỆN TAM TÒA

Những ngày vừa qua, nếu gõ tìm trong google từ khóa “Tam Tòa”, người ta có thể tìm thấy độ hót về tính thời sự của nó trong lãnh vực thông tin : từ một địa danh nhỏ bé, ít người biết đến ở Đồng Hới, Tam Tòa trở thành thuật ngữ xuất hiện rất nhiều trên báo chí quốc tế cũng như những mạng thông tin cá nhân.

 

Những sự xung đột giữa quan điểm chính trị và trong cách ứng xử chính quyền tỉnh Quảng Bình (và có lẽ cũng là quan điểm và cách ứng xử của chính quyền Cộng Sản Việt Nam) với đồng bào giáo dân đã đặt vị thế sự xung khắc giữa chính quyền và Tôn giáo lên một mức độ gây cấn mới.

 

Chính quyền + băng đảng xã hội đen :

 

Trước hết, người ta thấy một cách ứng xử hết sức nguy hiểm của chính quyền, (khi muốn tránh đi những hình ảnh về sự đối đầu giữa các lực lượng an ninh với giáo dân như ở Thái Hà, Nhà Chung Hà Nội vốn đã nhan nhản trên các phương tiên truyền thông), thì đã sử dụng đến những phần tử, với cách hành xử rất côn đồ, bạo lực, mà chính quyền gọi là quần chúng tự phát, để tấn công, trấn áp giáo dân ở vùng Tam Tòa trước sự chứng kiến của các nhân viên an ninh. Người ta lập tức thấy ngay trò trơ trẽn, ném đá giấu tay của chính quyền khi trong số những nạn nhân bị bạo hành và bị chính quyền bắt giữ, chỉ tòan là những giáo dân, mà không có một ai khác trong số những “quần chúng tự phát” kia, dù những cuộc ẩu đả đã gây ra những xáo trộn về trật tự trị an, và thương tổn trầm trọng cho những nạn nhân.

 

Nói về thành phần “quần chúng tự phát “ này, người ta không quên vụ hành hung Anh Mỵ của công an tỉnh BÌNH DƯƠNG mà báo Tuổi trẻ đã đưa tin trong mấy ngày qua. Cũng là những “quần chúng” bức xúc vì muốn giúp đỡ công an (dù anh công an này mặc thường phục), đã cùng nhau hành hung Anh Mỵ. Và theo lời giải thích của người đại diện cơ quan an ninh tại đây, người ta thấy được dung mạo của những phần tử gọi là “quần chúng tự phát “ này.

 

Để giải thích, người ta có thể có hai giả thuyết : Một, đó là lực lượng đặc vụ, trà trộn vào trong đám đông để hành hung, cư xử theo kiểu “luật rừng” ; Hai, chính quyền cấu kết và sử dụng những băng đảng xã hội để hành xử bạo lực. Dù là với cách lý giải nào, người ta cũng thấy sự liên hệ hết sức mật thiết với chính quyền với những băng nhóm, phần tử xã hội đen. Sự liên hệ này, hoặc trong cách hành xử côn đồ, hoặc trong một dạng thỏa hiệp bảo kê hay cấu kết giữa chính quyền với những phần tử quá khích này. Người ta không thể không tự hỏi, nếu những quần chúng tự phát với lối hành xử xã hội đen này đã giúp đỡ công an trấn áp giáo dân, phải chăng vì có một hứa hẹn sẽ nhắm mắt làm ngơ cho những họat động của băng nhóm??? Thêm một bằng chứng mới đây mà báo Dân Trí đã báo động về sự liên hệ giữa viên chức chính quyền với băng nhóm xã hội đen , được xem như một phương thế để xử sự nhằm trấn áp người dân. Thật sự, đây là một bi kịch cho xã hội.

 

Vu khống và dối trá :

 

Từ lâu, đã xuất hiện một thành ngữ  :”nói dối như vẹm”. Chuyện man trá đã trở thành một căn bệnh trầm kha trong xã hội Việt Nam. Tiếc thay, nó là đựợc chọn như một phương thế chính trị trong cách hành xử rất căn bản và thông thường của chính quyền. Sự lạm dụng về cái gọi là “nghệ thuật tuyên truyền “ này của người cộng sản đã để lại một hậu quả nặng nề cho đất nước : người dân mất đi sự lương thiện, niềm tin trở thành một thứ di sản rất hiếm hoi đang đối diện trên bờ thẳm diệt chủng. Nói dối trở thành một phương thế chính trị và cả trong mặt quan hệ xã hội. Trong vụ Tam Tòa, người ta thấy rõ sự dối trá của chính quyền. Tuy nhiên, rất khác với những hiệu quả tuyên truyền của thời kỳ bưng bít thông tin, đóng cửa ngôn luận, thời đại thông tin hiện nay, người ta có thể thấy sự man trá của chính quyền. Trong các văn bản trả lời cho những văn thư của UBND tỉnh Quảng Bình, đại diện TGM Vinh đã mạnh dạn sử dụng từ ngữ đối kháng mạnh mẽ : Hòan tòan không đúng sự thật. Đó là ngôn ngữ ngọai giao, nhưng nội dung của nó, nếu diễn đạt trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường sẽ là : nói láo.

Đối với chính quyền, đã nói láo nhiều lần, thì thêm một lần cũng không sao. Tuy nhiên, như một căn nhà bị xói mòn bởi những lỗ hỏng của niềm tin, những sự trí trá chỉ làm cho người ta thấy rõ hơn bản chất của chính quyền cộng sản ở Việt Nam.

 

Chủ trương chia rẽ, xung khác tôn giáo :

 

Một trong những biện pháp nghiệp vụ của người cộng sản, là lợi dụng những mối xung đột để đạt hiệu quả chính trị. Trong quá khứ, họ đã thành công khi dựng nên những kẻ thù của dân tộc, để có chỗ “thóat hơi” cho những sự đè nén của người dân bị chèn ép, và vận dụng sự thù hằn này để chiếm lợi. Cả một quá trình cách mạng của người cộng sản là được xây dụng trên kỹ thuật này. Cứ đọc những hồi ký của các cựu đảng viên, thì người ta thấy được cả một hệ thống tuyên truyền để dựng nên những kẻ thù. Chính trị là vậy, và cộng sản là bậc thầy trong chiến thuật này.

Trong vụ Tam Tòa, cũng như những vụ tranh chấp có dính dáng đến tôn giáo truớc đây như vụ Tòa Khâm Sứ, người cộng sản không ngần ngại sử dụng những tổ chức tôn giáo “vệ tinh “ để khơi lên những mối xung đột tôn giáo. Hiệu quả có thể đến tức thời, khi mà lực lượng đối kháng phải mê chống đỡ với những tấn công tôn giáo, không còn nhiều thời gian để tập trung đối phó với chính quyền. Tuy nhiên, giống như một người đào một vực hào để ngăn cản sự tấn công, thì anh cũng có thể bị cô lập bởi chính những vực thẳm do chính anh tạo nên mà nhiều khi, để sang bằng hố sâu ấy, anh phải mất mát nhiều hơn, và đối mặt với những hậu quả nguy hiểm kéo dài sau này. Người ta chưa bao giờ quên rằng xung đột tôn giáo hay chủng tộc là những xung đột nguy hiểm và khó kết thúc.

Rõ ràng, gây nên một đám cháy, ngòai việc nhìn thấy những ánh sáng lập lòe làm vui mắt hay có một vài hiệu quả tạm thời, thì chính đám cháy đó, trong cơn cuồng lọan, có thể thiêu trụi bất kỳ một thành trì nào.

 

Sunday 9 August 2009

SIDA TINH THẦN

Theo định nghĩa, SIDA (Syndrome d'ImmunoDéficience Acquise  = Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) hay còn gọi bệnh liệt kháng là một hội chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng (ví dụ: lao, viêm phổi, nấm), mà người nhiễm HIV gặp phải do hệ miễn dịch của cơ thể bị tổn thương hoặc bị phá hủy nặng nề.  SIDA là giai đọan cuối của quá trình nhiễm HIV.

Nói một cách nôm na, căn bịnh SIDA làm cho hệ miễn dịch của cơ thể bị phá hủy, mất đi hòan tòan sức đề kháng, và chỉ cần một sự tấn công của mầm bệnh, dù hết sức nhỏ, cũng có khả năng tiêu hủy một cơ thể sống.  Sự nguy hiểm của căn bệnh chinh ở điểm này : cái chết trở thành một án lệnh khắc nghiệt lửng lơ trên cuộc đời.

Trong một cách nhin tương tự, người ta cũng có thể nói đến một chứng Sida tinh thần, khi mà người ta, vì một hòan cảnh nào đó, mất đi chính sức đê kháng của suy nghĩ.

Chúng ta đã trở nên sida trong chính suy tư của mình khi không còn khả năng đặt lại những câu hỏi mà đúng ra, một người bình thường cần phải có và cần phải tìm câu trả lời. Trước những sự kiện đang diễn ra từng ngày trong cuộc sống xã hội, khi mà những hậu quả của nó đang ảnh hưởng lên cuộc sống hiện tại và tương lai, thì rất nhiều, rất nhiều những mầm sida tinh thần cũng nảy sinh cùng lúc khi mà người ta đã mất đi khả năng để suy nghĩ, để phản biện.

Khi tôi không đặt vấn đề tại sao dân tộc tôi phải chọn lựa một cuộc sống theo định hướng XHCN, khi mà cũng là người, nhưng những quốc gia dânc hủ khác, người dân có cuộc sống sung túc và đầy đủ những quyền lợi căn bản của con người ? Lúc ấy, có thể tôi bị sida tinh thần.

Khi tôi không hiểu tại sao lúc nào, chính phủ của nước tôi, một quốc gia cộng sản, mà theo sự tuyên truyền là đích đến của lòai người, là tất yếu của lịch sử, và người dân được Đảng, là đỉnh cao trí tuệ của nhân lọai, lãnh đạo, mà lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi vì những thế lực phản động, lo ngại diễn tiến hòa bình, dân chủ … Tất cả những nỗi lo sợ ấy của chính phủ, phải chăng không phản ánh một sự hụt hẫng trong hệ thống lý luận chính trị ?

Khi tôi không đặt vấn đề vì sao chính phủ dùng hệ thống công an để đàn áp những người đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự và phổ biến, phải chăng nó không phản ánh một nền cai trị độc tài và chuyên chế ?

Khi tôi không đặt vấn đề về độ chính xác của những thông tin mà hệ thống tuyên truyền của chính phủ luôn vận dụng hết công sức : từ báo chí, truyền thanh, cho đến những hệ thống chính trị « dân vận » (những tổ chức vệ tinh của chính quyền). Tất cả có làm cho tôi đặt vấn đề vì sao họ đồng thanh ca một bài hát ? Hoặc đó là cả một sự thật tuyệt vời, hay là cả một hệ thống bị áp đặt phải hát chung một bài đồng ca ?

Còn nhiều, và rất nhiều điều tôi cần phải luôn tự hỏi để tránh cho mầm sida tinh thần xâm nhập vào trí óc của mình.

Cũng như căn bệnh Sida thể lý, có những phương thức lây truyền khác nhau, căn bệnh sida tinh thần cũng có thể đến từ nhiều nguyên nhân.

Có sự sida tinh thần khi tôi tự đặt mình vào vị thế người bàng quan, chỉ đứng nhìn và không cần suy nghĩ vì ít là cho rằng những biến cố kia chưa ảnh hưởng trực tiếp lên sinh họat và sinh mạng của tôi, của gia đình tôi. Những công nhân phải oằn mình lao động nơi xứ người, bị bóc lột tận xương tủy, những ngư dân bị giết hại và bắt giữ, những cô gái phải chọn lựa con đường bán thân nuôi miệng .v.v., đó là những người ở thật xa trong suy nghĩ của tôi, vì vậy, tôi không cần phải bận tâm và  suy nghĩ.

Cũng như căn bệnh sida, có thể đưa đến cái chết cho cơ thể, chứng sida tinh thần cũng làm cho một cơ thể dù sống, nhưng trong trái tim, trong khối óc, đã không còn khả năng cảm nhận, suy nghĩ. Lúc đó, sự sống chỉ đơn thuần là sự hiện diện của một cơ thể sinh học không hơn không kém.

Căn bịnh sida thể lý thì nguy hiểm và người ta thấy rõ mức độ nguy hiểm của nó. Căn bịnh sida tinh thần thì cứ bàng bạc, khi ẩn khi hiện, và người ta khó nhận ra nguy cơ của nó, có lẽ vì vậy, mà nạn nhân của chứng sida tinh thần cứ mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân.