Thursday 22 December 2011

" VÌ SAO "

Rõ ràng là nhà cầm quyền Hà Nội đã biết những bức xúc của dân chúng trước vụ việc tàu Trung Quốc tiến vào lãnh hải của Việt Nam và khiêu khích, cắt cáp của các tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Chính sự kiện này là ngòi nổ cho các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Sài gòn trong những ngày tháng hè vừa qua. Dù bị chính quyền đàn áp và nhũng nhiễu dưới chiêu bài “vận động ngoại giao” để “giữ sự hòa hiếu trong tương quan ngoại giao” giữa hai nước cộng sản, nhưng điều đó cũng không thể chối cãi một thực tế : tâm lý bài  Trung Quốc và cảnh giác với tình trạng bắc thuộc vốn đã có bề dày trong 1000 năm lịch sử của người Việt Nam là một điều rất thực. Chẳng lạ gì mà hàng loạt những thăm viếng ngoại giao cùng với những hứa hẹn của những nhân vật cao cấp trong Bộ Chính Trị Việt Nam chỉ quanh một ý tưởng : “cam kết kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”.

Cũng khó có thể phủ nhận rằng hệ thống phản gián của Việt Nam không thể không biết những nguồn tin ngoại giao được tiết lộ từ Wikileaks về cuộc họp tại Thành Đô vào thập niên 1990 của “ông Nguyễn Văn Linh Tổng BT Đảng CSVN, ông Đỗ Mười Chủ tịch HĐBT đại diện cho phía Việt nam và ông Giang Trạch Dân Tổng BT và ông Lý Bằng Thủ tướng Chính phủ đại diện cho phía Trung quốc”, trong đó có thỏa thuận hai Đảng dàn xếp để Việt Nam trở thành một Khu tự trị trực thuộc chính quyền Trung Ương Bắc Kinh, Trung Quốc. Thông tin này đã âm ỉ loan truyền trên truyền thông mạng. Dù chưa biết mức độ chính xác của thông tin ấy đến đâu, nhưng nỗi lo lắng về một cuộc bắt tay giữa hai Đảng cộng sản giống như một bong ma đang lửng lờ hiện diện trong sân khấu chính trị Việt Nam, và nó càng rõ ràng hơn cùng với những nhượng bộ mỗi ngày một gia tăng trong các hiệp định song phương giữa chính quyền Việt Nam và Trung quốc. Trong số này có thể nói đến hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ 2000, hiệp định phân định đường biên giới Việt Trung 2009 mà theo đánh giá của các nhà nghiên cứu đáng tin cậy, Việt Nam đã để mất một phần tư vịnh Bắc Bộ và một số địa danh như thác Bản Giốc, ải Nam Quan, bãi Tục Lãm, vùng cửa Ba Lạt, khu vực Hà Tĩnh, một số điểm cao chiến lược mà Trung quốc chiếm giữ từ cuộc chiến 1979.

Việc gia tăng số công nhân người Trung Quốc trong các dự án công nghiệp trọng điểm mà những cuộc đấu thầu có tính cách mập mờ giữa viên chức các Bộ, hay cơ quan hành chính các tỉnh, mà kết quả cuối cùng là việc trúng thầu của các cơ quan công nghiệp Trung Quốc là bàn đạp cho các chiến lược từng bước đưa người Trung Quốc vào Việt nam. Bên cạnh đó, dự án tai tiếng  và gây nhiều tranh luận về khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương và là cột sống của Việt Nam, đã được khẳng định như là “chủ trương của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam” : một chủ trương để người Trung Quốc nắm giữ vị trí chiến lược quân sự này. Nói về điều này, hẳn người ta chưa quên, cuộc chiến 1975 đã được bắt đầu bằng việc tiến chiếm miền Cao nguyên, làm bàn đạp cho cuộc tấn công Sàigòn.

Mới đây, đầu năm 2011, dân chúng ngạc nhiên khi thấy các ấn phẩm về luật pháp của Việt Nam được tung ra thị trường dưới dạng song ngữ Trung – Việt. Có người đã lo lắng đầy thận trọng khi đặt câu hỏi phải chăng đây là sự chuẩn bị cho một sự vận hành pháp lý bằng Trung ngữ ? Nếu lấy lý do sách song ngữ để dễ dàng cho các giao dịch thương mại, thường người ta vẫn chọn Anh ngữ như một ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Mới đây, hệ thống rút tiền ATM ở Sàigòn đã được cài thêm tiếng Trung Quốc bên cạnh hai ngôn ngữ đã được sử dụng là Việt ngữ và Anh ngữ.

Cụm từ “Hoàng Sa-Trường Sa” đã trở thành nhậy cảm đến độ người dân có thể bị bắt nếu nói đến hai chữ này. Khi tiến hành động thái này, chính quyền Việt Nam muốn người dân quên đi một phần lãnh thổ đang bị chiếm giữ bởi Trung Quốc.

Tất cả những hiện tượng này phản ánh một thực thể rất quan trọng : mối quan hệ với Trung Quốc rất nhậy cảm, và nó ẩn chứa những bí mật đang được trao đổi giữa hai Đảng Cộng Sản láng giềng.

Tuy vậy, con bài cuối cùng cũng đã được lộ ra.

Trước đây đã xuất hiện đâu đó một dạng lá cờ mới của Trung Hoa. Khác với quốc kỳ chính thức gồm 5 ngôi sao vàng trên nền đỏ, trong đó có 4 vì sao chung quanh một sao lớn đại  diện cho 5 dân tộc Trung quốc (Đại Hán, và 4 tộc Hồi, Mông, Tạng, Mãn), lá cờ mới có 5 sao con quay quanh sao lớn được đánh giá như tiến trình đưa tộc Việt vào đại gia đình Đại Hán.

Trong một bản tin thời sự của VTV ngày 14/10/2011, đã xuất hiện cờ 6 sao. Khi bị phát hiện, VTV lén lút rút video clip này xuống.

Khi đón Tập Cận Bình mới đây, giới chức Cộng sản Việt Nam chính thức cho các thiếu nhi cầm cờ mới của Trung Quốc gồm 6 sao trong đội chào mừng đón tiếp.

 

Như vậy,

·        Biết dân chúng rất bức xúc với chuyện bắc thuộc mới,

·        Biết chuyện chính trị gắn với Trung Quốc đang là vấn đề nhậy cảm và quan tâm của dư luận, cũng như những người yêu nước Việt nam, trong đó phải kể đến những đảng viên trung kiên và có tình dân tộc,

·        Biết những đồn đoán về chuyện thông đồng với Trung Quốc chấp nhận làm chư hầu,

·        Biết nghi vấn về tính chính trực và chính nghĩa của những hành vi đàn áp những người chống gây hấn của Trung Quốc đang rất lớn trong dân,

·        Nhưng chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn thách thức lương tâm và tình cảm yêu nước của người dân Việt, khi cố tình đưa lá cờ đầy khiêu khích bằng việc thêm một vì sao vào.

Thêm một “sao” vào lá cờ Trung Cộng, và để lại triệu triệu câu hỏi “vì sao” nơi con tim của 90 triệu dân Việt.

 

Thursday 15 December 2011

"PHẢN ĐỘNG" NGUYỄN ÁI QUỐC VIẾT "BẢN ÁN CHẾ ĐỘ..."

Đọc trên trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thấy tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" một tác phẩm chính luận của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh)  bằng pháp ngữ, ấn bản năm 1925-1926 trên tờ báo của Quốc tế cộng sản có tên là  Imprékor. Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục xoay quanh nội dung tố cáo tội ác khốc liệt của thực dân Pháp trên các vùng thuộc địa trong đó có Việt Nam.

Dĩ nhiên là những tố cáo này phơi bày những thủ đoạn tàn khốc của chủ nghĩa thực dân vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, tính thời sự của tác phẩm không hề dừng lại ở một quá khứ tởm lợm của lịch sử nhân loại đã qua, nhưng nó có hình hài trong thế kỷ XXI này tại một quốc gia cộng sản vốn tự phong là "dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản".

Quý vị đừng vội đánh giá nhận định của HMT là cực đoan. HMT xin trích dịch một chương trong tác phẩm này nguyên văn trích dẫn bằng font chữ màu xanh,  với những so sánh với font chữ màu đỏ, cùng những trích dẫn báo chí truyền thông (màu vàng). Quý Vị hãy đọc, và câu trả lời xin dành cho chính Quý Vị :

 

Nguyn Ái Quc

Bản án chế độ thực dân Pháp

CHƯƠNG IX

CHÍNH SÁCH NGU DÂN

Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để.

 

Cho nên, theo sắc lệnh năm 1898, báo chí bản xứ phải chịu kiểm duyệt trước khi in.

Sắc lệnh đó viết: "Việc lưu hành báo chí bất cứ bằng thứ tiếng gì, đều có thể bị cấm do nghị định của quan toàn quyền.  (ở Việt Nam, không có báo chí tư nhân: điều này được ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ 4T xác nhận)

 

"Báo tiếng Việt không được xuất bản, nếu không được phép của quan toàn quyền. Giấy phép chỉ cấp với điều kiện là các bài báo phải được quan thống đốc duyệt trước. Giấy phép ấy có thể rút lúc nào cũng được. (Giống như bài báo đăng lên rồi rút xuống, điều này xin phép không có trích dẫn vì nếu trích dẫn hết thì không đủ trang báo để chứa vì quá nhiều)

 

"Mọi cuộc trưng bày hoặc phổ biến những bài hát, biếm hoạ hoặc tranh ảnh làm thương tổn đến sự tôn kính đối với các nhà cầm quyền đều bị trừng trị".  (Bố đứa nào đám đụng đến Bác, đến Đảng, đến Trung Quốc quan thầy. Dân chưa quên chuyện Blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt khi đụng đến tướng công an Toàn.)

 

Đấy, bạn thấy bà kiểm duyệt ở thuộc địa cầm kéo khéo đến mức nào!

Với biện pháp đó, chính quyền Đông Dương có thể ỉm được tất cả mọi vụ nhơ nhớp và tha hồ mà lạm quyền. (Giống giờ quá)

 

Trong một cuộc bầu cử hội đồng thành phố Sài Gòn, viên thống đốc cấm ba ông chủ nhiệm báo tiếng Việt không được đăng lên báo của họ bản sắc lệnh quy định thể lệ bầu cử hội đồng thành phố ở Nam Kỳ. Họ là ứng cử viên, thế mà báo của họ bị cấm tuyệt không được đăng một cái gì dính dáng, dù xa hay gần, đến chương trình của họ! Vì người An Nam không có quyền hội họp quá số 20 người, nên ứng cử viên phải gặp 3.000 cử tri lần lượt từng người một. (Hồi xưa không cho hội họp quá 20 người, giờ nghị định cấm tụ tập trên 5 người, trên số này phải xin phép, mà xin chưa chắc được cho). Cũng trong lúc ấy, ông thống đốc còn thông tri cho các tờ báo tiếng Việt khác biết là sở kiểm duyệt sẽ thẳng tay cắt những bài báo, cột báo, đầu đề hoặc bất cứ một lời bóng gió nào nói đến các cuộc bầu cử thuộc địa hoặc thành phố. Một tờ báo tiếng Việt dịch đăng đạo luật nói về việc trừng trị những hành động hối lộ trong bầu cử, bài ấy đã bị cắt. Trong lúc đó thì quan thống đốc trắng trợn cho đòi những người đứng đầu các tập đoàn cử tri đến văn phòng và truyền cho họ phải bỏ phiếu và cổ động bỏ phiếu cho danh sách được ngài có cảm tình nhất (Giống cái thông báo về "quán triệt trúng cử" của trường đại học Vinh)
.....

Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng. Mỗi năm, vào kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, chạy chọt mọi nơi thần thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú, nhưng vẫn không tìm được chỗ cho con học. Và hàng ngàn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường. (Mỗi năm lo chạy trường toát mồ hôi… Không cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục, trừ một vài trường mẫu giáo, số trẻ em bỏ học vì nghèo đói tăng nhanh, báo Dân Trí, cả nước có 86.000 em bỏ học)

 

Tôi còn nhớ một người anh em họ tôi muốn được vào một trong những "thiên đàng trường học" kia, đã phải chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan khâm sứ, cho quan công sứ, cho quan đốc trường quốc học và quan đốc trường tiểu học. Tất nhiên, chẳng ai thèm trả lời anh. Một hôm, anh đánh bạo mang đơn đến xin quan đốc, một người Pháp, phụ trách cái trường mà tôi đã được đặc ân vào học trước đó ít lâu.

"Quan đốc" thấy anh cả gan như thế, nổi khùng quát tháo: "Ai cho phép mày đến đây?" rồi xé vụn lá đơn trước những cặp mắt ngơ ngác của cả lớp học.

 

Người ta bảo ngân sách không cho phép chính phủ mở trường mới. Không hẳn thế đâu. Trong số 12 triệu đồng của ngân sách Nam Kỳ, thì l0 triệu đã tìm đường chui sâu vào túi các ngài viên chức rồi. (nạn tham nhũng hiện giờ ở Việt nam còn ghê gớm hơn, trở thành quốc nạn, thậm chí đến cả dân nghèo đói, tiền cứu trợ còn bị ăn chặn, xà xẻo...)

 

Ngoài ra, chính phủ thuộc địa lại tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho thanh niên An Nam sang du học bên Pháp, vì sợ nhiễm phải chủ nghĩa cộng sản. Điều 500 (bis) trong nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1921 về học chính ở Đông Dương quy định:

 

"Người bản xứ nào, vô luận là dân thuộc địa Pháp hoặc dân do Pháp bảo hộ muốn sang chính quốc du học đều phải được quan toàn quyền cho phép. Quan toàn quyền sẽ quyết định, sau khi hỏi ý kiến quan thủ hiến kỳ và quan giám đốc nha học chính.

 

"Trước khi lên đường, người đó phải đến nha học chính xin một quyển học bạ có dán ảnh và ghi rõ căn cước lý lịch của mình, địa chỉ cha mẹ, những trường đã học, những học bổng hoặc trợ cấp đã hưởng, những bằng cấp đã có, và địa chỉ của người bảo lãnh tại Pháp. Học bạ ấy phải được quan toàn quyền chứng thực.

"Hồ sơ của người bản xứ theo học bên Pháp phải lưu trữ tại nha học chính". (Cái này không khác gì bên Công An làm hết.)

"Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.

Báo L' Humanité đã thuật lại việc kiểm duyệt thư tín vẫn còn tiến hành nghiêm ngặt như thế nào ở Mađagátxca khi cuộc chiến tranh vì công lý đã kết thúc bốn năm rồi.

 

Đông Dương cũng vậy, chẳng có gì đáng phân bì với Mađagátxca cả.

 

Chúng tôi đã nêu lên trường hợp tờ báo Le Paria.

 

Như là tình cờ xui nên, việc lạm quyền ấy xảy ra đúng lúc ông thống đốc gian lận Bôđoanh đến Sài Gòn, cùng với người phụ tá xuất sắc của ông là con rể ông Anbe Xarô đồng thời là trùm mật thám.

 

Mặt khác, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục chặn lại và lục soát thư tín của tư nhân. (các blogger bị hacker, bị lấy cắp mật khẩu bởi Sinh Tử Lệnh, tướng CA Vũ Hải Triều khoe đánh sập mấy trăm trang mạng…)


Trong khi người ta tàn sát người bản xứ, cướp đoạt tài sản của họ một cách ngang nhiên, không hề bị trừng trị, thì ngay đến cả cái quyền sơ đẳng là viết thư cho nhau họ cũng không được hưởng! Sự vi phạm quyền tự do cá nhân ấy lại ghi thêm một thành tích cho cái chế độ lạm quyền, cái chế độ mật thám bỉ ổi đương hoành hành ở các thuộc địa.

 

                                            *

                                           * *

Chính phủ Đông Dương tổ chức phá hoại tờ báo Le Paria; Chính phủ Tây Phi thuộc Pháp cấm nhập các báo của người da đen châu Mỹ; Chính phủ Tuynidi trục xuất chủ nhiệm tờ L'Avenir social, ông Liôtây đuổi chủ nhiệm tờ La Guêpe Marocaine ra khỏi Marốc. (Người ta chỉ cho nhà báo một giờ để thu xếp hành lý).

                                           *

                                          * *

Giữa lúc khai mạc hội chợ Hà Nội, và trong khi ông Bôđoanh, quyền toàn quyền Đông Dương, đang đi thăm các gian hàng, thì bọn cảnh binh xông vào một gian nọ tịch thu các tập tranh biếm hoạ do báo L’Argus Indochinois trưng bày, vì tờ báo này có những lối phê bình và châm biếm không hợp khẩu vị của những nhà đương quyền. (Giờ thì chỉ cầm biểu ngữ "Hoàng Sa-TRường Sa của VN" còn bị bắt, huống gì nói tranh…)

Ông Clêmăngti, chủ nhiệm tờ báo, đã bị bắt và tống giam

 (hết trích)

Lời bàn :

Những tố cáo của Nguyễn Ái Quốc vào đầu thế kỷ XX về tội trạng của chế độ thực dân cho thấy dù đã qua gần 100 năm, người Việt Nam thực sự vẫn chưa bao giờ có một "tự do thực sự"...

Thương, rất đáng thương...

 

Monday 12 December 2011

EM VÀ TÔI!

Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy một khu phố yên bình, mọi người sống hiền hòa ; sáng đọc báo, thấy đưa tin những vụ xung đột chém giết, lý do chỉ là không hài lòng một ánh mắt nhìn...

Tôi vẽ lên khung hình những trẻ em vui đùa hồn nhiên, những ánh mắt trong veo như thiên thần; bạn tôi quẹt lên bức tranh ấy bằng những vệt khói mờ, rồi phủ lên bằng những đứa trẻ đang lang thang kiếm sống ngoài phố...

Tôi nói với em trong lớp học về một xã hội công bằng và lương thiện ; mai em vào lớp ánh mắt đầy ngờ vực, trong mắt ẩn chứa những dấu hỏi rất lạ lùng : cái khoảng cách giàu nghèo ngoài xã hội kia làm lu mờ những chuẩn mực về liêm khiết.

Tôi hát với các em bài ca về những tấm lòng yêu nước ; sáng hôm sau, thanh âm vọng lại là những tiếng não nề, ẩn chứa những giọt nước mắt nghẹn ngào của bạn tôi khi thét lên những tiếng Hoàng Sa - Trường Sa trong vòng vây của những người vô cảm.

Tôi quét lá thành một con đường mòn đơn giản, và bảo rằng em hãy tự tin bước vào đời ; em lắc đầu, vì giữa những mù khơi, chẳng thấy có lối nào gọi tên là lý tưởng!

Tôi nói với em về giá trị vĩnh cửu của tình yêu thương; em nghe thích thú rồi ngày mai quên mất; Tôi thất vọng, nhưng có điều tôi không hề biết; những bài học trong sách giáo khoa là đấu tranh giai cấp, hận thù...

Tôi vẫn sẽ nói;
em vẫn sẽ đi trong một cuộc đời có quá nhiều những phản chứng...

Vì tôi tin, một ngày, mọi người sẽ cùng nói một tiếng nói chung, và em, em sẽ là người nói mạnh mẽ nhất.

Vì em chính là số mệnh, em chính là tương lai.



Sunday 11 December 2011

CHẾT VÌ MUỐN SẠCH !

Bài viết này được trích đăng ở trang Tin tức hàng ngày. Đây là số phận của những người  nhiệt huyết muốn làm trong sạch bộ máy nhà nước. Vậy là ngoài danh sách quá dài của Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng .v.v., có thểm Hoàng Khương. Liệu người ta có dám chống lại những vụ tham nhũng như quyết tâm của chính phủ khi mà số phận họ không có một con đường khác?!

-

Tuần qua, bản tin nhỏ trên Tuổi Trẻ đã làm rúng động nhiều đồng nghiệp trong cả nước; nhưng thật ra – nếu ai biết về Hoàng Khương có lẽ không cần phải giật mình. Nhiều bạn bè, lúc trà dư tửu hậu hay nửa đùa nửa thật rằng: “Ra đường bị CSGT thổi, chỉ cần nói bạn của Hoàng Khương là mấy ổng thả đi à!”.

Để khách quan, xin trích dẫn lời của một nhà báo về v/v Hoàng Khương: “Chúng tôi là đồng nghiệp với nhau nên biết rất rõ chuyện này. Đúng như anh em đã cảnh báo, Hoàng Khương trước sau gì cũng sẽ bị chơi lại. Bạn đọc Tuổi Trẻ trong cả nước đều biết Hoàng Khương là một phóng viên bản lĩnh; các bài báo của anh đã thể hiện sự dũng cảm của người cầm bút, không nao núng và khoan nhượng trước bạo quyền, nhũng nhiễu.

.

 

Chính nhờ những phóng viên như Hoàng Khương mà Tuổi Trẻ đã tạo được niềm tin nơi độc giả trong thời gian gần đây khi đang có manh nha chạy theo xu hướng lá cải hóa. Theo thống kê của chúng tôi, những bài viết của Hoàng Khương từ trước tới nay đã làm bay chức khoảng 50 cán bộ công an. Ngành CA luôn có động thái biểu dương, khen ngợi Hoàng Khương cho những phóng sự – điều tra của anh; nhưng bằng mặt liệu có bằng lòng? Qua vụ việc Hoàng Khương, dám chắc sẽ không còn một nhà báo nào dám đụng đến công an …”

.

13g30 ngày 24-7,thiếu tá CSGT đi xe tuần tra 38A3456 đang chặn xe “làm luật” tại Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh – Ảnh: H.K.

 

Thực chất của việc này là gì?

Trong khi tác nghiệp điều tra vụ “Công an Bình thạnh nhận hối lộ”:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/444972/Xu-ly-tai-nan-giao-thong—Ky-1-Co-y-lam-sai-quy-trinh.html

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/445115/Dong-tien-xoa-sach-ho-so.html

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/445946/Canh-sat-giao-thong-giai-cuu-xe-dua-trai-phep.html

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/465783/Khoi-to-nguyen-canh-sat-giao-thong-nhan-hoi-lo.html

… Hoàng Khương đã thông qua một tay cò đưa tiền hối lộ cho CSGT để lấy bằng chứng xác thực/ chụp hình ảnh, do đó anh chính là người có mặt tại hiện trường; và hình ảnh này đã được đăng tải trên trang nhất báo Tuổi Trẻ khi xuất bản bài viết.

Ngày 18-11, Cơ quan cảnh sát điều tra CA TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt tạm giam Huỳnh Minh Đức – nguyên cán bộ CSGT thuộc Công an Q.Bình Thạnh – về hành vi nhận hối lộ.

Và, Hoàng Khương sau bản tin thông báo một cách lạnh lùng của Tuổi Trẻ sẽ là chuyện gì khi vụ này trở thành án điểm…!!!???

P/s: những điều tra ồn ào gần đây của Hoàng Khương:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/454423/Nhuc-nhoi-nan-mai-lo-Ghe-hon-cuop-can.html

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/454663/Nhuc-nhoi-nan-mai-lo–%20Tra-gia-“chung-chi”.html

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/454679/Mai-lo-trang-tron-day-dac-tren-duong.html

http://tuoitre.vn/Ban-doc/455177/3000-y-kien-ban-docngay.html

+ Đọc thêm về những phóng sự điều tra của Hoàng Khương:

http://hoangkhuong.com/

Saturday 10 December 2011

BẮT NGƯỜI BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC, CHÍNH QUYỀN ĐƯỢC VÀ MẤT GÌ ?

Cuối cùng thì những lời đồn đoán về tình trạng hiện tại của chị Bùi Hằng cũng đã có câu trả lời chính thức từ phía nhà cầm quyền Hà Nội, nhưng sự thật này lại gây sốc không kém những cuộc bắt bớ hết sức vô lý đã xảy ra : tập trung cưỡng bức vào trại giam không cần thông qua một tòa án. Nó làm người ta nhớ đến những kiểu tập trung cải tạo sau khi quân đội cộng sản chiếm đóng Sài gòn vào năm 1975, nó cũng gợi lại hình ảnh của những cuộc bắt bớ dưới thời Sô Viết của nước Nga cộng sản, và bóng ma trong những thể chế độc tài ở vùng Châu Mỹ Latinh với những vụ mất tích đầy bí ẩn những thập niên 1970 đã trở lại. Nhưng điều làm người ta bàng hoàng nhất là tình trạng tồi tệ  này đang xảy ra ở một đất nước “dân chủ vạn lần dân chủ tư sản”,  nơi mà các lãnh đạo hót không ngừng nghỉ một bài ca có tên gọi là xây dựng nhà nước pháp quyền.

Chuỗi hành động này xảy ra trong thời điểm  khi mà sự truyền tin nhanh đến chóng mặt có thể chuyển tải trong nháy mắt đến toàn thế giới những chuyện xảy ra ở nửa bán cầu . Đàng khác, vấn đề nhân quyền, dân chủ là những đề tài rất thời sự, luôn được đề cập như những tiêu chuẩn của một xã hội văn minh và như những điều kiện cho sự cộng tác hay đánh giá vị trí của các quốc gia trong trường quốc tế, thì những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam như một thách thức ngạo ngược của bạo quyền trước lương tâm nhân loại và thời đại.

Nói như nhà khoa học Ngô Bảo Châu, muốn làm xấu mặt chính quyền Việt Nam thì không cần phải làm gì hơn. Điều này cũng có nghĩa là  nhà cầm quyền Việt Nam đang tự rạch lên mặt của mình để xuất hiện với bạn bè thế giới bằng bộ mặt của một tên côn đồ hằn vết sẹo. Tất cả tin tức về những cuộc bắt bớ vi hiến và bất hợp pháp đều xuất hiện trên những mạng truyền thong quốc tế. Điều này sẽ để lại điều gì nếu không ngoài sự nghi ngờ về những cam kết cải tạo nhân quyền, về khả năng cộng tác của chính quyền Việt Nam trước những bạn bè quốc tế.  Không lạ gì mà quốc tế luôn nhìn Việt Nam dưới con mắt dè dặt và sự nghi ngờ vào thiện chí của chính quyền Việt Nam này không dễ gì xóa bỏ một sớm một chiều trong suy nghĩ của họ.

Trở lại trường hợp của chị Bùi Hằng, dù trong thư thông báo cho gia đình không nói đến lý bị cưỡng bức cải tạo là gì, nhưng mọi người đều biết là do sự tham gia tích cực của chị trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bày tỏ sự đồng tình cuộc biểu tình ủng hộ luật biểu tình. Điều này nói lên nỗi sợ hãi thực sự của chính quyền vào những cuộc tụ họp của nhân dân, và mặt khác, nói lên sự tráo trở của chính quyền cộng sản. Không ai có thể ngây thơ tin vào những gì giới cầm quyền cộng sản nói, với những phản ứng của họ. Điều này cũng gói ghém một thông điệp : sẽ không bao giờ có chuyện đối thoại hay lắng nghe tiếng nói của người dân đối với chính quyền Việt Nam. Thiết nghĩ không có bằng chứng hùng hồn nào để chứng minh sự độc tài cai trị của Đảng cộng sản bằng việc bắt giữ những người yêu nước.

Việc bắt giữ người không cần phải xét xử và đặc biệt đối xử với những người bày tỏ ôn hòa tình yêu nước, yêu chuộng công lý và sự thật đã lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền. Họ quyết tâm bảo vệ sự độc tài cai trị và nhất nhất thực hiện quyết tâm này bất chấp mọi thủ đoạn. Điều mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn đó là mãi mãi cai trị người dân, dù cho tương lai và vận hội của dân tộc có như thế nào, điều ấy không quan trọng bằng sự vững vàng cai trị của Đảng cộng sản. Những câu khẩu hiệu “vì nhân dân”, “chính quyền nhân dân” chỉ là những khẩu hiệu dối lừa không hơn không kém.

Nhất thời, sự đàn áp mạnh bạo, bất chấp luật lệ của nhà cầm quyền Việt Nam có thể làm nao núng những khát vọng dân chủ đang được nhen nhóm trong nhân dân. Tuy nhiên, nó cũng có thể  làm cho những người thiện chí có thêm sự khôn ngoan khi đối phó với chính quyền. Nó cũng là dịp để những người thao thức với vận mệnh dân tộc gắn kết thêm với nhau trong cách thức mới kín đáo hơn, chuẩn bị nhiều hơn cho những bước tiếp theo. Nhưng điều mà chính quyền cộng sản không bao giờ ngờ tới, và nó cũng chính là sự công phá mạnh mẽ nhất, đó là niềm tin vào tính chính thống của họ đã lung lay ngay tận trong những kết cấu Đảng viên của Đảng. Những vết nứt không thể hàn gắn khi chính những đảng viên tâm huyết nhận ra họ đang trở thành con rối trong màn kịch dã tâm của những kẻ mị dân. Không ai có thể bảo đảm sự vũng bền của một tòa nhà đã mục ruỗng từ bên trong. Điều này đã được kiểm chứng trong lịch sử khi khối cộng sản Đông Âu tan vỡ. Không ai có thể vung tay che lấy mặt trời.

 

 

Sunday 4 December 2011

KHÓ CÓ THỂ LÀM BẠN VỚI SỰ DỐI TRÁ!

LTS : Đây là bài viết trên BBC.  Từ lâu nay, các bài viết của BBC vẫn bị đánh giá là có sự thiên lệch trong việc đưa tin. Nhưng trước những sự kiện đang diễn ra tại Thái Hà, BBC đã có một bài viết rất nhiều thâm ý. Cách đặt vấn đề, cách sử dụng những từ ngữ, các dấu nhấn .v.v. cho thấy cái nhìn khá mỉa mai về cách hành xử của chính quyền Hà Nội. "Vuốt mặt phải nể mũi", điều này đúng với BBC khi dù có ý muốn đua những thông tin thiên lệch, họ cũng phải nể cái mũi "sự thật", nghĩa là họ không thế không nói điều cảm nhận trước những sự dối trá của hệ thống tuyên truyền Việt Nam. HMT


Một ngày sau khi giáo dân Giáo xứ Thái Hà xuống đường biểu tình đòi đất lần thứ hai quanh Hồ Gươm, báo chí Hà Nội đã đồng loạt đăng bài đả kích.

Hai tờ báo chủ chốt của chính quyền thành phố Hà Nội là Hà Nội mới và An ninh thủ đô cùng có bài bình luận tấn công Giáo xứ Thái Hà hôm thứ Bảy ngày 3/12 với Hà Nội mới nói các giáo sỹ Thái Hà 'lộ rõ tim đen' khi 'kích động' giáo dân 'gây rối'.

Hai bài báo này đều dẫn ý kiến một số ‘người dân’ thủ đô bất bình và phẫn nộ trước hành động đòi đất và biểu tình của Giáo xứ Thái Hà.

Cả hai bài bình luận đều ký tên ‘Nhóm PV’ và không nêu tên tác giả cụ thể.

Hai bài báo đều có những lập luận giống nhau: các cuộc biểu tình và đòi đất đều do các linh mục cố tình kích động; các cuộc biểu tình gây mất trật tự công cộng và làm xấu hình ảnh Hà Nội; các lực lượng chức năng đã hết sức kiềm chế và kiên trì phân giải để thuyết phục người biểu tình.

‘Tạo cớ chống phá’

Cả báo Hà Nội mới và An ninh thủ đô đều cáo buộc mục đích của Giáo xứ Thái Hà trong việc đòi đất là để tạo cớ cho các lực lượng ‘phản động’ chống phá Nhà nước và kích động gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Bài bình luận trên báo Hà Nội mới có tiêu đề ‘Lộ rõ tim đen’, trong khi báo An ninh thủ đô chạy tít ‘Lộ rõ chiêu bài kích động gây rối của các giáo sỹ Thái Hà’.

“Tại sao thay vì rao giảng kinh thánh, giáo lý, các linh mục ở đây lại thường xuyên nói xấu chính quyền, kích động giáo dân chống đối?” Hà Nội mới dẫn lời ‘bày tỏ bất bình’ của ‘những người dân khu vực xung quanh Nhà thờ Thái Hà’.

“Sự việc này một lần nữa làm bộc lộ rõ tim đen của những kẻ mặc áo thầy tu nấp đằng sau chiêu bài đòi đất,” Hà Nội mới nhận định.

"Phải chăng những thế lực thù địch bên ngoài chỉ chờ cơ hội để gây ra một sự cố nào đó, rồi lấy cớ vu khống, tạo cơ hội cho những hành động can thiệp, lật đổ?"

Hà Nội Mới

Điểm lại ‘chuỗi những hành vi cố tình vi phạm pháp luật’của Giáo xứ Thái Hà, trong đó có các cuộc ‘tụ tập’ vào các ngày 27/10, 18/11 và 23/11, báo Hà Nội mới nhận định rằng hành động của giáo xứ là ‘mang tính hệ thống’.

“Như thể có sự sắp đặt, trên các trang mạng phản động, liên tục đăng các bài viết vu cáo chính quyền chiếm tu viện, phản đối xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa,” Hà Nội mới viết.

Tờ báo này cũng phản bác yêu sách đòi đất tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa mà Giáo xứ Thái Hà tố cáo là chính quyền ‘mượn’ của Dòng Chúa cứu thế rồi chiếm đoạt luôn bằng cách dẫn công văn của Ủy ban nhân dân Hà Nội ngày 23/11 trả lời kiến nghị của Tổng Giám mục Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn.

“Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất,” bài báo dẫn lời công văn trả lời của Ủy ban thành phố Hà Nội.

Theo Hà Nội mới thì cách giải quyết của thành phố Hà Nội hoàn toàn dựa vào các quy định của Luật Đất đai, nghị định của chính phủ và nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, ‘Nhà nước không xem xét lại’ các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất được ban hành trước ngày 1/7 năm 1991.

Bài báo dẫn lại quan điểm của Ủy ban thành phố Hà Nội là nếu Giáo xứ Thái Hà cần đất thì phải có đơn xin và lập dự án cụ thể gửi chính quyền xem xét giải quyết.

“Cách giải quyết trên cơ sở luật pháp, có tình, có lý như vậy…ấy vậy mà… các linh mục Nhà thờ Thái Hà vẫn ngoan cố rêu rao về cái gọi là 'đòi đất' để kích động giáo dân gây rối trật tự xã hội,” bài báo viết.

“Những trang mạng sặc mùi phản động chỉ chờ có thế, lập tức lợi dụng vu khống, bôi nhọ Nhà nước ngăn cản tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền này nọ.”

“Phải chăng những thế lực thù địch bên ngoài chỉ chờ cơ hội để gây ra một sự cố nào đó, rồi lấy cớ vu khống, tạo cơ hội cho những hành động can thiệp, lật đổ?,” Hà Nội mới đặt nghi vấn và khẳng định rằng ‘chính quyền và nhân dân đã rất hiểu những thủ đoạn phá hoại kiểu như vậy’.

‘Nhà thờ hành hung’

Còn trên bài bình luận của mình, ngoài những lập luận giống như Hà Nội mới, báo An ninh thủ đô còn phản bác cáo buộc rằng công an Hà Nội đánh đập, bắt bớ tu sỹ và giáo dân.

“Đi gửi đơn thư tại sao phải ‘tiền hô, hậu ủng’ đến thế? Đi gửi đơn thư mà bố trí sẵn cả máy ảnh, camera để quay, chụp cảnh tụ tập, gây rối nơi công cộng?,” An ninh thủ đô chất vấn để chứng minh cho luận điểm các rằng Giáo xứ Thái Hà đang dàn dựng để ‘lu loa’ rằng họ bị cơ quan chức năng đàn áp, bắt giữ trái pháp luật.

An ninh thủ đô cũng như đưa ra bằng chứng chứng tỏ chính Nhà thờ Thái Hà mới có những hành động ‘quá khích’ ‘ngay trong khuôn viên nhà thờ’.

Tờ báo của Công an Hà Nội này kể lại câu chuyện một đội viên dân phòng có tên là Mai Quyết Chiến được linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Phượng hẹn gặp tại Nhà thờ Thái Hà vào ngày 20/11 nhưng chưa kịp gặp thì bị bảo vệ nhà thờ hành hung không cho vào.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

Chính quyền Việt Nam từng 'mượn' nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo nhưng không bao giờ trả lại

“Tuy nhiên sau đó, nhà thờ Thái Hà tung lên mạng hình ảnh và bài viết ‘phản ánh’ có đối tượng côn đồ vào nhà thờ để gây rối,” An ninh thủ đô viết.

Dẫn chứng thứ hai là một công dân ‘tên là Long’ cũng bị ba, bốn bảo vệ của nhà thờ ‘khống chế’ và ‘giữ gần 15 phút mới thả cho về’ khi ông Long vào nhà thờ để đọc bảng tin thì thấy đề cập đến Cù Huy Hà Vũ.

Ông Long này được kể là đã thốt lên ‘ông Vũ vi phạm pháp luật, bị phạt tù rồi sao lại vẫn đưa tin sai lệch thế này?’ thì đụng độ với bảo vệ nhà thờ.

An ninh thủ đô cũng cho biết hai ‘công dân’ này đã có đơn tố cáo Nhà thờ Thái Hà đến Công an Quận Đống Đa đề nghị xử lý những người đã vô cớ hành hung họ.

Tờ báo này cũng gọi đề nghị ‘đòi đất’ của Nhà thờ Thái Hà là ‘hết sức vô lý’ nhưng không giải thích rõ vì sao lại vô lý.

Cả hai bài báo Hà Nội mới và An ninh thủ đô đều dẫn ý kiến một số ‘người dân’ của thủ đô Hà Nội lên án các hành động đòi đất và biểu tình của Giáo xứ Thái Hà.

Đáng chú ý là các ý kiến của những người được cho là thường dân này đều lặp lại y hệt quan điểm của chính quyền, chẳng hạn như ‘đòi hỏi vô lý’, ‘đòi đất trái pháp luật’, ‘xúi giục giáo dân’, ‘hành vi mất trật tự và thiếu văn hóa’, ‘lợi dụng tự do tín ngưỡng’, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’, ‘gây mất ổn định chính trị’, ‘có ý đồ xấu’, ‘đòi đất thuộc sở hữu Nhà nước’, ‘làm mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị’, ‘xấu đi hình ảnh thủ đô an toàn, hòa bình’, ‘cần xử lý nghiêm để răn đe’.

Friday 2 December 2011

CUỘC CHIẾN NHÂN DÂN.

Những thất bại trong việc quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã để lại một di sản què quặt cho tương lai. Những món nợ do các tập đoàn kinh tế nhà nước, những "quả đấm thét" giờ đây đang phát huy tác dụng tàn phá của nó trên căn nhà kinh tế được vẽ bởi "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" khiến chính phủ phải tìm cách "tái cơ cấu", một thuật ngữ mập mờ để hòng đánh lừa dư luận về những thất bại kinh tế.

Trong khi đó, nạn tham nhũng như những vòi bạch tuộc ma quái tiếp tục thò vòi khua khắng mọi thứ có thể bằng những hệ thống xúc tua từ trung ương đến địa phương, làm cho khối cơ thể èo uột kia thêm kiệt quệ. Mặt trái của tình trạng tham nhũng này lại chính là một thông điệp rất rõ ràng về độ khả tín bền vững của chế độ khiến ngay cả những cốt cán của hệ thống quyền lực của chính phủ Việt Nam cũng phải nhanh tay quơ quào những gì có thể được nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn mới, giai đoạn mà họ không còn khả năng để tận dụng vị trí Đảng độc quyền hầu chiễm giữ tài sản công.

Cũng như Trung Quốc, những phát triển bề nổi không che giấu được những mâu thuẫn âm ỉ bên trong vì sự bất bình đẳng xã hội, thì Việt nam cũng không tránh được những rạn nứt nội tại trong chính sách xã hội. Để đối phó với sự phản kháng của những thành phần nhân dân, hệ thống công an được huy động để bảo vệ nhóm đặc quyền đang ngốn một khoản ngân sách đáng kể để duy trì sự ổn định xã hội. Như thế, để cung dưỡng cho những vật bảo vệ "công an" này, chính quyền phải tăng các khoản thuế, hay hạn chế những chính sách an sinh xã hội dành cho người dân. Số phận của người dân vì thế càng khó khăn, sự dồn nén của những mâu thuẫn xã hội càng bị đẩy vào thế bức bí và áp lực ngày một tăng.

Để có đủ tài lực để thỏa mãn đội ngũ đảng viên cũng như hệ thống bảo vệ, chính quyền không còn con đường nào khác ngoài việc đẩy mạnh việc chiếm đất và tham nhũng. Chính trong sự vận động này đã khơi lên những mâu thuẫn âm ỉ mà việc muốn chiếm đất của Thái Hà là một ví dụ, một sự điển hình muôn vàn những vụ lấn chiếm đất đai của dân cho những dự án để tiền chảy vào túi nhóm đặc quyền.

Khi Nhân dân trở thành đối tượng cho những sự bóc lột và cưỡng chiếm mới, thì cũng là lúc cuộc chiến giai cấp hiện đại đã được khơi mào.