Thursday 15 March 2012

"Vẹt" Lương Thanh Nghị : "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử KHÔNG THỂ TRANH CÃI về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" => Cái con mẹ nó, thằng Trung Quốc "đếch" chịu cãi. Nó quánh!

NHỮNG CÁI CHẾT VÔ NGHĨA ???

Thầy tôi hay trích dẫn câu nói "Nơi đây an nghỉ một người đã không biết mình sinh ra để làm gì" để chỉ một người sống không có mục đích, không lý tưởng.

Nếu không biết sống để làm, thì có lẽ cũng chẳng cần phải đặt câu hỏi : vì sao mình chết, và mình chết vì điều gì? Hình như là điều rất thật đang tồn tại trong cuộc đời này : Có những cuộc sống bất định, không phương hướng, và có những cái chết vô nghĩa, vô giá trị.

Nhưng vấn đề không đơn giản : đâu là tiêu chuẩn để đánh giá một cuộc đời, và những điều kiện nào được dùng để đong đếm giá trị của một sự chấm dứt? Những tiêu chuẩn ấy nằm trên trục của những tiêu chí và nhân sinh quan nào? Điều này quả phức tạp, vô cùng phức tạp.

Ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc với khí tài vượt trội, đã tấn công vào bãi Gạc Ma của quần đảo Trường Sa, làm thiệt mạng 64 binh lính Việt Nam. Cuộc chiến bất cân xứng về sức mạnh quân sự kết thúc nhanh gọn, và nước biển ngày ấy thêm vị mạn chát bởi của máu những của những người lính bảo vệ biển đảo của Tổ quốc đã đổ ra.

Sau gần 25 năm, với những chuyển biến về quan hệ ngoại giao giữa hai Đảng Cộng Sản, những cái chết kia hình như PHẢI BỊ QUÊN ĐI để không ảnh hưởng đến tình hữu nghị đồng chí 4 tốt của hai Đảng. Những cái chết, tưởng như là anh hùng vị quốc vong thân, giờ trở thành những vật cản, những cái gai trong mắt của hai Đảng đang muốn nhìn về tương lai được vẽ lên bởi 16 chữ vàng : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Tuyệt nhiên, không hề một dòng tin, một bài viết nào trong hệ thống báo đài tuyên truyền của Chính quyền Việt Nam nhắc đến sự kiện này.

Người ta chỉ không muốn nhắc đến, không muốn tưởng niệm, không muốn ôn lại những gì là bi thương, vô nghĩa, vô giá trị trong cuộc đời.

Ngày 14/3, trên các mặt báo, vẫn có tin về người chết tai nạn lật xuồng, có tin người chết vì đụng xe, bên cạnh các tin thường xuyên của chủ đề "lộ hàng của ngôi sao", "đám cưới khủng", "mại dâm" .v.v.

Những cái chết ở biển đảo kia, hình như không còn mãnh lực để thu hút sự quan tâm của dư luận. Nó cần phải lãng quên. Không biết có một chỉ thị rõ ràng nào của ban Tuyên giáo về điều này chăng? Nhưng sự im ắng của hệ thống báo đài theo "định hướng" này, cũng có thể là một câu trả lời rất rõ ràng.

Ngược lại sự im ắng của hệ thống tuyên truyền nhà nước, rất nhiều những trang blog viết về biến cố lịch sử này.

Những trang blog vốn rất dễ bị quy chụp là do sự 'xúi quẩy" của thế lực thù địch, dễ bị đội mũ là "phản động", lại không muốn quên lãng những sĩ tử vị quốc vong thân. Những thành phần bị tuyên giáo của Đảng coi là "lề trái" lại không bao giờ muốn máu của các chiến sĩ đã chết vì Tổ quốc đổ ra vô nghĩa như những cái chết thiêu thân của đua xe, chơi thuốc. Những người mà Chính quyền luôn nhìn ngó với con mắt hằn học như thể kẻ thù của dân tộc lại không bao giờ muốn cái chết của những chiến sĩ ở Gạc Ma trở thành những cái chết vô nghĩa và vô giá trị.

Vậy đã rõ, ai là người vì lợi ích đảng phái riêng tư để bỏ qua những giá trị lớn lao và thiêng liêng của dân tộc!

Im lặng trước biến cố này, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc xiển dương quân đội Trung Hoa đã thảm sát các chiến sĩ ở Gạc Ma.


PS : Hình "qui hoạch" từ blog Mai Thanh Hải.

Wednesday 7 March 2012

TẢN MẠN NGÀY 8/3

Cách đây 3 năm, HMTđã viết một đoạn ngắn về ngày 8/3 để chia sẻ những cảm nhận rất riêng về ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Vẫn luôn là những day dứt không nguôi về những mảnh đời, về những thân phận của "một nửa thế giới".

Bao giờ cũng vậy, phụ nữ và trẻ em luôn là nạn nhân của những vòng xoay lịch sử và xã hội. Hình như tốc độ xoay cuồng này càng bạo liệt trong cơn lốc của xã hội Việt Nam hôm nay. Những nội dung đăng tải trên hệ thống báo chí Việt Nam, vốn được liệt kê trong vài ngữ từ "cướp, hiếp, giết", cho thấy mức độ và nhịp độ của những bạo hành đối với phụ nữ không hề thuyên giảm, nếu không muốn nói là mỗi ngày một tăng, tăng đến chóng mặt và hình như ở nhiều nơi như thể đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thêm vào danh sách những nạn nhân của sự phân biệt đối xử và bạo hành này, có thể kể thêm danh sách của những thân nhân của những nạn nhân bị chết bởi công an, hay bị bắt bớ tù tội. Tôi chợt nghĩ đến ánh mắt thẫn thờ đến xót xa của những người con, người vợ đối diện những cái chết bất công của cha, của chồng (như trường hợp của Kim Tiến, chị Tuyền...) ; tôi chạnh lòng biết bao trước những phụ nữ bị kết án, hay bị đưa vào Trại giáo dục cưỡng bức vì đã biểu lộ cách ôn hòa lòng yêu nước và khát khao công lý (Minh Hạnh, Bùi Hằng...).

Những sự bi ai này, như nét vẽ thêm vào bức tranh vốn đã rất thương tâm về thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Một bức vẽ hiện thực đến xót xa vì sự bạo hành, bị buôn bán và cưỡng bức nô lệ lao động hay tình dục. Con số ngày mỗi tăng của những tệ nạn này không chỉ diễn tả đến tận cùng những vết thương lên hình hài của "một nửa thế giới", nhưng còn là một tiếng thét kết án mạnh mẽ chính sách điều hành đất nước của chính quyền thích tự sướng bằng so sánh "dân chủ Việt Nam gấp vạn lần dân chủ tư sản" (sic).

Vì vậy, ngày 8/3, nếu là thật cần thiết và chính đáng dành để tôn vinh, để khơi gợi ý thức bình đẳng về phẩm giá, về thân phận của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, thì cũng không thể thiếu  lòng thương cảm xót xa cho những người phụ nữ đang là nạn nhân của nạn bạo hành, phân biệt đối xử, hay bị đối xử tàn tệ. Những bông hoa được nâng đưa, những món quà được trao tặng, sẽ chẳng bao giờ có thể diễn tả cho hết những sự khó nhọc và hy sinh của của những người bà, người vợ, người mẹ đã dành cho gia đình, cho xã hội và dân tộc.

Một ngày 8/3 hay vạn ngày 8/3 đi nữa, sẽ trở thành chuyện phù phiếm, nếu không thể cải thiện một xã hội dân trí, bình đẳng và tôn trọng cho mọi người, mọi giới. Mà thật, khi nói chuyện với những người bạn Việt Nam sống ở Châu Âu, hay cả với những người bạn Châu Âu, thì hầu như họ không hế để tâm đến ngày 8/3 để tặng hoa hay để nhắc nhở về sự tôn trọng người phụ nữ. Cũng đúng thôi, đối với họ, ngày nào mà người phụ nữ không được tôn trọng...

Chỉ riêng ở  Việt Nam là rầm rộ ngày 8/3.

Chỉ riêng ở  Việt Nam, người ta nghe được tiếng thở dài và giọng nói xót xa của các mẹ :"đời người phụ nữ nhọc nhằn và khổ lắm"...

Chỉ riêng ở Việt nam, tôi nhớ để gởi những lời cám ơn và đồng cảm sâu sắc với phẩm giá và thân phận người phụ nữ...

Chỉ riêng ở Việt Nam, tôi thắp lên một nén hương để khấn nguyện : cầu trời cho sự thái hòa..., cho quyền con người được tôn trọng.

PS : Viết cho ngày 8/3 năm 2009