Sunday 29 March 2009

VIỆT NAM LÀM GÌ ĐỂ TỰ VỆ ?

(Đây là bài viết của Alexander Vuving được đăng ở BBC, rất đáng để suy nghĩ ! Nguồn : BBC )

Ai sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ trong một thế giới vô chính phủ cũng phải canh cánh câu hỏi: Khi nào thì anh ta có thể đánh mình, và làm sao để mình không bị anh ta đánh?

Quân đội Trung Quốc

Đây cũng là một câu hỏi thường trực cho các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam, và anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc.

Quy luật lịch sử

Khi nào thì Trung Quốc có thể đánh Việt Nam? Tương lai không thể nói trước được, nhưng nếu lịch sử cho thấy có quy luật thì có nhiều khả năng quy luật đó sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai.

Lịch sử từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn Trung Quốc ra quân đánh Việt Nam.

Lần thứ nhất năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Lần thứ hai năm 1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá huỷ cơ sở vật chất, rồi rút về sau đúng một tháng.

Lần thứ ba năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam.

Những lần đánh nhỏ hơn bao gồm các cuộc tấn công ở biên giới sau cuộc chiến 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Trung Quốc đã chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này dường như đã được hợp pháp hóa tại Hiệp ước biên giới trên bộ năm 1999.

Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các bãi đá ở gần vị trí đóng quân của Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) vào các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở gần Philippin năm 1995.

Thế và Thời

Tư duy chiến lược Trung Hoa đặc biệt coi trọng chữ Thế và chữ Thời. Các cuộc tấn công Việt Nam cho thấy có một quy luật khá nhất quán trong việc Trung Quốc chớp thời cơ vào lúc thế của họ đi lên và thế của đối phương đi xuống để tung quân ra đánh.

Thời điểm tháng 1-1974, Trung Quốc đánh Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát là sau khi Mỹ cam kết chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam (Hiệp định Paris tháng 1-1973) và Quốc hội Mỹ cấm Chính phủ can thiệp trở lại (Tu chính án Case-Church tháng 6-1973), tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực và khiến cho Việt Nam Cộng hòa chới với không nơi nương tựa.

Trong khi đó thế của Trung Quốc đang dâng lên với việc Bắc Kinh trở thành một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tháng 10-1971) và từ địa vị kẻ thù của cả hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) trở thành đối tác của Mỹ (với Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972).

Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 là để trả đũa Việt Nam đưa quân vào Campuchia nhưng cũng là khi thế của Việt Nam đi xuống trong khi thế của Trung Quốc đi lên.

Một tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô ký liên minh quân sự (tháng 11-1978) thì Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đang bị thế giới ngoài phe Liên Xô tẩy chay vì chiếm đóng Campuchia nên thế của Việt Nam đang xuống rất thấp.

Các cuộc tấn công của Trung Quốc dọc biên giới trong các năm từ 1980 đến 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, cũng bị cô lập trên trường quốc tế (do đưa quân vào Afghanistan) và, cộng với những khó khăn kinh tế, phải đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc cũng như phương Tây.

Quốc huy Trung Quốc và Việt Nam tại cửa khẩu ở Vị Xuyên

Hai nước Việt Trung đã quyết định xong về biên giới trên bộ

Chiến dịch chiếm một phần Trường Sa năm 1988 của Trung Quốc khởi sự từ năm 1986, khi Liên Xô chuyển sang nhượng bộ chiến lược với phương Tây và Trung Quốc, đồng thời rục rịch rút lui ảnh hưởng khỏi Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.

Bài nói tại Vladivostok của lãnh tụ Liên Xô Gorbachov ngày 28-7-1986 tỏ ý Liên Xô sẵn sàng chấp nhận các điều kiện Trung Quốc đưa ra để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung (Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và giảm căng thẳng ở biên giới Xô-Trung, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Liên Xô ở châu Á, đồng thời cũng là chỉ dấu cho thấy thế của Liên Xô đi xuống và thế của Trung Quốc đi lên.

Trong các năm sau, việc Liên Xô rút lui trong khi Mỹ không trám vào đã thực sự tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực.

Trong khi ấy Việt Nam vẫn bám vào Liên Xô mà không phá được thế bị cô lập. Một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang "đa phương hóa" chỉ được thông qua vào tháng 5-1988, hai tháng sau vụ đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn 1980-1988 có thể coi là dư chấn của cuộc chiến năm 1979. Các cuộc chiếm đảo ở Trường Sa thời kỳ 1990-1992 cũng có thể coi là dư chấn của chiến dịch năm 1988.

Thời kỳ 1980-1988, Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc.

Thời kỳ 1990-1992, tuy là những năm Trung Quốc bị phương Tây cô lập phần nào sau vụ Thiên An Môn, cũng lại là những năm Việt Nam mất hẳn chỗ dựa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong khi vẫn chưa được nhận vào ASEAN và chưa bình thường hóa quan hệ được với Mỹ.

Việt Nam làm gì?

Hiện nay Việt Nam có thể làm gì để Trung Quốc không đánh? Lý thuyết quan hệ quốc tế gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.

Phương pháp "cùng chung một nhà" xem ra không ổn vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất thiếu cảm tình với Việt Nam và kinh nghiệm quan hệ với Việt Nam khiến Trung Quốc tin rằng Việt Nam hay tráo trở. Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là đồng chí chứ không phải đồng minh. Thứ ba, lịch sử cho thấy quan hệ "gắn bó như môi với răng" giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn không ngăn được Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nẫng tay trên người "đồng chí anh em" Bắc Việt.

Phương pháp "ràng buộc bằng lợi ích" sẽ không ngăn được Trung Quốc đánh ở Biển Đông vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông có vị trí rất cao trong chiến lược lớn của Trung Quốc. Biển Đông là yết hầu con đường tiếp tế vật tư và nhiên liệu cho Trung Quốc từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với 2/3 lượng dầu khí nhập khẩu và 4/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Biển Đông cũng là bàn đạp để khống chế Đông Nam Á, một khu vực mà nếu Trung Quốc khống chế được thì sẽ có thể quy phục được Nhật Bản và trung lập hóa cả Mỹ lẫn Ấn Độ, còn nếu Trung Quốc không khống chế được thì sẽ không thể ngoi lên địa vị đứng đầu châu Á. Trung Quốc không có lợi ích nào ở Việt Nam, kể cả trong hiện tại lẫn trong tương lai, lớn hơn lợi ích ở Biển Đông để Trung Quốc phải đánh đổi.

Phương pháp "ràng buộc bằng thể chế" càng khó ngăn cản Trung Quốc ra tay khi cần thiết vì Trung Quốc cũng như các nước lớn khác chỉ tuân thủ thể chế quốc tế nếu thể chế ấy phục vụ lợi ích chiến lược của họ. Trong trường hợp lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi làm khác đi, họ sẽ có cách giải thích thể chế quốc tế theo kiểu riêng để biện minh cho hành động của mình.

Trung Quốc đã làm như thế khi xâm lăng Việt Nam năm 1979, nói rằng để trừng phạt Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trung Quốc mà các nước lớn đều như vậy. Mỹ và phương Tây đánh Nam Tư rồi tách Kosovo ra khỏi nước này hay Nga đánh Gruzia rồi tách Nam Ossetia và Abkhazia ra khỏi nước này đều nói là dựa trên luật pháp và thể chế quốc tế nhưng đó là luật pháp và thể chế quốc tế theo cách giải thích riêng của họ.

Ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng là di tích lịch sử nhắc lại trận quân Lê Lợi chém Liễu Thăng hồi thế kỷ 15

Phương pháp "răn đe quân sự" không phải là cách mà Việt Nam có thể làm với Trung Quốc trong lúc này vì Việt Nam không có vũ khí hạt nhân để răn đe chiến lược (trong khi Trung Quốc có) và lực lượng quân sự thông thường của Việt Nam hiện còn quá yếu để có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật đối với Trung Quốc.

Còn lại duy nhất phương pháp "răn đe ngoại giao". Phương pháp này là dùng quan hệ với các nước mạnh hơn Trung Quốc và áp lực của quốc tế để Trung Quốc không dám đánh Việt Nam. Hiện nay trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải kiêng dè Mỹ, do đó Việt Nam quan hệ càng gần gũi với Mỹ bao nhiêu càng có tác dụng răn đe bấy nhiêu. Một điểm nữa Việt Nam có thể tận dụng là Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ không phải là mối đe dọa đối với các nước.

Nếu những lấn lướt ức hiếp của Trung Quốc với Việt Nam được thế giới quan tâm và hiểu như bước đầu của một mối đe dọa lớn hơn đối với họ thì thứ nhất, chúng có thể làm Trung Quốc yếu thế đi, và thứ hai, đó cũng là một lý do để Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn nếu có ý định đánh Việt Nam.

Bài học lịch sử

Quy luật rút ra từ lịch sử ba lần Trung Quốc đánh Việt Nam và qua phân tích năm phương pháp nói trên cho thấy để tránh không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam phải làm được ba điều.

Thứ nhất, phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đặc biệt chú ý trong tương quan với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm bạn thì Việt Nam cũng phải có thêm bạn mạnh hơn và nếu Trung Quốc xích lại gần các nước thì Việt Nam còn phải xích lại gần các nước hơn. Không bao giờ được để Việt Nam ở thế cô lập hơn Trung Quốc trên thế giới.

Thứ hai, phải hết sức bén nhạy với cán cân quyền lực trong khu vực và phải lập tức mạnh dạn điều chỉnh chiến lược đối ngoại khi tương quan lực lượng trong khu vực biến đổi bất lợi cho Việt Nam.

Thứ ba, phải sáng suốt tìm ra ai là kẻ mạnh trong khu vực và đâu là chỗ yếu của Trung Quốc để thực hiện kế răn đe ngoại giao.

Trong dài hạn, chỉ có kết hợp răn đe ngoại giao (kết thân với nước lớn và tranh thủ dư luận thế giới) với răn đe quân sự (quân đội mạnh, đặc biệt hải quân và không quân) và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của mình thì Việt Nam mới có thể tương đối yên tâm không bị Trung Quốc đánh.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được, nhất là khi anh hàng xóm đó chưa phải là kẻ mạnh nhất trong vùng.

Saturday 28 March 2009

VIỆT NAM VÀ NHỮNG NGUY CƠ ĐẾN TỪ TRUNG HOA

Bất chấp những phản đối của các nhà khoa học, kinh tế cũng như một số tướng lãnh trong nước, không kể sự phản đối quyết liệt của kiều bào ở nước ngoài, ngay cả những hội thảo sự hơn thiệt của dự án này chưa ngã ngũ,  Bộ Chính Trị vẫn quyết tâm đến cùng dự án cho nhà thầu Trung Hoa khai thác Bô - xít ở Tây Nguyên. Những hình ảnh được loan tải trên mạng internet cho thấy sự gấp gáp tiến hành những dự án này của các nhà thầu Trung Hoa.

Theo những báo cáo và lập luận của các nhà khoa học, thì rõ ràng dự án khai thác bô - xít ở Tây Nguyên không đem lại lợi nhuận kinh tế như những hứa hẹn của bộ chính trị. Trái lại, nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho môi trường sinh thái của Tây Nguyên, ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như sức khoẻ của người dân trên một bình diện rộng. Trong đó, nguy cơ về sự hiện diện đông đảo của lực lượng công nhân Trung Hoa trên vùng đất chiến lược Tây Nguyên này.

Lịch sử của Việt Nam chưa bao giờ quên dã tâm bành trướng của Trung Hoa, ngay cả những động thái mới đây trong việc tranh chấp các quần đảo ở khu vực Biển Đông mà Việt Nam vẫn lên tiếng về chủ quyền pháp lý của mình. Trong khi Trung Hoa không ngớt phát triển quân sự để đánh chiếm, đe doạ, cũng như dùng mọi biện pháp để khẳng định sự hiện của họ nơi vùng biển này, thì chính quyền Việt Nam chỉ sử dụng biện pháp duy nhất là cho "playback " Lê Dũng phát đi thông điệp "có đầy đủ chứng cứ pháp lý  ..." để yếu ớt đối phó. Vùng Biển đã bị khống chế, giờ đây, vùng Tây Nguyên chiến lược cũng bị giao phó cho Trung Hoa.

Dự án khai thác bô - xít chỉ là một trong nhiều dự án mà chính phủ Cộng Sản Việt Nam đã để cho người Trung Hoa thực hiện. Báo Tuổi trẻ mới đây, đề cập đến những dự án lớn ở Việt Nam mà phần lớn là do nhà thầu Trung Hoa đảm nhận. Theo đó, họ sử dụng công nhân Trung Hoa và những trang thiết bị cũng "made in China ". Ước tính lực lượng công nhân của Trung Hoa có mặt ở Việt Nam sẽ lên đến con số vài chục ngàn trong vòng vài năm tới là khả thi (theo Tuổi trẻ, số lượng công nhân trung quốc ở Việt Nam hiện đã lên trên 20.000). Cộng với con số du khách "được miễn visa",  hiện diện đó không nhỏ.  Sự khống chế của Trung Hoa đối với Việt Nam quả thật mỗi ngày một rõ ràng. Và chính việc xúc tiến những dự án này của Bộ Chính Trị được xem như hành vi pháp lý chính đáng mở cửa cho người Trung Hoa vào ở trong nhà! Chắc hẳn, một khi đã vào, họ không dễ dàng để ra đi.

Đây chính là một yếu tố đáng quan tâm! Nếu việc đấu tranh cho Dân chủ ở Việt Nam thành công, chắc chắn, chính phủ Dân Chủ sẽ thấy những tai hại này, việc chấm dứt những dự án nguy hại sẽ là nguyên cớ cho Trung Hoa tấn công Việt Nam.

Người dân thấy nguy cơ này, điều đó cũng có nghĩa là những con bạc chính trị nơi Bộ Chính Trị cũng thấy được. Câu hỏi được đặt ra, vì sao thấy nguy cơ mà vẫn làm? Ai đó đã nói : "giữ Đảng thì mất Nước ", và có lẽ là đúng.

 

Friday 27 March 2009

SỢ SỰ THẬT

Mời bạn bè bỏ chút thì giờ xem cái vidéo clip này (ngắn thôi). Đó là một trong các vidéo clip bên ngoài phiên toà phúc thẩm xử án 8 giáo dân về tội "huỷ hoại tài sản " và "gây rối trật tự". Các Bạn xem có gì "vui vui " trong những hình ảnh ghi được không?

Đoạn cuối của vidéo clip thu hình "những nhân vật cực kỳ trầm trọng "! Cái lạ là những người này đóng kịch vụng về quá! Cứ nhìn cái cử chỉ giả lơ chỉ chỗ, rồi túm nhau đi như dân gay, hoặc quay mặt giả vờ điện thoại, cố tình tránh né mặt, cho thấy sự sợ hãi của họ.

Nếu chính quyền chính nghĩa, thì không thể có những nhân viên sợ đối diện với sự thật như thế này! Chính hành động này cho thấy, ngay chính trong những lực lượng công an của chính quyền, họ cũng cảm thấy bất an, và không tin tưởng tuyệt đối vào những gì họ đang làm!

Mạt rồi!

Thursday 26 March 2009

MỘT TRANG LỊCH SỬ

Cái hay của lịch sử, là dù có những giai đoạn bị che khuất hay làm mép mó bởi những thủ đoạn, hay ý đồ đen tối nào, thì cuối cùng, nó vẫn hiển hiện với tất cả sự đầy đủ, chân thật và vẹn toàn của riêng nó. Bởi lẽ, lịch sử là sự thật và là sự thật liên quan đến một nhóm người, một chủng tộc, một quốc gia hay cả nhân loại.

Người ta cũng có thể học được rất nhiều bài học từ lịch sử, vì bởi nơi đó, nó không chỉ chứa đựng những sự việc, những biến cố đã xảy ra, nhưng nó còn bao hàm cả những cách thức người ta đã ứng xử, đã hành động trong dòng thời gian, trước những tình huống rất phong phú, đa dạng của cuộc sống. Chẳng vậy mà người ta vẫn nói "ôn cố tri tân "!

 

Lịch sử đã từng chứng minh, không một chế độ độc tài nào tự dưng chuyển thành dân chủ  khởi đi từ quá trình thay đổi nhận thức của nhà độc tài! Và lịch sử còn hùng hồn minh chứng thêm rằng, cái giá của tự do, quyền con người không phải là những đặc ân mà dân chúng có thể có được chỉ đơn thuần bằng sự van xin. Nó là một di sản quý giá, nhưng để chiếm hữu và gìn giữ, người ta phải trả giá bằng máu, bằng sự sống. Sự độc tài càng khắc nghiệt, cái giá của tự do, dân chủ càng cao và hậu quả "đòn trừng phạt ", "cơn giận của nhân dân " đội với thế lực độc tài càng thảm khốc! Đôi khi, và rất thường, hành vi tàn bạo của nhà độc tài càng lên cao, thì càng thúc đẩy sự thay đổi của lịch sử càng lớn. Những hành vi cường quyền này, là dung môi "cần và đủ " có tính tất nhiên cho sự thay đổi lịch sử, bởi lẽ, không có một bài diễn văn hay luận điệu mê hoặc, tuyên truyền nào đủ mạnh để che lấp những hành vi, những phản ứng đàn áp của nhà độc tài. Lịch sử đã chứng minh, những giờ phút giãy chết của một chế độ độc tài, luôn được điểm tô bằng máu!

Lịch sử cũng là câu chuyện được viết từ những con người. Sự hiện diện của con người, tính về thời gian, chỉ là tương đối, là hữu hạn! Nhưng những nét vẽ, câu viết của họ đi vào lịch sử thì trường tồn với lịch sử của một dân tộc, của nhân loại.  Nói như thế, vì lịch sử hôm nay của Việt Nam cũng đang được viết từng ngày. Nếu những cuộc chiến tranh chống xâm lược, dù đã kết thúc, nhưng thực tế vẫn đang còn cần được biết và được viết lại bởi tính chân thật của lịch sử, thì cuộc tranh đấu cho một viễn ảnh tự do, dân chủ, nhân quyền thật sự vẫn còn đang ở cuộc đấu tranh.

Cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của luật sư trẻ Lê Trần Luật là một ví dụ.

Từ nhiều tháng nay, tên tuổi của ông đột nhiên "sáng lên" bởi hệ thống tuyên truyền của chính quyền Việt Nam. Nó càng lôi kéo dư luận không chỉ ở những người liên quan, nhưng ở bình diện rộng lớn hơn, nó gây tiếng vang cho những nhà đấu tranh dân chủ và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Cấp độ "thời sự " này tỉ lệ thuận với những phương cách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang dùng để đối phó với luật sư Lê Trần Luật cũng như những cộng sự viên của ông. Người ta thấy được sự cường quyền của một thế lực chính trị, với những phương thức hạ đẳng của kẻ tiện nhân (khủng bố, chà đạp pháp luật, sự thật ) để ngăn cản sự đấu tranh, bênh vực cho chân lý của ông. Tiếp theo những gì đã làm, người ta còn nghĩ đến những tình huống xấu hơn : văn phòng của ông không chỉ bị đóng cửa, bản thân ông, có thể sẽ bị rút thẻ hành nghề luật sư, hoặc một "tai nạn " ngẫu nhiên đang chờ ông.

Nếu những hành vi đàn áp của nhà độc tài có thể đạt được một mục tiêu, và nếu cái ác luôn chiến thắng, thì lịch sử không bao giờ trở thành lịch sử. Lịch sử luôn cho một đáp án khác tương xứng với hậu quả của độc tài, điều mà lòng tham quyền cố vị, thủ đoạn và dã tâm đã che mờ con mắt của hệ thống độc tài khiến họ không nhận ra. Người ta chưa quên vụ "bịt miệng " linh mục Nguyễn Văn Lý. Nếu trong phiên toà ô nhục đó, anh công an đã đạt được mục tiêu buộc linh mục Lý im miệng, thì hệ quả của việc làm này đã gây nên sự phẫn nộ của những người yêu chuộng nhân quyền. Nó đánh mất thiện cảm của những người ủng hộ cho chính quyền Việt Nam, nó giúp thế giới nhìn rõ bộ mặt thật của chính phủ cộng sản, nó làm cho các thủ lãnh của họ (như chủ tịch Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  ... ) phải muốt mặt nhận sự khinh bỉ trong ngoại giao, phải chấp nhận "chui cửa hậu " trong các chuyến viếng thăm vì sự phản đối, và phải tìm cách "chống chế " đó là "lỗi lầm của những thuộc cấp "! Cái giá đó, xét về phương diện chính trị, không hề rẻ và  mức độ thiệt hại còn đi xa so với một cử chỉ đàn áp bịt miệng thông thường.

Nếu lịch sử là những câu truyện tự nó có khả năng tìm về vị trí "Sự thật " của nó, và thật sự là vậy ; nếu lịch sử là câu truyện vẫn đang được viết bởi những con người của ngày hôm, thì tôi tin rằng, trong một trang lịch sử Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến tên Luật Sư Lê Trần Luật, bên cạnh những nhà đấu tranh dân chủ khác, nhắc đến một cách trân trọng, như những nhân chứng sống động cho một cuộc tranh đấu đầy nước mắt, đầy máu cho một Việt Nam tự do, dân chủ và phát triển thật sự.

(Bài viết này xin như một chia sẻ rất trân trọng của Hoa Mặt Trời đến luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự viên của anh)

 

Monday 23 March 2009

NGÔN NGỮ CHÍNH TRỊ

Trước việc tập đoàn PB tuyên bố rút khỏi dự án khai thác dầu khí tại vùng Nam Côn Sơn, Bộ Chính trị đã phải vội vàng chỉ đạo cho ông Lê Dũng lên tiếng thanh minh về lý do tập đoàn PB rút khỏi dự án này. Theo đó, lý do chính yếu được nói đến là các yếu tố "thương mại và kỹ thuật ".

Rõ ràng, dù muốn hay không, vấn đề liên quan đến tranh chấp nơi vùng biển Đông đã trở thành hết sức nhậy cảm. Chính Phủ Việt Nam bị đặt giữa một thế khó xử. Và việc vội vàng lên tiếng này cho thấy hai chiều sức ép mà chính phủ Việt Nam đang phải chịu : sức ép chính trị của Trung Hoa và những tiếng nói của dự luận, dân chúng Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên một tập đoàn kinh tế nước ngoài rút khỏi Việt Nam, nhưng lần này, người ta thấy bộ Chính Trị phải chỉ đạo để có tiếng nói trấn an dư luận. Lý do chính là vì vấn đề này liên quan đến vấn đề Việt Nam đang đối phó, trước những bước tiến của Trung Quốc trong việc thực hiện dã tâm thôn tính vùng Biển Đông.

Những thông tin gần đây liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đã bị chỉ trích rất nhiều, không chỉ từ những nhà dân chủ, hay cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhưng từ trong nước, cái giới chức quân sự, trí thức, cũng đã bằng nhiều cách, lên tiến chỉ trích quyết định của Bộ Chính Trị. Đặc biệt, sự kiện này xảy ra trong một tình thế phức tạp, khi mà chính trường Việt Nam đang nóng hổi với sự chấp thuận vội vàng để Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, một dự án gặp rất nhiều sự phản đối của giới trí thức và quân sự.

Trở lại vấn đề của PB, từ trước đó, tháng 6 năm 2007, PB đã tuyên bố tạm ngừng theo đuổi dự án thăm dò và khai thác tại khu vực này, trước áp lực của Trung Quốc mà PB diễn tả bằng từ ngữ "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề "! Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, vùng này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà vẫn phải chị những áp lực của Trung Hoa. Và kết quả tuyên bố rút khỏi dự án mới đây của PB, dù được phát biểu bằng một ngôn từ "ngoại giao " là "yếu tố thương mại và kỹ thuật " thì người ta vẫn thấy nằm sau những ngôn ngữ này, là một sức ép thực sự của Trung Hoa.

Hơn ai hết, chính phủ của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiểu rõ những thông điệp giấu trong ngôn ngữ ngoại giao này, bởi lẽ, họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc "chơi chữ ". Chẳng hạn, khi tuyên bố về việc hoàn tất việc cắm cột mốc phân biệt biên giới trên đất liền với Trung Hoa, Lê Dũng đã tuyên bố "đó là một quá trình làm việc của hai nước theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt ", người ta thấy thiếu vắng yếu tố quan trọng là tài liệu lịch sử, với những hiệp ước biên giới đã được phân định từ thế kỷ XIX mà lại nói đến yếu tố ngoại giao "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện ..."

Điều mà ngời ta có thể nhận thấy, dù được che giấu dưới những ngôn từ ngoại giao, thì sức ép và những kế hoạch của Trung Hoa đã đẩy chính phủ của Đảng Cộng Sản Việt Nam vào thế chẳng đặng đừng. Vấn đề ở chỗ, mưu đồ của Trung Hoa không bao giờ dừng lại chỉ ở những ngôn từ ngoại giao.

Tuesday 17 March 2009

TIẾNG KÊU CỨU CỦA NÚI RỪNG

Báo Saigon Tiếp Thị số 22 ra ngày thứ Sáu 6/3/2009, nơi trang 36 có đăng bài “ Chuẩn bị khời công nhà máy luyện Oxid nhôm” của tác giả Bảo Ngọc. Bài báo được nhấn mạnh (in chữ to) bởi một đoạn như sau:

Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc tập đoàn than khoáng sản Việt Nam TKV) đã hoàn tất việc san ủi mặt bằng chuẩn bị khởi công nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ (huyện Dak Rlap), với diện tích 200 hecta, các hạng mục phụ trợ khác như đường vào nhà máy, khu nhà điều hành, … cũng đã hoàn thành.

Với thông tin này, bài báo cho thấy người ta chính thức khẳng định quyết tâm thực hiện dự án khai thác quặng boxit vùng tây nguyên, bất chấp dư luận và bất chấp phản biện xã hội, cho dù các phản biện đó có căn cứ khoa học và văn hóa. Khai thác quặng boxit tại tây nguyên, người ta cố tình thực hiện một cuộc tàn phá hủy diệt môi trường sống của muôn loài, trong đó có loài người, có một chủng tộc con người mang tên Việt Nam.

Không thể biện minh bằng lợi nhuận kinh tế, bởi các nhà kinh tế và khoa học đã chỉ ra rằng không có lợi nhuận cho quốc gia về phương diện kinh tế, ngược lại còn làm thiệt hại kinh tế do lượng điện, lượng nước tiêu thụ quá lớn nhưng giá thành của thành phẩm trên thế giới quá rẻ.

Theo dõi các phản biện được công khai phát biểu, chúng ta không hiểu nổi tại sao người ta lại quyết định như thế nếu người ta còn lương tri.

Không thể tin được qui trình được vạch ra trên giấy mà có thể áp dụng trong thực tế. Người ta biện minh bằng qui trình rằng, làm vệ sinh mặt bằng (khai thác gỗ), bóc lớp đất mặt để qua một bên, khai thác lớp quặng bên dưới, sau đó lấp lại lớp đất mặt, bón thêm phân để phục hồi đất và tái trồng cây phủ xanh mặt bằng. Tin được không ? Con nít cũng không tin được. Họ làm như họ đào một khoảng đất vài mét và làm hoàn chỉnh ngay trong ngày, mà ngay cả làm trong một phạm vi nhỏ bé như vậy, họ có bao giờ làm đàng hoàng đâu, cứ xem ba cái lô cốt trong thành phố này, hết ngày này qua ngày khác, rào lại để hạn chế đường giao thông, vắng tanh không một người thợ làm việc, cứ vậy năm này qua tháng khác (báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ hai 9/3/2009 thông tin nơi trang 3: có 194 lô cốt trên 72 tuyến đường). Mà nếu có cái nào làm xong, thi hãy chạy một vòng để xem cách họ tái tạo mặt bằng, nham nhở như gương mặt nham nhở của những kẻ vô lương tri. Tội nghiệp ! báo ra ngày hôm nay (báo Phụ Nữ thứ ba 10/3/2009) đăng tin về một người con gái, tuổi em còn rất trẻ (22 tuổi ), em đã trượt ngã xe vì mặt đường tái tạo không hoàn chỉnh, chiếc xe sau chồm tới cán chết em tại chỗ, đau xót làm sao ! Biết tin này, nhưng kẻ có trách nhiệm có thấy một chút gì ân hận không? Tôi nghĩ là không, vì nếu có thì đã bao nhiêu cái chết thương tâm trước đó do cách làm cẩu thả phải làm cho họ thay đổi cách làm việc đi chứ, đâu cứ mãi như vậy.

Họ rẻ rúng mạng con người quá, họ chỉ biết lợi nhuận dành cho họ, họ bất chấp hậu quả tai hại như thế nào để lại cho người khác gánh chịu. Tôi không tin và tôi chắc rằng rất nhiều người không tin vào lời cam kết theo qui trình để tái tạo mặt bằng của những người chủ trương khai thác quặng oxid nhôm.

Khi khai thác, họ có tính đến việc những cơn mưa ở đầu nguồn sẽ đổ xuống không? Họ có biết những cơn mưa lũ đầu nguồn sẽ gây ra những tai hại gì khi đống đất dở dang đang được bóc? Hay họ sẽ “vắt đất thay trời làm mưa, nghiêng ruộng đổ nước ra biển”? Có thể lắm, xưa nay họ vẫn chủ trương như vậy mà, nếu vậy kinh nghiêm “chống băo, chống lũ, chống lụt, chống …” chống cả trời đất bao nhiêu năm nay sẽ dạy họ thêm bài học nào nữa? Bao nhiêu người dân vô tội, của cải ruộng vườn, cơ nghiệp,.. sẽ chịu thiệt hại để trả giá cho bài học kiêu ngạo ?

Làm sao để bóc tách được oxid nhôm ra khỏi quặng thô ? Sẽ phải dùng bao nhiêu nước, bao nhiêu điện cho công việc này? Ngay đầu nguồn, nước bị tận dụng vào khai thác quặng, mạch nước ngầm cũng như không ngầm sẽ ra sao? Số phận của bao nhiêu gia đình miền xuôi cuối nguồn nước sẽ ra sao? Ngay bây giờ đă thiếu nước sạch sinh hoạt, khai thác quặng ở đầu nguồn thì thiếu cái gì ? Mấy ngày nay trời chưa khô điện đã thiếu, “mấy ông lớn” đổ lỗi cho nhau, chỉ người dân nghèo chịu … chết, các ông vẫn nằm phòng máy điều hòa không khí, vẫn ngồi xe máy lạnh và vẫn đổ bia đổ rượu để trầm ḿnh trong các cuộc truy hoan “vì công vụ” !

Để bóc tách quặng có dùng hóa chất không ? Các nhà chuyên môn bảo rằng có, mà là hóa chất cực độc, vậy thì những giòng hóa chất thải ra len lỏi đến tận đâu, có thấm vào thịt đất không ? Có tràn vào các giòng sông giòng suối không ? Ai bảo đảm rằng ngăn chặn được giòng chảy này ? Ai bảo đàm rằng không thấm vào thịt đất ? Ai bảo đảm được xin trả lời cho công luận. Công trình hầm Thủ Thiêm, hàng chục chuyên gia, bao nhiêu máy móc tối tân, những bài tính được xây dựng bằng những phương pháp hiện đại, chọn lựa vật liệu rất kỹ lưỡng, thử nghiệm thiết kế cấp phối trước khi thi công, xay đá cục lạnh trộn vào để chống tăng nhiệt, tính toán phụ gia, hàng trăm cán bộ giám sát, thi công thử nghiệm mô hình thu nhỏ,.. . Thế mà 4 đốt hầm vượt sông Saigon sang Thủ Thiên bị … nứt thê thảm !

Hóa chất tràn lan. Vụ án chất độc màu da cam còn có Mỹ để kiện, chất độc từ việc khai thác quặng này kiện ai ? Cứ xem vụ án Vedan thì biết người dân sẽ kiện được ai ? Nửa năm trôi qua của vấn đề, hàng chục năm đi qua trong thiệt hại, các chủ nhân ông vẫn sống nhởn nhơ, vẫn tiếp tục sản xuất, vẫn tắm bia tắm rượu. Cả một guồng máy công quyền hùng mạnh bách chiến bách thắng đứng cãi nhau, báo chí càng la to, sức ì càng lớn, rồi đây khi “cứt trâu hóa bùn”, nhặt vài anh “to miệng” ra tòa là xong mọi chuyện ! Đất nước này, người dân này oằn mình chịu khổ đau.

Một bộ phận rất lớn người anh em miền núi làm nên dân tộc Việt Nam, cuộc sống của những bộ tộc này gắn liền với núi rừng, rừng là nhà để sống, âm thanh của rừng là tiếng nhạc cồng chiêng. Ba mươi năm trước, cuộc di dân ồ ạt lên tây nguyên, biết bao nhiêu hecta rừng đă bị đốn sạch, rừng cạn kiệt, thú rừng cạn kiệt, người anh em miền núi thoi thóp sống, lẻ tẻ một vài thú rừng còn sót lại điên cuồng phá phách để chết, bài học đó vẫn còn sờ sờ trước mắt, nhưng người ta nhắm mắt lại để tận diệt rừng, hóa ra rừng như là “kẻ thù” của họ vậy ! Tội nghiệp rừng, rừng vẫn từng che chở nuôi sống họ, bây giờ họ tự sống được rồi, rừng không còn cần nữa.
(Trích theo Lm Vĩnh Sang, DCCT đăng trên Vietcatholic.net)

Lời bàn của HMT :

1. Các nhà phân tích cứ nói đến lợi hại của vấn đề khai thác quậng Boxít ở Tây Nguyên, nhưng vấn đề chính (và là vấn đề cấm kỵ) là tại sao chính phủ Việt Nam lại khăng khăng giữ quyết định này, bất chấp sự phản đối của nhiều phía đó là những ràng buộc chính trị mà Bộ Chính Trị và chính phủ VIỆT NAM đã cam kết với Đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Hoa nhằm giữ sự tồn tại Đảng Cộng Sản. Giống như ông bà mình nói "đã phóng lao, phải theo lao ". Việt Nam đang ở cái thế không làm không được. Vì vậy, những phản biện chỉ là thừa.

2. Dĩ nhiên, Bộ Chính Trị và chính phủ cũng đã được hứa hẹn rất nhiều từ Trung Hoa. Những thiệt thòi về môi trường hay gì gì đó, chỉ đến vài chục năm nữa, lúc đó, các vị kia đã an toàn hạ cánh, hoặc đã tiêu diêu miền cực lạc thăm pác Hồ, pác Mao, hay pác Lê. Còn cái lợi trước mắt là khai thác gỗ (phá rừng), được tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, được sự bảo kệ của đại ca phương Bắc. Thử hỏi lịch sử, những sai lầm của Đảng Cộng Sản thì ai chịu trách nhiệm, mấy vụ "cải cách rượng đất ", "đánh tư sản " ... có Đảng nào bị gì đâu. "Ai cũng nghĩ, chắc nó chừa mình ra! Rồi hắn quay ra chửi đảng, mà Đảng có là của riêng ai đâu! (Hehehe, nhớ anh Chí Phèo - hổng phải Chí Minh àh nghen) !Cùng lắm bị cái tiếng, mà với Đảng, cái tiếng cái tăm là cái gì chứ, chuyện sĩ!

3. Mấy hậu quả kia, bảo đảm không ảnh hưởng đến nhà quan. Cứ nhìn cái "vườn rau sạch tự sản, tự cung, tự cầu " của nhà pác Phiêu thì biết rồi. Còn hậu quả, thì người ta có số, dép còn số mà! Tại số làm dân đen, thì ráng chịu! Khi nào dám làm cách mạng như Đảng thì mới đáng mặt để nói chuyện àh nghen!

4. Bà con nào có buồn (Tướng Giáp nè, mấy nhà văn nè, nhà khoa học nè ...) thì mời nghe "Việt Nam quê hương ngạo nghễ " cho chính tác giả Nguyễn Đức Quang trình bày để biết là mình cũng đã đạt đến độ "ngạo nghễ " rồi, sau này không thẹn với lòng!

Tuesday 10 March 2009

MẸ

Hình như đông vẫn còn nấn ná ở đâu đây. Những luồng khí lạnh thảng hoặc lại len lỏi lùa vào căn nhà mùa Xuân. Mẹ khoác thêm chiếc áo len, nhưng vẫn không giấu được những cơn ho mỗi khi trời trở lạnh. Mẹ như yếu hơn, như một thân cây cổ thụ nhẫn nại bám trụ với sức tàn phá của thời gian, và ngày một yếu dần, yếu dần!

Cuộc đời cứ như một tay chơi ngạo nghễ và tàn nhẫn, đánh đổi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ bằng những giá cược cao nhất : sắc đẹp, sức khoẻ, hạnh phúc... Và mẹ can đảm chấp nhận trả giá! Mẹ dồn tất cả những gì mẹ sở hữu của thời con gái mà mẹ đã nâng niu, để đánh đổi cho con cái. Cứ nhìn những tấm ảnh của mẹ thời con gái, và so với hình ảnh của ngày hôm nay, mới thấy hết cái giá đắt của cuộc đời, mới thấy được sự tàn phá không khoan nhượng của thời gian.

Vậy đó, rất dung dị, và cũng rất huyền diệu, mẹ đi qua cuộc đời của mình, và lặng lẽ ghi những dấu ấn của tình thương vào đó! Nếu có thể đưa ra định nghĩa về mẹ, thì mình có rất nhiều kinh nghiệm để nói : mẹ là người thức suốt đêm khi mình bệnh, mẹ là người lau nước mắt và vỗ về khi mình vấp té, mẹ là người phát hiện sớm nhất những thay đổi tâm lý trong cuộc đời mình, mẹ là người biết mình vui hay buồn, là người đầu tiên hỏi "con có khoẻ không ?" khi thấy mình không vui, mẹ là người đưa ánh mắt lo âu và tự hỏi "sao giờ này con chưa về " , mẹ là người mỉm cười bí mật khi khẽ hỏi "Cô bạn kia dễ thương phải không?"... Mẹ luôn vậy, là người rất cao cả trong những điều rất bình thường!

Nghĩ về mẹ, và chợt thấy rưng rưng khi đọc một câu chuyện tìm trong đống sách báo cũ. Nước mắt rơi, vì nhiều lúc, mình đã quá vô tình với mẹ..., chưa từng hiểu hết những gì mẹ đã làm vì mình! Mẹ, con xin lỗi mẹ!

Vào một đêm mùa đông, một thiếu phụ đang mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một con mương sâu với cây cầu nhỏ bắc ngang. Bỗng người thiếu phụ trẻ trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị gắng gượng lết đến phía bên dưới cầu.

Đơn độc giữa chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếu áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đứa trẻ, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi, tìm thấy được một chiếc bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức gục xuống bên cạnh con.

Sáng hôm sau, một phụ nữ đi vào làng, khi băng ngang chiếc cầu, bà nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Khi chui xuống gầm cầu, bà tìm thấy đứa trẻ đói lả, nhưng vẫn còn ấm, nằm bên cạnh người mẹ đã chết cóng.

Bà đem đứa bé về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình…

Vào một ngày mùa đông, đó là sinh nhật thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp ! Khi đến nơi, cậu bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi bỏ quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.

- Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả vì cậu sẽ lạnh cóng – Bà mẹ nuôi nghĩ.

Song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẽ nuôi đến bên cạnh và bảo cậu mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé nói với người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết mặt :

- Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ ? – và cậu oà khóc! (truyện sưu tầm)

Saturday 7 March 2009

VIẾT CHO NGÀY 8 THÁNG 3

Không phải chỉ đến ngày _8/3 người ta mới nói về người phụ nữ, vì thực tế, một "nửa của thế giới này" vẫn được đề cập trong nhiều lãnh vực của đời sống hàng ngày. Và hơn nữa, ngừơi nữ đã xuất hiện cùng với người nam trong lịch sử loài người, cả hai đã viết lên những điều mà nguời ta gọi là lịch sử và văn minh của nhân lọai.

Khi còn nhỏ, tôi vẫn được nghe nói về câu chuyện Adam – Evà. Chất thi vị như thể huyền sử này giải thích không chỉ về nguồn gốc con người – trong lăng kính tôn giáo – nhưng còn xác định những nền tảng đầu tiên : cả hai, nam và nữ đều bình đẳng về nhân vị và phẩm giá, họ cần thiết cho nhau để hỗ tương trong đời sống. Cái thành ngữ “Evà được làm từ cái xương sườn của Adam “ đã được Hieronimo giải thích một cách tuyệt vời : "Thượng đế đã tạo ra người phụ nữ, không phải từ xương đầu của người đàn ông để nàng thống trị, cũng không phải từ gót chân đàn ông để nàng bị chà đạp, nhưng từ xương sườn của người đàn ông, nơi gần trái tim và bàn tay, để nàng được yêu thương, che chở". thiếu nữ

Những khác biệt về tâm sinh lý của hai giới không phải là để xung khắc, nhưng là hỗ tương. Người ta, nếu cần sự dũng mãnh và sức mạnh cơ bắp của đàn ông, thì cũng cần sự diệu dàng và dáng vẻ uyển chuyển, thanh mai của người nữ ; người ta cần tiếng thét hùng uy của đàn ông khi xung trận bảo vệ tổ quốc, thì cũng cần giọng nói nhẹ nhàng, thỏ thẻ vào tai để an ủi, vỗ về và tâm sự…

Photobucket

Như vậy, thật là không tưởng nếu tìm sự bình đẳng nam nữ trong những mặt phụ tùy này. Làm sao một người đàn ông có thể tìm sự thích thú nơi dáng đi hùynh hụynh như voi của một nàng nào đó, hoặc giọng nói rổn rảng như sấm của người bạn “đầu gối tay ấp”. Sự bình đẳng giới chỉ tìm thấy sự viên mãn khi có sự hiểu biết và tôn trọng những khác biệt tâm sinh lý của nhau.

Những nền văn hóa, với những nhu cầu kinh tế, xã hội, với sự tiến triển tiệm tiến trong hiểu biết về quyền tự do và nhân vị, đã vô tình vẽ lên những bức tranh u ám về than phận người nữ trong xã hội. Sự yếu đuối vốn cần được che chở (như cách giải thích của Hieronimo), đã trở thành nguyên cớ để người phụ nữ phải gánh chịu những thiệt thòi và bất bình đẳng, và rất thường, họ trở thành nạn nhân của những chiến tranh và thay đổi xã hội.

Cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng phụ nữ không gì hơn là làm sáng lên những nguyên tắc bình đảng nhân vị, phẩm giá của hai giới, và phát triển sự hiểu biết này nơi cả người nam, người nữ, cũng như cải tổ những định chế xã hội để mở ra những cửa ngõ thông thóang, trong đó, mọi người nói chung, và người nữ nói riêng, được yêu thương, đón nhận và trân trọng. Photobucket

Nếu có thể, trong ngày này, HMT xin gởi tặng những đóa hồng, một hình ảnh diễn tả niềm yêu thương, trân trọng, không chỉ cho bà, cho mẹ, cho cô giáo, cho chị em gái, cho người yêu, cho bạn bè, nhưng còn là cho cả những cô gái đang phải nhục nhằn bán thân như những nô lệ tình dục để mưu sinh, cho những thân phận đau khổ vì bạo hành bởi xã hội, gia đình, hay chiến tranh, cho những phụ nữ cô đơn, bất hạnh vì bị bỏ rơi ; cho những phụ nữ đang bị hành hạ bởi bệnh tật và tuyệt vọng, cho những phụ nữ đau khổ vì gánh nặng chồng con... Tất cả đều đáng được trân trọng và yêu thương.

Vẫn nhớ lời mẹ dạy :"Hãy kính trọng mọi phụ nữ như mẹ, và yêu thương, tôn trọng họ như là chính chị em ruột của mình!

Thursday 5 March 2009

HÀNH TRÌNH VỀ TRUNG ĐÔNG - ngày 1

Khởi hành ở Paris lúc 7h05 trên chuyến bay của hãng hàng không Swiss, sau 1h20 phút, đến sân bay Zurich ! Đang là mùa đông, từ trên cao nhìn xuống, thành phố phủ trắng bởi tuyết. Giữa những cánh đồng tuyết mênh mông, những cánh rừng nổi lên như những phá cách giữa một màu trắng bạt ngàn của Tuyết.

Zurich

Tiếp tục chuyến bay lúc 09h45 trực chỉ đến phi trường Tel Avil sau gần 5 giờ bay. Phi trường Ben Gurion là một trong những phi cảng chính yếu của Issrael.

Phi trường này mang tên vị thủ tướng đầu tiên của Israel, khi ông đảm nhận chức vụ thủ tướng từ ngày 14/05/1948 cho mãi đến năm 1963. Ben Gurion là một trong những nhân vật chủ chốt của cuộc chiến lập quốc Do thái sau thế chiến thứ hai, và là nhà lãnh đạo quân sự của Do thái trong suốt cuộc chiến này.

Ben Gurion

Giữa phòng đợi của sân bay Ben Gurion là một bar café sang trọng và lịch lãm. Cảnh trí hài hoà, thoáng đãng của không gian, với những ánh nắng rực rỡ của vùng trung đông trong làm tạm quên những mệt mỏi của chuyến bay.

Đón chúng tôi tại sân bay là Marc, một người Do Thái theo Do thái giáo, nhưng "non practiquant ". Anh đã hoàn tất chương trình thạc sĩ về lịch sử ở đại học Giêrusalem, và đã theo nghiên cứu tại Paris vài năm. Vì vậy không ngạc nhiên khi Marx nói tiếng pháp "chuẩn như dân parisien" . Chính những kiến thức chuyên môn của Marc giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều về những địa danh của vùng đất này. Điểm có thể nhận thấy nơi Marc là anh có cảm tình với Kitô giáo. Chính Anh đã đề nghị với chúng tôi hãy để dành mua đồ lưu niệm tại Bethlehem, nơi mà cộng đoàn Kitô giáo thiểu số phải sống khó khăn vất vả giữa vùng đất của Hồi Giáo Palestine.

Marc

Xe đưa chúng tôi về Nazareth, và nghỉ đêm tại khách sạn trước đây là Chủng Viện : Séminaire de Saint Joseph. Nhận phòng, ăn tối và nghỉ ngơi.

Tôi kịp cùng vài người bạn làm một tour nhỏ chung quanh khu vực khách sạn. Rồi thưởng thức thứ rượu của Do Thái : mạnh và nồng! Đủ cho người nóng lên giữa trời lạnh!

Tối ngày đầu ngủ ngon!

Sunday 1 March 2009

HÀNH TRÌNH VỀ TRUNG ĐÔNG

Đi Israel không ?

Câu hỏi, và hàm chứa cả một lời mời gọi của nhóm bạn, làm tôi hăng hái nhận lời cho một chuyến hành trình. Đây là vùng đất mà tôi mong ước được viếng thăm. Vì vậy khi có một nhóm hành hương, tôi không ngần ngại để tham gia.

Israel là một vùng đất hấp dẫn, không chỉ vì tính phức tạp về chính trị của nó, nhưng còn là vùng đất gắn liền với nhiều tôn giáo. Người hướng dẫn của chúng tôi, đã giới thiệu về nó với một câu ngắn gọn : Một vùng đất, hai quốc gia, nhiều chủng tộc và 3 tôn giáo lớn : Do Thái Giáo, Kitô giáo và Hồi Giáo.

HMT sẽ lần lượt giới thiệu về chuyến đi này, với những thông tin thu lượm được, như những chia sẻ kinh nghiệm riêng tư với bạn bè, với những ai quan tâm đến vùng "đất thánh " này.

Xin được giới thiệu vài điểm sau :

1/ Vì là một chuyến "hành hương ", mà thời gian phần lớn là để khám phá những địa danh liên quan đến tôn giáo, trên một vùng đất đã trải qua nhiều thời kỳ, với những đặc tính văn hoá, tôn giáo của nhiều giai đoạn khác nhau : Thời đế quốc của vua David, thời đô hộ và văn hoá Hy lạp, thời Rôma với văn hoá Kytô giáo, thời Byzantin , rồi Hồi giáo, thập tự chinh, cũng như lịch sử lập quốc mới đây của Israel .v.v., tất cả làm nên một bức tranh nhiều dáng vẻ của vùng đất này. Nói như thế, để hiểu về tính quan trọng của "truyền thống " : Những gì được trình bày luôn theo một lăng kính "lịch sử tính", cộng với những "truyền thống " và dữ liệu Thánh Kinh.

2/ Sắp xếp theo hành trình từng ngày, vì thế cái nhìn sẽ trải rộng theo địa danh, chứ không hẳn là một tổng hợp có tính cách khoa học.

3/ Những thông tin thu lượm chỉ có tính cách cá nhân. Nó để ngõ cho những ai quan tâm có thể tiếp tục nghiên cứu cách khoa học hơn cho những chủ đề này.

Mong là những bài thông tin sẽ cung cấp thêm những tư liệu cho những ai quan tâm. Những hình ảnh minh hoạ là do HMT chụp trong cuộc hành hương, và những cảm nghiệm cá nhân được ghi chép vội vã.