Thursday 26 March 2009

MỘT TRANG LỊCH SỬ

Cái hay của lịch sử, là dù có những giai đoạn bị che khuất hay làm mép mó bởi những thủ đoạn, hay ý đồ đen tối nào, thì cuối cùng, nó vẫn hiển hiện với tất cả sự đầy đủ, chân thật và vẹn toàn của riêng nó. Bởi lẽ, lịch sử là sự thật và là sự thật liên quan đến một nhóm người, một chủng tộc, một quốc gia hay cả nhân loại.

Người ta cũng có thể học được rất nhiều bài học từ lịch sử, vì bởi nơi đó, nó không chỉ chứa đựng những sự việc, những biến cố đã xảy ra, nhưng nó còn bao hàm cả những cách thức người ta đã ứng xử, đã hành động trong dòng thời gian, trước những tình huống rất phong phú, đa dạng của cuộc sống. Chẳng vậy mà người ta vẫn nói "ôn cố tri tân "!

 

Lịch sử đã từng chứng minh, không một chế độ độc tài nào tự dưng chuyển thành dân chủ  khởi đi từ quá trình thay đổi nhận thức của nhà độc tài! Và lịch sử còn hùng hồn minh chứng thêm rằng, cái giá của tự do, quyền con người không phải là những đặc ân mà dân chúng có thể có được chỉ đơn thuần bằng sự van xin. Nó là một di sản quý giá, nhưng để chiếm hữu và gìn giữ, người ta phải trả giá bằng máu, bằng sự sống. Sự độc tài càng khắc nghiệt, cái giá của tự do, dân chủ càng cao và hậu quả "đòn trừng phạt ", "cơn giận của nhân dân " đội với thế lực độc tài càng thảm khốc! Đôi khi, và rất thường, hành vi tàn bạo của nhà độc tài càng lên cao, thì càng thúc đẩy sự thay đổi của lịch sử càng lớn. Những hành vi cường quyền này, là dung môi "cần và đủ " có tính tất nhiên cho sự thay đổi lịch sử, bởi lẽ, không có một bài diễn văn hay luận điệu mê hoặc, tuyên truyền nào đủ mạnh để che lấp những hành vi, những phản ứng đàn áp của nhà độc tài. Lịch sử đã chứng minh, những giờ phút giãy chết của một chế độ độc tài, luôn được điểm tô bằng máu!

Lịch sử cũng là câu chuyện được viết từ những con người. Sự hiện diện của con người, tính về thời gian, chỉ là tương đối, là hữu hạn! Nhưng những nét vẽ, câu viết của họ đi vào lịch sử thì trường tồn với lịch sử của một dân tộc, của nhân loại.  Nói như thế, vì lịch sử hôm nay của Việt Nam cũng đang được viết từng ngày. Nếu những cuộc chiến tranh chống xâm lược, dù đã kết thúc, nhưng thực tế vẫn đang còn cần được biết và được viết lại bởi tính chân thật của lịch sử, thì cuộc tranh đấu cho một viễn ảnh tự do, dân chủ, nhân quyền thật sự vẫn còn đang ở cuộc đấu tranh.

Cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của luật sư trẻ Lê Trần Luật là một ví dụ.

Từ nhiều tháng nay, tên tuổi của ông đột nhiên "sáng lên" bởi hệ thống tuyên truyền của chính quyền Việt Nam. Nó càng lôi kéo dư luận không chỉ ở những người liên quan, nhưng ở bình diện rộng lớn hơn, nó gây tiếng vang cho những nhà đấu tranh dân chủ và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Cấp độ "thời sự " này tỉ lệ thuận với những phương cách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang dùng để đối phó với luật sư Lê Trần Luật cũng như những cộng sự viên của ông. Người ta thấy được sự cường quyền của một thế lực chính trị, với những phương thức hạ đẳng của kẻ tiện nhân (khủng bố, chà đạp pháp luật, sự thật ) để ngăn cản sự đấu tranh, bênh vực cho chân lý của ông. Tiếp theo những gì đã làm, người ta còn nghĩ đến những tình huống xấu hơn : văn phòng của ông không chỉ bị đóng cửa, bản thân ông, có thể sẽ bị rút thẻ hành nghề luật sư, hoặc một "tai nạn " ngẫu nhiên đang chờ ông.

Nếu những hành vi đàn áp của nhà độc tài có thể đạt được một mục tiêu, và nếu cái ác luôn chiến thắng, thì lịch sử không bao giờ trở thành lịch sử. Lịch sử luôn cho một đáp án khác tương xứng với hậu quả của độc tài, điều mà lòng tham quyền cố vị, thủ đoạn và dã tâm đã che mờ con mắt của hệ thống độc tài khiến họ không nhận ra. Người ta chưa quên vụ "bịt miệng " linh mục Nguyễn Văn Lý. Nếu trong phiên toà ô nhục đó, anh công an đã đạt được mục tiêu buộc linh mục Lý im miệng, thì hệ quả của việc làm này đã gây nên sự phẫn nộ của những người yêu chuộng nhân quyền. Nó đánh mất thiện cảm của những người ủng hộ cho chính quyền Việt Nam, nó giúp thế giới nhìn rõ bộ mặt thật của chính phủ cộng sản, nó làm cho các thủ lãnh của họ (như chủ tịch Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  ... ) phải muốt mặt nhận sự khinh bỉ trong ngoại giao, phải chấp nhận "chui cửa hậu " trong các chuyến viếng thăm vì sự phản đối, và phải tìm cách "chống chế " đó là "lỗi lầm của những thuộc cấp "! Cái giá đó, xét về phương diện chính trị, không hề rẻ và  mức độ thiệt hại còn đi xa so với một cử chỉ đàn áp bịt miệng thông thường.

Nếu lịch sử là những câu truyện tự nó có khả năng tìm về vị trí "Sự thật " của nó, và thật sự là vậy ; nếu lịch sử là câu truyện vẫn đang được viết bởi những con người của ngày hôm, thì tôi tin rằng, trong một trang lịch sử Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến tên Luật Sư Lê Trần Luật, bên cạnh những nhà đấu tranh dân chủ khác, nhắc đến một cách trân trọng, như những nhân chứng sống động cho một cuộc tranh đấu đầy nước mắt, đầy máu cho một Việt Nam tự do, dân chủ và phát triển thật sự.

(Bài viết này xin như một chia sẻ rất trân trọng của Hoa Mặt Trời đến luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự viên của anh)

 

No comments:

Post a Comment