Thursday 31 March 2011

Phải dùng ngựa lại thôi... Cỏ chẳng bao giờ lên giá như xăng.

Dấu nặng…

 

Không biết vì sao người ta gọi nó là dấu nặng, dù xét về hình thức, dấu nặng chỉ là một chấm nhỏ được đặt vào dưới một ký tự. Điều này cũng có nghĩa là, đôi khi có những điều, xét về hình thức thì giống nhau, nhưng nếu đặt ở những vị trí khác nhau, nó sẽ có tên gọi,  chức năng, và đưa đến những hiệu quả khác nhau.

Có lẽ tên dấu nặng đến vì hai lý do : xét về hình thức, nó được đặt dưới một ký tự, như thể một sự đeo bám được tháp vào. Hình ảnh những gì đeo bám dưới một vật thể, nó làm liên tưởng đến gánh nặng, trách nhiệm phải kéo theo ; xét về âm vận, đấu nặng làm từ mang âm bằng, mà để phát âm, giọng điệu thường trầm lắng xuống.

Nặng nề là vậy, khiêm tốn nằm dưới chân những ký tự là vậy, dấu nặng thực sự cần thiết để làm tròn đầy nhiệm vụ diễn tả ý tưởng, ngôn ngữ bằng văn tự như tất cả các dấu và ký tự khác. Người ta sẽ không hình dung nổi ngôn ngữ Việt Nam sẽ được diễn tả thế nào nếu thiếu dấu nặng. Cuộc đời cũng thế, cũng luôn cần đến những người, những thứ xem ra rất « bình thường » thậm chí có thể là « tầm thường » trong mắt người khác, nhưng thiếu họ hay thiếu những điều tầm thường ấy, cuộc sống khó đạt tới mức độ vuông tròn.

Dấu nặng cũng tồn tại giữa các dấu và con chữ khác như một quy luật tất nhiên của âm tiết, thì nó cũng là một nhắc nhở rất rõ ràng về cuộc đời này : sẽ có những gánh nặng trong đời. Khó tìm được một cuộc sống mà lúc nào cũng thảnh thơi, nhẹ tang bồng mà không phải vướng bận những trách nhiệm, những gánh nặng khác nhau. Gánh nặng cuộc đời, cũng như dấu nặng trong dòng chữ, trở thành một cơ hội cho con người rèn luyện vượt qua.

Tôi chợt nhớ đến anh bạn cùng xóm. Những năm tháng khó khăn, có được một chiếc xe đạp ngon không phải là điều dễ dàng. Đôi khi chiếc xe đạp cũ kỹ, nặng nề cũng là một tài sản không nhỏ.  Hầu như mỗi ngày đến lớp, lưng áo anh luôn đẫm mồ hôi, vì nắng nóng, nhưng cũng vì chiếc xe đạp cũ đã trở nên nặng nề. Sau này gặp lại, khi anh đã trở thành một người thành đạt, giàu có, anh vẫn giữ lại chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật : « Nhờ nó, chân mình đã trở nên cứng cáp, và đã đứng vững trên những nẻo đường mới ». Anh nhẹ nhàng tâm sự với tôi về chiếc xe đạp cũ và nặng nề.

Cuộc sống, để đạt đến độ viên đầy, cũng  cần phải đầy đủ mọi mặt thành công và bỉ cực. Như thế, cuộc đời thành đạt không thể thiếu những dấu nặng trên đường.

 

 

 

 

 

Nàng ơi .......

Friday 25 March 2011

DẤU CHẤM LỬNG ...

Dấu chấm lửng được cấu tạo bằng ba dấu chấm. Cũng lạ, nếu dấu chấm thường diễn tả một kết thúc tròn đầy, thì ba dấu chấm lại tạo nơi một sự lơ lửng đến dở dang. Hình như trong đời, có những điều tưởng chừng như đã kết thúc như dấu chấm, nhưng nếu nối kết các sự kiện ấy lại, nó có thể trở thành một dấu chấm lửng, một chấm lửng vẫn còn như những thanh âm mãi ngân nga chưa dứt. Nếu áp dụng điều ấy cho một đời người, hình như sẽ không bao giờ có dấu chấm hết cho mãi tận ngày xuôi tay. Ngay cả khi ấy, dấu chấm lửng vẫn tồn tại, người ta vẫn tin điều ấy “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du)

Trong cách hành văn, người ta dùng dấu chấm hết cho một khẳng định (affirmative), và dấu chấm lửng được đặt vào để diễn tả những điều chưa nói hết, hay đã lược bớt. Nói cách khác, ngôn ngữ diễn tả của chấm lửng là một thứ ngôn ngữ bỏ ngõ, một thứ ngôn ngữ mời gọi người khác phải suy nghĩ, phải đắn đo để thấu hiểu. Chẳng vậy mà vẫn có những lời hát trong đời :”Có những niềm riêng làm sao nói hết, như rêu như rong đắm trong bể khơi”.

Đến lúc này, chấm lửng vượt lên giá trị thông thường của câu chữ, nó đòi hỏi người ta cần đọc hiểu với tâm hồn, với cảm nhận của chính trái tim. Thời tuổi trẻ, ai mà đã không từng một lần phải bâng khuâng với dấu chấm lửng trong cái ngập ngừng thật thanh nhã thiếu nữ, hay ánh mắt bí hiểm chấm lửng của chàng trai…

Vì bỏ ngõ cho những bất ngờ có thể xảy ra, dấu chấm lửng do đó có thể diễn tả một hình thức bất định. Nghĩa là sẽ không có một đáp số chung sau  chấm lửng, và cũng không có tồn tại chỉ một con đường duy nhất được mở ra. Khi ấy, dấu chấm lửng diễn tả sự uyển chuyển trong cuộc đời. Chắc hẳn vì lý do này, mà có người đã ví von : dấu chấm lửng, dấu của sự khôn ngoan thận trọng.

Cuộc đời mỗi người, xét trong một góc cạnh nào đó, cũng có thể là dấu chấm lửng đối với người khác. Ai đó đã nói : mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm, không dễ gì, và cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu hết một con người. Nếu ý thức điều ấy, cần phải tập nhìn mọi người bằng con mắt tôn trọng, và cần phải luôn đặt họ như một khách thể độc lập, một khách thể có nhân vị, có sự tự do của chính họ.

(Những gợi hứng từ cảm nhận của TAMH)

Thursday 24 March 2011

Một bài viết rất đáng đọc của Đinh Tấn Lực : http://dinhtanluc.multiply.com/journal/item/609/609

CÔNG AN NHÂN DÂN : TỐT HAY XẤU ?

Ngày còn bé, như bao đứa trẻ khác, tôi ước mơ trở thành những người “vĩ đại, xuất chúng”, và một  trong những hình ảnh đã trở thành “vĩ đại xuất chúng” trong ánh mắt trẻ thơ đó là công an. Hình ảnh chú công an với quân phục oai vệ, ra tay hiệp nghĩa, anh dũng đối đầu với những bọn gian ác, bằng những thế võ điêu luyện đã trở thành ước mơ của bao nhiêu đứa trẻ. Tôi không nằm ngoài những đứa trẻ ấy.

Và rồi, từ thần tượng hình ảnh chú công an, tôi rất dễ để cho đầu óc non nớt của mình đi đến một kết luận rất đơn giản : những người bị công an bắt, là những người đã phạm những tội ác tày đình, rất đáng bị trừng trị. Tâm hồn trẻ thơ rất công minh của trẻ thơ nơi tôi không ngần ngại ném ánh mắt coi thường, một ánh mắt diễn tả một loại ngôn ngữ “rất đáng đời” , lên những người bị công an trấn áp. Mà cũng logic, vì chú công an luôn ra tay hiệp nghĩa và trấn áp bọn tội phạm, vì vậy, “chúng” tất nhiên là tàn ác và đáng bị trừng phạt.

Ngây ngô đến dại khờ, tôi giữ trong đầu xác tín ấy thật lâu, rồi tự làm cho hình ảnh chú công an trở thành huyền thoại,  như một kẻ cuồng tín tin vào tín điều, tôi thẩm thấu những sách báo ca tụng hay xiển dương hình ảnh chú công an. Bất cứ ai khoác lên mình họ bộ đồng phục công an, đều đón nhận ánh nhìn ngưỡng vọng của tôi.

Thực tế cuộc sống, cùng với sự hiểu biết theo tuổi đời đã cho tôi  thấy những góc khuất khác, và cho đến hôm nay, khi ngồi viết những câu chữ này, là tôi đang đi tìm câu trả lời cho chính mình : Tôi bị  đánh lừa vì sự khéo che đậy của tuyên truyền, hay những “con sâu làm rầu nồi canh” đã phá đi những hình ảnh tốt đẹp về chú công an trong tôi?

Những gì đã tuyên truyền, thì giờ đây vẫn đang được thực hiện, và được thích ứng với những cách thức, phương tiện, và nội dung chuyên nghiệp hơn. Dù cố sơn phết,  nó vẫn không thể che đậy được một sự thực rất trần trụi về hình ảnh công an nhân dân : với một slogan nghịch lý : “công an nhân dân, chỉ biết còn Đảng còn mình”,  lực lượng này thực chất là một dụng cụ của chế độ để đàn áp nhân dân, và hệ quả tất nhiên, công an trở thành “kiêu  binh” của thời đại. Khi đó, công an, thay vì là lực lượng bảo vệ nhân dân,  đã mang đầy khả năng trở thành một tai họa cho mọi người.

Những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của phương tiện truyền thông, công luận biết được nhiều hơn về những vụ hành hung gây thương tích và thậm chí làm chết người của công an. Nó chỉ mới là những trích đoạn được vén mở bên trong bức màn che giấu suốt lịch sử của ngành an ninh . Đã có những tổ chức đang thu thập những bằng chứng tội ác của lực lượng công an, và tôi tin rằng, những hồ sơ tội ác cũng ngang tầm bề dày như chính thời gian tồn tại của họ.

Trở lại với những vụ chết người mới đây có nguyên nhân công an, người ta có thể chứng kiến những cái chết rất oan ức, tức tưởi, bất ngờ, và nó có thể xảy ra với bất cứ người nào. Điều này có nghĩa là bạn, tôi, chúng ta có thể trở thành nạn nhân của tình trạng này. Khi công an cho họ có quyền dùng vũ lực một cách thô bạo đối với người dân, xác suất của tai nạn chết người vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.

Công an giống như một đứa trẻ hư được chính quyền nuông chìu, điều này cũng dễ hiểu, bởi chính quyền cần công an để bảo vệ. Nhưng cũng có một phần trách nhiệm của chính người dân. Tôi tự hỏi, liệu có cái chết tức tưởi của ông Trịnh Xuân Tùng mới đây hay chăng, nếu những người dân ở ga Bát Giáp ngày đó dám bỏ ra một khoảng thời gian để đứng lại không phải để nhìn hiếu kỳ, nhưng là can đảm cùng nhau phản đối hành động đánh người của công an, cùng nhau phản đối sự vô cảm đến độc ác của công an không cho gia đình đưa đi cấp cứu nạn nhân ???  Đôi khi, sự vô cảm và thờ ơ của chúng ta cũng có thể mở cửa cho những tội ác tràn vào, và nạn nhân không ai khác là bạn bè, người thân và cả chúng ta.

Cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng không chỉ dừng lại ở cái kết thúc đầy oan khiên của một đời người, nó còn kéo theo bao là hệ quả : sự đau lòng của người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha; sự hụt hẫng và khó khăn kinh tế của gia đình mất đi một trụ cột chính; sự mồ côi của những người con…, những nỗi đau không thể nào bù đắp được.

Vì thế, tập cho chính mình một phản ứng đúng đắn, một phản ứng khởi đi từ chính quyền cơ bản công dân, quyền lợi của chính mỗi người, hợp luật, cũng chính là tự bảo vệ chính mình, và giảm thiểu tội ác trong xã hội.

Nếu bạn không muốn mình hay người thân trở thành nạn nhân của những cái chết oan khiên trong tương lai, thì ngày hôm nay, hãy bắt đầu tập lên tiếng phản đối những hành vi sai trái của công an, của chính quyền. Nếu bạn thấy rằng, chỉ cần một tiếng nói phản ứng của bạn trước bạo quyền, và điều ấy có thể ngăn chặn những tội ác, những cái chết oan khiên cho người thân và chính bạn, thì hỡi bạn, còn ngại ngần gì không dám lên tiếng!!!

 

 

 

 

Tuesday 22 March 2011

NHỮNG MẢNH VỤN 4 : VÔ LÝ VIỆT NAM

1. VÔ LÝ VIỆT NAM

Vụ đổ vỡ Vinashin đưa lại một khoản nợ khổng lồ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết Vinashin nợ 95.148 tỷ 182 triệu đồng, phía Công an thống kê lên tới gần 120 nghìn tỷ, còn Chính phủ thì lại khẳng định chỉ có… 86 nghìn tỷ 851 triệu! Con số thiệt hại tính theo đơn vị nghìn tỉ.

Theo chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những tập đoàn kinh tế nhà nước là những mũi nhọn chiến lược và nằm dưới quyền kiểm soát và điều hành của chính phủ. Nhưng những mũi nhọn này chỉ “nhọn” trong việc ngốn ngân sách nhà nước.

Việc đổ vỡ của Vinashin đã gây nhiều bức xúc dư luận đến độ trở thành một điểm nóng trong những phiên chất vấn chính phủ vào kỳ họp quốc hội mới đây. Thậm chí có đại biểu đã đề nghị thành lập ủy ban thanh tra  để xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể các thành viên chính phủ.

Mức độ thiệt hại là thế, gây nên sự bứt xúc của dư luận là thế, nhưng Bộ Chính Trị đã kết luận  quyết định không xử lý kỷ luật đối với cá nhân và tập thể.

Quyết định này một lần nữa vạch rõ một nghịch lý đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, và thực sự trở thành một tai họa : Ai cũng biết, Đảng Cộng Sản mà cụ thể thể là Bộ Chính Trị nắm quyền can dự và quyết định mọi sinh hoạt của đất nước, nhưng không chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chính phủ điều hành, nhưng những sai phạm của chính phủ, chỉ cần Bộ chính trị “bỏ qua” là coi như xong. Khi một kẻ “vô trách nhiệm” phán quyết sự vô trách nhiệm của mình, thì nó cũng đồng nghĩa với một hành vi vô trách nhiệm.

Chính quyền nhân dân chỉ là một mỹ từ trừu tượng. Họ không thấy rằng, sự quản lý yếu kém và bất tài của chính phủ gây thiệt hại nặng nề cho tổ quốc, mà nạn nhân chính là nhân dân. Rồi đây, bao thế hệ người việt sẽ phải còng lưng để trả khoản nợ này, khoản nợ mà 14 vị trong Bộ Chính Trị thấy rằng không cần kỷ luật.

Đảng ơi, làm thất thoát bao nhiêu nữa thì mới đáng bị kỷ luật???

2. NGANG TẦM KHU VỰC

Điện tăng!

Giá xăng dầu tăng!

Nước tăng!

Kéo theo nhiều thứ tăng, bao gồm cả sự lo lắng, bất an và khó khăn.

Tất cả đều tăng với một lý lẽ : cho ngang tầm khu vực.

Nhưng tiền lương và mức sinh hoạt có bao giờ được nâng ngang tầm khu vực chăng, hỡi ngài chính phủ?

Giá xăng giờ đây xấp xỉ 20.000, gần bằng 1 USD. Nếu một người dùng xe máy, di chuyển mỗi ngày khoảng 40 km thì ngốn hết 1 lít xăng. Trung bình một tháng, tiền phí xăng dầu là 600.000 VND. Lương cơ bản khoảng 2.500.000VND. Tính ra tiền xăng chiếm gần 25% thu nhập. Chưa kể tiền ăn uống, điện, nước, gaz .v.v. Giá xăng 1 USD /lit ngang tầm khu vực, nhưng thu nhập của người dân trong khu vực khoảng 1200 usd, và tiền xăng chỉ chiếm 4%.

Xin chính phủ giúp em cân bằng 25% và 4% cho ngang bằng khu vực.

 

 

Monday 21 March 2011

KỶ NIỆM

Trong đời, ai cũng có một miền ký ức gọi là kỷ niệm. Vì kỷ niệm nằm trong miền ký ức, nên tất cả những biến cố đã xảy ra đều có thể để lại những dấu tích của mình. Do đó có kỷ niệm buồn hay kỷ niệm đẹp là vì thế. Không ai tích chứa trong miền ký ức toàn là kỷ niệm đẹp, và cũng không ai có thể nói cuộc đời mình toàn những kỷ niệm buồn. Như một tấm thảm được đan xen bởi những sợi tơ ngang dọc, cuộc đời cũng vậy, kỷ niệm đẹp và ký ức buồn thường lẫn lộn, nhù nhoà lẫn nhau.

Nếu những kỷ niệm đẹp là nơi tâm hồn thường hay tìm đến, để sống lại những phút giây êm đềm tuyệt diệu, thì những kỷ niệm buồn vẫn có khả năng len lỏi đi vào trong tâm hồn, và để lại những hố thẳm đôi khi chực nuốt kéo người ta lọt thỏm vào đó. Và vì kỷ niệm là một động thái của tâm lý gắn liền với những biến cố, trong đó sự kiện, hoàn cảnh, nơi chốn và con người là những yếu tố cấu thành, nên khi người ta tiếp xúc với một hoàn cảnh, sự kiện hay con người cũ, thậm chí chỉ là một gì đó thấp thoáng hay na ná những gì đã qua, kỷ niệm lập tức nhận ra người xưa cảnh cũ, và có thể ùa về đấy ắp trong tâm hồn. Hạnh phúc và đau khổ cũng bắt nguồn từ đây.

Có người ví von đời người như những giòng sông chảy, mỗi bến đỗ hay mỗi khúc quanh là nơi ghi lại những biến cố trong đời. Có những bến đỗ bình yên, thanh thản và mộng mơ đến lạ kỳ ; có những khúc quanh gập ghềnh thác, dòng chảy cũng trở nên hung dữ và oằn mình sủi bột trắng xoá đến nao lòng. Nhưng rồi cuối cùng như một định mệnh, tất cả dòng sông sẽ đổ vào đại dương mênh mông. Những thác ghềnh trắc trở hay bến đỗ bình yên, chỉ còn là một phần của dòng sông quá khứ.

Này em,

Tìm cho mình một dòng kỷ niệm đẹp như một dòng sông êm đềm, đó cũng là một ước mơ trong đời người, nhưng kết quả sẽ thật hiếm hoi : có dòng sông nào không có những thời điểm đục ngầu của dòng nước đầy phù sa ? Nhưng hơn tất cả, dòng chảy đục ngầu đó lại là nguồn của những mảnh đất màu mỡ, tốt tươi. Đời người cũng vậy, những thời khắc đục ngầu có thể trở nên bổ ích, nếu mình biết chắt lọc, chọn lựa. Kỷ niệm đẹp trong đời sẽ không có, nếu mình không tìm cách tạo ra cuộc sống đẹp của ngày hôm nay. Nếu như vậy, dù có những sự kiện buồn, nó cũng là dịp để mình biết trân trọng những phút giây hạnh phúc, và nhất là dịp để mình biết sửa sai ! Hình như có câu hát đầy tính triết lý như thế : Ngày mai, đang bắt đầu từ ngày hôm nay ! Sống đẹp từng ngày, là chuẩn bị cho mình cả một dòng ký ức của kỷ niệm đẹp đấy em ạ!

 

EM TÔI

Lời phi lộ : Chuyên mục này nhằm lưu vào đây những bài viết xúc tích và cảm động. Nó giống như một nhịp cầu xin được chia sẻ với bạn bè tâm giao, cùng đọc, cùng cảm nhận vẻ đẹp như sương mai của những tình cảm rất người, rất đời thường trong cuộc sống.

Phan Nhật Nam đã nổi tiếng trong cung văn rất đặc thù của ông : không qua nhiều mỹ từ, ngắn gọn và rất kiệm từ trong cách mô tả, và mô tả  cách "trần" sự vật . Bài ký dưới đây là một ví dụ. Lối tả chân  cưu  mang một nỗi khắc khoải rất da diết về tình cảm gia đình. Những yếu tố rất đời thường, chợt sáng lên long lanh dưới ngòi bút, qua lăng kính nhìn của tác giả, và để lại trong lòng độc giả những rung cảm, như thể một hòn đá tạo nên những gợn sóng giao thoa , cứ lan  tỏa nhè nhẹ không dứt trong mặt hồ tâm hồn.

Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.

Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.

Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết quả là tôi đã đỗ được bằng tiểu học năm đó.

Vào lớp đệ thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung học. Đến niên học đệ tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Đây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi.

Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi.

Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trâm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở...

Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào "tuổi ngọc", nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi "quyền huynh thế phụ". Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Đại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Đà nẳng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm đuợc, tôi phụ mẹ một ít nuôi em.

Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

Lật đật trở vào Đà nẳng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Đứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khoé mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt.

Đánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và òa lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tỉnh mach ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa...

Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc ... nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai giòng nước mắt chảy nhạt nhoà trên má.

Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi... Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẩm cả vạt áo mẹ bạc màu. Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi...

Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại trường.

Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi. Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi, cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời. Tôi vào trường Võ bị Đà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao gi dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.

Em lớn lên và ngày càng giống mẹ. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khoá của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người.

Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn... Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhở có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ...

Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng . Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già. Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lể nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những "kỳ tích" của bạn tôi, của Mễ, của Lô ...

Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm. Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lể ở Phan rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim cũ quay chầm chậm. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy mắt Tuấn long lanh ...

Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Saigòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Đọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo. Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị. Nhìn em súng sính trong bộ đồ cưới , tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em. Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nửa ở vùng giới tuyến, thì "tai nạn" xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù.

Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long, An Lộc ... đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký "Mùa hè đỏ lửa". Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan rang, gần trường em dạy.

Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rãnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lãnh dòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao uớc mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này.

Biến cố tháng 4/75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em ...

Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn, qua Suối máu, đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá ...

Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em. Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhoà. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được , bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn nguời đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Đứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.

Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc đến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy. Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mủi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.

Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi.

Đứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy truởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ.

Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ. Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng , bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dững dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình. Đó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây giờ tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.

Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.

Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khoẻ yếu lắm, em sợ nhở có mệnh hệ nào ... Tôi thẩn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi, khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn ? 

Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Nguời chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung úy Trần Nguyên Tuấn . Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng nguời nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hóa đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhòa, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi .... Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ..

 

Sunday 20 March 2011

NHỮNG MẢNH VỤN 3 : NỖI KHIẾP NHƯỢC ĐẾN HÈN HẠ - BẠO LOẠN ...

1. NỖI KHIẾP NHƯỢC ĐẾN HÈN HẠ !

« Kính thưa hương hồn các anh hùng liệt sĩ! Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ bao đời nay và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc VN. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, nước ngoài đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN… »

Đấy là những lời trần tình với hồn thiêng của các Tử sĩ trong cuộc hải chiến ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường sa  ngày 14-03-1988, khi chính quyền Việt nam tưởng niệm biến cố lịch sử này.

Bài đăng trên báo Thanh niên chạy tít : Vòng hoa trên biển Trường Sa tường thuật lễ tưởng niệm cùng những lời ai điếu của đại diện quân đội : đại tá Nguyễn Kiều Kinh, trưởng phòng chính sách quân chủng Hải quân.

Điều đáng nói, trong lời ai điếu, ông đại tá quân đội này đã dùng từ « nước ngoài » để chỉ quân Trung Quốc. Ông bà mình vẫn nói đừng « lấy vải thưa che mắt thánh ». Không biết hồn thiêng các anh hùng liệt sử có thấy sự hy sinh của mình đã thành vô nghĩa chăng, khi những đồng đội khi tưởng niệm họ còn không dám gọi đích danh tên kẻ thủ ác.

Tôi chợt thấy xót xa ! Cái cảm giác  như thể trong một phiên tòa, khi công tố viên phải nói với nạn nhân đã bị giết chết : Xin các anh cứ yên nghỉ,  « ai đó » đã giết các anh.

Gọi tên còn không dám gọi, nói chi đến việc giành lại những tấc đất đã  mất.

Vậy mà bài báo còn tường thuật : « Ngừng trong giây lát, đại tá Nguyễn Kiều Kinh gạt nước mắt và tiếp tục với giọng chắc nịch, hào hùng »… Khiếp nhược đến độ hèn hạ như thế, làm gì còn có cái giọng hào hùng ….

Bonus : Đục bỏ tên kẻ thù : Khiếp sợ đến bạc nhược.

 

 

 

 

 

 

 

 

2. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG CUỘC BẠO LOẠN

Lại thêm một cái chết oan khiên và đầy uẩn khúc tại đồn Công An.

Dư âm của phiên tòa tại Bắc Giang vẫn còn thảng thốt đâu đó. Nỗi phẫn uất trước cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng tại đồn công an Phường Thịnh Liệt vẫn còn nóng hổi, người ta lại bàng hoàng đón nhận thêm hung tin về cái chết của ông Nguyễn Lập Phương tại công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Xem ra, với đà này, những cái chết liên quan đến công an không giảm, trái lại  có xu hướng tăng thêm.

Công an, giống như đứa trẻ hư, vốn đã hung hăng, lại được sự nuông chìu của cha mẹ, nên mức độ hư hỏng và độc dữ ngày một nhiều. Nói không ngoa, sau những phản ứng vì căm phẫn của người dân, là những phiên tòa chóng vánh và bất công dành cho những người đã phản ứng với mức án nặng nề, đầy tính trù dập và răn đe. Người ta chưa quên những phiên tòa như thế tại Gia Kiệm, Thống nhất và mới đây tại Bắc Giang.

Chính quyền không thấy rằng, sự căm phẫn của người dân đã bị đẩy lên đến độ phải phản ứng. Người dân vốn đã chẳng yêu quí gì công an, nếu không muốn nói thẳng ra là rất ghét. Vì vậy, khi thấy công an đánh dân hay hành hung, quần chúng rất dễ bị kích động, phản ứng chống lại. Những cuộc bạo loạn, xuống đường của người dân là phản ứng trước sự hung hăng và dữ tợn của công an.

Nói một cách chính xác, chính quyền đừng vất vả tìm « thế lực thù địch » nào sách động quần chúng bạo loạn. Kẻ chủ mưu có khuôn mặt rất rõ : Công an nhân dân, chỉ biết còn đảng còn mình.

 

Saturday 19 March 2011

NHỮNG MẢNH VỤN 2 : LẠ - KHAI TRỪ ĐẢNG - RÙA

1. Lạ

Xét về mặt ngữ nghĩa, ý niêm đầu tiên của từ  “lạ”, tương phản với “quen”.  Trong nghĩa này, nó diễn tả một  khái nhiệm về nhận thức và quan hệ. Vật hay điều gì  chưa biết, chưa quen, thì được cho là “lạ”. Điều này có nghĩa là không thể dùng từ “lạ” để chỉ một đối tượng mà mình đã biết. Và svì thế, sẽ không có gì vô lý và khó hiểu cho bằng gọi một đối tượng mà mình biết rõ là “lạ”.

Trong thuật ngữ báo chí của Việt Nam, những vụ tai nạn trên biển gần đây của những ngư dân Việt Nam có ít nhiều liên quan đến một nguyên nhân : tàu lạ.  Báo chí lề phải dùng từ “tàu lạ”, nhưng người dân Việt lại biết rất rõ thủ phạm là ai. Không ít lần báo chí Trung quốc đã nói đến việc bắt giữ và đòi tiền chuộc các tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển đang tranh chấp. “Lạ” mà lại rất quen. Ở đây, hiểu theo một nghĩa nào đó, gọi kẻ thủ ác mà mình biết rõ bằng từ “lạ”, cũng đồng nghĩa với nỗi hoảng sợ không dám can đảm vạch mặt chỉ tên.

Một tình huống khác người ta cũng có thể gọi là “lạ” để chỉ một kết cục trái ngược với qui luật  tất yếu. Chẳng hạn, nhiệm vụ của quân đội là để đánh đuổi ngoại xâm, và bảo vệ lãnh thổ và sự an ninh của người dân. Thay vì thực thi nhiệm vụ ấy, ngược lại, quân đội được sử dụng để đàn áp nhân dân, đó là một cách thức hành xử “lạ thường”. Cái lạ này đang diễn ra rất nhiều đối với lực lượng công an, thay vì la bảo vệ dân, thì giờ đây, dân chúng trở thanh nạn nhân của sự nhũng nhiễu, hành hung.

Việt nam, đất nước của rất nhiều điều “lạ”.

2. Khai trừ Đảng = phóng uế vào nhân dân.

Nói một cách bình dân, ở Việt Nam hiện nay có hai giai cấp : giai cấp “đảng viên” và giai cấp nhân dân. Giai cấp nhân dân thì gồm nhiều hạn : công nhân, nông dân, thương gia, trí thức, tiểu tư sản .v.vv., nói chung là gồm hết những thành phần còn sót lại không phải là đảng viên.

Giai cấp Đảng viên, theo định nghĩa, là lực lượng tiến bộ, giai cấp tiên phong, lãnh nhiệm vụ lãnh đạo đất nước mà phần đông là giai cấp “nhân dân” còn lại. Nhưng có một điều đáng nói, đó là khi xử lý một thành viên “bất hảo” trong giai cấp đảng viên, thì việc đầu tiên đó là “khai trừ khỏi Đảng”, mà khai trừ khỏi Đảng, nghĩa là trả họ trở về với giai cấp “nhân dân”. Nói toẹt ra, giai cấp “nhân dân” phải đón nhận thành viên bất hảo của Đảng mới bị giáng cấp xuống làm giai cấp “nhân dân” không đảng.

Xem ra, mỗi lần Đảng khai trừ một thành phần bất hảo, thì nhân dân phải chấp nhận việc đón nhận thành viên bất hảo đó vào lực lượng nhân dân của mình.

Suy cho cùng, không ngoa nếu nói : khai trừ khỏi Đảng, cũng đồng nghĩa là phóng uế vào nhân dân.

3. Nóng lên với rùa.

Nóng ở đây hiểu theo hai nghĩa :

- Báo chí chạy tít và tường trình mỗi ngày về tiến trình chữa trị cho rùa hồ Gươm. Nào là hội thảo, thành lập ủy ban cứu rùa, tạo địa điểm để chữa trị, diễn tập lai dắt rùa .v.v. Sức khỏe của rùa Hồ Gươm trở thành tin nóng là vì vậy.

- Nóng còn hiểu là nóng mặt, vì sự thái quá đối với rùa hồ Gươm. Giá mà những bức xúc của dân chúng về giá cả tăng chóng mặt, về những công nhân đang bị kẹt trong những vùng chiến sự, thiên tai, cũng được nhà nước thành lập ủy ban cứu trợ và thực hiện với tiến trình mau lẹ như cứu rùa hồ Gươm.

Đem chuyện này hỏi lão Đại, là bậc trưởng thượng vốn hay nghiền ngẫm nhân tình thế thái, lão nói : “Ban Tuyên giáo đã ra lệnh phải đưa tin thật nhiều về rùa hồ Gươm, gọi là Cụ cho nó thành chuyện, để dân chúng bàn tán mà quên đi chuyện cách mạng hoa lài hoa sen đang nở rộ”.

Vì vậy mà rùa mới chạy nhanh thế đấy.

Thursday 17 March 2011

hoa 2




NHỮNG MẢNH VỤN 1 : NHÂN CÁCH CỦA DÂN TỘC

1. Nhân cách của một dân tộc.

Thế giới bang hoàng chứng kiến thảm họa ụp xuống trên đất nước Nhật Bản. Nhưng họ cũng thảng thốt ngưỡng mộ tính cách kỷ luật và tự trọng của người dân xứ sở mặt trời mọc. Cứ nhìn cảnh lặng lẽ xếp hàng, vốn trở thành một thói quen ứng xử xã hội, của người dân Nhật bản trong những giờ phút đen tối và hoảng loạn, mới thấy được chiều cao sâu của nhân cách Nhật Bản.

Chợt nhớ đến cảnh hỗn loạn mới đây trong dịp Tết trong những lễ hội của người Việt nam; cảnh cướp hoa trong lễ hội Hoa vài năm trước, cảnh chen lấn lượm bia khi xe chở bia bị lật .v.v. mới thấy một khoảng cách khá lớn trong văn hóa ứng xử xã hội giữa mình và người Nhật Bản.

Đâu là nguyên nhân của khoảng chênh lệch này ? Người ta nói đến trình độ dân trí, thành quả giáo dục, truyền thống xã hội .v.v., rất nhiều nguyên do để nhằm giải thích điều này. Nhưng có một lý do xem ra căn cốt : đó là niềm tin vào sự công bằng xã hội. Người dân Nhật Bản không chen lấn, không giành giật, vì họ có một niềm tin, và điều ấy thực sự tồn tại trong xã hội Nhật Bản, đó là sự công bằng. Không có tình trạng ăn chặn, bòn rút. Mỗi người đều được phân bổ lợi ích ngang nhau, không có cảnh đặc quyền đặc lợi của con ông cháu cha, hay nhất thế nhì thân…

Như vậy, có thể nói, tình trạng hôi của hay chen lấn là mức độ phản ứng sự công bằng trong xã hội. Một xã hội bất bình đẳng, sẽ kéo theo hệ lụy là nạn cướp bóc, chen lấn, giành giật.

2. Những lệnh cấm :

Người Việt đã quen với những lệnh cấm hơn là lệnh mở.

Đốt pháo gây tai nạn, lãng phí : Cấm.

Xe ba bánh gây mất vẻ mỹ quan của thành phố, gây ùn tắc giao thông : Cấm

Tụ tập đông người có khả năng gây bất ổn chính trị xã hội, ra nghị định : cấm.

Trong dòng chảy của lạm phát và nhằm gây niềm tin cho tiền đồng Việt Nam, hạn chế việc giao dịch ngoại tệ và kim ngân : Cấm.

Đường phố vẫn ùn tắc dù vắng bóng xe ba bánh. Những bất ổn chính trị xã hội vẫn còn, mà nguyên nhân đôi khi do những bức xúc của người dân vì bị mất đất hay bị hành hung bởi lực lượng công quyền. Tiền Đồng vẫn mất giá, và thị trường buôn bán ngoại tệ vẫn âm thầm diễn ra theo một cách lén lút tinh vi, thậm chí đội giá cao hơn vì phát sinh thêm phí giao dịch…

Vẫn còn in đậm trong tâm tưởng những nhà quản lý xã hội Việt Nam những chiến lược bất cập : Giải quyết không được thì cấm, dân gian thì dùng thành ngữ rất chính xác : “bắt cóc bỏ dĩa”.

Khi những kẻ lãnh đạo bất tài, và ham quyền cố vị vẫn còn ngồi trên chiếc ghế điều tiết xã hội, với cây gậy “chuyên chính” bằng lực lượng công an, thì tương lai, những lịnh cấm sẽ còn diễn ra dài dài.

3. Thế lực thù địch :

Cụm danh từ này xuất hiện rất nhiều trên hệ thống truyền thông, và trong các văn bản chính trị của chính quyền Việt nam. Tuy nhiên, một định nghĩa chính thức, một xác định giới hạn đâu là thế lực thù địch, và ai là thế lực thù địch thì rất mơ hồ. Chung qui lại, có thể suy diễn : những ai nói ngược với quan điểm, với lý luận và cách hành xử của chính quyền XHCN Việt Nam, thì là thế lực thù địch.

Như vậy mới thấy, cái cách tuyên truyền “dân chủ, phản biện xã hội” chỉ là cái áo khoác có tính cách ngoại giao, để tự làm đẹp (hay tự biện hộ) trong những diễn đàn nhân quyền quốc tế. Thực tế, nó được áp dụng trong những vụ án chính trị để kết tội những ai nói lên sự thật ngược lại với cách tuyên truyền của chính quyền.

Mà cũng lạ, vì sao mà cái “thế lực thù địch” kia, có cuộc sống kinh tế giàu hơn, dân chủ hơn, cứ phải chăm chăm chống lại “đỉnh cao trí tuệ” đang cai trị tại “thiên đường cộng sản” vốn đang lây lất với cái nghèo và bất công xã hội ngày một rộng khắp…

Monday 14 March 2011

GIEO HẠT

Edmonton đã vào thu, lá cây bên đường đã chuyển thành ngũ sắc. Dân cư rất tự hào về mùa thu nơi đây, chẳng vậy mà họ vẫn thấy bên đường, nhiều người dừng xe  tranh thủ  ghi lại những hình ảnh kỷ niệm về  thời khắc tuyệt đẹp này.

 

Con đường 97 xuyên qua thị tứ này vẫn tấp nập người qua lại, dòng xe ngược xuôi không để ý đến nhóm người đang chậm rảo bước trên vỉa hè, vừa trầm trồ ngắm nhìn phố xá, vừa bàn tán rôm rả.

 

- “Nơi đây nghề ngư phủ không có chỗ dụng võ cậu ạ”. Vẫn là giọng nói mạnh mẽ của Phêrô trong nhóm đồng bạn.

 

- Chỉ có Mattheu xem ra là có thể kiếm tiền, nghề thuế thời nào mà chẳng vậy” – Giuda vừa nói vừa nhìn những cao ốc thương mại sang trọng

 

- Nếu giờ thầy có gọi ai theo thầy, không biết có ai bỏ sở thuế để đi không nữa. – Mattheu nhẹ nhè lắc đầu, không trả lời trực tiếp câu nói của Giuda.

 

Thầy trò đi về hướng đường 156, nơi những ngôi nhà thờ gần nhau, ánh mắt của thầy Giesu vẫn nhìn xa xăm, như đang suy nghĩ điều gì, bỏ ngoài tai những lời bàn tán râm ran của những đồ đệ.

 

Gioan, chàng trẻ tuổi tinh tế lặng lẽ nhìn thầy, bao giờ cũng vậy, Gioan là người nhận ra thầy đang suy nghĩ điều chi đó. Vội Lách qua nhóm bạn và tiến lại gần thầy hơn, Gioan khẽ khàng hỏi : Thầy ạ, thầy có thấy là sẽ khó có một thợ gặt nơi đây, dù là cánh đồng bao giờ cũng đang mùa lúa chín ?

 

Thầy Giesu cúi nhìn người đồ đệ yêu dấu, khẽ mỉm cười : Ồ không, thầy đã gieo hạt, đã nhìn thấy cây lớn lên và chờ ngày thu hoạch.

 

                                                     ***

 

Biến cố 1975 đã đẩy đoàn chiên ở Việt Nam vào cảnh ly tán nhiều lắm, con số người phải bỏ nước ra đi được nhân lên hàng ngày. nhìn từng đoàn người, hoặc bằng đường biển, hoặc bằng đường bộ chạy nạn, các chủ chăn không khỏi ngậm ngùi. Những thuyền nhân Việt Nam, sau những thăm trầm của những hành trình sinh tử mà số lớn đã mất mạng trên đường tìm lẽ sống, khi đến cư ngụ tại nhiều quốc gia, họ mang theo nỗi khát vọng tự do, hy vọng về cuộc sống, và đức tin đã được tôi luyện qua thử thách nghiệt ngã.

 

Mảnh đất Edmonton đã đón nhận những hạt giống đức tin ấy từ rất lâu.

 

Đầu Thập niên 80, một vị linh mục đã đến qui tụ những gia đình việt nam công giáo tị nạn, một nhóm nhỏ giáo dân được gầy dựng, hạt giống đức tin được ủ giấu trong những chuyến đi bão tố giờ tìm được mạnh đất để gieo mầm. Những ngập ngừng ban đầu để hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người rồi cũng qua, bên cạnh cuộc sống mưu sinh, những người tị nạn Việt nam vẫn cố gắng duy trì những nét văn hóa của đời sống gia đình, cố gắng gìn giữ hạt giống đức tin đã bao đời truyền nối.

 

Mưa xuân vẫn đổ, hạ vẫn ngập tràn nắng, thu về heo may và đông lạnh đến buốt giá, hạt giống đức tin vẫn âm thầm nảy mầm và mọc lên. Ơn sủng từ trời và sự chăm vén của các linh mục, của các gia đình, sự khuyến khích của các bậc cha mẹ, hạt giống đức tin vẫn lớn lên nơi tâm hồn của những con trẻ. Những nỗ lực của vị linh mục già đã không uổng công, khi ngài qua đời, nhóm nhỏ giáo dân Việt Nam mà ngài qui tụ đã vươn mình thành một cộng đoàn lớn mạnh. Giữa lòng thành phố của xứ người, không khó để nhận ra sức sống của một giáo xứ thuần việt.

 

Để tiếp nối di sản của vị linh mục già, Tòa Giám mục Edmonton cũng gởi đến một linh mục khác. Khó khăn không phải là không có. Ngay từ thời thầy Giêsu, ngài đã nói đến việc ban đêm, khi người chủ ruộng ngủ, kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào. Kẻ gieo cỏ lùng thì đời nào mà chẳng có, và cỏ lùng vẫn mọc đan xen với lúa trong ruộng đời. Vượt qua những bão táp, những hạt giống được âm thầm gieo ngày nào vẫn mạnh mẽ vươn lên.

 

                                                               ****

 

Thầy trò Giêsu dừng bước trước ngôi nhà thờ của giáo xứ Việt Nam, ngôi thánh đường nhỏ xinh mà bà con giáo dân đã quyên góp để mua lại. Cộng đoàn bé nhỏ kia giờ đã có một mảnh đất chính thức để hạt giống được ươm gieo. Họ có ruộng.

 

Lặng lẽ quan sát linh mục chính xứ, ánh mắt Thầy Giesu tỏ vẻ thích thú với những gì ngài đã thấy. Cha xứ trẻ hiện tại có biệt tài thu hút giới trẻ. Cách tiếp cận thân tình với các gia đình và nhất là nghệ thuật làm “magic” đã làm cho ngài đặc biệt gần gũi với chúng hơn. Ngày xưa, trong những lần bôn ba giảng đạo, thầy Giesu đã làm “magic” một cách thực sự, bằng chính quyền năng của mình, không cần những kỹ thuật. Chỉ có thầy Giesu mới là nhà ảo thuật tài ba nhất. Vũ trụ đẹp xinh, thầy đã tạo nên như một « magic » đầy tuyệt vời.

 

Cha xứ trẻ cũng rất chú trọng đến việc ươm trồng những ơn gọi. Ngài đã mời gọi các tu sĩ đến giáo xứ chia sẻ những cảm nghiệm về đời sống ơn gọi, hy vọng điều ấy như những cách thức uốn nắn, định hướng cho những mầm cây lớn lên. Ngài cũng cố gắng để “mai mối” cho những cuộc gặp gỡ : nhiều khóa tìm hiểu ơn gọi được tổ chức, các em được gởi đến những nhà dòng để tập sống trong những khoảng thời gian ngắn.

 

                                                       ***

 

Cô bé thích lắm đời sống yên bình và sự trẻ trung của các nữ tu. Giesu nhìn thấy sự thánh thiện, đơn sơ trong từng câu chữ, từng dòng nhật ký cô bé viết. Cũng lạ, cách thức thầy Giesu gieo hạt và ươm tưới đặc biệt lắm. Từ rất lâu, thầy Giesu cắt một nhánh cây bên ngoài để ráp vào thân cây Giáo Hội nơi mảnh đất Edmonton này. Không ai biết được tài khéo của Thầy Giesu, ngài là người trồng vườn đầy kinh nghiệm và lại rất lãng mạn. Ngài thích những nhánh ghép bên ngoài lại có thể trổ sinh những hoa ngon trái lạ.

 

                                                         ***

 

Vẫn là Gioan, người đồ đệ được thầy yêu, kẻ gần thầy nhất, nghe thầy khe khẽ hát bài hát của người làm vườn, khúc hát của sáng tạo và lãng mạn biết bao :

 

Có những mầm sống được ủ giấu trong những chết chóc hoang tàn,

Có những Hy vọng vẫn bám rễ và tích chứa trong những tuyệt vọng,

Có những ấm áp mùa Xuân đang được ươm mầm trong những lạnh buốt của đông giá.

Những Chân Lý của Trời Cao vẫn đang âm thầm nảy nở trong tâm hồn thánh thiện ngay cả trên những phù phiếm của cuộc đời.

O Những hạt mầm thánh thiện, đã được ươm gieo,

Những hạt mầm đang trổ hoa ngát hương nhân đức,

Giờ chỉ chờ ngày kết trái ngọt ngon.