Monday 14 March 2011

GIEO HẠT

Edmonton đã vào thu, lá cây bên đường đã chuyển thành ngũ sắc. Dân cư rất tự hào về mùa thu nơi đây, chẳng vậy mà họ vẫn thấy bên đường, nhiều người dừng xe  tranh thủ  ghi lại những hình ảnh kỷ niệm về  thời khắc tuyệt đẹp này.

 

Con đường 97 xuyên qua thị tứ này vẫn tấp nập người qua lại, dòng xe ngược xuôi không để ý đến nhóm người đang chậm rảo bước trên vỉa hè, vừa trầm trồ ngắm nhìn phố xá, vừa bàn tán rôm rả.

 

- “Nơi đây nghề ngư phủ không có chỗ dụng võ cậu ạ”. Vẫn là giọng nói mạnh mẽ của Phêrô trong nhóm đồng bạn.

 

- Chỉ có Mattheu xem ra là có thể kiếm tiền, nghề thuế thời nào mà chẳng vậy” – Giuda vừa nói vừa nhìn những cao ốc thương mại sang trọng

 

- Nếu giờ thầy có gọi ai theo thầy, không biết có ai bỏ sở thuế để đi không nữa. – Mattheu nhẹ nhè lắc đầu, không trả lời trực tiếp câu nói của Giuda.

 

Thầy trò đi về hướng đường 156, nơi những ngôi nhà thờ gần nhau, ánh mắt của thầy Giesu vẫn nhìn xa xăm, như đang suy nghĩ điều gì, bỏ ngoài tai những lời bàn tán râm ran của những đồ đệ.

 

Gioan, chàng trẻ tuổi tinh tế lặng lẽ nhìn thầy, bao giờ cũng vậy, Gioan là người nhận ra thầy đang suy nghĩ điều chi đó. Vội Lách qua nhóm bạn và tiến lại gần thầy hơn, Gioan khẽ khàng hỏi : Thầy ạ, thầy có thấy là sẽ khó có một thợ gặt nơi đây, dù là cánh đồng bao giờ cũng đang mùa lúa chín ?

 

Thầy Giesu cúi nhìn người đồ đệ yêu dấu, khẽ mỉm cười : Ồ không, thầy đã gieo hạt, đã nhìn thấy cây lớn lên và chờ ngày thu hoạch.

 

                                                     ***

 

Biến cố 1975 đã đẩy đoàn chiên ở Việt Nam vào cảnh ly tán nhiều lắm, con số người phải bỏ nước ra đi được nhân lên hàng ngày. nhìn từng đoàn người, hoặc bằng đường biển, hoặc bằng đường bộ chạy nạn, các chủ chăn không khỏi ngậm ngùi. Những thuyền nhân Việt Nam, sau những thăm trầm của những hành trình sinh tử mà số lớn đã mất mạng trên đường tìm lẽ sống, khi đến cư ngụ tại nhiều quốc gia, họ mang theo nỗi khát vọng tự do, hy vọng về cuộc sống, và đức tin đã được tôi luyện qua thử thách nghiệt ngã.

 

Mảnh đất Edmonton đã đón nhận những hạt giống đức tin ấy từ rất lâu.

 

Đầu Thập niên 80, một vị linh mục đã đến qui tụ những gia đình việt nam công giáo tị nạn, một nhóm nhỏ giáo dân được gầy dựng, hạt giống đức tin được ủ giấu trong những chuyến đi bão tố giờ tìm được mạnh đất để gieo mầm. Những ngập ngừng ban đầu để hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người rồi cũng qua, bên cạnh cuộc sống mưu sinh, những người tị nạn Việt nam vẫn cố gắng duy trì những nét văn hóa của đời sống gia đình, cố gắng gìn giữ hạt giống đức tin đã bao đời truyền nối.

 

Mưa xuân vẫn đổ, hạ vẫn ngập tràn nắng, thu về heo may và đông lạnh đến buốt giá, hạt giống đức tin vẫn âm thầm nảy mầm và mọc lên. Ơn sủng từ trời và sự chăm vén của các linh mục, của các gia đình, sự khuyến khích của các bậc cha mẹ, hạt giống đức tin vẫn lớn lên nơi tâm hồn của những con trẻ. Những nỗ lực của vị linh mục già đã không uổng công, khi ngài qua đời, nhóm nhỏ giáo dân Việt Nam mà ngài qui tụ đã vươn mình thành một cộng đoàn lớn mạnh. Giữa lòng thành phố của xứ người, không khó để nhận ra sức sống của một giáo xứ thuần việt.

 

Để tiếp nối di sản của vị linh mục già, Tòa Giám mục Edmonton cũng gởi đến một linh mục khác. Khó khăn không phải là không có. Ngay từ thời thầy Giêsu, ngài đã nói đến việc ban đêm, khi người chủ ruộng ngủ, kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào. Kẻ gieo cỏ lùng thì đời nào mà chẳng có, và cỏ lùng vẫn mọc đan xen với lúa trong ruộng đời. Vượt qua những bão táp, những hạt giống được âm thầm gieo ngày nào vẫn mạnh mẽ vươn lên.

 

                                                               ****

 

Thầy trò Giêsu dừng bước trước ngôi nhà thờ của giáo xứ Việt Nam, ngôi thánh đường nhỏ xinh mà bà con giáo dân đã quyên góp để mua lại. Cộng đoàn bé nhỏ kia giờ đã có một mảnh đất chính thức để hạt giống được ươm gieo. Họ có ruộng.

 

Lặng lẽ quan sát linh mục chính xứ, ánh mắt Thầy Giesu tỏ vẻ thích thú với những gì ngài đã thấy. Cha xứ trẻ hiện tại có biệt tài thu hút giới trẻ. Cách tiếp cận thân tình với các gia đình và nhất là nghệ thuật làm “magic” đã làm cho ngài đặc biệt gần gũi với chúng hơn. Ngày xưa, trong những lần bôn ba giảng đạo, thầy Giesu đã làm “magic” một cách thực sự, bằng chính quyền năng của mình, không cần những kỹ thuật. Chỉ có thầy Giesu mới là nhà ảo thuật tài ba nhất. Vũ trụ đẹp xinh, thầy đã tạo nên như một « magic » đầy tuyệt vời.

 

Cha xứ trẻ cũng rất chú trọng đến việc ươm trồng những ơn gọi. Ngài đã mời gọi các tu sĩ đến giáo xứ chia sẻ những cảm nghiệm về đời sống ơn gọi, hy vọng điều ấy như những cách thức uốn nắn, định hướng cho những mầm cây lớn lên. Ngài cũng cố gắng để “mai mối” cho những cuộc gặp gỡ : nhiều khóa tìm hiểu ơn gọi được tổ chức, các em được gởi đến những nhà dòng để tập sống trong những khoảng thời gian ngắn.

 

                                                       ***

 

Cô bé thích lắm đời sống yên bình và sự trẻ trung của các nữ tu. Giesu nhìn thấy sự thánh thiện, đơn sơ trong từng câu chữ, từng dòng nhật ký cô bé viết. Cũng lạ, cách thức thầy Giesu gieo hạt và ươm tưới đặc biệt lắm. Từ rất lâu, thầy Giesu cắt một nhánh cây bên ngoài để ráp vào thân cây Giáo Hội nơi mảnh đất Edmonton này. Không ai biết được tài khéo của Thầy Giesu, ngài là người trồng vườn đầy kinh nghiệm và lại rất lãng mạn. Ngài thích những nhánh ghép bên ngoài lại có thể trổ sinh những hoa ngon trái lạ.

 

                                                         ***

 

Vẫn là Gioan, người đồ đệ được thầy yêu, kẻ gần thầy nhất, nghe thầy khe khẽ hát bài hát của người làm vườn, khúc hát của sáng tạo và lãng mạn biết bao :

 

Có những mầm sống được ủ giấu trong những chết chóc hoang tàn,

Có những Hy vọng vẫn bám rễ và tích chứa trong những tuyệt vọng,

Có những ấm áp mùa Xuân đang được ươm mầm trong những lạnh buốt của đông giá.

Những Chân Lý của Trời Cao vẫn đang âm thầm nảy nở trong tâm hồn thánh thiện ngay cả trên những phù phiếm của cuộc đời.

O Những hạt mầm thánh thiện, đã được ươm gieo,

Những hạt mầm đang trổ hoa ngát hương nhân đức,

Giờ chỉ chờ ngày kết trái ngọt ngon.

13 comments:

  1. HMT viết bài này tuyệt quá . Mùa thu vừa qua HMT có về Edmonton à ?

    ReplyDelete
  2. Năm vừa rời HMT đi Canada hai lần. Lần đầu qua trong dịp hè thăm gia đình vào tháng 8, đợt hai thì qua thăm mẽ bị bịnh vào tháng 11 vừa rồi. Trong dịp qua đó, đi lễ ở nhà thờ, nên mới viết một bài về nhà thờ ở Edmonton ah.

    ReplyDelete
  3. Mẹ của HMT ở Canada à ?

    ReplyDelete
  4. Gia đình ở Canada, nên những dịp hè thì hay ghé qua. Hè vừa rồi mình cũng có ghé Totonto chơi 1 tuần với bạn bè ở đó. Công nhận Canada đẹp thật, nhất là mùa thu... Mấy người "sến sến" như mình thấy muốn chết với cảnh đẹp ở đó.

    ReplyDelete
  5. Mu`a thu o? Canada no^?i tie^'ng tre^n the^' gio'i . Dep nga^'t nga^y . HMT dang o+? Paris pha?i ko ? Sao ko xin sang Canada ma` di Pha'p la`m gi` ?

    ReplyDelete
  6. Vì có công việc ở Paris mà. Với lại, ở vậy thì có dịp đi du lịch nhiều nơi.

    ReplyDelete
  7. Đọc entry này mới biết HMT ở Pháp... hì hì... chị cứ tưởng HMT về VN rồi... biến cố 1975 nhiều người sống sót lang bạt khắp nơi, nhiều người làm nên kỳ tích ở nước ngoài nhưng cũng có rất nhiều người chôn sâu dưới lòng đại dương... bạn chị đã đi và từ ấy không hề có tin tức!

    ReplyDelete
  8. tvy cũng có mấy người bà con ở Edmonton họ đi khỏi VN NĂM 79 sang định cư ở canada đến giờ ,khi về chơi VN hầu như họ ko có í định về định cư lại ở quê hương nữa...

    ReplyDelete
  9. Đó là suy nghĩ của hầu hết mọi người đang sống ở nước ngoài : họ có thể về VN chơi, du lịch, thăm bà con ..., nhưng trở lại sống thì hầu như rất ít. Lý do cũng dễ hiểu : chất lượng cuộc sống (hiểu theo nghĩa cả vật chất và tinh thần).

    ReplyDelete
  10. mong cho những người con của đất mẹ VN đang lưu lạc đất khách quê người luôn được bình an

    ReplyDelete
  11. Khi tiếp xúc với một số người bên này, thấy họ "thù " cộng sản đến cực đoan... Nhưng phải hiểu và thông cảm, khi họ phải bỏ đi, họ đã đến độ cùng cực, và số người bỏ mạng gấp nhiều lần số đến được những nước phát triển...

    ReplyDelete
  12. Bai viet mang ve dep cua su thanh thien, thuan khiet giua dat dat troi, con nguoi va niem tin ton giao. Tam hinh co be chap tay khe cuoi dau voi may toc nghieng che khuon mat tre tho lam P² thich thu den la ! Cam on HMT

    ReplyDelete