Friday 28 November 2008

NGÀI THỨ TRƯỞNG CÓ BÌNH THƯỜNG KHÔNG ?

Trong cuộc hội thảo "Xây dựng thông tư về họat động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog)" tại Hà hội ngày 27/11, ở đây ngài thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Đỗ Quý Dõan đã có những lời phát biểu thể hiện được " đỉnh cao trí tuệ " của ngài.

Trước hết, Ông Dõan đưa ra một định đề :""Yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định",

Đúng yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản, vì đây được quan niệm như một trang nhật ký mở, do một cá nhân đăng ký sử dụng và thực hiện. Nó không có tầm cỡ ban bệ một ban biên tập, với lực lượng phóng viên và cộng tác viên hùng hậu như gần 700 tờ báo của chính quyền. Hơn nữa, yếu tố cá nhân còn được kể đến vì nó không có một ngân sách nào do nhà nước bảo hộ, cá nhân blogger phải bỏ thời gian tìm kiếm thông tin, cũng như viết những nhận định của họ.

Người ta cũng không nghĩ một trang blog là đại diện cho một tổ chức hay kênh thông tin chính thống nào. Điều này đúng thôi vì Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định ở Việt Nam không có báo chí tư nhân (dù quyền tự do ngônluận báo chí đã được đề cập trong Tuyên ngôn nhân quyền ngày 10/12/1948 của Liên Hiệp Quốc mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết năm 1977 ; cũng như trong Hiến Pháp nước CHXHCN Việt nam qui định ở điều 69). Mà trước giờ chưa thấy trang blog nào được nhà cung cấp qui định là trang thông tin chính thống, chứ đừng nói là nhà nước Việt Nam cho phép.

Nhưng đến phần kết luận này thì rõ ràng là ông Dõan đã đánh đồng quan niệm về cá nhân với phạm trù về quyền tự do. Đại lọai, lý luận của ngài Thứ Trưởng dùng cái tam đọan luận như vầy : ông A là một người Việt; ông A không đại diện cho một tổ chức hay chính phủ , vì vậy, nếu ông A cung cấp những thông tin nói là người Việt, thì sai qui định. Làm sao hiểu một trang nhật ký mà chỉ loanh quanh ở những thông tin "cá nhân " (vậy chắc chỉ nói được tên gì, ở đâu, cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, thích cái gì, ăn cái gì, ghẻ ở đâu, mụn ruồi chỗ nào, hàng ngày có đi tắm không .v.v.). Mà chưa chắc những thông tin cá nhân này không liên quan đến một người khác, vì chẳng có ai cứ loanh quanh với những thông tin cá nhân này. Xét theo tiêu chuẩn này của Ngài thứ tưởng thì 100 % blog là sai qui định của ngài hết. Tự nhiên nghĩ đến một ngày, một người phát hiện có đám cháy, anh ta không dám hô to để thông báo cho mọi nguời, mà phải làm đơn xin thông báo có đám cháy, vì cái thông tin này vượt ra ngòai thông tin cá nhân.

Ngài Thứ Trưởng còn thêm : "Người nào vượt quá phạm vi blog, biến thông tin trên blog thành thông tin báo chí là vi phạm Luật Báo chí". Đây là một phát biểu rất hàm hồ, vì tự thân, cái khái niệm thông tin báo chí ở trong ngữ cảnh này rất mông lung. Không biết ông Dõan quan niệm thế nào là thông tin báo chí : một đàng, nếu ông hiểu theo một quan điểm chỉ có ở XHCN VN là thông tin phải đi bên lề phải, là chỉ được phép đưa tin điều gì mà Đảng và Nhà Nước cho phép, thì những cái đó mới được gọi là thông tin báo chí, thì rõ ràng các blog đâu có đưa thông tin báo chí, vì nó không nằm trong ngữ cảnh mà ông muốn nói. Còn nếu họ đưa tin gì khác ngoài cái thông tin mà 700 tờ báo copy lại của nhau vẫn đưa, thì xem ra ngài thứ trưởng đang muốn giang tay bóp cổ blogger rồi. Người ta chưa quên cái hình anh công an Tân bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa tại Huế vào tháng 3 năm ngoái, mà sau này cả Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết cũng như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải biện hộ, chữa quê bằng việc đổ cho thuộc cấp bứt xúc nên hành xử như thế ; thì giờ đây lại sửng sờ trước lệnh sắp bịt miệng blog của ngài thứ trưởng. Nếu ngài thứ trưởng có học, và biết được rằng báo chí chỉ là một trong vô số những phương tiện thông tin đại chúng thì ngài sẽ cẩn trọng khi dùng từ "thông tin báo chí ", bởi vì khái niệm này rất mơ hồ. Quảng cáo trên báo chí cũng là một dạng thông tin vậy ; vậy mấy blogger báo cho nhau biết chỗ nào ăn ngon, chỗ nào đồ điện tử rẻ thì cũng nằm trong cái gọi là thông tin báo chí ráo hết sao?.

Người ta chưa quên được đề nghị súyt nữa thành những qui định về ngực lép chân ngắn không được lái xe của Bộ Y tế, thì giờ lại chóang với những phát biểu của ông thứ trưởng về quản lý blog trong thời đại thông tin này.

Nói như ông Dõan, thì cái gọi là "Nhật Ký trong tù " của Hồ Chí Minh là sai qui định rồi nhé vì Cụ Hồ Chí Minh dám phổ biến cho mọi ngùoi. Rồi nữa, đố đồng chí Thứ Trưởng có thể đưa bao nhiêu an ninh mạng và công an để chống lại cái dịch vụ cung cấp trên xa lộ thông tin của Internet để kiểm tra cái nào là thông tin cá nhân, cái nào là thông tin báo chí. Hay ngài thứ trưởng nghĩ rằng chỉ có các thành viên cái Đảng của ngài là đỉnh cao trí tuệ, còn lại bàn dân thiên hạ tòan là lũ "dân ngu cu đen " hết, nên sợ thông tin nó làm cho điên đảo chăng, vì thế mà phải thêm cái qui định quản lý, định hướng các blogger để cho dân chúng chỉ quen với những thông tin ăn ngủ cá nhân thôi?

Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu nỗi lo của chính quyền, Truyền thông của nhà nước được sự uốn nắn và kiểm sóat của chính quyền thì trở thành một dạng thông tin què cụt. Nói đâu xa, cái vụ hối lộ ở PCI, báo chí Nhật phanh phui cả gần nữa năm, mà ngành an ninh của ta thì còn "chờ chỉ đạo " thì nói gì đến báo chí dám đưa tin. Vả lại, từ vụ hai phóng viên Hải và Chiến, anh nào cũng lo mà giữ cái nồi cơm, hăng hái đưa tin có khi còn được vào ở với bác Chiến chứ chẳng đùa. Chỉ có kênh truyền thông của blog là đưa tin nhanh và khách quan. Chính điều này làm điên đầu Đảng Cộng Sản, vì vậy không lạ, khi mà họ cố gắng bẻ cong lý luận để có thể đưa ra những quy định mơ hồ mà "bịt mồm" dư luận.

Nếu cái thông tư này có hiệu lực, Hoa Mặt Trời tui bảo đảm, mai mốt cái blog nào cũng giống cái blog nào, vì tòan là ăn uống, tòan là tao là..., tao là... ; rồi các comment cũng chỉ : mày sao, mày vậy àh, còn tao thì là ... thì là...

NB : Thêm cái này nói nhỏ với ông thứ trưởng nè, ông thứ trưởng làm vậy chỉ tổ cho người ta càng ngày càng đứng về phía chống lại quan điểm của chính quyền mà thôi!

Wednesday 26 November 2008

TẢN MẠN

Những âm thanh nhẹ nhàng của tiếng violin trong Zigeneur Weisen như có ma thuật! Nhẹ nhàng và rất thanh tao len lén di vào trong hồn, rồi mở bừng cánh cửa cho những cảm xúc dặt dìu tràn vào!

Giai điệu trong trẻo, lúc nhẹ như hơi thở, khi mãnh liệt, cuồng bạo và dập dồn như sóng, nó làm người ta cũng phải hoà điệu với những âm giai mà nó chuyển tải. Với âm nhạc, sự quyến rũ và cuốn hút của nó, cũng đầy đam mê như hội hoạ, như văn chương. Nhưng trên tất cả, âm nhạc có khả năng bao trùm hơn, trong một lãnh vực, không gian rộng lớn hơn. Nó có khả năng thẩm thấu vào trong tâm hồn của những người khó tính nhất!

Thưởng thức âm nhạc trong một không gian thanh tịnh của trời đêm, hay trong một buổi bình minh trong lành của ngày mới, nó làm người ta quên hết cuộc sống vốn hối hả, để dừng lại bên một góc trời thanh bình, mà thả hồn cho những cảm xúc dâng trào.

Không biết từ khi nào, tôi vẫn có thói quen một mình trong đêm vắng, với ánh đèn dịu dịu và âm thanh tĩnh mịch của không gian, thả hồn cho những cảm xúc mà âm nhạc dẫn dụ. Nhắm mắt lại, để thấy những hình ảnh rực rỡ và huyền hoặc : thấy những áng mây rực rỡ trên bầu trời xanh ; thấy những cánh chim thanh bình chao lượn trên thảo nguyên lộng gió, thấy những cánh rừng với hương hoa bạt ngàn, thấy biển mênh mông và đẹp như tranh vẽ của những bình minh hay hoàng hôn ; thấy những chiều mưa thật buồn ! Nhắm mắt lại, cũng để thấy những kỷ niệm, thấy lại từng gương mặt thân quen của bạn bè, của người tri kỷ đã cùng mình rong ruổi trên những nẻo đường kỷ niệm.

Hình như ai đó đã nói : nghệ thuật chân chính có thể khơi lên những ý tưởng tốt lành; giúp đưa người ta hướng thượng, vươn đến những khát vọng Chân, Thiện, Mỹ. Tôi tin như thế.

Monday 24 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 6) : CHUYỆN MA QUÁI

Sau mt thi gian "vt vã" vi kiếp người (khiếp!!! nghe như là già chát sp chết), tôi cũng ln ln thy được nhng nét chung chung ca tng la tui. Gì ch tôi tin nhng người già thích nói v k nim, nhng người trung niên thường trăn tr v cuc sng gia đình, tui thanh niên thì điu quan tâm là tình yêu, công vic, còn tr con thì đa nào cũng ham chơi và thích nghe k chuyn.

Tui thơ thường b cun và trong thế gii ca nhng câu chuyn thn tiên. Nhng chàng hoàng t hào hoa phong nhã, nhng anh hip sĩ rng xanh dũng cm và vui tính, nàng công chúa xinh đp đáng yêu, hay m phù thu đc ác mà ngc nghếch thường theo mng m vào gic ng tui thơ.

Bên cnh nhng câu chuyn thn thoi, hình như đa tr nào cũng phi đng thi đón nhn thêm nhng câu chuyn ma quái mà người ln, chng biết vô tình hay c ý, đưa vào đu óc lũ tr. Gì ch chuyn v "ông k, ông ba mươi, ông ngoáo p" là th vũ khí tinh thn mà người ln s dng đ khng chế lũ tr. C đa nào khóc nhè, nghch phá, không chu ăn, hay trn đi chơi, thì s có mt ông k hin ra đế bt. Mà tht ti, thà được mt ln thy ông k, hay con ma nào đó, thì ni s hãi s có th đo đếm được. Đng này, đó là mt ni s hãi vô hình. Vì có ai đã thy được ông k thế nào đâu! Dù vô hình, nhưng li rt tht! Tôi nghim ra, ni s hãi vô hình nhiu khi còn mãnh lit hơn nhng cái có th đng chm, nhìn thy. Ri c theo trí tưởng tượng ca tng đa mà có cái mt ông k khác nhau. Vi tôi, ông k cũng như mt loi "con ma" : có khuôn mt hung tn hay quái d, mt to sòng sc, cái ming rng đy máu và n tượng vi hai cái nanh dài, tay đy nhng móng nhn và rt thích ăn tht tr con, (và hình như là thích dành ăn với trẻ con nữa, vì thỉnh thỏang tôi nghe nguời lớn nói với lũ trẻ : “không ăn là ông kẹ đến ăn hết đó” ???)

Tôi không phi là mt đa tr khác bit, vì vy, như nhng đa khác, lúc tr tôi rt s ma. Mà đúng ti, càng s ma, thì càng thích thú nghe k chuyn ma. Nhng năm thp niên 80, trước cng trường hay bày bán nhng cun truyn tranh nh. Bên cạnh những truyện thần tiên, trinh thám, thì còn lại toàn là truyn kinh d, ma quái (tôi còn nh vài cái ta, ví d : Lúc 0 gi hn ma đòi tim ; con ma nhà h Ha ; ác qu Dracula ; Ngôi nhà ma .v.v. Tôi đọc rất nhiều, một phần vì thích, phần nữa, do các anh chị trong xóm hay bạn bè trong lớp cho mượn. tôi đọc say sưa, « như một con nghiện những ý tưởng quái dị ». Rồi lại để cho trí tưởng tượng thả cửa vẽ ra những cảnh ma quái, đến độ một con đường vắng, một tiếng chó sủa trong đêm trăng, một bóng trăng mờ ẩn sau một áng mây hay thậm chí những tàu lá chuối đong đưa, tất thảy đều có thể liên tưởng đến một hồn ma bóng quái nào đó đang vật vờ lởn vởn quanh mình.

Đi học giáo lý, các thầy dạy cho bài hát : « Có Chúa đi với con, con sẽ không còn sợ chi ! Có Chúa đi với con, con sẽ không còn sợ gì ! Dù đường đen tối, bước đi không sợ lạc lối. Dù đường gian nan, con bước đi không nghi nàn ». Bài hát này được tôi sử dụng như một thứ bùa chú để tự trấn an mình mỗi khi cực chẳng đã phải đi đâu đó trong đêm tối.

Nhà tôi với nhà ngọai cách nhau một khỏang vườn rộng đầy cây cối, và vì thế, khu vườn trở thành một thử thách cực độ mỗi khi tôi phải đi ngang, nhất là vào ban đêm.

Một lần, sau giờ ăn tối bên nhà ngọai, tôi phải trở về bên nhà. Sau khi đã năn nỉ và hứa hẹn đủ mọi điều với chị hai, với mấy dì và cậu, nhưng không ai chịu đi cùng với tôi băng qua khu vườn, cực chẳng đã, tôi phải đi một mình. Khỏi phải nói, trống ngực tôi đánh liên hồi còn hơn là trống trận. Cầm cái đèn dầu trên tay, tôi vừa đi vừa sợ, vừa hát thật to để tự trấn tỉnh : « Có Chúa đi với con, con sẽ không còn sợ chi … ». Tôi hát được một lần thì ra đến nửa khu vườn, ngang bụi cây rậm rạp, câu hát : « con sẽ không còn sợ chi », chữ « chi » chưa kịp tròn tiếng thì biến thành « iiii, ah ah …ah » - tiếng thét lanh lãnh - vì một bóng đen bất ngở chồm ra giữa đường. Tôi chỉ còn một phản ứng duy nhất : ném cái đèn dầu vào con ma rồi quay ù té chạy lại nhà ông ngoai. Vào đến nhà, tôi ôm chầm lấy ông, khóc nức nở vì sợ hãi, không còn nghe được những lời hỏi han đầy kinh ngạc của cả nhà. Tôi quá sợ con ma ! Sáng hôm sau, tôi thấy cậu tôi bị thương ở đầu, phải băng một miếng gạc ! Đáng đời ! Đó là con ma tối qua bị ăn nguyên cây đèn dầu vào đầu ! Có lẽ nhờ biến cố này mà sau đó tôi không còn sợ ma.

Cuộc đời này quả thật trớ trêu. Nếu trước kia tôi là nạn nhân khốn khổ của những câu truyện ma quái, thì sau khi ngộ ra, đáng lẽ phải cảm thông với nỗi sợ hãi của nguời khác, ngược lại, tôi lại thích bày ra những trò hù ma nhát quỉ người khác. Rút kinh nghiệm đòn đau của « con ma » kia, tôi cẩn thận hơn, và nhất là tôi rủ thêm đồng minh để những trò hù ma nhát quỉ có hiệu quả hơn. Nạn nhân đầu tiên của tôi là Dì Tám.

Cũng như tôi, dì Tám thích nghe chuyện ma, thích kể chuyện ma và … sợ ma. Những khu nhà ở xóm tôi hồi đó, nhà vệ sinh thường nằm ở cách xa nhà ở, thường là ở một góc vườn. Dì Tám sợ ma đến độ, có những lần đi toillette, Dì thường năn nỉ tụi tôi đi theo. Vậy là có một cuộc đối thọai liên tục giữa « kẻ trong người ngòai » để kiểm tra xem tụi tôi còn ở bên ngòai hay không ?

Thực ra lần đó, tôi và thằng Thái kế bên nhà, chỉ chuẩn bị nhát ma bất cứ người nào đi ngang qua vườn. Chúng tôi lấy một bồ áo dài trắng cũ của mấy Dì, tròng vào cái gọng tre giống như hình nhân, để nằm dưới đất, một đầu cột dây, rồi vắt sợi dây qua cây ổi giữa vườn. Không may, dì Tám lại đi ngang khu vườn trời tối. Từ bụi cây khá xa, chúng tôi rung cây nhát khỉ, tôi biết Dì Tám sợ lắm, vì tôi thấy bước chân dì ngập ngừng. Khi đến gần cây ổi, thằng Thái cầm dây chạy nhanh, cái bóng áo dài trắng nằm dưới đất bay vút lên. Sau một tiếng thét hãi hùng là một tiếng « uỵt » : dì Tám quá sợ hãi đã ngất xỉu. Tiếng thét làm mọi nguời trong nhà vội chạy ra, bế Dì vào nhà. Mọi nguời không có khó lắm để thấy hai con ma đang tái mét mặt vì sợ hãi. Không biết thằng Thái có bị ba nó đánh khôngm chứ ngọai tôi « thưởng » cho con ma « tôi » một trận đòn nhớ đời.

Sau này, tôi thường chỉ còn hay kể chuyện ma chứ không còn dám bày trò nhát ma ai hết. Đôi lúc trong những khi đi cắm trại, trong những trò chơi đêm, thỉnh thỏang, tôi dựng lên vài khung cảnh ma quái, nhưng chỉ để nắn gân trại sinh và tạo thêm hào hứng. Và luôn luôn, tôi phải cảnh báo : «Trò chơi này có vài tình huống dễ gây bất ngờ, ai sợ ma hay yếu tim được miễn tham gia ». Dĩ nhiên, không ai từ chối hết, vì tâm lý không muốn tỏ mình nhát gan ; vả lại, như tôi đã nói, càng sợ ma, thì càng thích nghe những chuyện ma quái cơ mà !

Saturday 22 November 2008

MÙA ĐÔNG

Trời đã vào đông.

Những trận mưa cuối mùa kéo về, rủ thêm từng cơn gió rứt đi những chiếc lá vàng cuối cùng còn sót lại trên cây. Dọn chỗ cho những đợt giá lạnh ùa vào nhà. Đông rồi!

Vào đông, đất trời như khóac lên mình một chiếc áo màu tang tóc : những cành cây trụi lá, khẳng khiu giữa trời xám xịt như cam chịu với cái lạnh rét căm căm. Hàn thử biểu báo nhiệt độ bên ngoài là khỏang 4°C vào ban đêm và 12°C lúc trưa. Từng ngày, nhiệt độ càng xuống thấp. Cái lạnh như làm ngày co lại, trái với cái rực rỡ hòanh tráng của mùa hè, mới khỏang 4 giờ chiều mà trời đã nhá nhem tối, ngày trở nên vội vã.

Mùa đông của đất trời như cũng đưa cái giá lạnh và cảm giác cô độc vào trong tâm hồn. Đi giữa trời đông, nhìn thấy thấp thóang bên rèm cửa những ánh đèn, mới cảm nhận được cái cảm giác cô đơn và buồn da diết của Nguyễn Văn Thương, khi ông viết « Đêm Đông » gợi hứng từ một đêm mùa đông lang thang trên đường phố Hà Nội : « Chiều chưa đi màn đêm buông xuống, đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông…. Đêm đông, ta mơ giấc mơ đường về xa xăm. Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yên vui … Có ai, thấu tình cô lữ đêm đông xa nhà ! ». Đêm qua, học về lúc 21g45, đi trong cái lạnh của trời chỉ khỏang 2_C. Những cơn gió thốc vào người sao mà lạnh buốt. Bỗng dưng thèm một cái nóng hổi của những nồi khoai luộc quê nhà biết chừng nào.

Một chút giá buốt của mùa đông đủ để cho tôi cảm nghiệm được nỗi thống khổ của đồng bào mình trong những ngày mưa lũ, rét buốt. Tôi hiểu, đó là cảm giác lạnh lẽo, đói rét đếnđộ muốn co cụm lại vì đơn độc. Hình như những lúc như thế, cần lắm một sự sẻ chia tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Chợt nhớ mùa đông năm ngóai, trên đường về nhà trọ, ngang qua Bon Marché, một SDF (người vô gia cư ) xin tôi thuốc lá, dừng lại nói chuyện, ông mời tôi uống chút rượu với ông. Tôi ngồi uống ruợu và nghe ông kể lể đủ thứ chuyện. Lạ thật, một chút rượu cũng đủ ấm giữa trời đông. Không biết nó ấm áp bởi rượu mạnh, hay bởi mình ngồi đối ẩm, chia sẻ với người vô gia cư giữa trời đông lạnh??? Thật sự không biết vì sao, chỉ nhớ rằng thấy ấm áp, rất ấm áp.

Thursday 20 November 2008

NGHỀ GIÁO !

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Được thai nghén và nuôi dưỡng trong truyền thống Nho Giáo, trong đó, vị thế của người thầy được đề cao "quân, sư, phụ " còn hơn cả cha mẹ. Cũng chính những người thầy này, thấm nhuần tư tưởng "chính danh " nên đời sống, tư cách tác phong và đạo đức xứng đáng với một tiêu chuẩn gọi là "mô phạm ".

Những năm của thập niên 80, 90, hệ thống giáo dục của Việt Nam quá chú trọng đến ý thức hệ marxisme, coi yếu tố chính trị hàng đầu, vì vậy, đạo đức trong học đường đã có những rắc rối trầm trọng, lúc đó người ta mới hô hào "tiên học lễ, hậu học văn ". Rồi những cơn sóng liên miên của những đợt cải cánh giáo dục, thêm vào sức công phá của kinh tế thị trường, nghề giáo cũng không tránh khỏi những hệ luỵ : quan hệ thầy trò ít nhiều bị chi phối bởi những nhu cầu cơm áo gạo tiền. Cái nền tảng tôn sư trọng đạo đã bị thương tổn vì ý thức hệ chính trị, thêm vào đó đầy rẫy những yếu tố làm tầm thường hoá nghề cao quý của những "kỹ sư tâm hồn" : tình trạng dạy thêm, bán điểm, bán bằng .v.v., làm cho người ta có cảm tưởng nghề giáo đứng trước cơn khủng hoảng trầm trọng về "căn tính " của người thầy. Đó đây, người ta nghe nói nhiều về phẩm cách, về năng lực và tâm huyết của những nhà giáo.

Thực ra, các nhà giáo vẫn ý thức trách nhiệm truyền thụ kiến thức cho các thế hệ trẻ. Rất nhiều và còn rất nhiều những nhà giáo chân chính, dám chấp nhận mức sống khó khăn để trang bị hành trang cho các tế hệ học trò. Bên cạnh những kiến thức, là cả những kinh nghiệm, những bài học đạo đức để giáo dục học sinh thành nhân.

Tôi có may mắn, có lẽ nên nói là hạnh phúc, vì dù có nằm trong những hoàn cảnh sóng gió, gay go của nền giáo dục thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài, tôi vẫn gặp và luôn có những thầy cô tận tuỵ với nghề, tâm huyết với nghiệp. Mỗi người đã đi qua cuộc đời của tôi, và luôn để lại những dấu ấn sâu sắc. Tôi đã nhận được nơi các thầy cô, không chỉ là những kiến thức, nhưng quan trọng hơn, đó là những chân lý, những kinh nghiệm, những thao thức vốn dĩ có thể làm hành trang, và là chìa khoá mở ra những chân trời mới.

Trong ngày nhà giáo, tôi muốn nói lời tri ân đến tất cả các thầy cô, các giáo sư, trong những môi trường giáo dục xã hội hay tôn giáo.

Tôi thầm mong và cầu chúc các thầy cô vẫn giữ mãi những ngọn lửa nhiệt huyết rất chân chính, và lòng yêu nghề thiết tha, vốn là những phẩm cách cần và đủ cho nghề giáo, để có thể trở thành những con người "mô phạm ", những con người, mà những nhu cầu tầm thường của cơm áo gạo tiền không làm mai một những tinh hoa cao quý của nghề giáo.

Tuesday 18 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 5) : TUỔI THẦN TIÊN

(Hình này chôm trên blog của TờTrang)

Tôi muốn khởi đầu phần tường thuật tuổi thơ bằng một câu chuyện ngụ ngôn!

Chuyện kể rằng, khi Thượng Đế đã tạo dựng nên muôn loài, Ngài muốn cho chúng một thời gian hiện hữu trên mặt đất. Đầu tiên, Ngài gọi Trâu đến và nói

- Trâu à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm.

- Lạy Thượng Đế, số kiếp Trâu khổ cực lắm. Quanh năm suốt tháng phải cày bừa phục vụ cho con người, bị đánh đập. Khi vô dụng thì giết thịt, da thì căng làm trống. Ba mươi năm thật quá cơ cực.

- Thôi được, vậy giảm đi 10 năm. Tuổi thọ trung bình của Trâu là 20 năm.

Chó được gọi đến tiếp theo. Thượng Đế cũng bắt đầu cuộc đối thoại bằng câu hỏi :

- Chó à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm

- Lạy Thượng Đế rất từ nhân. Suốt đời con trung thành canh nhà giữ cửa cho người, cúc cung tận tuỵ như đầy tớ. Đổi lại, thức ăn hàng ngày là cơm thừa canh cặn. Được việc thì chẳng khen. Chủ nhà bực dọc thì ăn đá! Chưa kể còn cái món thịt cầy 7 món mà chúng con nghe đã chết khiếp! Xin rộng lượng bớt cho con, 30 năm khổ lắm!

- Thôi được, vậy giảm 15 năm. Tuổi trung bình của chó là 15 năm.

Khỉ xếp thứ 3 trong số loài được phỏng vấn.

- Khỉ à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm.

- Lạy Thượng Đế, suốt đời chúng con khổ cực. Bị săn đuổi để làm trò vui cho người, bị hành hạ, đánh đập, bắt nhịn đói. Thỉnh thoảng người lại nhẫn tâm làm cái món óc khỉ. Xin Ngài thương xót, 30 năm quá cay nghiệt - Nước mắt Khỉ lã chã rơi xuống.

- Thôi được, tuổi thọ trung bình của Khỉ là 10 năm.

Thượng đế gọi Người đến.

- Người à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm.

- Lạy Thượng Đế nhân từ, Ngài có bình thường không? Ba mươi năm thì có được bao. Mới lớn lên mà đã phải chết à ?

- Vậy cho Người thêm 20 năm tuổi của Trâu.

- Vẫn ít quá!

- Thêm 15 tuổi của Chó nhé!

- Vẫn còn ít!

- Thôi, thêm 10 tuổi của Khỉ. Không cò kè nữa.

Thế là Người có thể sống trung bình 75 tuổi.

Ba mươi năm đầu, họ sống đúng tuổi của Người. Nên quãng thời gian này là đẹp nhất : tuổi thơ đi học, lớn lên thì yêu.

Sau 30 tuổi, Người bước qua sống đời của Trâu. Lúc này đã lập gia đình, phải lo cày bừa, kiếp cơn nuôi gia đình. Quãng đời của trâu mà.

Đến 50 tuổi, Người bước qua tuổi sống của Chó. Sau những năm làm lụng vất vả, thì bo bo giữ của thủ thân. Trách sao được, bị ảnh hưởng bởi thói quen canh giữ nhà của chó.

Đến 65 tuổi, Người sống quãng đời của Khỉ. Lúc này, sức khoẻ sa sút, đầu óc không còn minh mẫn, thường lú lẫn, con cháu đem ra làm trò cười.

*&*&*&*&*&*&*

Nếu xét như chuyện ngụ ngôn, đời người đẹp nhất trong 30 năm đầu.

Trong 30 năm này, thì tuổi thơ là đẹp nhất : hồn nhiên, vô tư chơi đùa.

Tôi có một tuổi thơ đẹp. Đó là điều tôi luôn xác tín với chính bản thân mình. Những năm tháng khó khăn của thời mới giải phóng không làm cho tuổi thơ của tôi vì thế mà trở thành bi đát, dù rõ ràng, gia đình tôi rất khó khăn, túng quẫn trong thời gian này.

Biến cố 1975 là một chiến thắng của quân dân miền Bắc (lịch sử tôi học sau này gọi là đại chiến thắng mùa xuân ), nhưng lại là một cơn ác mộng đối với miền Nam. Cha tôi nằm trong số sĩ quan phải tập trung cải tạo. Gánh nặng gia đình chồng chất hết lên vai mẹ tôi : Bà phải bương chải để nuôi sống bầy con thơ. Mà đâu phải dễ bề yên ổn làm ăn, gia đình "Nguỵ quyền " thì luôn nằm trong số đối tượng được chính quyền quân quản "quan tâm đặc biệt ". Cứ vài bữa là có người của chính quyền vào làm việc tư tưởng, từ thuyết phục, đến đe doạ buộc gia đình phải giao nhà lại cho chính quyền để đi kinh tế mới. Một số gia đình chung quanh, không chịu được những sự nhũng nhiễu, đe doạ, đã bỏ đi, để chỗ cho các cán bộ. Cũng may mà mẹ tôi hết sức kiên định, vì thế chúng tôi giữ lại được căn nhà. Căn nhà duy nhất của một "nguỵ quyền "nằm trong xóm khu cán bộ cách mạng.

Lo tìm cách sinh nhai nuôi con chờ chồng, mẹ tôi hầu như chỉ có mặt ở nhà ban đêm. Ban ngày bà tần tảo như thân cò kiếm tép. Và vì vậy, mẹ để cho chị em tôi tự do tự quản. Chính điều kiện khó khăn này, lại trở thành một điều hay : tôi tự do để chơi đùa với tuổi thơ.

Ngoài giờ đi học, giờ ăn là ở trong nhà. Ngoài ra, tôi sống ở ngoài đường với chúng bạn. Tuổi trẻ hồn nhiên chẳng phải lo đến cơm ăn áo mặc, chỉ lo học, lo chơi, và lo ... phá làng phá xóm.

Thời đó chẳng có trò chơi điện tử. Nhà nào có cái tivi là hãnh diện lắm rồi. Tôi còn nhớ những năm chiếu những bộ phim như "Hồ sơ thần chết "; "Maika, cô bé từ trên trời rơi xuống " hay những tuồng cải lương, là cả xóm tập trung lại những nhà có tivi để xem. Người xem ngồi đông kịt, nên đứa nào mà đánh rắm, mùi xú uế còn không có đường bay ra, nên cả nhà hửi được.

Không có trò chơi điện tử, điều này chẳng nhằm nhò gì, lũ trẻ chúng tôi có khối trò tiêu khiển : Đánh khăng, đánh đáo, đánh cù, bắn bi, tạt lon, tạt vỏ thuốc lá, chơi trốn tìm mùa hè thì bắt dế, đá dế, thả diều, đi bắn chim, hái quả, câu cá, tắm suối, bắt cá, đá cá, thỉnh thoảng lại đánh nhau xóm trên xóm dưới, chọi cùi bắp, bắn bì .v.v. tuổi thơ tôi cứ mạnh mẽ lớn lên với những thực phẩm tinh thần như vậy, nên chẳng biết gì gọi là buồn.

Mỗi loại trò chơi có cái thú riêng của nó. Nhưng phải nói, đi tắm suối là thích nhất.

Xóm tôi nằm gần sân bay, nên lũ trẻ thường rủ sau ra suối sân bay để tắm. Suối này có 4 ống cống to, bắt nguồn từ hồ đại tướng chảy qua mấy ruộng rau muống thì đổ vào suối 4 ống cống, một khoảng suối rộng là nơi lũ trẻ bơi đùa.

Ai đi học bơi ở piscine thì có bài bản, có huấn luyện viên, chứ tắm suối thì chỉ có đứa này dạy cho đứa kia, mà bài mở đầu luôn là "muốn biết bơi phải cho chuồn chuồn cắn rốn ". Mấy anh lớn bảo thế, (và sau này tôi cũng bảo mấy đứa nhỏ hơn như vậy). Cái cảnh các anh vùng vẫy dưới suối là một cám dỗ mà hầu như chẳng có đứa trẻ nào cưỡng lại được. Vì vậy mà cắn răn chịu đau để cho chuồn chuồn nó cắn vào rốn. Nhìn con chuồn chuồn nghiến răng nghiến lợi cắn rốn, mà lòng trí mơ màng mình trở thành kình ngư để quên cái đau đang ngồn ngộn nơi bụng. Mà đau thật, chỗ rốn là cái sẹo da non, chứ có phải cái gót chân đâu mà không biết đau. Có thằng còn đau đến đái trong quần. Sau này biết bơi, thì tôi chẳng thấy có cái liên hệ gì giữa việc cho chuồn chuồn cắn rốn với cái nhịp thở, hay quạt tay đập chân cả. Tôi học bơi rất nhanh. Đầu tiên là bơi chó, rồi bơi sải hồ, bơi ếch... Dĩ nhiên, trước khi biết bơi là biết lặn, vì nhiều lần sặc và uống nước.

Đi tắm suối bao giờ cũng phải đi cả bọn, vừa tắm vừa chơi bắt đuổi tạt nước, rồi vây vũng để bắt cá. Bao giờ tắm suối xong, đứa nào cũng có vài con cá đem về nuôi trong bể hay lu nước ở nhà. Thú vị nhất là việc chặt mấy thân chuối, lấy dây lá mơ (dân nam gọi là lá thúi địch ) cột lại làm bè, chia phe đánh nhau như thể tái hiện cách hào hùng những trận thuỷ chiến của Ngô Quyền, của Trần Khánh Dư hay của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Có khi có bọn leo lên bè chuối xuôi theo dòng nước, khám phá xem nó sẽ chảy về tận đâu. Trí tưởng tượng của tuổi thơ cứ thả trôi theo dòng nước, hồi hộp, thú vị biết chừng nào.

Mà vào thời điểm ấy, trẻ con trong sáng và hồn nhiên. Đi tắm suối, có cả con trai con gái trong xóm, cứ thế mà hồn nhiên bơi lội. Mười một mười hai tuổi rồi mà cứ tự nhiên ở truồng tắm suối. (sở dĩ tắm truồng, là vì gia đình nào cũng cấm con cái tắm suối - bởi thỉnh thoảng vẫn nghe có đứa chết đuối - để đồ trên bờ xuống suối tắm, thì khi lên đồ vẫn khô, về nhà thì gia đình không biết). Khi lớn một chút, mấy đứa con gái mắc cỡ không còn dám tắm truồng, nhưng đám con trai thì vẫn "vô tư ".

Chuyện nghịch ngợm cũng từ đó mà ra. Hồi bé đọc chuyện cổ tích, có chuyện bầy tiên nữ xuống tắm suối, anh chàng nào đó trên bờ lén trộm đồ, tiên phải năn nỉ, khóc lóc thì chàng mới trả, tình yêu giữa người phàm và tiên có là vậy. Lũ trẻ tụi tôi tin vào cái chuyện đó, vì thỉnh thoảng, mấy thằng vẫn giấu đồ của nhau. Có đứa còn chơi ác, giấu đồ nhất định không trả, thằng bé phải "tồng ngồng " đi về đến gần tận xóm mới có quần mặc vào. Cũng may, đường từ con suối về nhà thường rất vắng vẻ.

Những trò chơi ở suối vui đến độ, dù bị gia đình cấm và thỉnh thoảng bắt về cho một trận, tôi vẫn "lét lút " trốn nhà theo bạn bè trong xóm đi tắm suối. Cũng nhờ biết bơi sớm mà khi đi vượt biên tôi thoát chết. Thỉnh thoảng trong vài giấc mơ, tôi vẫn thấy mình như trở lại thời trẻ, vùng vẫy cùng bạn bè giữa con suối, với tiếng la hét, cười đùa giòn tan. Lắm lúc, giấc mơ đến trong những pha kinh hoàng khác, tôi mơ mình bị nước cuốn đi, cứ xa, xa mãi những vòng tay níu của bạn bè! Giật mình tỉnh giấc, ừa, thì giờ cũng đã quá xa rồi! Tụi thằng Phong, thằng Thức, thằng Trầm, thằng Khánh, thằng Tèo, thằng Minh, ... con Loan, con Xinh nhỏ, Gái Lớn, Gái em ... giờ tụi nó ở phương nào cũng không biết!

Friday 14 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 4) : TRỐN HỌC

Đã là học sinh, thì chuyện trốn học là tất nhiên, nó giống như một « điều kiện cần và đủ « làm nên cái gọi là đời học sinh. Cũng như thể là ca sĩ cần phải có giọng hát , văn sĩ phải có óc tưởng tượng, nhà khoa học phải say mê nghiên cứu .v.v. Tóm lại, « trốn học » giống như một thứ gia vị không thể thiếu làm cho cuộc đời học trò trở thành « thi vị ».

Không biết tôi có trở nên hàm hồ không, khi nghĩ rằng mọi học trò đều ít nhiều trong những ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường đều tham gia vào việc trốn học. Cái ý nghĩ nhảm nhí này mạnh đến độ, tôi còn dám khẳng định rằng 99% học sinh đều tham gia trốn học, và 1% còn lại là nói dối vì không dám thú nhận điều này !

Có nhiều từ ngũ để diễn tả cái « hiện trạng » này : mộc mạc, thô thiển thì gọi là trốn học ; theo ngôn ngữ bói toán thì gọi là « thăng» ; cho chút pháp thuật thì gọi là « biến » ; ngôn ngữ hoá học thì diễn tả bằng « bốc hơi» ; có chút ngoại ngữ cho nó sang thì gọi là « cúp cua» (có lẽ dịch từ tiếng pháp bồi coupe cours ?) ; dân IT thì gọi là « sigh out » ; gọi kiểu dân thể thao thì « lặn » ; còn muốn nói cho có chút văn vẻ, thi ca thì « bám gió » … Tóm lại, dù là thăng, biến, bốc hơi, cúp cua, sighout, lặn hay bám gió thì đều là diễn tả trạng thái tự nhiên biến mất khỏi lớp học !

Giống như bất kỳ tình trạng nào khác, trốn học có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh, và mỗi góc nhìn ấy cung cấp một loạt lý do : lười : trốn ; chán thầy cô dạy : trốn ; bạn bè rủ đi chơi : trốn ; muốn chứng tỏ mình không phải nhát gan : trốn ; thích xem phim, câu cá, tắm suối : trốn ! Tôi nghiệm ra mình hội đủ các lý do (phong phú ghê) !

Lần đầu tiên trốn học thì hồi hộp ! Dù gì, trong mắt mọi người, tôi vẫn là đứa học trò chăm chỉ ! Trong những năm đi học, bao giờ tôi cũng kiêm nhiệm một chức vụ gì đó : lớp trưởng, lớp phó học tập, phó văn thể mỹ, hay giá bét cũng là tổ trưởng. Là người « có tí chức » nên phải chăm chỉ là điều tất nhiên ! Vì vậy, lần trốn học đầu tiên khiến tôi ray rứt nhiều lắm ! Năm lớp 4, tôi thường đi học với mấy đứa trong xóm, có hôm rủ một đứa đi học, nó làng chàng thế nào mà đến trường trễ giờ ! Khi cánh cổng đã đóng lại, thì người ta dễ bị sa vào chước cám dỗ. Sau ít phút tần ngần trước cổng trường, tôi theo thằng bạn hiền lang thang đi chơi. Cái thị trấn bé tẻo tèo teo ! Đi trốn học mà mắt lấm la lấm lét như tên trộm, chỉ sợ ngộ nhỡ gặp chị, cậu, dì đi đâu đó, thì cầm chắc nuôi mông bằng roi. Ấy vậy mà cái sợ sợ, lo lo ấy lại làm cho việc trốn học trở nên thú vị !

Ông bà mình nói : « Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt», tôi thêm vào « trốn học quen chân ». Lần đầu hồi hộp, lo sợ ! Lần sau bình tĩnh, biết tìm đến những nơi hấp dẫn. Lần sau , sau nữa thì quen và thích thú, đến độ tôi phải xếp vào thời khoá biểu ngày nào đó để cúp học đi chơi !

Ngẫm rằng, sách thánh hiền có câu « cái khó bó cái khôn » , hình như câu tục ngữ này có một dị bản « cái khó ló cái khôn ». Với tôi thì cái dị bản đúng hơn. Để lấp đầy thời gian trốn học đi chơi, phải tìm những chỗ đi chơi ! Thập niên 80, 90 chưa có những điểm chơi điện tử như bây giờ. Thời gian trốn học thường là đi tắm suối, đi bắt dế, đi bắt cá .v.v. Thỉnh thoảng tôi cũng bị lương tâm cắn rứt khi thấy gia đình cứ đinh ninh là tôi đã ngoan ngoãn sách cặp đến trường. Không ai biết, thay vì đi theo con đường đến trường, tôi dành một ngã rẽ khác để đi chơi. Tôi chỉ bị lương tâm làm ray rứt vài lần, những lần sau, lương tâm cũng thành đồng lõa !

Để đối phó, những ngày trốn học, mấy đứa viết đơn cho nhau xin nghỉ học : tôi viết cho A, A viết cho B, B viết cho C, và C viết cho tôi. Lý do thì có trăm ngàn lý do : bệnh, đi đám cưới, đám ma … Viết đơn riết, tôi biết tên cha mẹ của mấy thằng trốn học. Cũng phải phục lăn sự sáng kiến, cúp học bao ngày là có bao lý do, không hề trùng lắp !

Cúp tiết cũng nằm trong dạng trốn học. Những năm học cấp II, những phòng học có cửa sổ thấp lè tè, những tiết học chán như kỹ thuật công nghiệp, chính trị .v.v. thích rủ nhau đi chơi mà chưa kịp thoát ra hết ở giờ chuyển tiết, giáo viên vào lớp, chỉ cần quay lên bản là … a lê hấp : bám gió qua cửa sổ « thăng » liền !

Nói về cúp tiết, tôi nhớ trận đòn bị thầy Sơn dậy thể dục phạt. Tiết học văn, cô giáo không đến lớp nên được nghỉ. Như bầy ong vỡ tổ, cả lớp ồn ào nói chuyện. Chuyện chán không biết làm gì, mấy đứa rủ nhau trốn học đi chơi ! Vừa ra đến cửa thì thầy Sơn đi về, thằng Lợi, Phong và tôi kịp nép vô của. Hôm đó thầy Sơn đi đám tiệc đâu về, mặt đỏ bừng bừng vì rượu ! Gặp cái lớp ồn ào, thầy đi vào ! Thằng Kiệt lớp trưởng đang ngồi trên bàn giáo viên quản lớp, vừa cầm cây thước, vừa gõ bàn hát bài Clémentine « ôi em yêu kiều, ôi em mỹ miều, người yêu dấu ớ Clémentine… ». Thầy Sơn vào cửa, túm ngay thước kẻ phết cho em « thủ trưởng » này hai roi, em bật khóc chạy về chỗ ! Thầy gườm gườm : « Còn ai làm ồn ? » ! Thằng Phong với thằng Lợi quíu giò, mắt đã ngân ngấn nước ! chúng nó bảo tôi « tuị mình ra đi ! » Tôi nhất định không ra « Tụi mày ra thì ra, nhưng đừng khai tao » !

Hai đứa lò dò đi ra, lãnh 3 roi. Tiếng khóc của thằng Phong ai oán như tiếng nỉ non của đám tang ! Và hình như là khi đau khổ, người ta nhớ đến những người đồng hội đồng thuyền, nên nó ỉ ôi « H ơi, mày ra luôn đi » ! « Thằng H nào ? ». Còn thằng H nào nữa chứ ngoài thằng tôi ! Mông ơi, tao làm hại mày rồi : 5 roi đủ làm mày biến dạng và đỏ bầm thê thảm !

Trong số những « đồng chí » cùng hội trốn học, người bạn chung chia nhiều kỷ niệm với tôi là Bích Thuỷ !

Bích Thuỷ là đứa con gái đầy cá tính ! Học giáo lý chung với tôi, nhưng đi học thì khác lớp. Tính nó như con trai, thẳng thắn và sòng phẳng. Không ai nghĩ Bích Thuỷ có thể trốn học đi chơi, vì nhìn nó thật hiền, tóc dài, da trắng, khuôn mặt cân đối, giọng nói nhẹ như hơi thở và học giỏi. Nó từng học với tôi trong lớp học sinh chuyên từ lớp 5. Không một ai biết tôi hay trốn học đi câu cá với Bích Thuỷ. Tính trầm lặng, ít nói, nên khi câu cá, hai đứa tập trung vào phao câu ! Những lúc câu được con cá nào, nó cười tít mắt ! Tôi chỉ nhớ thỉnh thoảng nó nói : « trốn học đi câu cá với mày thích thật » !

Năm lớp 9, nó theo gia đình đi xuất cảnh ! . Trong những lá thư gởi thư cho tôi, Bích Thủy vẫn thường nhắc lại kỷ niệm trốn học đi câu cá, rồi bao giờ nó cũng nói : chẳng biết đến khi nào mới được cùng mày trốn học đi câu cá ?!

Ừa, đúng là chẳng biết khi nào, vì cuộc đời như đại dương mênh mông, khi lớn lên, người ta chỉ còn lo chèo chống với sóng gió. Bao giờ có thể trở về kỷ niệm để trốn học đi câu !

Thursday 13 November 2008

CÚM GỒI !!!!

Tình hình là cúm rồi!!!

Hôm thứ hai còn lanh như sáo, Anh Bình ghé vào nhà chơi, rủ thêm anh Khánh, và mấy anh em nấu cơm ăn! Mình trổ tài nấu canh rau đay mà Phương đưa từ Mỹ về, rồi cá cơm kho tộ! Mấy anh em khen ngon "rên mé đìu hiu "!

Chỉ hơi thức khuya chút, rồi vì nóng nực trong phòng, để cửa sổ mở và ngủ quên! Đến khi thấy quá lạnh thì cũng quá trễ !!!

Sáng dậy là oải khắp người!

Hai cái tay nặng như chì, cái cổ thì cứng (bị chứng cứng đầu cứng cổ đây) tứ chi bải hoải như bóng xì hơi! Rồi thì hâm hâm, sốt sốt!!! Trong đầu bắt đầu vang vang những ý nhạc của bài "Sắc mầu " : một mầu đen đen, chấm thêm vàng vàng, rồi xanh xanh, rồi .... cả một trời màu sắc "! Hehehe, dân gian gọi là hoa mắt! Thế là choáng!

Nấu nồi cháo trắng, uống thuốc rồi vật vờ như cái bóng ma! Mấy người trong couloir đi ngang, thấy ốm ghé vào thăm! Có tên nói : "rồi ! Bỏ cơm, thích kèn, thèm đất "! Trời đất, nghe mà toát xương sống, tưởng như tiếng gọi hồn!!!

Nằm trong phòng không dám đi ra ngoài vì trời lạnh quá! Cố đọc cho xong tập tài liệu để chuẩn bị làm bài. Hình như mỗi lần mình học là người hăng máu lên, hình như vậy, vì đọc xong thì thấy người nóng hầm hập! Lại sốt!

Mong cho mau lành!

Cúm ơi là cúm! Tao có thù có oán chi mày đâu mà năm nào cũng ghé vào đập tao vài trận!!! Thù này biết bao giờ mới trả xong!!!

Tuesday 11 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 3) : VƯỢT BIÊN!

Sau biến cố 1975, cùng với sự xuất hiện của các "chú bộ đội ", rồi những đợt tập trung cải tạo, rồi chiến dịch đưa dân đi khu kinh tế mới .v.v. là những đợt sóng người di tản tị nạn.

Cho đến bây giờ, người ta khó có thể đưa ra một con số chính xác những người đã tạm phải chạy trốn khỏi cái "quê hương là chùm khế ngọt " mà thời điểm ấy đã trở nên chua chát và đắng ngắt này. Người ta chỉ ước tính có hơn 2.000.000 người đã bỏ nước ra đi trong giai đoạn này và chỉ khoảng 1/4 trong số đó đến được các nước tự do. Số khác vĩnh viễn nằm lại ở trong lòng đại dương, hay nơi những trại tị nạn như một ký ức đau buồn của lịch sử dân tộc. Dòng người ùn ùn bằng đường bộ qua ngã Campuchia đến Thái Lan, hay bằng đường biển để mong được vớt nơi hải phận quốc tế! Chiến tranh biên giới tây nam (từ cuối 1977)với Campuchia tạm khoá lại con đường bộ, chỉ còn để lại con đường biển, vốn trải ra hầu như dọc theo chiều dài đất nước.

Người ta đi vượt biên vì nhiều lý do.

Biến cố 1975 giống như một cột mốc phân định giữa quá khứ và hiện tại, giữa giàu và nghèo, vinh quang và ô nhục, hy vọng và tuyệt vọng, chiến thắng và thất bại! Bấy nhiêu sự thay đổi là bấy nhiêu nguyên nhân để người ta tranh nhau trốn chạy!

Tôi không phải là một nhà tư tưởng chính trị, càng không phải là một nhà cách mạng ái quốc bẩm sinh. Cái tuổi lên chín lên mười không thể để trong lòng người ta một ý niệm chính trị về tổ quốc, về quê hương! Đất nước chỉ là những chuỗi ngày sống, với những nghịch ngợm vui buồn cùng chúng bạn, hay thảng hoặc nhìn thấy những thoáng lo âu, buồn rầu nơi ánh mắt xa xăm của mẹ, của cha. Quyết định đi vượt biên cũng không phải là do tôi quyết định, gia đình sắp xếp hết mọi sự, tôi chỉ nghe theo lời dặn của mẹ mà thôi.

Cũng phải nói, tôi biết mẹ tôi rất là lo lắng, vì tôi là con trai một, lại còn nhỏ! Mẹ tôi chỉ cho tôi tham gia trong những chuyến có những gia đình bạn bè thân của mẹ. Hồi đó, mấy bà cứ rỉ tai nhau những đường dây đưa người vượt biển. Thấy được được là mẹ cho tôi đi.

Nếu bây giờ mà xét mình như chuẩn bị xưng tội, và nếu căn cứ theo tinh thần của bộ Luật Hình Sự mà các anh em cán bộ nhà ta thường lên lớp tuyên truyền, thì tôi đã "phạm tội phản bội tổ quốc" đến 6 lần, tương ứng với 6 lần tham gia vượt biên.

Hồi đó, để tham gia một chuyến đi, phải xin phép nghỉ học ở trường. Mẹ tôi viết đơn xin phép cho tôi được nghỉ học để về đám tang ông bà nội 1 tuần hay 10 ngày (dù ông bà nội tôi đã chết từ hồi kháng chiến). Như vậy, cứ trung bình mỗi năm, tôi có một lần xin nghỉ vì đám tang. Mà cũng may là mỗi năm học một thầy, hay cô giáo khác, chứ nếu chỉ một người thì không biết giải thích thế nào tại sao mà ông bà nội ở đâu ra để chết nhiều thế!

Lần đi vượt biên nhẹ nhàng nhất, cũng là lần đầu tiên thì bị bắt ở trạm Cỏ May, Vũng tàu. Mấy người vượt biên chia nhau trên hai chiếc xe lam, khởi hành cách nhau 1 giờ. Khi chuyến thứ nhất đã đi an toàn qua trạm, chuyến thứ hai bị chặn để khám xét! Khi công an khám phá trong túi xách của hai cô kia toàn nước chanh đường khô quẹo (cái món này làm bằng cách vắt chanh pha với nước đường, nấu quẹo lại, để uống trong trường hợp thiếu nước ngọt), bắt cả xe về đồn, và khám ra thì có vàng, vitamin C ...., rồi mỗi người khai khác nhau, thế là bị tóm! Năm đó tôi chỉ mới học lớp 4. Nhỏ tuổi nên được thả ra chỉ sau một ngày "đi tù "! Đi vượt biên mà chưa thấy được biển đã bị chụp!

Lần thứ hai đi ở Long Hải! Năm học lớp 4. Không thành!

Lần thứ ba ở Vũng Tàu! Mùa hè năm học lớp 4. Không thành!

Lần thứ tư ở Rạch Giá! Xui xẻo là gặp bão, đợi chờ gần 1 tuần thì mọi người giải tán! Đợt này đi vào dịp nghỉ tết năm học lớp 5.

Chuyến thứ năm đi ở Vũng Tàu! Gia đình người môi giới là họ hàng và cũng là bạn hàng buôn bán với gia đình! Đã ra đến tàu, nhưng trái với lời chủ tàu đã nói trước đó. Thực tế chỉ là chiếc tàu đánh cá nhỏ, và có quá đông người. Nên họ quyết định không đi chuyến này!

Lần đi ở Rạch Giá thì suýt chết, năm học lớp 6

Đợt này chủ tàu tuyên bố chắc nịch là đã chung chi đầy đủ, mua bến bãi an toàn, xác suất thành công là cao nhất! Sau hai ngày đi đến Rạch Giá, nằm trong nhà ông chủ tàu chờ đợi thêm hai ngày! Tối ngày thứ ba, 10 giờ di chuyển đến điểm tập kết, rồi từ đó leo lên những cái thúng nhỏ gọi là "taxi " để ra tàu lớn đậu bên ngoài. Đợt này, tôi đi cùng với một chú Chiếu, chồng của người bạn gái của mẹ. Mọi sự vàng bạc, mẹ giao hết cho chú Chiếu, tôi chỉ có một việc là đi theo.

Chuyến taxi thứ nhất đi khoảng 10 phút, đến chuyến thứ hai là có tôi và chú Chiếu. Vừa đẩy ra được gần 100 met, thì trên bờ loạng xoạng ánh đèn pin, tiếng AK nổ chát chúa, tiếng người chạy, tiếng hô của công an và tiếng la hoảng loạn của những người còn lại. Bị lộ, bị phản thùng! Anh tài công lật úp cái thúng rồi bỏ của chạy người! mấy người lóp ngóp ngoài biển! Phải nói lúc này tôi mới nghiệm ra sự may mắn là thường xuyên trốn học đi bơi với mấy đứa bạn, vì vậy tôi có thể thoát chết! Trên bờ thì công an đứng bắt, vì vậy tôi cứ bơi ra phía ngoài, rồi thuận theo dòng chảy bơi một đoạn khá xa, bám vào một tảng đá lớn rồi nằm lỳ ở đó để chờ! Tôi kiên nhẫn chờ gần 3 tiếng đồng hồ cho đến khoảng 4 giờ sáng, khi không còn nghe những tiếng la hét quát nạt, tôi mới lặng lẽ bơi vào bờ!

Không có tiền, áo quần ướt bẩn, lại không biết đường xá, tôi chỉ biết tìm đến một ngôi nhà thờ! Bất đắc dĩ, tôi phải hành nghề "cái bang" xin mấy bà đi lễ về. Có lẽ thấy một đứa trẻ đáng thương như vậy, bà cho vài đồng để mua đồ ăn. Sau đó tôi đi bộ hỏi đường trở lại Rạch Giá. Ở Rạch Giá, tôi cũng chẳng nhớ được nhà ông chủ tàu, một phần vì trước đó chỉ ở trong nhà không được ra ngoài, phần khác, tôi nghĩ chắc ổng cũng bị bắt và chắc nhà bị theo dõi, làng chàng còn bị túm cổ, nên tôi ra chợ xin tiền. Tôi lưu lạc ở Rạch Giá thêm 5 ngày nữa, ăn bờ ngủ bụi như một dân cái bang thực thụ! Khi đủ tiền, tôi đón xe về Sàigòn. Đến Sàigòn, tôi kêu xe ôm chở về nhà ông bà ngay ở Bà Quẹo, mượn tiền trả xe ôm. Sau một ngày thì tôi về nhà! Mẹ tôi vui mừng rơi nước mắt khi thấy tôi. Mẹ đã nghe tin chuyến đi không thành khi chú Chiếu trốn được về nói có lẽ tôi đã chết! Đó là chuyến đi cuối cùng! Sau chuyến đi này, mẹ tôi không dám cho tôi đi vượt biên nữa.

Khi ngồi viết lại những dòng này, tôi mới nghiệm ra sự đúng đắn của cái câu "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ". Sau 6 lần tất tả vượt biên, có những lúc sinh mạng đánh đu giữa hai nhịp sống và chết, gia đình từ bỏ ý định cho tôi đi vượt biên, và tôi tự nhủ, mình "hổng có số xuất ngoại "! Vậy mà đến khi muốn ở lại VIỆT NAM để thực hiện những dự tính ấp ủ từ hồi còn ở trong trường hay nơi thực tập, đùng một cái, sếp tống cổ đi Tây! Đời sao trớ trêu!!!

Tôi cũng tự hỏi, nếu một trong những chuyến đi vượt biển đó thành công, thì giờ đây, tôi sẽ là ai, sẽ ở đâu hay làm gì ?

Và ngộ nhỡ, cũng có thể tôi nằm trong số những người không may mắn, những nạn nhân bất hạnh, đã nằm lại đâu đó trong lòng tĩnh mịch và giá lạnh của đại dương !!!

("Ánh Sáng dịu êm, dẫn tôi đi tới, từng bước một thôi "- Henry Newman)

Liên hệ : Tập 1 : Những người phụ nữ đẹp!

Tập 2 : Tuổi thơ dữ dội

Sunday 9 November 2008

HẾT LỤT!

Hà Nội thở phào nhẹ nhỏm khi cơn bão dịch chuyển theo hướng khác. Đã qua một tuần lũ, người dân đang phải tất bật lo dọn dẹp rác rưởi, gia cố lại những nơi hỏng hóc, và tính toán thiệt hại của cơn lũ này.

Chính quyền Hà Nội cũng sẽ rút kinh nghiệm cho công tác quản lý về quy hoạch cũng như khả năng ứng phó với những tình huống thiên tai bất ngờ. Sau những tuyên bố "hay chưa từng thấy "; dù sao, ông Bí Thư Phạp Quang Nghị cũng đã chân thành xin lỗi dân vì những lời nói "vô cảm " gây bức xúc trong dân chúng! Chắc tuần qua, ông đã có kinh nghiệm bị "đánh hội đồng " như thế nào, dù báo chí được quản lý "đi bên lề phải " không dám phản biện, nhưng những trang tin qua blog, và qua những trang tin nằm ngoài sự quản lý của chính quyền; ông cũng cảm nhận được sự giận dữ của người dân trước những phát biểu của ông! Mà phải phục ông này, dân triết học có khác, "lói câu nào, ra câu í", nên dù có cắt xén, hay để nguyên trong cả ngữ cảnh phát biểu, thì người ta cũng hiểu được chính xác những suy nghĩ, thái độ của ông. Tuy ông không phải là tất cả của chính quyền Hà Nội, nhưng qua cách ứng xử của ông, người ta có thể hiểu được tâm thức của những "đầy tớ " nhân dân tại đây.

Đúng thiên tai là nguyên nhân của những tổn thất nặng nề về người và của! Nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền không có trách nhiệm trong việc này! Người ta sẽ nói đến sự quy hoạch, cách sử dụng tiền vốn vay mượn, mà người dân sẽ phải khó nhọc đóng thuế, trong những dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước ; người ta cũng sẽ nói đến phản ứng chậm chạp, máy móc của chính quyền khi mà trận lụt đã qua ngày thứ hai, thì thay vì lo có kế hoạch chống đỡ, đối phó, thì các "quan chức " vẫn lo họp bàn tổng kết về tôn giáo ; có người đặt vấn đề về cái chết thương tâm của những học sinh, và người dân khi không được cảnh báo đúng mức trong những cơn lũ ... Đâu phải mọi chuyện cứ đổ cho thiên tai là xong ! Nơi đây, người ta thấy rõ sự "vụng chèo khéo chống" và thói quen đùn đẩy, trốn trách nhiệm. Bên thì nói " Đó là một trận mưa trái mùa, nên có chuyện bị động của chính quyền thành phố (ông Nguyễn Thế Lương, Trưởng phòng Phòng chống lụt bão thuộc Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Việt Nam) và Tờ VietNamNet hôm 3/11 đã dẫn lời một số đại biểu quốc hội cho rằng chính quyền Hà Nội “phải tự nhìn lại mình khi để xảy ra ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề mấy ngày qua”. Trong khi đó, Về một số ý kiến cho rằng chính quyền phản ứng chưa nhanh chóng, ông Nghị nói: “Tôi nghĩ đấy chỉ là một đánh giá của ai đó thôi”. “Chính quyn đã x lý tích cc, kp thi, không có chuyn chm chp hay lúng túng".

Không khó để nhận ra được mức độ xác thực thuộc về ai trong những nhận định trái ngược này!

Có những độc giả đã viết, "cơn lũ rút đi, cuốn theo cả niềm tin "! Hình như người dân đã quen lắm với những luận điệu của chính quyền : rút kinh nghiệm, sẽ kiểm tra và giải quyết, sẽ ...rất nhiều và rất nhiều! Không biết người ta sẽ học được kinh nghiệm gì từ những cái chết oan ức và những tổn thất nặng nề của người dân.

Thursday 6 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 2) : TUỔI THƠ DỮ DỘI!

Tôi phát hiện ra mình không phải là đứa ngoan ngoãn và hiền lành khi tôi bắt đầu đi học.

Dù ở trường hay nơi nhà thờ học giáo lý, tôi thường bị phạt vì những trò nghịch ngợm, nhất là ở nhà thờ nơi học giáo lý, tôi bị phạt hầu như ở hết mọi chỗ : trong nhà thơ, nhà xứ, phòng họp, hội trường, phòng thánh .v.v. Những hình phạt chỉ cho tôi thêm kinh nghiệm để ẩn mình né tránh và phủi tay ra vẻ không can dự gi trong những lần nghịch phá sau này.

Mùa hè năm học lớp 3, vì sợ tôi bị những rủi ro do đi chơi, (thời đó thích nhất là trốn nhà ra suối bơi với chúng bạn, nhờ vậy mà sau này thóat chết khi đi vượt biên) mẹ gởi tôi vào nhà nội trú của các soeur. Do quan hệ giữa gia đình và các sœur tốt, nên ban đầu, tôi nhận được những sự ưu ái hơn hẳn. Nhưng điều đó không kéo dài được bao lâu khi tôi dần dần bị phát hiện khuôn mặt quỷ ma nghịch ngợm khéo che dấu sau cái vẻ non nớt thiên thần.

Tôi còn nhớ khi đó, ở nhà Anna có bốn dì. Dì bề trên nhà là dì Maire, rồi đến Dì Tám, Dì Út Sẻ và Dì Mười Nguyệt. Nghiêm khắc nhất có lẽ là Dì Marie và Dì Tám, ngược lại, hiền lành và nhân hậu là Dì Út và Dì Mười.

Vụ án đầu tiên tôi gây ra là giấu cái chuông của Dì Hai. Để qui tụ lũ trẻ, các Dì dùng cái chuông nhỏ làm hiệu. Thật ra, tôi không hề có ác cảm gì hết với các Dì, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn quý trọng. Những trò nghịch ngợm chỉ là do tôi phá phách, đơn giản vậy thôi.

Không biết từ đâu đến cái ý nghĩ quái quỷ là nếu không có cái chuông, các Dì sẽ làm cách nào để ra hiệu cho lũ trẻ. Tôi cũng đồng thời nhận ra mình có cái tính hay hay, đó là đã thắc mắc điều gì thì phải truy tìm đến « cùng kỳ lý ». Đã có ý nghĩ thì phải tìm hiểu, và cách tốt nhất là giấu biến nó đi một chỗ khác. Và kết quả thật hiển nhiên, không có cái chuông, lũ trẻ chạy đi chơi tứ tán không có giờ vào lớp, phải đi réo gọi từng đứa một. Sau một ngày tìm không ra, khỏi nói, ngừơi giận nhất là Dì Marie. Chuyện cũng chẳng có gì nếu tôi không ngây ngô đem khoe chiến tích ấy cho thằng Hải Đen nghe. Chuyện đến tai Dì Marie, tôi lãnh một trận đòn thích đáng với việc mình làm. Trong lúc bị đòn, tôi nhận ra một bài học quý giá : bí mật kín đáo nhất là bí mật không nói cho ai biết.

Ở trong nhà nội trú kỷ luật rất nghiêm. Ăn trưa xong là tất cả phải đi ngủ trưa. Tôi được xếp ngủ trên chiếc phản gỗ với 2 đứa nữa, trong khi những đứa khác nằm đất. Hồi nhỏ không có thói quen ngủ trưa, nên nhiều khi tôi nằm nhìn thằn lằn đuổi nhau trên trần nhà. Ông bà mình nói « nhàn cư vi bất thiện » quả không sai. Nằm không cũng chán, tôi bày trò quáy lỗ mũi mấy thằng chung quanh. Quả tội, tụi nó tức khóc hu hu. Sœur Mười đọc kinh về, thấy mấy đứa không ngủ mà nằm khóc, giận qúa cầm roi đánh hết cả nhà. Tội nghiệp nhiều đứa đang ngủ ngon bị ăn roi, cả nhà thức dậy khóc như ri. Tôi cũng bị một roi. Sau này, đọc trong Thánh Kinh đến đọan anh trộm hối cải nói với anh kia « chúng mình chịu như thế thế này là thích đáng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì nên tội ? », tôi chợt nghĩ câu này đúng với mình. Đáng tội !

Tôi hối hận vì trò nghịch phá của mình làm mấy đứa kia bị đòn oan. Nhưng điều đó chỉ kéo dài được hai ngày. Qua ngày thứ ba, không biết làm gì vào giờ ngủ trưa, tôi chuẩn bị sẵn lọ nồi trong một tờ giấy. Sau giờ ngủ trưa, nhiều đứa trở thành lão ông vì râu ria đầy mặt, có thằng còn súyt thành Bao Công. Tôi lấy làm thú vị lắm vì trò lén lút này của mình.

Ông bà mình có lý lắm khi nói «đi đêm có ngày gặp ma ». Lần ra tay kế tiếp, tôi bị bắt tại trận khi đang chuẩn bị gây án. Tôi quên là tôi đã có « tiền án » từ cái ngày giấu chuông của Dì Hai, vì vậy có lẽ không khó để theo dõi. Lần gây án này là bắt thằn lằn bỏ vào quần thằng Hải đen vì nó hay mách lẻo, tôi chỉ vừa mới mon men đến gần nó, với con thằn lằn chộp đuợc hồi sáng còn giấu trong hộp đang cầm trên tay. Khi tiếng hét của thằng Hải đen vang lên khi phát hiện có con gì chạy trong quần, thì cũng là lúc Dì Hai hiện ra ngay cửa phòng. Thôi rồi, Dì quan sát thấy hết mọi hành động của tôi ! Tôi bị ăn 3 roi, và từ đó bị phạt ngủ dưới đất, nằm cuối nhà, gần chỗ ra nhà vệ sinh, và nằm giữa hai anh lớn. Coi như bị pótay.com

Tôi ở trong nhà nội trú hết mùa hè thứ hai. Trừ các tật phá phách, tôi đuợc các Dì thương vì học giỏi và thuộc giáo lý. Sau này gặp lại các Dì, tôi vẫn nhắc lại « thành tích » ngày xưa, các Dì chỉ cười, một nụ cười độ lượng biết bao. Có lẽ vì tôi nghịch ngợm như thế mà các Dì nhớ chăng ?

TUỔI THƠ DỮ DỘI

Xóm tôi ở nằm kế bên kho đạn, trước đây là nơi đóng quân của sư đòan 18 của tướng Lê Minh Đảo. Sau 1975, nơi này còn để lại rất nhiều đạn dược, vô tình, nó cũng trở thành nguồn thu nhập cho những người nghèo khổ nơi đây. Chẳng biết có nơi nào trên thế giới tồn tại cái nghề đục đạn để lấy thuốc, lấy nhôm, đồng bán ve chai như ở Việt Nam không, nhưng với cái xóm bé nhỏ này, đó lại là chuyện rất thường tình. Nó cũng trở thành một nỗi thường tình khi trong xóm thỉnh thỏang có những « tai nạn nghề nghiệp », đưa về bên kia thế giới những xác người không bao giờ tòan vẹn.

Thuốc bồi của đạn trở thành trò chơi cho những đứa trẻ trong xóm. Thuốc bồi, bọc bằng giấy kiếng của bao thuốc lá, đốt bay như hỏa tiển. Hầu như đứa trẻ nào cũng có một thùng thuốc bồi, do lượm trong kho đạn hay xin của những người đục đạn. Tôi cũng có riêng một thùng đại liên thuốc bồi. Thỉnh thỏang, mấy anh lớn trong xóm rủ tôi vào kho đạn tìm thuốc. Có những hầm nhỏ sụt lỡ, mà chỉ có cỡ người nhỏ như tôi chui vào được, lấy đạn chuyển ra bên ngòai cho các anh lớn, và phần thuốc bồi tôi có nhiều dư giả để chơi. Thú thật, lúc bé chẳng biết sợ là gì, cầm trái đạn M 79 ném nhau chơi là chuyện bình thuờng. Giờ nghĩ lại mới thấy sợ. Chứ hồi đó nếu xảy ra chuyện gì, giờ chẳng còn tồn tại cái thằng tôi.

«Tân đại úy » là biệt danh bọn thanh niên trong xóm gọi anh Tân chột, hậu quả một lần nghịch kíp nổ của lựu đạn. Còn cái tên « đại úy » chắc là do nhiễm mấy bộ phim dài tập của Liên Xô hay phe XHCN chiếu vào những năm đầu thập niên 80. Có một nạn nhân đạn pháp sờ sờ ra đó, nhưng đúng là « chưa thấy quan tài chưa đổ lệ ». Một hôm, cả bọn tập trung chơi thuốc mồi ở cái khỏan sân nhỏ ngay ngã ba. Trò chơi vẫn là rắc thuốc bồi rồi đốt cho nó chạy vòng vòng, anh Lợi chợt nhớ còn vài cái kíp nổ của lựu đạnm bảo đem ra đốt cho nổ chơi. Lúc đó nhiều đứa chưa biết cái kíp nổ là gì, xúm lại xem. Sau tiếng nổ chát chúa là tiếng kêu thét của nhiều nguời, anh Lợi bị miểng vào mắt, anh Khánh con ông Tư Bầu thì vào bắp chân, tôi may mắn chỉ vì anh Lợi đã để cái kip nổ nằm về một bên tảng đá chắn phía tôi ngồi ôm thùng thuốc bồi. Sau vụ đó, anh Tân được thăng chức « thiếu tá » vì đã có « Đại úy » Lợi trám chỗ. Tôi bị ông ngọai cho một trận nên thân, và cấm không cho chơi thuốc bồi nữa.

Thời điểm này, ngòai việc đi học, thời gian còn lại của lũ trẻ chỉ là tụ tập đi chơi. Kế bên nhà ngọai tôi có một khu vườn lớn của ông Ba Danh, sau 1975, gia đình ông đi mất biệt, nên khu đất trở thành nơi lũ trẻ tụ tập chơi nghịch. Đó cũng là nơi nhà bà Mạnh thả những con bò ăn cỏ. Hồi đó, tivi đang chiếu bộ phim hiệp sĩ bảo táp. Đứa nào cũng thích nhân vật này. Có hôm hứng chí, Hải Thọt nhảy lên lưng bò, vừa đi vừa hô « tao là hiệp sĩ bảo táp », tụi thằng Trầm, thằng Tuấn xúm lại quất con bò cho hiệp sĩ, bị đau, con bò đang đi chậm rãi bỗng nhảy lồng lộn lên, hất hiệp sĩ bão táp Hải Thọt xuống đất, đầu va vào một tảng vữa, nằm im thin thít như người chết. Bà Tư mẹ của thằng Trầm phải khiêng về nhà, cạo gió giác lễ một chặp mới tỉnh lại. Sợ thằng Hải nói lại chuyện này với gia đình nó, rồi con nít dễ làm mất lòng ngừoi lớn, bà Tư cho nó một nãi chuốt, thế là êm chuyện.

Cái xóm này là nơi tôi đã lớn lên, đã chứng kiến bao cảnh đời buồn vui. Là nơi để cho những ước mơ tuổi thơ được tự do bay bỗng. Nó theo tôi mãi trong miền ký ức với những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Vừa rồi, một người bạn « nối khố » kể lại những chuyện ngày xửa ngày xưa, nhắc chuyện ông Năm Thung, tôi mới nhớ chuyện này.

Ông Năm Thung là thương binh. Nghe đâu ổng bị trúng đạn trong trận đánh Long Khánh, vết thương nặng nên phải cưa hết một chân. Là tiêu chuẩn thương binh, nhưng vì không có chữ nghĩa, nên không được làm gì trong chính quyền. Tàn phế, không vợ con, không việc làm, lão trở nên buồn chán, uống rượu rất nhiều và nói nhiều chuyện bù khú cho đám thanh niên nghe. Nghe đâu lão cũng thích Cô Mầu, một cô “gái già”, theo ngôn ngữ của mấy bà trong xóm. Thời điểm ấy, cô Mầu đã gần 35 tuổi rồi, nhưng chê lão Năm thung rượu chè, lại cụt chân nên không chịu. Sau có chú Thục, cũng là bộ đội miền Bắc, chẳng biết mai mốt thế nào, họ nên vợ chồng. Chú Thục cà lăm tợn, chỉ có biệt tài chẻ củi. Những năm thập niên 80, đa số người ta dùng củi. Chú Thục một ngày có thể chẻ cả chục khối củi, vì vậy cũng dư giả tiền bạc. Bị từ chối, lão Năm Thung cay cú, và ghen tị. Nhất là khi thấy cô Mầu có thai, lão đặt ra bài vè cho lũ con nít chúng tôi. Thế là mỗi khi thấy cô Mầu, cả lũ nhao nhao :

Dí dẩu dí dầu

Cô mầu có chửa

Tại cây súng lửa

Chú Thục bắn ra

Lủng thịt lủng da

Bụng sưng như cái trống …

Cô ới, cô ơi!

Trống đây, dùi đâu?

Trống đây, dùi đâu?

Cô Mầu xấu hổ chạy về nhà, bỏ lại sau lưng tiếng ê a như tụng kinh của lũ trẻ “Dí dẩu dí dầu…”

Chú Thục tức lắm, nhưng không làm gì được với lão Năm Thung, chỉ còn chửi đổng với lũ trẻ :”Đồ … đồ … mất ….mất …dạy! Quân … quân … vô … vô … vô ….văn … văn …. Hóa “. Mà chú chửi là đúng, lão Năm Thung thì không có chữ nghĩa, còn chúng tôi, khi đó chỉ là lũ con nít ranh.

Sau mẹ tôi biết chuyện, cấm tôi không được nghe lời xúi bậy của lão Năm Thung nữa.