Thursday 6 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 2) : TUỔI THƠ DỮ DỘI!

Tôi phát hiện ra mình không phải là đứa ngoan ngoãn và hiền lành khi tôi bắt đầu đi học.

Dù ở trường hay nơi nhà thờ học giáo lý, tôi thường bị phạt vì những trò nghịch ngợm, nhất là ở nhà thờ nơi học giáo lý, tôi bị phạt hầu như ở hết mọi chỗ : trong nhà thơ, nhà xứ, phòng họp, hội trường, phòng thánh .v.v. Những hình phạt chỉ cho tôi thêm kinh nghiệm để ẩn mình né tránh và phủi tay ra vẻ không can dự gi trong những lần nghịch phá sau này.

Mùa hè năm học lớp 3, vì sợ tôi bị những rủi ro do đi chơi, (thời đó thích nhất là trốn nhà ra suối bơi với chúng bạn, nhờ vậy mà sau này thóat chết khi đi vượt biên) mẹ gởi tôi vào nhà nội trú của các soeur. Do quan hệ giữa gia đình và các sœur tốt, nên ban đầu, tôi nhận được những sự ưu ái hơn hẳn. Nhưng điều đó không kéo dài được bao lâu khi tôi dần dần bị phát hiện khuôn mặt quỷ ma nghịch ngợm khéo che dấu sau cái vẻ non nớt thiên thần.

Tôi còn nhớ khi đó, ở nhà Anna có bốn dì. Dì bề trên nhà là dì Maire, rồi đến Dì Tám, Dì Út Sẻ và Dì Mười Nguyệt. Nghiêm khắc nhất có lẽ là Dì Marie và Dì Tám, ngược lại, hiền lành và nhân hậu là Dì Út và Dì Mười.

Vụ án đầu tiên tôi gây ra là giấu cái chuông của Dì Hai. Để qui tụ lũ trẻ, các Dì dùng cái chuông nhỏ làm hiệu. Thật ra, tôi không hề có ác cảm gì hết với các Dì, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn quý trọng. Những trò nghịch ngợm chỉ là do tôi phá phách, đơn giản vậy thôi.

Không biết từ đâu đến cái ý nghĩ quái quỷ là nếu không có cái chuông, các Dì sẽ làm cách nào để ra hiệu cho lũ trẻ. Tôi cũng đồng thời nhận ra mình có cái tính hay hay, đó là đã thắc mắc điều gì thì phải truy tìm đến « cùng kỳ lý ». Đã có ý nghĩ thì phải tìm hiểu, và cách tốt nhất là giấu biến nó đi một chỗ khác. Và kết quả thật hiển nhiên, không có cái chuông, lũ trẻ chạy đi chơi tứ tán không có giờ vào lớp, phải đi réo gọi từng đứa một. Sau một ngày tìm không ra, khỏi nói, ngừơi giận nhất là Dì Marie. Chuyện cũng chẳng có gì nếu tôi không ngây ngô đem khoe chiến tích ấy cho thằng Hải Đen nghe. Chuyện đến tai Dì Marie, tôi lãnh một trận đòn thích đáng với việc mình làm. Trong lúc bị đòn, tôi nhận ra một bài học quý giá : bí mật kín đáo nhất là bí mật không nói cho ai biết.

Ở trong nhà nội trú kỷ luật rất nghiêm. Ăn trưa xong là tất cả phải đi ngủ trưa. Tôi được xếp ngủ trên chiếc phản gỗ với 2 đứa nữa, trong khi những đứa khác nằm đất. Hồi nhỏ không có thói quen ngủ trưa, nên nhiều khi tôi nằm nhìn thằn lằn đuổi nhau trên trần nhà. Ông bà mình nói « nhàn cư vi bất thiện » quả không sai. Nằm không cũng chán, tôi bày trò quáy lỗ mũi mấy thằng chung quanh. Quả tội, tụi nó tức khóc hu hu. Sœur Mười đọc kinh về, thấy mấy đứa không ngủ mà nằm khóc, giận qúa cầm roi đánh hết cả nhà. Tội nghiệp nhiều đứa đang ngủ ngon bị ăn roi, cả nhà thức dậy khóc như ri. Tôi cũng bị một roi. Sau này, đọc trong Thánh Kinh đến đọan anh trộm hối cải nói với anh kia « chúng mình chịu như thế thế này là thích đáng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì nên tội ? », tôi chợt nghĩ câu này đúng với mình. Đáng tội !

Tôi hối hận vì trò nghịch phá của mình làm mấy đứa kia bị đòn oan. Nhưng điều đó chỉ kéo dài được hai ngày. Qua ngày thứ ba, không biết làm gì vào giờ ngủ trưa, tôi chuẩn bị sẵn lọ nồi trong một tờ giấy. Sau giờ ngủ trưa, nhiều đứa trở thành lão ông vì râu ria đầy mặt, có thằng còn súyt thành Bao Công. Tôi lấy làm thú vị lắm vì trò lén lút này của mình.

Ông bà mình có lý lắm khi nói «đi đêm có ngày gặp ma ». Lần ra tay kế tiếp, tôi bị bắt tại trận khi đang chuẩn bị gây án. Tôi quên là tôi đã có « tiền án » từ cái ngày giấu chuông của Dì Hai, vì vậy có lẽ không khó để theo dõi. Lần gây án này là bắt thằn lằn bỏ vào quần thằng Hải đen vì nó hay mách lẻo, tôi chỉ vừa mới mon men đến gần nó, với con thằn lằn chộp đuợc hồi sáng còn giấu trong hộp đang cầm trên tay. Khi tiếng hét của thằng Hải đen vang lên khi phát hiện có con gì chạy trong quần, thì cũng là lúc Dì Hai hiện ra ngay cửa phòng. Thôi rồi, Dì quan sát thấy hết mọi hành động của tôi ! Tôi bị ăn 3 roi, và từ đó bị phạt ngủ dưới đất, nằm cuối nhà, gần chỗ ra nhà vệ sinh, và nằm giữa hai anh lớn. Coi như bị pótay.com

Tôi ở trong nhà nội trú hết mùa hè thứ hai. Trừ các tật phá phách, tôi đuợc các Dì thương vì học giỏi và thuộc giáo lý. Sau này gặp lại các Dì, tôi vẫn nhắc lại « thành tích » ngày xưa, các Dì chỉ cười, một nụ cười độ lượng biết bao. Có lẽ vì tôi nghịch ngợm như thế mà các Dì nhớ chăng ?

TUỔI THƠ DỮ DỘI

Xóm tôi ở nằm kế bên kho đạn, trước đây là nơi đóng quân của sư đòan 18 của tướng Lê Minh Đảo. Sau 1975, nơi này còn để lại rất nhiều đạn dược, vô tình, nó cũng trở thành nguồn thu nhập cho những người nghèo khổ nơi đây. Chẳng biết có nơi nào trên thế giới tồn tại cái nghề đục đạn để lấy thuốc, lấy nhôm, đồng bán ve chai như ở Việt Nam không, nhưng với cái xóm bé nhỏ này, đó lại là chuyện rất thường tình. Nó cũng trở thành một nỗi thường tình khi trong xóm thỉnh thỏang có những « tai nạn nghề nghiệp », đưa về bên kia thế giới những xác người không bao giờ tòan vẹn.

Thuốc bồi của đạn trở thành trò chơi cho những đứa trẻ trong xóm. Thuốc bồi, bọc bằng giấy kiếng của bao thuốc lá, đốt bay như hỏa tiển. Hầu như đứa trẻ nào cũng có một thùng thuốc bồi, do lượm trong kho đạn hay xin của những người đục đạn. Tôi cũng có riêng một thùng đại liên thuốc bồi. Thỉnh thỏang, mấy anh lớn trong xóm rủ tôi vào kho đạn tìm thuốc. Có những hầm nhỏ sụt lỡ, mà chỉ có cỡ người nhỏ như tôi chui vào được, lấy đạn chuyển ra bên ngòai cho các anh lớn, và phần thuốc bồi tôi có nhiều dư giả để chơi. Thú thật, lúc bé chẳng biết sợ là gì, cầm trái đạn M 79 ném nhau chơi là chuyện bình thuờng. Giờ nghĩ lại mới thấy sợ. Chứ hồi đó nếu xảy ra chuyện gì, giờ chẳng còn tồn tại cái thằng tôi.

«Tân đại úy » là biệt danh bọn thanh niên trong xóm gọi anh Tân chột, hậu quả một lần nghịch kíp nổ của lựu đạn. Còn cái tên « đại úy » chắc là do nhiễm mấy bộ phim dài tập của Liên Xô hay phe XHCN chiếu vào những năm đầu thập niên 80. Có một nạn nhân đạn pháp sờ sờ ra đó, nhưng đúng là « chưa thấy quan tài chưa đổ lệ ». Một hôm, cả bọn tập trung chơi thuốc mồi ở cái khỏan sân nhỏ ngay ngã ba. Trò chơi vẫn là rắc thuốc bồi rồi đốt cho nó chạy vòng vòng, anh Lợi chợt nhớ còn vài cái kíp nổ của lựu đạnm bảo đem ra đốt cho nổ chơi. Lúc đó nhiều đứa chưa biết cái kíp nổ là gì, xúm lại xem. Sau tiếng nổ chát chúa là tiếng kêu thét của nhiều nguời, anh Lợi bị miểng vào mắt, anh Khánh con ông Tư Bầu thì vào bắp chân, tôi may mắn chỉ vì anh Lợi đã để cái kip nổ nằm về một bên tảng đá chắn phía tôi ngồi ôm thùng thuốc bồi. Sau vụ đó, anh Tân được thăng chức « thiếu tá » vì đã có « Đại úy » Lợi trám chỗ. Tôi bị ông ngọai cho một trận nên thân, và cấm không cho chơi thuốc bồi nữa.

Thời điểm này, ngòai việc đi học, thời gian còn lại của lũ trẻ chỉ là tụ tập đi chơi. Kế bên nhà ngọai tôi có một khu vườn lớn của ông Ba Danh, sau 1975, gia đình ông đi mất biệt, nên khu đất trở thành nơi lũ trẻ tụ tập chơi nghịch. Đó cũng là nơi nhà bà Mạnh thả những con bò ăn cỏ. Hồi đó, tivi đang chiếu bộ phim hiệp sĩ bảo táp. Đứa nào cũng thích nhân vật này. Có hôm hứng chí, Hải Thọt nhảy lên lưng bò, vừa đi vừa hô « tao là hiệp sĩ bảo táp », tụi thằng Trầm, thằng Tuấn xúm lại quất con bò cho hiệp sĩ, bị đau, con bò đang đi chậm rãi bỗng nhảy lồng lộn lên, hất hiệp sĩ bão táp Hải Thọt xuống đất, đầu va vào một tảng vữa, nằm im thin thít như người chết. Bà Tư mẹ của thằng Trầm phải khiêng về nhà, cạo gió giác lễ một chặp mới tỉnh lại. Sợ thằng Hải nói lại chuyện này với gia đình nó, rồi con nít dễ làm mất lòng ngừoi lớn, bà Tư cho nó một nãi chuốt, thế là êm chuyện.

Cái xóm này là nơi tôi đã lớn lên, đã chứng kiến bao cảnh đời buồn vui. Là nơi để cho những ước mơ tuổi thơ được tự do bay bỗng. Nó theo tôi mãi trong miền ký ức với những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Vừa rồi, một người bạn « nối khố » kể lại những chuyện ngày xửa ngày xưa, nhắc chuyện ông Năm Thung, tôi mới nhớ chuyện này.

Ông Năm Thung là thương binh. Nghe đâu ổng bị trúng đạn trong trận đánh Long Khánh, vết thương nặng nên phải cưa hết một chân. Là tiêu chuẩn thương binh, nhưng vì không có chữ nghĩa, nên không được làm gì trong chính quyền. Tàn phế, không vợ con, không việc làm, lão trở nên buồn chán, uống rượu rất nhiều và nói nhiều chuyện bù khú cho đám thanh niên nghe. Nghe đâu lão cũng thích Cô Mầu, một cô “gái già”, theo ngôn ngữ của mấy bà trong xóm. Thời điểm ấy, cô Mầu đã gần 35 tuổi rồi, nhưng chê lão Năm thung rượu chè, lại cụt chân nên không chịu. Sau có chú Thục, cũng là bộ đội miền Bắc, chẳng biết mai mốt thế nào, họ nên vợ chồng. Chú Thục cà lăm tợn, chỉ có biệt tài chẻ củi. Những năm thập niên 80, đa số người ta dùng củi. Chú Thục một ngày có thể chẻ cả chục khối củi, vì vậy cũng dư giả tiền bạc. Bị từ chối, lão Năm Thung cay cú, và ghen tị. Nhất là khi thấy cô Mầu có thai, lão đặt ra bài vè cho lũ con nít chúng tôi. Thế là mỗi khi thấy cô Mầu, cả lũ nhao nhao :

Dí dẩu dí dầu

Cô mầu có chửa

Tại cây súng lửa

Chú Thục bắn ra

Lủng thịt lủng da

Bụng sưng như cái trống …

Cô ới, cô ơi!

Trống đây, dùi đâu?

Trống đây, dùi đâu?

Cô Mầu xấu hổ chạy về nhà, bỏ lại sau lưng tiếng ê a như tụng kinh của lũ trẻ “Dí dẩu dí dầu…”

Chú Thục tức lắm, nhưng không làm gì được với lão Năm Thung, chỉ còn chửi đổng với lũ trẻ :”Đồ … đồ … mất ….mất …dạy! Quân … quân … vô … vô … vô ….văn … văn …. Hóa “. Mà chú chửi là đúng, lão Năm Thung thì không có chữ nghĩa, còn chúng tôi, khi đó chỉ là lũ con nít ranh.

Sau mẹ tôi biết chuyện, cấm tôi không được nghe lời xúi bậy của lão Năm Thung nữa.

1 comment:

  1. Nghĩa là HMT sinh trước năm 1975 . Lúc đó học lớp 5 như vậy thì HMT là thế hệ 6X rồi .

    ??????

    ReplyDelete