Thursday 20 November 2008

NGHỀ GIÁO !

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Được thai nghén và nuôi dưỡng trong truyền thống Nho Giáo, trong đó, vị thế của người thầy được đề cao "quân, sư, phụ " còn hơn cả cha mẹ. Cũng chính những người thầy này, thấm nhuần tư tưởng "chính danh " nên đời sống, tư cách tác phong và đạo đức xứng đáng với một tiêu chuẩn gọi là "mô phạm ".

Những năm của thập niên 80, 90, hệ thống giáo dục của Việt Nam quá chú trọng đến ý thức hệ marxisme, coi yếu tố chính trị hàng đầu, vì vậy, đạo đức trong học đường đã có những rắc rối trầm trọng, lúc đó người ta mới hô hào "tiên học lễ, hậu học văn ". Rồi những cơn sóng liên miên của những đợt cải cánh giáo dục, thêm vào sức công phá của kinh tế thị trường, nghề giáo cũng không tránh khỏi những hệ luỵ : quan hệ thầy trò ít nhiều bị chi phối bởi những nhu cầu cơm áo gạo tiền. Cái nền tảng tôn sư trọng đạo đã bị thương tổn vì ý thức hệ chính trị, thêm vào đó đầy rẫy những yếu tố làm tầm thường hoá nghề cao quý của những "kỹ sư tâm hồn" : tình trạng dạy thêm, bán điểm, bán bằng .v.v., làm cho người ta có cảm tưởng nghề giáo đứng trước cơn khủng hoảng trầm trọng về "căn tính " của người thầy. Đó đây, người ta nghe nói nhiều về phẩm cách, về năng lực và tâm huyết của những nhà giáo.

Thực ra, các nhà giáo vẫn ý thức trách nhiệm truyền thụ kiến thức cho các thế hệ trẻ. Rất nhiều và còn rất nhiều những nhà giáo chân chính, dám chấp nhận mức sống khó khăn để trang bị hành trang cho các tế hệ học trò. Bên cạnh những kiến thức, là cả những kinh nghiệm, những bài học đạo đức để giáo dục học sinh thành nhân.

Tôi có may mắn, có lẽ nên nói là hạnh phúc, vì dù có nằm trong những hoàn cảnh sóng gió, gay go của nền giáo dục thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài, tôi vẫn gặp và luôn có những thầy cô tận tuỵ với nghề, tâm huyết với nghiệp. Mỗi người đã đi qua cuộc đời của tôi, và luôn để lại những dấu ấn sâu sắc. Tôi đã nhận được nơi các thầy cô, không chỉ là những kiến thức, nhưng quan trọng hơn, đó là những chân lý, những kinh nghiệm, những thao thức vốn dĩ có thể làm hành trang, và là chìa khoá mở ra những chân trời mới.

Trong ngày nhà giáo, tôi muốn nói lời tri ân đến tất cả các thầy cô, các giáo sư, trong những môi trường giáo dục xã hội hay tôn giáo.

Tôi thầm mong và cầu chúc các thầy cô vẫn giữ mãi những ngọn lửa nhiệt huyết rất chân chính, và lòng yêu nghề thiết tha, vốn là những phẩm cách cần và đủ cho nghề giáo, để có thể trở thành những con người "mô phạm ", những con người, mà những nhu cầu tầm thường của cơm áo gạo tiền không làm mai một những tinh hoa cao quý của nghề giáo.

No comments:

Post a Comment