Friday 14 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 4) : TRỐN HỌC

Đã là học sinh, thì chuyện trốn học là tất nhiên, nó giống như một « điều kiện cần và đủ « làm nên cái gọi là đời học sinh. Cũng như thể là ca sĩ cần phải có giọng hát , văn sĩ phải có óc tưởng tượng, nhà khoa học phải say mê nghiên cứu .v.v. Tóm lại, « trốn học » giống như một thứ gia vị không thể thiếu làm cho cuộc đời học trò trở thành « thi vị ».

Không biết tôi có trở nên hàm hồ không, khi nghĩ rằng mọi học trò đều ít nhiều trong những ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường đều tham gia vào việc trốn học. Cái ý nghĩ nhảm nhí này mạnh đến độ, tôi còn dám khẳng định rằng 99% học sinh đều tham gia trốn học, và 1% còn lại là nói dối vì không dám thú nhận điều này !

Có nhiều từ ngũ để diễn tả cái « hiện trạng » này : mộc mạc, thô thiển thì gọi là trốn học ; theo ngôn ngữ bói toán thì gọi là « thăng» ; cho chút pháp thuật thì gọi là « biến » ; ngôn ngữ hoá học thì diễn tả bằng « bốc hơi» ; có chút ngoại ngữ cho nó sang thì gọi là « cúp cua» (có lẽ dịch từ tiếng pháp bồi coupe cours ?) ; dân IT thì gọi là « sigh out » ; gọi kiểu dân thể thao thì « lặn » ; còn muốn nói cho có chút văn vẻ, thi ca thì « bám gió » … Tóm lại, dù là thăng, biến, bốc hơi, cúp cua, sighout, lặn hay bám gió thì đều là diễn tả trạng thái tự nhiên biến mất khỏi lớp học !

Giống như bất kỳ tình trạng nào khác, trốn học có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh, và mỗi góc nhìn ấy cung cấp một loạt lý do : lười : trốn ; chán thầy cô dạy : trốn ; bạn bè rủ đi chơi : trốn ; muốn chứng tỏ mình không phải nhát gan : trốn ; thích xem phim, câu cá, tắm suối : trốn ! Tôi nghiệm ra mình hội đủ các lý do (phong phú ghê) !

Lần đầu tiên trốn học thì hồi hộp ! Dù gì, trong mắt mọi người, tôi vẫn là đứa học trò chăm chỉ ! Trong những năm đi học, bao giờ tôi cũng kiêm nhiệm một chức vụ gì đó : lớp trưởng, lớp phó học tập, phó văn thể mỹ, hay giá bét cũng là tổ trưởng. Là người « có tí chức » nên phải chăm chỉ là điều tất nhiên ! Vì vậy, lần trốn học đầu tiên khiến tôi ray rứt nhiều lắm ! Năm lớp 4, tôi thường đi học với mấy đứa trong xóm, có hôm rủ một đứa đi học, nó làng chàng thế nào mà đến trường trễ giờ ! Khi cánh cổng đã đóng lại, thì người ta dễ bị sa vào chước cám dỗ. Sau ít phút tần ngần trước cổng trường, tôi theo thằng bạn hiền lang thang đi chơi. Cái thị trấn bé tẻo tèo teo ! Đi trốn học mà mắt lấm la lấm lét như tên trộm, chỉ sợ ngộ nhỡ gặp chị, cậu, dì đi đâu đó, thì cầm chắc nuôi mông bằng roi. Ấy vậy mà cái sợ sợ, lo lo ấy lại làm cho việc trốn học trở nên thú vị !

Ông bà mình nói : « Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt», tôi thêm vào « trốn học quen chân ». Lần đầu hồi hộp, lo sợ ! Lần sau bình tĩnh, biết tìm đến những nơi hấp dẫn. Lần sau , sau nữa thì quen và thích thú, đến độ tôi phải xếp vào thời khoá biểu ngày nào đó để cúp học đi chơi !

Ngẫm rằng, sách thánh hiền có câu « cái khó bó cái khôn » , hình như câu tục ngữ này có một dị bản « cái khó ló cái khôn ». Với tôi thì cái dị bản đúng hơn. Để lấp đầy thời gian trốn học đi chơi, phải tìm những chỗ đi chơi ! Thập niên 80, 90 chưa có những điểm chơi điện tử như bây giờ. Thời gian trốn học thường là đi tắm suối, đi bắt dế, đi bắt cá .v.v. Thỉnh thoảng tôi cũng bị lương tâm cắn rứt khi thấy gia đình cứ đinh ninh là tôi đã ngoan ngoãn sách cặp đến trường. Không ai biết, thay vì đi theo con đường đến trường, tôi dành một ngã rẽ khác để đi chơi. Tôi chỉ bị lương tâm làm ray rứt vài lần, những lần sau, lương tâm cũng thành đồng lõa !

Để đối phó, những ngày trốn học, mấy đứa viết đơn cho nhau xin nghỉ học : tôi viết cho A, A viết cho B, B viết cho C, và C viết cho tôi. Lý do thì có trăm ngàn lý do : bệnh, đi đám cưới, đám ma … Viết đơn riết, tôi biết tên cha mẹ của mấy thằng trốn học. Cũng phải phục lăn sự sáng kiến, cúp học bao ngày là có bao lý do, không hề trùng lắp !

Cúp tiết cũng nằm trong dạng trốn học. Những năm học cấp II, những phòng học có cửa sổ thấp lè tè, những tiết học chán như kỹ thuật công nghiệp, chính trị .v.v. thích rủ nhau đi chơi mà chưa kịp thoát ra hết ở giờ chuyển tiết, giáo viên vào lớp, chỉ cần quay lên bản là … a lê hấp : bám gió qua cửa sổ « thăng » liền !

Nói về cúp tiết, tôi nhớ trận đòn bị thầy Sơn dậy thể dục phạt. Tiết học văn, cô giáo không đến lớp nên được nghỉ. Như bầy ong vỡ tổ, cả lớp ồn ào nói chuyện. Chuyện chán không biết làm gì, mấy đứa rủ nhau trốn học đi chơi ! Vừa ra đến cửa thì thầy Sơn đi về, thằng Lợi, Phong và tôi kịp nép vô của. Hôm đó thầy Sơn đi đám tiệc đâu về, mặt đỏ bừng bừng vì rượu ! Gặp cái lớp ồn ào, thầy đi vào ! Thằng Kiệt lớp trưởng đang ngồi trên bàn giáo viên quản lớp, vừa cầm cây thước, vừa gõ bàn hát bài Clémentine « ôi em yêu kiều, ôi em mỹ miều, người yêu dấu ớ Clémentine… ». Thầy Sơn vào cửa, túm ngay thước kẻ phết cho em « thủ trưởng » này hai roi, em bật khóc chạy về chỗ ! Thầy gườm gườm : « Còn ai làm ồn ? » ! Thằng Phong với thằng Lợi quíu giò, mắt đã ngân ngấn nước ! chúng nó bảo tôi « tuị mình ra đi ! » Tôi nhất định không ra « Tụi mày ra thì ra, nhưng đừng khai tao » !

Hai đứa lò dò đi ra, lãnh 3 roi. Tiếng khóc của thằng Phong ai oán như tiếng nỉ non của đám tang ! Và hình như là khi đau khổ, người ta nhớ đến những người đồng hội đồng thuyền, nên nó ỉ ôi « H ơi, mày ra luôn đi » ! « Thằng H nào ? ». Còn thằng H nào nữa chứ ngoài thằng tôi ! Mông ơi, tao làm hại mày rồi : 5 roi đủ làm mày biến dạng và đỏ bầm thê thảm !

Trong số những « đồng chí » cùng hội trốn học, người bạn chung chia nhiều kỷ niệm với tôi là Bích Thuỷ !

Bích Thuỷ là đứa con gái đầy cá tính ! Học giáo lý chung với tôi, nhưng đi học thì khác lớp. Tính nó như con trai, thẳng thắn và sòng phẳng. Không ai nghĩ Bích Thuỷ có thể trốn học đi chơi, vì nhìn nó thật hiền, tóc dài, da trắng, khuôn mặt cân đối, giọng nói nhẹ như hơi thở và học giỏi. Nó từng học với tôi trong lớp học sinh chuyên từ lớp 5. Không một ai biết tôi hay trốn học đi câu cá với Bích Thuỷ. Tính trầm lặng, ít nói, nên khi câu cá, hai đứa tập trung vào phao câu ! Những lúc câu được con cá nào, nó cười tít mắt ! Tôi chỉ nhớ thỉnh thoảng nó nói : « trốn học đi câu cá với mày thích thật » !

Năm lớp 9, nó theo gia đình đi xuất cảnh ! . Trong những lá thư gởi thư cho tôi, Bích Thủy vẫn thường nhắc lại kỷ niệm trốn học đi câu cá, rồi bao giờ nó cũng nói : chẳng biết đến khi nào mới được cùng mày trốn học đi câu cá ?!

Ừa, đúng là chẳng biết khi nào, vì cuộc đời như đại dương mênh mông, khi lớn lên, người ta chỉ còn lo chèo chống với sóng gió. Bao giờ có thể trở về kỷ niệm để trốn học đi câu !

No comments:

Post a Comment