Monday 3 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 1) : NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẸP.

Tôi nghiệm ra một điều rất thực, đó là những phụ nữ mà tôi đã gặp, đã quen, họ luôn luôn là những người dễ thương và xinh đẹp. Và tôi đinh ninh rằng, không có người phụ nữ nào mà không xinh, không đáng yêu cả.

Có lẽ người thiếu nữ đầu tiên mà tôi cảm thấy xinh đẹp và đáng yêu là cô Mến. Mẹ và các cậu dì thường nhắc lại chuyện tôi hay đòi mẹ tôi đi cưới cô.

Trong ký ức trẻ thơ của mình, cô Mến là người thiếu nữ thật xinh đẹp. Mái tóc buông dài ngang lưng, ôm lấy một khuôn mặt thanh thóat như thiên thần với nước da trắng, cô là biểu tượng của những cô tiên trong truyện cổ tích mà tôi vẫn đuợc nghe. Trong xóm chỉ có ít gia đình còn ở lại sau năm 75, và tuổi cũng ngang lứa với các Dì tôi, nên Cô Mến thường qua chơi bên nhà, và bao giờ cũng vậy, khi nghe mấy dì kể chuyện tôi nói mẹ đi cưới cô, cô bật cười những tiếng trong trẻo, (tôi vẫn còn nhớ hàm răng trắng đều và đôi môi hồng dù cô không đánh son) rồi hào phóng tặng cho tôi cái bẹo má, mặc kệ cho thằng bé tôi mắc cỡ chạy biến đi trốn. Mà sao không buồn cười cho được, khi ấy tôi còn chưa đi học mẫu giáo.

Những năm cuối thập nhiên 70, chiến tranh biên giới tây nam và cả phía bắc nổ ra, thị trấn tôi ở là nơi trung chuyển cho những sư đòan nam bắc. Những căn nhà của khu quân nhân được chính quyền muợn để đóng quân, và xóm tôi ở lại là khu quân nhân của chế độ cũ VNCH nên rất gần với những trại lính. Hình ảnh những anh chàng bộ đội miền Bắc đã dần dần quen trong mắt người phương nam. Thỉnh thỏang có những cặp trai gái quen nhau trong những dịp như vậy. Đôi lần tôi nghe mấy Dì nói cô Mến có quen với một anh sĩ quan bộ đội trẻ. Đến bây giờ, tôi không biết, không nhớ cảm xúc lúc đó thế nào. Người ta nói con nít chỉ biết dỗi hờn chứ không biết ghen tị. Nhưng tôi biết một điều, đối với tôi, Cô Mến là xinh đẹp nhất…

Một buổi chiều, tôi thấy mọi nguời trong xóm tất bật kéo đến nhà cô Mến. Cô ấy tự vẫn ! Cái chết của một thiếu nữ vừa bước qua tuổi 18 làm kinh hòang cả xóm. Nghe mẹ nói Cô Mến chết, tôi khóc thật nhiều. Vậy là cô tiên trong truyện cổ tích của tôi không còn nữa. Sau tôi còn nghe mấy nguời phụ nữ xì xầm cô ấy đã có thai được 3 tháng. Vào thời điểm đó, một cô gái không chồng mà chửa là điều không chấp nhận được. Bao nhiêu là áp lực của xã hội, tôn giáo, và cả chính trị nữa. Hình ảnh cuối cùng tôi còn thấy, đó là cô nằm im lìm trên giường, mang một bộ áo dài trắng, mái tóc vẫn đen dài xuôi theo người. chỉ có nụ cười thì không bao giờ trọn đầy nữa.

Sau này, trong công việc, tôi có gặp một cán bộ lãnh đạo của tỉnh, một người đàn ông trung niên mà tôi đoán chừng khoảng hơn 50. Biết tôi là nguời vùng LK, tự nhiên ông kể cho tôi nghe về những ngày ông đến tiếp quản tỉnh, rồi đóng quân ở đó trong những năm 80. Ông chợt hỏi tôi có biết gia đình bà Ba Phong, tôi nêu ra vài nguời, rồi tôi nhắc đến cô Mến, về cái chết của người thiếu nữ 18 ấy, tôi thấy một thóang trầm tư trong con nguời cán bộ kia. Chuyện cũng đã gần 30 năm rồi.

Khi tôi 5 tuổi, mẹ cho vào mẫu giáo.

Cô giáo Nguyệt phụ trách lớp tôi. Trong ký ức, tôi nhớ Cô, cô Úc, cô Vẻ, các cô giáo dạy trẻ thời đó cô nào cũng xinh đẹp và hiền hậu. Lạ thật, những lời cô nói, những lời căn dặn, tôi nghe và tin như đó là tất cả chân lý trên thế gian này. Ở nhà có chuyện gì nghịch ngợm, mẹ hay các dì cậu chỉ hù sẽ nói với cô Nguyệt, thế là tôi sợ và sửa ngay.

Từ nhà đến trường dạy, cô Nguyệt phải đi ngang nhà tôi, vì thế cô giúp mẹ tôi thêm cái khỏan dẫn tôi đi học và đưa tôi về nhà. Tôi cảm thấy rất hãnh diện khi được đi bên cạnh cô, được giúp mang thứ này thứ kia cho cô dạy học. Khỏi phải nói, vì mẹ đã giao tôi cho cô chăm sóc, nên tôi luôn là học sinh cuối cùng ra về với cô. Sau này, thỉnh thỏang tôi vẫn gặp lại cô, dù cô có những nét chấm phá của thời gian trên khuôn mặt, nhưng đôi mắt vẫn rất hiền hậu và sáng lắm.

Trường mẫu giáo tôi học là nằm trong một ngôi chùa : Tịnh Xá Ngọc Khánh, nên cái trường mẫu giáo đó gọi là trường mẫu giáo Ngọc Khánh. Có lẽ thời gian này, chưa có nhiều trường dạy trẻ, nên chính quyền muợn tạm cơ sở của chùa để làm 4 phòng học cho trường mẫu giáo.

Vì trường nằm trong chùa, nên khỏang sân của chùa trở thành sân chơi cho lũ trẻ.

Công việc của các ni sư là làm nhang. Mỗi ngày, các ni sư xe nhang, phơi rồi bó lại thành bó. Tôi tò mò nên thích nhìn các sư cô làm việc. Và trong số các sư cô, người mà tôi hay gặp và có lẽ cũng là người thương tôi nhiều, đó là sư cô Diệu Thảnh.

Năm tôi học mẫu giáo, có lẽ sư cô Diệu Thảnh chỉ khỏang 26, 27 tuổi. Không hiểu vì lý do gì sư cô đi tu, vì đó là một thiếu phụ thật đẹp. Thỉnh thỏang, tôi vẫn nghe mấy thanh niên trong xóm kháo nhau về sắc đẹp của sư cô, rằng chùa Ngọc Khánh có một sư cô xinh đẹp như vậy, rồi thì bàn tán, suy đóan nhiều lý do. Có người đồn đại sư cô đi tu vì người chồng đã tử trận, và muốn thủ tiết với nguời quá cố nên cô đi tu ; có bà thì cho rằng vì tất cả gia đình cô đã chết trong chiến tranh, nên cô đâm buồn phiền gởi thân nơi cửa Phật. Không biết những lời đồn đại đó đúng chính xác đến đâu, vì tôi chẳng bao giờ hỏi. Lúc đó, tôi chỉ là cậu bé vừa 5 tuổi.

Buổi sáng đến lớp, phụ với cô giáo Nguyệt xếp lại những chiếc ghế con. Giờ ra chơi sau đó, tôi chạy vào sân chùa chào sư cô Diệu Thảnh và Sư cô Trụ trì. Tôi cũng phát hiện ra là chỉ có tôi có « đặc quyền » chạy thẳng vào trong khu vực ở của các ni sư, chẳng ai phải để ý một đứa bé 5 tuổi như tôi cả. Có khi tối đứng cạnh để nói chuyện khi sư cô Diệu Thảnh se nhang, có khi tôi lại phụ giúp phơi những bó nhang. Phải túm lại rồi để cho những thanh nhang bung xoà xuống như một bông hoa đều đặn. Sư cô Diệu Thảnh đã tập cho tôi đến thuần thục. Lớp mẫu giáo chỉ học có buổi sáng, nhưng có khi, tôi xin cô Nguyệt cho ở lại trong chùa chơi với các sư cô. Tôi ăn cơm và ngủ lại chùa, buổi chiều thì mấy Dì đón về.

Sư cô Diệu Thảnh chăm sóc tôi như một người mẹ chăm con. Hồi đó, chưa có nhiều loại dầu gội như bây giờ, và vì trong lớp nằm ngủ chung với nhau, nên hầu như đầu đứa nào cũng có « chí ». Những ngày tôi ở lại chùa, sư cô Diệu Thảnh bắt chí cho tôi, tôi nằm gục đầu trong lòng sư cô, và nhiều khi ngủ thiếp đi như một đứa trẻ ngoan trong lòng mẹ.

Tình cảm giữa tôi với nhà chùa, với sư cô Diệu Thảnh và sư trụ trì còn kéo dài cho mãi đến sau này. Mùa hè năm lớp 6, sư cô Diệu Thảnh nói với tôi người sẽ đi xa. Tôi nghĩ là sư cô đi đến chùa khác. Sau tôi vô tình nghe sư trụ trì nói « sư cô Diệu Thảnh chưa dứt được duyên trần ». Hai năm sau thì sư trụ trì cũng viên tịch. Tôi ít đến chùa từ đó ! Chỉ thỉnh thoảng xin vào thăm tháp của sư trụ trì mà thôi !

2 comments:

  1. Những người PN trong trí nhớ của HMT thật xinh đẹp, chuyện tình của cô Mến cảm động lắm, cái thời ấy người PN thật tội bị ràng buộc nhiều thứ. Còn cái ông cán bộ đó cũng tội nữa. Chắc rằng trong lòng ông ấy có nhiều lúc đã nhớ nhiều một ngừơi con gái vì mình mà đã ra đi mãi mãi. Đọc cảm động quá, muốn khóc nữa.

    Những ngừơi PN xinh đẹp lưu mãi trong lòng HMT đến giờ, HMT là một ngừơi thật tình cảm. Chị thích góc Chuyện riêng mình của HMT lắm, sẽ khám phá từ từ nha.

    ReplyDelete
  2. @HMT
    Dự báo trong tuổi thơ đến hết đời : HMT luôn thích những ng phụ nữ đẹp ngoại hình . Chọn lựa sự toàn mỹ cả đời ...

    ReplyDelete