Tuesday 12 July 2011

MẤT NGỦ

1/ Đã lâu lắm rồi mới có một đêm mất ngủ. Hình như cái đầu “duy ý chí” về một sự lạc quan, để tạo một sự “tự kỷ” hòng tìm sự bình thản cho giấc ngủ đã có vấn đề chăng?

Mà cũng thật lạ, trong đầu không hề có sự lo lắng, mình vẫn làm việc theo kế hoạch đã  lên và từng bước hoàn thành ; áp lực công việc lại không nhiều như cách đây vài tháng, thế mà khi ấy, chưa nằm đã ngủ, còn hôm nay thì dù đã nằm, đã vật vã xoay mình đủ kiểu, mắt vẫn mở thao láo, và đầu thì rất tỉnh táo… Thế rồi để cho suy nghĩ bay bổng, và bao nhiêu thứ ùa vào trong không gian bé nhỏ của vùng ký ức. Tự nhiên đêm nay, mình nhớ rất nhiều chuyện.

Những gì đã xảy ra, cứ chầm chậm phóng lên màn ký ức như một cuốn phim quay chậm. Chậm để thấy rõ hơn những điều đã xảy ra rất nhanh và đã thay đổi đến chóng mặt. Lặng lẽ thức dậy, viết vội những ghi nhận vào sổ nhật ký, vì sợ những ý tưởng sẽ quên. Đôi khi có những những điều chợt đến, rất bất ngờ, rất nhẹ, nhưng giá trị không hề nhỏ. Nếu bảo sự khó ngủ là một bất hạnh (theo một nghĩa rất dung dị), thì giữa những bất hạnh cũng hé lộ vào đó những hạt long lanh rất nhỏ của những những giá trị bất ngờ.

2/ Thường thì khi có những trăn trở, người ta dễ “trằn trọc”. Mình đã có kinh nghiệm chứng kiến những tiếng thở dài của mẹ trong những ngày tháng vất vả nhọc nhằn. Tiếng thở rất nhẹ nhưng lại sắc bén như lưỡi dao cứa vào màn đêm vắng, và thế là bật máu cho những sự lo lắng đời thường tuôn ra thành những “trằn trọc” của đêm.

Mình vẫn tự hào là người dễ ngủ. Đi trại, chỉ cần một khoảnh nhỏ cho vừa vặn lưng, không bị cấn, là đã làm một giấc ngon lành giữa những ồn ào náo nhiệt. Giữa những bề bộn, mình vẫn vun khéo để “ngủ”. Bạn bè vẫn ghen với sự “ngủ ngon mọi lúc mọi nơi “ của mình. Hôm nay tự nhiên khó ngủ, mình mới thấy được sự “khốn khổ” của những người mất ngủ. Cha ông mình vẫn bảo “Thức đêm mới biết đêm dài”. Một ngày mất ngủ để mình có thể hiểu hơn những người đang lo lắng vì phải đối diện với những khó khăn muộn phiền. Chợt nhớ đến em, em bảo dạo này em cũng mất ngủ rất nhiều…

3/ Lúc tạo nên vũ trụ, Thượng Đế tạo nên mỗi cá thể riêng rẻ, độc lập. Thức và Ngủ, tuy cùng được tạo nên một ngày, ở chung một nhà, nhưng chẳng khi nào chạm mặt nhau. Sự độc lập làm cho cả hai chợt thấy mình quá vĩ đại và độc đáo, vì thế, khái niệm cùng làm việc, cùng cộng tác .v.v., chỉ là những giấc mơ rất xa vời. Cả hai quyết định mỗi người một hướng… Và thế là , có những vùng, họ cùng phải thức với Thức khi chàng viếng thăm : đã thức thì phải làm việc, phải say sưa, phải hoạt động, xã hội giống như một cỗ máy đã mất thắng, một khi rồ ga thì không thể dừng lại. Ngược lại, nơi Ngủ đến, để lại một sự cô tịch đến lạnh người : người ta rúc trong chăn, vật vùi trong một xó nào đó để chỉ ngủ với Ngủ. Cuộc sống cứ như một dấu lặng miên viễn, không chỉ một khắc, một canh thâu, mà là dài, rất dài.

Cái gì quá thì cũng không hay!

Thượng Đế thấy thương cho những người phải sống quá lâu với Thức, và ngài cảm thấy thời gian quá phí phạm với những người nằm chung với Ngủ. Vậy là Thượng Đế dùng một sợi dây nhiệm màu, cột Thức và Ngủ áp lưng với nhau, không thể rời xa được.  Vậy là con người có Thức và Ngủ. Người ta nói, khi mà họ mất ngủ và thức nhiều, vì những lúc ấy, Thức mạnh hơn nên cố tình giữ chặt, không cho Ngủ có thể quay lại phía kia.

Rõ là hôm nay, bạn Thức thích mình, nên giữ chặt. Chịu thôi. Đành thức.

4/ Bonus : Khi viết đến đây, chợt nhớ đến cụ Triết nhà mình cái vụ :Việt Nam thức thì Cu Ba ngủ. Ta nói, cụ Triết cũng thấm nhuần lý lẽ của đất trời lắm đây. Chắc vậy nên cụ biết sau kỳ này là cụ sẽ “vui thú điền viên như Gióng”…

Tự nhiên sao đêm nay khó ngủ... Người mệt, mà đầu óc tỉnh như chưa bao giờ tỉnh như thế, và rồi bao kỷ niệm chợt ùa về... Nhớ!