Monday 25 May 2009

TRÒ HÈN

Một bài viết trên báo Tuổi Trẻ 

Thứ Hai, 11/05/2009, 05:05 (GMT+7)

Chuyện không bình thường

TT - Tôi là độc giả của Tuổi Trẻ hơn 20 năm qua. Mới đây, tôi vô tình được chứng kiến một sự việc rất không bình thường, muốn thông qua quý báo chia sẻ đến bạn đọc.

Khoảng hơn 11g trưa thứ tư ngày 6-5-2009, tôi cùng vài người bạn ngồi chuyện trò tại quán cà phê Lối Về, trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM thì bất chợt một đoàn khách Tây đi vào. Khu vực này không có những địa điểm để tham quan du lịch nên ít khi nào có sự hiện diện của người nước ngoài. Mấy ông Tây ăn mặc lịch sự, chỉn chu vừa đi vào lôi cuốn sự chú ý của cả quán.

Một lát sau tôi nghe loáng thoáng có tiếng người Việt nói về dân chủ, nhân quyền nên quay sang nhìn. Đó là một người đàn ông trạc 50 tuổi đang thao thao bất tuyệt, người chăm chăm lắng nghe là một ông Tây, có cả người thông dịch. Hóa ra không phải họ bàn bạc chuyện làm ăn kinh tế mà đang làm một cuộc phỏng vấn. Mấy người khách Tây đặt câu hỏi, người đàn ông kia trả lời.

Những câu hỏi mang tính áp đặt và gợi ý về tình hình dân chủ, nhân quyền ở VN. Người đàn ông trả lời bằng giọng điệu hằn học, xuyên tạc và tố cáo VN thiếu dân chủ, nhân quyền. Ban đầu họ còn nói qua nói lại giọng vừa đủ nghe, về sau giọng nói hậm hực của người đàn ông đã gây sự chú ý cho cả quán. Một số người ở các bàn khác bất bình bước sang bàn họ phản ứng. Bị phản đối, họ vội vàng tính tiền và rút lui.

Những người có mặt tại quán quá bất bình nên ngồi lại nói chuyện với nhau cho vơi bực bội. Một người cho biết hình như ông Tây kia chính là ngài đại sứ Mỹ tại VN. Tôi về lục lại báo cũ có đăng tấm hình ông đại sứ lúc nhậm chức thì đúng là gương mặt của ông khách Tây đã trực tiếp đặt câu hỏi với người đàn ông kia.

Tôi nay tuổi cũng lớn, hiểu biết cũng tương đối song không thể giải thích được cho chính mình sự hiện diện của ngài đại sứ tại quán cà phê trong khu phố cùng buổi phỏng vấn kia nhằm mục đích gì. Người đàn ông kia là ai mà khiến ông ta cùng bầu đoàn chịu khó lặn lội đến cái quán bình dân nói chuyện?

Nếu cần thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người VN, tại sao ông ta không đường đường chính chính đến thăm và làm việc với các cơ quan đoàn thể chính thống của VN? Chẳng lẽ đây là phương pháp ngoại giao của ngài đại sứ!?

ĐINH VĂN TƯ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Và bài đăng ở BBC

Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh mới đây có đăng bài của bạn đọc chỉ trích cuộc tiếp xúc giữa ông đại sứ Hoa Kỳ và một nhân vật bất đồng chính kiến.

Được biết, ông Michael Michalak tuần rồi đã gửi thư phản đối bài viết này tới ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

Bài viết trong chuyên mục 'Bạn đọc viết' đăng ngày 11/05 mang tựa đề 'Chuyện không bình thường'.

Người gửi bài có tên Đinh Văn Tư, từ quận Phú Nhuận, nhận là độc giả của Tuổi Trẻ trong hơn 20 năm qua.

Ông Tư thuật lại: "Khoảng hơn 11g trưa thứ tư ngày 6-5-2009, tôi cùng vài người bạn ngồi chuyện trò tại quán cà phê Lối Về, trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM thì bất chợt một đoàn khách Tây đi vào".

"Một lát sau tôi nghe loáng thoáng có tiếng người Việt nói về dân chủ, nhân quyền nên quay sang nhìn... Hóa ra không phải họ bàn bạc chuyện làm ăn kinh tế mà đang làm một cuộc phỏng vấn. Mấy người khách Tây đặt câu hỏi, người đàn ông kia trả lời."

"Những câu hỏi mang tính áp đặt và gợi ý về tình hình dân chủ, nhân quyền ở VN. Người đàn ông trả lời bằng giọng điệu hằn học, xuyên tạc và tố cáo VN thiếu dân chủ, nhân quyền."

Theo ông Tư, những người có mặt tại quán đã quá bất bình, phản ứng khiến nhóm người nước ngoài và người Việt "vội vàng tính tiền và rút lui".

Sau đó, tác giả bài viết đăng trên Tuổi Trẻ nhận ra một trong những người nước ngoài là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và đặt câu hỏi:

"Nếu cần thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người VN, tại sao ông ta không đường đường chính chính đến thăm và làm việc với các cơ quan đoàn thể chính thống của VN? Chẳng lẽ đây là phương pháp ngoại giao của ngài đại sứ!?"

Tin cho hay nhà hoạt động dân chủ, kỹ sư Đỗ Nam Hải, nhận là người đã tiếp xúc với ông Michalak trong cuộc gặp nhắc ở bài báo trên.

Ngoài ông Hải, ông đại sứ cũng gặp một nhà bất đồng chính kiến khác là bác sỹ Nguyễn Đan Quế tại TP HCM.

Trong bức thư gửi Tổng biên tập Phạm Đức Hải để phản đối bài viết, ông Michalak nói ông "thất vọng khi đọc bài".

Ông cũng nói bài báo này "cả ông và tôi đều biết là một sự bịa đặt hoàn toàn".

Ông đại sứ nói với tư cách đại sứ "việc thường xuyên gặp gỡ các công dân Việt Nam" ở mọi nơi và thuộc mọi tầng lớp vừa là công việc, vừa là đặc quyền của ông.

=> Kết luận : Trò hèn

Friday 22 May 2009

TỪ HÒANG SA ĐẾN TÂY NGUYÊN

Lts : Bài viết này trên blog Người buôn gió, tôi đọc, rồi hình dung trước mặt những đôi mắt thất thần, như vô hồn, như vô thức của lũ chim dáo dác vì mất tổ. Tự hỏi, mình có quá cảm tính và bi quan với một viễn cảnh mờ đục vừa hiện ra trước mắt? Trong cái nhù nhòa vô định kia, có thể có những phóng ảnh quá siêu bạo, nhưng tôi cảm nhận một điều rất thực, thực lắm : sự an nguy đối với vận mệnh của tổ quốc của dân tộc rất gần, rất gần !

Tàu Ngư Chính của TQ hiện đang bảo vệ các tàu đánh cá khác của TQ khai thác hải sản trên lãnh hải Việt Nam. Chỉ với một chiếc tàu theo như TQ nói là phục vụ ngư trường này, TQ khiến cho lực lượng hải quân Việt Nam phải im lặng. Tàu Ngư Chính ngang nhiên quần thảo tại khu vực Hoàng Sa bảo kê cho các tàu con công khai cướp đoạt tài nguyên của nhân dân Việt Nam mà không hề có ý e ngại điều gì. Người TQ vừa ban lệnh cấm các tàu nước khác xâm phạm vùng lãnh hải mà họ nói là chủ quyền của họ, đồng thời nhấn mạnh sẽ " trừng phạt'' tàu nước khác dám xâm phạm.

Như thường lệ , phía Việt Nam phát biểu yếu ớt cho có lệ qua lời của ông Lê Dũng. Những phát biểu từ lâu TQ đã quá quen thuộc đến nỗi dường như chính họ là người soạn bài cho ông Lê Dũng đọc.


Tại sao người TQ càng ngày càng có những hành động ngang ngược như vậy đối với Việt Nam.? Phải chăng họ quá mạnh so với VN?. Cho nên chính phủ VN đành phải nhân nhượng để giữ cái chiêu bài " giữ hòa bình trong khu vực'' để che dấu sự bạc nhược của mình. VN có thể khơi hàng đống lý do để nói với dân chúng về động thái không quyết liệt của chính phủ trước chủ quyền đất nước ,bằng ngàn mỹ từ trên truyền thông đại chúng, hay bằng cách truyền khẩu qua những lời của đảng viên cấp cơ sở thấp nhất. Những luận điệu ấy tóm tắt gồm các ý, giữ hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, phải khéo léo ngoại giao để đạt được cái mình muốn, cần có thời gian lâu dài....

TQ không phải bây giờ mạnh hơn VN, mà cả ngàn đời nay họ vẫn mạnh hơn như vậy. Cách đây 30 năm, người TQ tiến vào biên giới VN thế như chẻ tre, tàn sát đồng bào, chiến sĩ Việt Nam như đốn cây chuối trong vườn. Lúc ấy họ mạt sát VN ,nhưng không dám coi thường bằng những hành động xỉ nhục như vụ tàu Ngư Chính bây giờ. Bởi vì lúc ấy người Việt Nam dám chiến đấu, họ chiến đấu với tinh thần quật cường, dân tộc, chủ quyền. Yếu hay mạnh, phát triển kinh tế , ổn định gì gì...người Việt Nam không quan tâm tính tóan đến điều đó, bởi lẽ chủ quyền đất nước là trên hết. Trước chủ quyền dân tộc, đến mạng sống còn không nghĩa lý chứ đừng nói đến những toan tính làm ăn,phát triển kinh tế. Người TQ rất ngại điều đó lặp lại.

Ngày nay người TQ đã có kinh nghiệm trong việc đối xử với Việt Nam để không phải tốn xương máu. Một cuộc chiến ở thời điểm này tất nhiên bất lợi cho cả hai bên, nhưng ở vị thế nước lớn đang phát triển, chiến tranh sẽ khiến các quan hệ với quốc tế của TQ xấu đi rất nhiều. Nếu VN chấp nhận đối đầu với tinh thần cảm tử như năm 79. Các cường quốc thế giới ắt sẽ can thiệp, và cho dù các cường quốc này sẽ trục lợi cá nhân họ như luận điệu của chính quyền Việt Nam tuyên truyền, thì phần mà VN thiệt thòi đi cũng không lớn hơn phần bị TQ thôn tính.Thậm chí còn ít hơn nếu so sánh với tình trạng cứ thế này để TQ lấn thêm nữa với kiểu tằm ăn lá dâu.


Nhưng người TQ quá khôn ngoan để tính không cho người Việt thể hiện cái tinh thần bất chấp tất cả để giữ gìn lãnh thổ như trong hàng nghìn năm lịch sử, họ đã có những bước đi, ý đồ nhằm tiêu diệt sự đấu tranh ngay trong lòng người Việt. Dập tắt ý chí chiến đấu bảo vệ chủ quyền của người Việt ngay trong trứng nước.

Nhìn toàn cục thái độ ứng xử của VN về lãnh hải bây giờ, người TQ không có gì đáng lo. Việc Việt Nam nhập tàu chiến, máy bay không thể hiện ý chí chuẩn bị chiến tranh, mà chỉ là động thái vờ vịt để cho dân chúng đỡ hoài nghi về thái độ quá nhũn nhường của chính quyền với chủ quyền đất nước. Vì số lượng vũ khí ấy chả bõ bèn gì nếu so sánh với tiềm lực quân sự của TQ. Nếu VN thực sự muốn bảo vệ chủ quyền trước hành động xâm lấn của TQ, thìcái cần là hiệp ước quân sự với cường quốc nào đó như đã từng ký với Nga trước kia. Cộng với tinh thần dân tộc mạnh mẽ, kiên quyết.

.
Cho nên TQ phải giải quyết các hai điểm nêu trên này được, thì mới ngang ngược cho tàu hoạt động công khai trên lãnh hải Việt Nam. Và người TQ đã giải quyết được chưa, giải quyết bằng cách nào.?


TQ giải quyết vấn đề này thông qua một số quan chức Việt Nam thân Tàu mà họ đã lựa chọn kỹ. Những cá nhân nòng cốt mà người TQ đã chọn lựa ngay từ năm 88 trong buổi gặp ở Thành Đô. Cá nhân đó giờ vẫn uy nghi, oai vệ trong trong buổi họp quốc hộ VN khai mạc ngày hôm nay 20-5-2009. Từ cá nhân này mà người TQ phát triển nhân lên thành nhiều cá nhân khác. Các cá nhân khác trông thấy con đường tiến thân vững chắc của cá nhân kia từ năm 88 đến nay trên con đường quan lộ. Tự họ phải biết mình dựa vào đâu để có sự nghiệp chính trị, buồn thay cho nước Việt là những nấc thang tiến lên của các cá nhân này đúng như mong muốn của họ. Mấy năm gần đây số ủy viên BCT tỏ thái độ hữu hảo với TQ ngày càng nhiều về số lượng cũng như chất lượng bày tỏ tấm lòng. Từ những cá nhân có quyền hành này dội xuống, các phương tiện truyền thông đi theo một lề đã chỉ định. Ca ngợi quan hệ Việt - Trung, kiểm soát chặt chẽ và trừng phạt những tư tưởng bài Trung Quốc. Điều đó thể hiện qua truyền thông, báo chí được thoải mái ca ngợi người bạn , người anh Trung Hoa . Ví dụ như báo Hà Nội Mới ca ngợi Hứa Thế Hữu, ủng hộ bô xít Tây Nguyên đã dành được khen ngợi hồi tổng kết báo chí năm 2008, hay truyền hình chiếu nhiều phim Trung Quốc cũng được khen thưởng. Trang web của bộ Công thương để mặc cho TQ thao túng tuyên truyền cũng không cá nhân nào liên đới bị xử lý. Trong khi đó những cá nhân, đơn vị có ý châm chích, phản đối mối tình quái gở Việt- Trung này đều bị xứ lý thích đáng như bloge Điếu Cày, báo Vietnamnet,báo Du lịch.....với truyền thông thế này thì ngừoi TQ hoàn toàn yên tâm là tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền của người Việt không thể ngóc lên. Mà tan rã ngay từ tại tư gia mỗi công dân bởi màn hình tivi. Tinh thần ấy càng tan rã hơn bởi những luận điệu như ổn định,phát triển, hòa bình...đã dập tắt chút ít quật cường nhen nhóm trong lòng người Việt Nam. Vừa ca ngợi, vừa đe dọa, vừa thủ thỉ dỗ dành chỉ cho thấy những cái lợi trước mắt. Từng ấy thử đoạn được truyền thông liên tiếp chuyển tải hàng ngày, hàng giờ khiến người Việt Nam mất cảnh giác, thiếu thông tin chính xác, thậm chí còn ngây thơ nghĩ rằng dù thế nào đi nữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cách đối thoại trong vẫn đề chủ quyền. Việt Nam sẽ không bị thiệt thòi.


Bô Xít Tây Nguyên trở thành nóng bỏng , không chỉ là môi trường, lợi nhuận, an ninh quốc phòng mà dự án này bị phản đối như vậy. Bởi nó liên quan đến sự có mặt người TQ tại VN. Vậy dự án này còn là cái đo nhiệt kế, cái phép tính xem lòng người Việt Nam mạnh đến đâu khi . Nó là nước đi mà người TQ cần biết rõ những con cờ của họ trong hàng ngũ lãnh đạo VN thể hiện quyết tâm hữu hảo đúng như lời nói không.


Một đám đông chuẩn bị phản đối, bị ném cho quả pháo cũ rích " cẩn thận các thế lực thù địch lợi dụng'' vào giữa đám. Thế là chưa gì mỗi ông một nhóm, ông tướng già thì đứng đơn cá nhân mình, vài ông giáo sư chỉ gom lại hàng ngũ gọi là tri thức ''sạch sẽ'' để '' nâng cao cảnh giác kẻ xấu trà trộn''. Đám còn lại bị khoác cái áo giấy vu khống là ma, một đám nữa thì bơ vơ chả biết phản đối thế nào.


Các quân cờ khắc chữ Hán thì sang sông với khí thế không hề biết lùi .Vừa tiến vừa hô '' chủ trương lớn'' hay '' quốc hội nhất trí hoàn toàn'' hoặc '' đảm bảo công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường''.......''phát triển kinh tế Tây Nguyên''......


Người Trung Quốc đứng xem xoa tay hài lòng. Tinh thần dân chúng Việt Nam đến vậy, các con cờ thể hiện nhất mực như lời nói. Còn gì nữa mà đắn đo, giải quyết tiếp xong biển đảo rồi tính đến việc khác.

THỬ KIỂM ĐIỂM LẠI MỘT SỐ SAI LẦM TRONG CHÍNH SÁCH, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG TRONG QUÁ KHỨ

Một dân tộc can đảm, phải biết học từ những sai lầm của mình trong quá khứ. Đôi khi, sự sai lầm này đến từ những khả năng hạn hẹp về tri thức, kinh nghiệm, nhưng hình như, không bao giờ thiếu khuôn mặt của sự tự kiêu, tham vọng, tính cố chấp và sự ích kỷ của con người. HMT tình cờ đọc một bài viết trên trang Bauxite Việt Nam của tác giả Phạm Viết Đào. Xin được mạn phép post lại đây để cùng chia sẻ thao thức về vận mạng dân tộc, tổ quốc với bạn bè.

Ai đã có điều kiện  dự các khoá học chính trị trung, cao cấp  do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở thì đều được thụ  giảng những bài phân tích khá kỹ, sâu sắc, tổng hợp khá nhiều tư liệu, luận chứng do các giảng viên của Học viện truyền thụ về những sai lầm trong chính sách, chủ trương của Đảng trong quá khứ như là một bài học lịch sử về xây dựng và phát triển Đảng. Những bài học kinh ngiệm về các sai lầm của Đảng trong quá khứ đã được biên soạn trong loạt bài giảng của các giáo trình về Xây dựng Đảng và Lịch sử Đảng. Đây là những kiến thức về Đảng mà về nguyên tắc và cơ cấu tổ chức cán bộ hiện hành, những cán bộ cấp từ Trưởng phòng cấp Bộ trở lên đều được truyền thụ kiến thức này... 

Người viết bài này cũng đã có dịp được thụ giáo những bài giảng đó và xin phép được chép lại những điều do nhà trường truyền thụ mà hiện còn được ghi lại trong sổ học tập của mình. 

1/ Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ là một trong những cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ra đời cùng thời kỳ với sự ra đời Đảng Cộng  sản Đông Dương vào năm 1930... Về cương lĩnh chính trị này của Đảng, hiện các giáo trình đánh giá: đó là căn bệnh ấu trĩ tả khuynh mà các đảng cánh tả thường mắc phải không chỉ ở Việt Nam.  

Căn bệnh ấu trĩ tả khuynh này nếu trên nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội của Pháp, của Đức, của Nga và thậm chỉ của ngay Trung Quốc thì đều có cơ sở để giải thích; riêng đối với Việt Nam thì người viết bài này đã không ít lần đặt ra câu hỏi cho các thầy nhưng chưa lần nào được giải thích rõ vì sao: "Trí" trở thành đối tượng số 1 phải bị "đào tận gốc" của Đảng? 

Căn bệnh lạ này không khỏi có lúc đã ám ảnh, làm khiếp nhược giới trí thức và ảnh hưởng tai hại trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, thu phục nhân tâm... 

2/ Cuộc cải cách ruộng đất được đánh giá, phân tích là một chủ trương sai lầm mà Đảng và đích danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng ra nhận lỗi trước nhân dân, một số cán bộ của Đảng đã phải chịu kỷ luật sau cải cách năm 1956... 

Chủ trương này một mặt do sự sao chép, rập khuôn giáo điều theo cách làm của Trung Quốc nhưng mặt khác, không thể không nói đến sự tác động, sự ám ảnh của cái cương lĩnh khởi thảo lúc đầu của Đảng: Trí, phú, địa, hào... 

Còn công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh tại thành phố vào quãng năm 1958 và sau giải phóng miền Nam quãng 1977 cũng được đánh giá lại là sai lầm vì đã làm khiếp nhược, thui chột những người có tham vọng làm giàu bằng trí tuệ và sự sức lao động của mình. 

3/ Cương lĩnh chính trị được đưa vào Nghị quyết của Đại hội 3 của Đảng : ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, và đến Đại hội 4 chỉnh lại: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, cả hai chủ trương này đến bây giờ được đánh giá là không thực tế và không thích hợp với nền tảng kinh tế, công nghiệp của Việt Nam. 

4/ Chính sách xây dựng pháo đài cấp huyện là một chủ trương không căn cứ vào một cơ sở lý luận, thực tiễn, kinh tế xã hội nào. Chủ trương này bắt chước theo cách làm của Bungari và sau đó nhanh chóng bị lãng quên. 

5/ Chính sách giá-lương-tiền đã làm rối loạn nền kinh tế đẩy kinh tế lún sâu vào khủng hoảng, lạm phát, rối loạn xã hội... 

6/ Cơ chế tập trung quan liêu kéo dài quá thời hạn, thời điểm lịch sử cần thiết dẫn đến nền kinh tế bị suy kiệt, nhân tâm ly tán... 

Không ai phủ nhận trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân chấp nhận cơ chế tập trung quan liêu cao độ, mọi người dân chấp nhận hy sinh mọi thứ riêng tư để dốc lòng, dốc sức giành lại độc lập cho dân tộc. Một con gà, con vịt do người nông dân chăn nuôi ra đều chịu sự kiểm soát và điều tiết của chính quyền các cấp. Những khẩu hiệu của Đảng như Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... nhận được sự đồng thuận của đại đa số nhân dân.  

Vì sự nghiệp cao cả này mả cả  dân tộc chấp nhận hy sinh, ghìm nén thậm chí gạt bỏ mọi toan tính riêng tư để dồn của, dồn  sức người, dồn máu xương cho sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thế nhưng giặc ngoại xâm đã rút rồi thì không mở khoá, thả cổng để nhân dân làm ăn và mưu cầu hạnh phúc là một sai lầm lớn và thiếu biện chứng trong việc ban hành các chính sách... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đại ý: độc lập, tự do mà nhân dân đói khổ thì độc lập, tự do ấy có ý nghĩa gì? Do chậm thay đổi các chính sách về quản lý kinh tế-xã hội nên Việt Nam ở giai đoạn 1984-1985 bị đẩy thật sự đến bên bờ vực của sự sụp đổ... 

Trên đây chúng tôi chỉ kiểm lại những sai lầm trong các chính sách kinh tế của Đảng ở cấp trung ương mà chưa đề cập tới các sai lầm của đảng bộ, chính quyền cuả các địa phương, của các ngành, các cấp để khẳng định một điều: Đảng từng phạm sai lầm, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói một câu đại ý: một đảng không dám nhìn thẳng vào sai lầm để mà sửa chữa mới là một đảng hỏng... 

Các bài  giảng đều đặt vấn đề: Điều đáng tiếc là các cương lĩnh, chủ trương, chính sách sai lầm đó đã được áp dụng và gây tác dụng xấu, tiêu cực hoặc không mang lại hiệu quả như mong muốn đề ra. Vậy thì làm sao những chủ trương, chính sách sai phải được kịp thời ngăn chặn để nó không gây hậu quả? Điều này đòi hỏi phải đặt lại vấn đề: cơ chế dân chủ trong đảng; cơ chế phản biện trong nội bộ của Đảng, của nhân dân và nhất là vai trò và ý kiến của tầng lớp trí thức đối với Đảng. 

Xuất phát từ những bài học rút ra từ các sai lầm trong quá khứ của Đảng, Hội nghị BCH TW khoá VII họp từ ngày 9 tới ngày 17/7/2008 đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về trí thức. Tại phiên bế mạc, giải thích lý do ban hành Nghị quyết này, ông Nông Đức Mạnh,Tổng Bí thư đã phát biểu: "Để xây dựng đội ngũ trí thức theo yêu cầu mới, cần tập trung hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo..." Ông Nông Đức Mạnh cũng lưu ý Ban chấp hành TW: "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của đất nước, của Đảng và của cả hệ thống chính trị"; Ông Nông Đức Mạnh khẳng định thêm:"Xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xoá bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng" (Nguồn Vietnamnet). 

Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm của trí thức. Vậy trong thực tiễn nghị quyết này đã được các cơ quan thừa hành của Đảng áp dụng như thế nào? Theo chúng tôi, thái độ và cách ứng xử của Bộ Công thương, của Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã chứng tỏ họ không quan tâm gì đến Nghị quyết về trí thức của Đảng vừa ban hành cách đó mới nửa năm; họ không đếm xỉa gì đến những ý kiến mà ông Nông Đức Mạnh với tư cách Tổng Bí thư đã phát biểu, giải thích và nhấn mạnh khi ban hành Nghị quyết này. Chúng tôi xin lưu ý, đứng đầu Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương đều là các uỷ viên Trung ương, đứng đầu Quốc hội là một Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, tại Quốc hội có rất nhiều Uỷ viên trung ương... 

Trở lại vụ bauxite Tây Nguyên, mặc dù có rất nhiều trí thức lên tiếng một cách có trách nhiệm nhưng hình như chẳng ai thèm nghe; hình như đang tồn tại một "bức tường lửa" đang ngăn cách những người lãnh đạo nắm quyền lực nhà nước với nhân dân, với anh em trí thức. Về cơ cấu tổ chức vận hành bộ máy của Đảng, Chính phủ và Nhà nước thì Bộ Công thương là cơ quan tham mưu số một về dự án này. Vậy người tham mưu số 1, người được phép trực tiếp trình bày đến tai các vị lãnh đạo nắm quyền quyết định dự án này là ai? Chắc chắn là ông Lê  Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách chuyên về mảng này. Vậy ông Lê Dương Quang là ai? Cách đây 7 năm theo báo chí đã đưa, ông này từng bị kỷ luật về hành động gian manh trong một vụ kiểm tra mà ông là Trưởng Đoàn; hành động này nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng; thế mà 7 năm sau ông này được đề bạt liển 2 cấp, từ Vụ phó lên Thứ trưởng! Nhân cách của ông này còn bộc lộ rõ trong văn bản họp báo ngày 28/4/2009, ông đã nhân danh công quyền, đổi trắng thay đen, quy chụp những ý kiến xây dựng đầy trách nhiệm và tâm huyết của anh em trí thức thành những ý kiến gây rối; xếp anh em trí thức vào hàng kẻ thù của dân tộc...

 

Với những bộ máy tham mưu như Bộ Công thương, như Văn phòng Chính phủ, như Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thì làm sao những người chịu trách nhiệm trước các vấn đề liên quan tới vận mệnh của đất nước có được những quyết sách đúng được?

 

Chỉ xin nói một điều hết sức đơn giản: về hiệu quả kinh tế, nhiều nhà kinh tế chứng minh dự án khai thác bauxite Tây Nguyên không mang lại hiệu quả kinh tế; điều này đã được chứng minh cộng trừ về con số chứ không bằng các lập luận chung chung.

 

Xin lấy số liệu của Tập đoàn Than Khoáng sản do ông Đoàn Văn Kiển phát biểu: mỗi năm lãi 250 triệu USD; ông Kiển cho biết 13 năm đầu đủ thu hồi vốn, sau đó bắt đầu có lãi với đời dự án là 40-50 năm. Cứ cho ông Đoàn Văn Kiển đúng đi thì dự án này sau 50 năm thu được bao nhiêu tiền: 10 đến 15 tỷ USD là cùng! Và như ông Đoàn Văn Kiển bộc bạch thì kết quả dự án này là 50/50, có nghĩa lợi nhuận trong năm mươi năm cũng chỉ được dăm, bảy tỷ là cùng theo cách tính của ông Kiển. Nếu theo tính toán của ông Kiển số tiền này có quá lớn không so với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam để đem đánh đổi tất cả mọi thứ mà làm cho bằng được? Còn nếu âm như các nhà khoa học tính toán, nếu môi trường bị ô nhiễm, an ninh quốc gia bị xâm phạm, thì ai chịu?

 

Xin tham gia một ý kiến nhỏ về môi trường. Chúng tôi chăm chú theo dõi cách thức quản lý và xử lý bùn đỏ được các chuyên gia của dự án khai thác bauxite của Bộ Công thương trình bày trong chương trình truyền hình tối 19/5 trên VTV1. Mô hình quản lý và xử lý bùn đỏ (thực chất chất thải hoá chất lỏng trộn bùn đỏ), trông không khác gì cách chống thấm của mấy hộ đào ao nuôi tôm nước mặn tại nhiều vùng ven biển miền Trung và còn lâu mới an toàn so với bể phốt gia đình. Các ao nuôi tôm nó chỉ rộng một vài ha và cũng chỉ nuôi tạm trong vòng dăm, ba năm nên mới có khả năng chịu đựng được với mô hình thiết kế kiểu đó, với cách làm đó. Thế mà cái hồ mà các vị thiết kế được trình bày trên VTV1 rộng hàng trăm ha, được xây bờ xung quanh, phía dưới lót 1 lớp đất sét 20-30 cm, sau đấy là lớp vải chống thấm và trên lớp vải theo trình bày là một lớp đất sét 20-30 cm nữa. Chấm hết!

 

Trời đất ơi, để giữ cho hàng chục triệu tấn chất lỏng hóa chất độc hại không lan ra môi trường mà chỉ có thế thôi ư? Trước hết xin lưu ý các vị rằng, quy luật của nước đó là quy luật bình thông nhau và nước chảy chỗ trũng... Con người có thể dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn sự ngấm tràn nhưng nếu chỉ như cách các vị trinh bày trên VTV1 thì chỉ để ngăn giữ nước mặn dùng để nuôi tôm. Xin hỏi nhỏ các nhà lập dự án: Các vị lấy đâu ra loại vải chống thấm rộng hàng ha để mà lót dước đáy hồ? Khi các vị đã ghép nối nhiều mảnh với nhau thì làm sao giữ được các dung dịch hoá chất không tràn thấm qua? Ngoài ra hoá chất còn khuếch tán trong không khí qua sự bay hơi; hiện nay rất nhiều nước công nghiệp phát triển đang phải hứng chịu những cơ mưa axit không phải do trời ban mà do con người sản sinh ra.

 

Thứ hai, xin lấy nguồn nước ngầm Hà Nội làm minh chứng; đây là số liệu đã được các cơ quan chức năng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay nguồn nước ngầm Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng, bị hỏng hoàn toàn ở khu vực phía nam thành phố do nước thải sinh hoạt là chủ yếu; nước thải công nghiệp ở Hà Nội không đáng kể ngoài một số bệnh viện. Các cơ quan chức năng đã khoan sâu hàng trăm mét tại những khu vực phía nam Hà Nội, nơi đổ dồn các nguồn nước thải của Hà Nội và có nghĩa trang Văn Điển cho thấy: nước bị ô nhiễm nặng nề có các hợp chất kim loại nặng và có mỡ.

 

Trong khi đó địa tầng Hà Nội như thế nào? Phía trên độ quãng 1 m là đất phù sa, sau lớp đất phù sa là tầng đất sét có độ dày 4 mét, nhà nào khoan giếng sẽ thấy rõ điều này; sau tầng đất sét là cát quãng 5-10 mét, sau đấy là sỏi, là đất sét... Thế mà không ngăn được nguồn nước ngầm Hà Nội không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, chứ chưa phải là hàng chục triệu tấn dung dịch hoá chất được thải ra hoà với bùn đỏ dồn ứ lại. Mô hình thiết kế mà các vị trình bày ngon lành trên VTV1 chỉ có thể lừa trẻ con. Với mấy chục cm đất sét bôi trát ra như vậy, làm sao mà quản và giữ được hoá chất độc?! Xin lạy các bố! 

Cách đây hơn 2 tháng, 20 nước công nghiệp phát triển đã nhóm họp tại Davos, Thuỵ Sĩ, hội nghị do Liên hiệp quốc chủ trì. Một trong những chủ đề lớn được đem ra bàn nghị sự đó làm thế nào để bảo vệ nguồn nước cho thế kỷ XXI? Tại diễn đàn này theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon: "20 năm nữa nước sẽ trở thành vấn đề chính trị của thế giới, chứ không phải là dầu mỏ. Nạn thiếu nước đã trở thành vấn đề chín muồi của cả hệ thống chính trị toàn cầu". 

Hiện nay lượng nước được sử dụng để sản xuất năng lượng chiếm 40 % số lượng nước khai thác hàng năm ở Mỹ; trong khi đó lượng nước sử dụng cho sinh hoạt gia đình của người dân chỉ chiếm 3 %. Nhu cầu nước sử dụng vào mục đích sản xuất năng lượng tăng 165 % năm tại Mỹ và 130 % tại các quốc gia EU. Trong khi đó thì những khối băng khổng lồ ở Himalaya và Tây Tạng sẽ tan chảy hết vào năm 2100. Hai tỷ người trên hành tinh sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước; 70 con sông lớn trên thế giới sẽ khô cạn vì các hệ thống tưới tiêu nông nghiệp... 

Trong khi thế giới đang mất ăn, mất ngủ vì nước thì Việt Nam đang xa xỉ nước, đi vay tiền để điều chế ra một quả bom nổ chậm bằng nước hoá chất đặt trên mái nhà mình và để thu một khoản lợi nhuận theo lời ông Đoàn Văn Kiển cũng được dăm bảy tỷ trong vòng năm chục năm... 

Vấn đề phản biện cuối cùng chúng tôi xin đưa ra, đó là vấn đề an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ liên quan đến dự án bauxite Tây Nguyên. Những tuyên bố mới nhất của những người đứng đầu nước Nga cho thấy: Nga đã xí phần 1,2 triệu km ở vùng Bắc Cực, từ tháng tư này bắt đầu xây dựng các cắn cứ tại Bắc Cực và sẵn sàng dùng vũ lực với những ai nhòm ngó tới vùng băng mà Nga đã xí phần. Nga cũng đã và sẽ dùng vũ lực tới những nơi nào mà công dân Nga bị người dân bản địa chèn ép như Gruzia, Moldavi và Tresnia... Ở đâu có người Nga, ở đó có chủ quyền của Nga. Còn Trung Quốc thì chúng tôi và nhiều người đã biết và đã viết nhiều rồi... 

Chúng tôi mong rằng vụ bauxite Tây Nguyên không trở thành một chuyên đề cho các lớp đảng viên ra đời vài ba chục năm nữa đưa ra làm bài học cay đắng, ngậm ngùi phân tích như là lớp đảng viên hiện nay đang tìm câu hỏi và chưa tìm ra câu trả lời: Vì sao năm 30 Đảng lại nêu cương lĩnh: Trí là số 1 phải bị đào tận gốc...

Phạm Viết Đào.

Tuesday 19 May 2009

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN: HUYỆT MỘ TRIỀU ĐẠI CỘNG SẢN TỰ ĐÀO CHÔN MÌNH

LTS : HMT xin mời Bạn Bè đọc một bài viết trên blog "Change We need ". Xin Bạn hãy đọc, với óc phê bình, và để qua một bên những cảm tính về ý thức chính trị. Biết rằng điều này không phải dễ dàng với những barrie về chính trị, vốn đã hằn sâu trong ý thức bởi hệ thống giáo dục, tuyên truyền ; nhưng HMT tin rằng, dù dưới áp lực của bất kỳ ý thức hệ chính trị nào, vẫn tồn tại trong mỗi người sự tự do về nhận định, đánh giá, được soi sáng bởi lương tâm ngay chính và óc phê bình khoa học khách quan. Xin mạn phép blogger "Change We need " để pot lại bài viết của Bạn ở đây!

Chống chỉ định : Loại bài viết này gây phản ứng phụ với những ai mẫn cảm về chính trị và căm ghét "phản động "!

Tôi vừa đi một vòng các nơi, lên Tây Bắc, về Tây Nguyên, từ đây theo đường biên giới đến Campuchia, qua tận Thái Lan rồi đáp máy bay trở lại Việt Nam. Nơi đâu cũng nghe đầy nỗi bức xúc về sự kiện bô-xít Tây nguyên của người Việt trong lẫn ngoài nước. Ở một vùng sâu vùng xa, khi nói chuyện với một người dân tộc Nùng, tôi gợi ý về cái tên bô-xít Tây Nguyên thì người ấy không biết. Nhưng khi nói đến cái vụ mà Tướng Giáp đã phản đối thì ông ấy nhanh mồm “à, thì ra cái vụ mà cái bụng Đại Tướng mình không ưng nhưng cụ Nông vẫn quyết làm theo Tàu”. Có nhiều người biết rất rõ sự việc, cũng không ít người chỉ biết loáng thoáng nhưng kỳ lạ là bất chấp mức độ hiểu biết đa số đều phản đối, bức xúc bằng những lời như “mấy ổng chừ cái chi cũng bán”, “hậu quả thì thế hệ sau lãnh chứ các vị và con cháu các vị có làm sao đâu”, “đó có khác gì là bán nước”, “lịch sử sẽ ô danh mấy tay chóp bu hiện giờ đến muôn đời”, “khi già muốn hồi hương về nước chắc cũng chẳng còn miếng đất mà chôn”, “giới trí thức lên tiếng đang bị chụp mũ và sỉ nhục”, Còn nhiều chuyện mà hôm nay không có thời gian để kể, nhưng chung quy tôi cho rằng Đảng đã đi một nước cờ sai lầm nhất: tự đào mồ chôn mình như cách nói của một người uyên bác mà tôi có dịp trao đổi.

Sự kiện bô xít Tây Nguyên giờ đây không chỉ làm phân rã lòng dân ở mọi thành phần mà còn gây chia rẽ sâu sắc giới chóp bu cầm quyền và đang tạo dần nên một thế trận quyền lực mới trong BCT. Ông Mạnh và ông Dũng đã từng đối đầu nhau quyết liệt thì giờ đây nhờ vụ này mà đang xít lại gần nhau, cùng với Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đang dần hình thành nên một phe cánh thân Trung Quốc để ủng hộ các chính sách về bô-xít Tây Nguyên có lợi nhất cho Trung Quốc. Trong khi đó, ông Sang đang từ chỗ cùng hành động với ông Mạnh thì nay lại cùng với ông Triết xoay chuyển quyết sách về vấn đề này sao cho ít bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc nhất. Ông Sang và ông Triết dù vẫn phải đồng tình với chủ trương cho khai thác vì nó đã được Đại hội X ra nghị quyết nhưng đã một mực phản đối quyết liệt những gì ông Mạnh và ông Dũng dành cho Trung Quốc. Cuộc đấu này đã diễn ra rất căng thẳng trong tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Trong BCT chỉ có 3 người tỏ rõ quan điểm phản đối những “vấn đề Trung Quốc” trong sự kiện bô-xít Tây Nguyên là ông Triết, ông Sang và ông Trương Vĩnh Trọng; trong khi đó phía ủng hộ lại đến 5 người: ông Mạnh, ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Hồ Đức Việt và ông Tô Huy Rứa; 7 người còn lại thì không bày tỏ quan điểm rõ ràng. Đây là tình trạng hiếm thấy đối với sinh hoạt của BCT: thông thường các vấn đề được đưa ra xem xét ở BCT thường được quyết định bỏ phiếu theo phe nhóm: người ta sẽ bỏ phiếu cho những giải pháp nào thuộc phe nhóm của mình vào lúc ấy chứ không xem xét đến những yếu tố khác của giải pháp. Nhưng lần này, đối với vấn đề bô xít Tây Nguyên thì đã không diễn ra như vậy. Dù chiếm thiểu số lúc ban đầu nhưng cuối cùng những người phản đối việc tạo lợi thế cho TQ đã thành công. Cuối tháng 4, BCT do ông Sang thay mặt đã ký một thông báo về vấn đề này trong đó loại trừ việc cho phép lực lượng lao động khổng lồ của TQ trong các dự án khai thác đồng thời với việc cho phép nước ngoài sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp được khai thác ở Tây Nguyên.

Bản thông báo này cũng đề cập đến một số vấn đề khác giúp giải tỏa phần nào sức căng của dư luận, của các nhà trí thức và các vị tiền bối. Trên thực tế, ông Triết và ông Sang đã kín đáo hậu thuẫn cho các tầng lớp trong xã hội lên tiếng phản đối gay gắt vấn đề để tạo một áp lực lớn lên những người chưa bày tỏ ý kiến trong BCT. Không phải tự nhiên mà Tuổi Trẻ dám đưa một phóng sự về lao động phổ thông TQ trên các công trường Việt Nam, việc dừng loạt bài sau đó là một bước lùi chiến thuật để bảo toàn lực lượng. Tương tự như vậy, mọi người có thể thấy hàng loạt các bài về bô xít Tây Nguyên được đăng lên rồi bị gỡ xuống trên các báo điện tử. Người đọc khá bức xúc về điều này nhưng cách làm này đã đạt được hiệu quả trong tình thế vừa qua khi mà cả Chính phủ (Bộ TTTT) và Đảng (Ban Tuyên giáo TW) đứng về phe ủng hộ TQ, thông tin đã đến được công chúng và nhanh chóng loang tỏa đến hầu hết các phương tiện khác trên mạng mà các lãnh đạo các tờ báo vẫn có thể “nghiêm chỉnh chấp hành” mệnh lệnh đục bỏ của Đảng và Chính phủ. Còn nhớ, giữa tháng 2 vừa rồi, cách đưa các bài kỷ niệm cuộc chiến biên giới 1979 chống TQ cũng phải làm theo cách như vậy. Người của TQ nằm trong hàng ngũ lãnh đạo từ trung đến cao cấp, đến cả chóp bu của Việt Nam hiện nay, không ai có thể nói là bao nhiêu, nhưng hầu hết đều cảm nhận được là rất đông và sức ảnh hưởng rất lớn. Hãy xem cái cách mà Bộ Công thương phản ứng sau khi có kết luận của BCT về bô-xít Tây Nguyên thì rõ. Thứ trưởng Lê Dương Quang xuất hiện ngay trước báo chí chỉ khoảng 1 tuần sau khi BCT ra kết luận. Phát biểu của ông ta có ý qui chụp đối với ý kiến của các nhà khoa học, ngụ ý rằng đó là những lời lẽ của các thế lực thù địch. Thái độ hằn học này thể hiện sự bực tức của TQ vì đã chưa đạt được trọn vẹn ý đồ của mình trên vùng đất Tây Nguyên của Việt Nam. Sự việc đang nóng hổi mới đây – cũng chính Bộ Công thương lập ra trang web với tên miền của Chính phủ Việt Nam để cho TQ tha hồ thể hiện quan điểm của TQ về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa bằng những tên gọi và giọng điệu hoàn toàn của TQ – cho thấy TQ đã thọc sâu vào bộ máy và nhân sự của chính quyền nước ta như thế nào. Bộ Thông Tin Truyền Thông cũng cho thấy nhiều biểu hiện phục vụ đắc lực cho TQ, nhưng chúng ta sẽ nhắc đến vấn đề này vào một dịp khác, với nhiều cơ quan của Đảng và Chính phủ khác nữa.

Trở lại cuộc đấu giữa ông Triết và ông Sang với ông Mạnh và ông Dũng về vấn đề bô-xít Tây Nguyên. Ngoài việc khôn ngoan sử dụng áp lực của các tầng lớp trong xã hội, ông Triết đã thành công trong việc chống “Trung Quốc hóa” nhờ có sự hậu thuẫn của các lực lượng quân đội. Ông Triết đã được anh cả Văn (tên thân mật của Tướng Giáp) ủng hộ và nhờ đó đã mau chóng kết chặt được với những vị trí quan trọng trong quân đội, từ trung ương đến các quân khu địa phương. Nhờ vậy ông Triết đã có thể thể hiện và thực hiện những quyết định quan trọng của mình khá độc lập. Nhiều người biết rằng sự liên kết giữa ông Triết và ông Dũng thời gian qua mang tính tình thế, nếu ông Triết không có cách tách khỏi (hay dựa vào) sự liên kết này thì sẽ nhanh chóng đánh mất uy tín của mình trước đa số, không chỉ trong dân chúng mà cả trong các lực lượng của nhà nước. Nhưng điều quan trọng là chính vụ bô xít Tây Nguyên đã đưa ông Triết đến một thời cơ để tạo ra lực lượng và sự ủng hộ cho mình. Người ta đang bàn đến một khả năng ông Triết và ông Sang sẽ “tái hợp” để hình thành nên một thế lực mạnh, tạo ra một thế trận mới về quyền lực trong BCT sau khi hai ông “đoàn kết” để chống “Trung Quốc hóa” vụ bô-xít Tây Nguyên. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn sẽ là một cột mốc đặc biệt đánh dấu sự xoay chuyển và chia rẽ đường lối trong Đảng.

Về phần ông Mạnh và ông Dũng, với lực lượng ủng hộ hùng hậu lúc ban đầu có lẽ hai ông đều bất ngờ trước kết quả cuối cùng diễn ra bất lợi đối với mình. Lo sợ trước làn sóng phản đối ngầm và cả phản đối ra mặt trong quân đội, cả hai ông đã tổ chức đến thăm Tướng Giáp nhân dịp chiến thắng Điện Biên Phủ để hy vọng gỡ lại phần nào sự khinh xuất và xem thường ảnh hưởng của vị Tướng già, anh cả của quân đội. Ông Dũng sau khi đã phớt lờ bức thư của Tướng Giáp về bô-xít Tây Nguyên thì giờ phải xuất hiện trước truyền hình hứa hẹn sẽ tiếp thu kỹ các ý kiến của cụ. Còn ông Mạnh thì đã phải dằn lòng xuống để đi thăm Tướng Giáp dù ông ta chẳng thích thú gì. Ông ta đã rất khó chịu nói với các trợ lý của mình khi xem một phóng sự cũng phát vào dịp đó trên VTV ca ngợi “hơi quá” cá nhân và uy tín của cụ Giáp. Trong chuyến đi vừa rồi, tôi có nói chuyện với một vị tướng ở Quân khu 5, ông này bình luận về 2 chuyến thăm của ông Dũng và ông Mạnh đến nhà Tướng Giáp vừa rồi bằng 2 chữ: “lố bịch”. Tình thế này cũng đặt ông Mạnh và ông Dũng vào thế bất lợi khi làm việc với Nhật.

Việc tập trung vào mục tiêu rất ngắn hạn để chứng mình lời khẳng định kinh tế sẽ phục hồi vào tháng 5 của ông Dũng đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ làm gia tăng thâm hụt dẫn đến cạn kiệt ngân khố, trong khi đó những khoản tiền phải trả để mua vũ khí sắp đến hạn cũng chẳng hề nhỏ. Ngân sách đã và đang rất cần những khoản tiền khổng lồ. Số tiền mà TQ hứa sẽ ứng trước cho việc khai thác bô-xít đã không xảy ra vì những đòi hỏi của TQ đã chưa đạt được đầy đủ. Con số này đến hiện nay vẫn còn rất bí mật, nhưng tờ Wall Street vừa đưa ra con số rằng Việt Nam nói cần hơn 15 tỷ đô để đầu tư cho việc khai thác và mong muốn được nhận trước gần hết số tiến này. Chắc chắn rằng TQ sẽ chưa chịu chấp nhận kết quả hiện giờ và sẽ tiếp tục ra đòn. Nhưng trước mắt chính quyền đang đứng trước một tình thế ngặt nghèo về tài chính. Chuyến đi Nhật của ông Mạnh cuối tháng 4 chỉ mới thực hiện được những cam kết mang tính nguyên tắc, phải chờ cụ thể hóa sau chuyến đi Nhật sắp tới của ông Dũng. Nhật hiện nay đã nắm trong tay đặc quyền đối với nền kinh tế VN nhờ hiệp định tư do song phương ký hồi đầu năm nhưng tới hiện nay vẫn chưa hề xúc tiến đẩy mạnh đầu tư. Vốn ODA đã được nối lại cho các dự án cũ đang chạy, còn những dự án mới dù đã cam kết nhưng họ vẫn đang kéo dài lấy lý do đảm bảo các thủ tục chống tham nhũng mà Quốc hội Nhật yêu cầu phải đảm bảo. Chưa thể đoán được Nhật sẽ ra đòn thế nào trong cuộc cờ này sắp tới.

Cho dù kết quả thế nào thì cũng chẳng thay đổi được hình ảnh của đất nước. Chúng ta có thể hình dung hình ảnh của đất nước mình trước Nhật, trước Trung Quốc giờ đây chẳng khác gì Lào trước Việt Nam. Liên tục trong vòng chỉ vài tháng, hết người đứng đầu Đảng, nhà nước, Chính phủ Lào thì đến đoàn quân sự, đoàn kinh tế của Lào vào VN. Chúng ta cũng nghe những tuyên bố VN ca ngợi tình đoàn kết với Lào, ca ngợi các vị lãnh đạo của Lào nhưng chắc có lẽ cái tốt nhất mà Lào nhận được trong lòng dân chúng VN là sự thương hại. Nói như thế thật đáng buồn nhưng đó là sự thật và phải nhìn vào sự thật thì mới hy vọng có thể tìm được điều gì đó làm cho nó tốt hơn. Lòng dân đang sắp sôi lên. Cho dù đã có những điều chỉnh nhưng không vì thế mà bô-xít Tây Nguyên có thể lắng dịu. Tôi nói chuyện với nhiều người thì họ nghĩ rằng kết luận của BCT chẳng qua là “nghi binh” hoặc giả vờ để dân chúng bớt bức xúc. Ngay cả khi tôi cố tình giải thích sự điều chỉnh như vậy là tốt hơn rất nhiều và nhiều vị lãnh đạo đã phải rất vất vả để đạt được điều đó thì những người nói chuyện với tôi vẫn tỏ thái độ hoài nghi, cho rằng trước sau gì TQ cũng đạt được mục đích thôi. Càng nói họ càng phẫn nộ. Thái độ đó dễ dàng tìm thấy ở rất nhiều tầng lớp khác nhau, kể cả giới bình dân ít hiểu biết sâu sắc. Một giáo sư nói với tôi rằng điều ấy thể hiện thái độ bài TQ của người Việt, nhưng cũng có vị nói rằng nó thể hiện sự mất niềm tin vào chính quyền. Cho dù thế nào thì cả 2 điều này đều sẽ dẫn đến sự phân rã sâu sắc trong xã hội và tinh thần chống đối gia tăng trong dân chúng. Chúng sẽ khoét sâu những mâu thuẫn trong xã hội đến một ngày sẽ trở thành một cái huyệt mộ khổng lồ, với tác động cộng hưởng của những yếu tố và tác động khác, sẽ dẫn đến những biến động khó lường trước được – giống như Liên Xô và các nước Đông Âu, CS bị chôn vùi trong một đêm. Những người như anh 6 Phong và anh 4 Sang nếu tiếp tục giữ quan điểm trong vấn đề bô-xít Tây Nguyên này thì tất yếu sẽ dẫn đến việc phải dựa vào dân, vào lòng dân chứ không còn có thể dựa vào Đảng được nữa.

Bài hôm nay dài quá rồi, hẹn các bạn sẽ đề cập đến những chi tiết và khía cạnh đã được đề cập chưa rõ trong những bài tiếp theo.

Monday 18 May 2009

NGẬM NGÙI

Hàng năm, cứ đến dịp tháng Tư, chính quyền lại rầm rộ tổ chức biến cố đại thắng mùa Xuân 1975. Các phương tiện truyền thông mở hết công sức để một mặt, xiển dương chiến thắng của quân đội nhân dân Việt nam, một mặt, phơi bày sự thất bại của bè lũ "Mỹ Nguỵ ". Những hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân "bách chiến bách thắng" được xuất hiện nhan nhản trên báo đài, trong những cuộc mít tinh, trong những bài diễn văn chào mừng chiến thắng.

Bên cạnh những họat động ăn mừng chiến thắng đó, chính quyền cũng không quên nhắc đến những người đã nằm xuống trong cuộc chiến này, cũng như những anh hùng, những thương binh của quân đội nhân dân Việt Nam. Cả nước còn có ngày 27/7 là ngày thương binh liệt sĩ, và trong những dịp khác nữa, như ngày quốc khánh 2/9, ngày kỷ niệm thành lập quân đội 22/12, những bài văn tủ về công trạng ấy lại được rầm rộ mở loa.

Tôi chợt thấy ngậm ngùi cho những thương phế binh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bản thân họ cũng là những người lính, họ cũng từng vào sinh ra tử cho một lý tưởng tự do của nền cộng hòa, những phần cơ thể để lại nơi chiến trường, cũng là những dấu nốt trong một bản anh hùng ca vì tổ quốc. Nếu Việt Nam Cộng Hòa không thất thủ, thì họ cũng trở thành những anh hùng, được nhắc nhớ và ca tụng trong những ngày kỷ niệm chiến thắng. Số phận của họ, cũng trở thành nghiệt ngã với vận hành của lịch sử. Ai dám chắc rằng, những kỷ niệm rầm rộ của người "chiến thắng ", không để lại nỗi bi hùng, ngậm ngùi tiếc nhớ nơi những người thương binh kia.

Lật lại lịch sử, con số những thương binh của Việt Nam cộng hòa, cũng không phải là con số ít so với thiệt hại của quân đội miền Bắc. Sau hơn 34 năm, kể từ ngày Sài gòn thất thủ, những đòn thù của những người chiến thắng, phải chăng là sự vô tình, vẫn còn lặp lại vào những dịp kỷ niệm chiến thắng, như vết thương, dù lành da lành thịt, những nhức buốt và đau đớn trong những cơn "trở trời " của ngày mừng chiến thắng.

Xét cho cùng, người lính chiến, dù là ở về phía nào, họ cũng đều là nạn nhân của những ý thức hệ chính trị, của những kẻ đầu cơ thời thế. Xương máu và sự sống của họ được đánh đổi và nhuốm màu đỏ cho những tấm thảm mà những vị tướng lãnh, giới chức chính quyền bước trên đường vinh quang. Có đôi khi, sự hy sinh của họ bị lãng quên và trở thành vô nghĩa trong những thay đổi của bàn cờ chính trị. Cuộc chiến biên giới 1979 với Trung Quốc, đâu phải ít những quân dân Việt Nam đã ngã xuống, nhưng vì một lực đè của "16 chữ vàng", người ta cũng phải đành đọan lãng quên. Máu đó, thịt xương đó, mạng sống đó , phải chăng là vô nghĩa ???

Kêu gọi xóa bỏ hận thù để đòan kết xây dựng đất nước, sao lại cứ mãi giày xéo và róc lại những vết thương vốn đã mong muốn lành da ???

Thursday 14 May 2009

TRANG WEB NÊU LUẬN ĐIỂM TURNG QUỐC VỀ BIỂN

Nguồn : BBC

Trang web chuyển sang địa chỉ gov.cn của CP Trung Quốc và nêu quan điểm lãnh thổ của họ.

Dư luận mạng tại Việt Nam từ mấy hôm nay chú ý đến trang web song ngữ Hoa-Việt với mục tiêu thúc đẩy trao đổi thương mại hai nước Việt Nam và Trung Quốc nhưng có các nội dung lạ.

Trang www.vietnamchina.gov.vn nằm ở địa chỉ miền gov.vn mà chỉ có chính phủ Việt Nam mới có quyền sử dụng đang phổ biến nhiều bài viết hoàn toàn theo quan điểm chính phủ Trung Quốc.

Phần tiếng Việt của trang này giới thiệu các tin tức về hoạt động của đảng, chính phủ và các lãnh đạo Trung Quốc với ngôn ngữ ca ngợi.

Ví dụ người đọc sẽ thấy các tin hoàn toàn bằng tiếng Việt với nội dung về công tác đối ngoại của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các thành công về 'sở hữu trí tuệ', 'thành tựu hội chợ' v.v.

Đặc biệt, có bài trong trang nói về chính sách ngoại giao 30 năm qua của Trung Quốc với các thành tựu to lớn.

Điểm đáng chú ý hơn nữa là bài này lại ghi chú là đăng lại từ trang của ĐCSVN với nội dung dịch từ 'Tuần Báo Bắc Kinh' gần đây.

Là một quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc hoàn toàn có quyền thực hiện chính sách thông tin của mình.

Nhưng một trang web cấp chính phủ ở Việt Nam lại đóng vai trò phụ trợ cho chính sách đó thì quả là chuyện lạ.

Nhưng người đọc trang web này sẽ còn ngạc nhiên hơn khi vào phần tiếng Trung.

Trang này không chỉ đã rời khỏi tên miền gov.vn để chuyển sang gov.cn của chính phủ Trung Quốc mà còn nêu quan điểm lãnh thổ, lãnh hải của họ.

Tìm theo từ khóa 'Nam Sa', 'Tây Sa' của trang này sẽ thấy lại một bài hôm 19/03/2009 mô tả chuyện Việt Nam 'theo dõi sát' vụ tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc đến gần Nam Sa.

Bỏ sang một bên sự khác biệt vốn có trong tên gọi hai quần đảo đang tranh chấp, bài báo tiếng Trung chỉ đưa tin phát ngôn viên Lê Dũng nói Việt Nam 'sẽ theo dõi sát' hoạt động của tàu nọ.

Bản viết này cũng chỉ nói vụ tàu Ngư Chính khiến phía Việt Nam 'có quan tâm' về 'chủ quyền'.

Đáng chú ý là bài báo đặt từ 'chủ quyền' trong ngoặc kép như một dạng trích dẫn mà thôi và cũng không hề trích toàn bộ các tuyên bố thường lệ của ông Lê Dũng về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Đoạn văn tiếp theo viết phát ngôn viên Tần Cương của Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc ở cả 'Tây Sa và Nam Sa'.

Ở đoạn văn đó, từ 'chủ quyền' của Trung Quốc không hề ở trong ngoặc kép.

Bàn tán

Hiện dư luận mạng tại Việt Nam và người Việt ở nước ngoài đang bàn tán và đặt các câu hỏi làm sao lại có thể có một trang web như vậy không chỉ công khai mà còn được duy trì và ủng hộ ở cấp chính phủ tại Việt Nam.

Chính thức mà nói những gì trang web chung này nêu ra khác xa với nội dung về lãnh hải mà Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu ra từ trước tới nay.

Có vẻ như những người soạn ra trang web này để cho hai cơ quan chủ quản là Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc tùy ý quyết định phần nội dung của mình.

Nhưng trong phần tiếng Việt lại thiếu hẳn đi tin tức về lãnh hải Việt Nam vốn được nêu rõ trong phần tiếng Trung theo quan điểm của Trung Quốc.

Nếu như vậy phải chăng Bộ Thương mại nay đang thay Bộ Ngoại giao chính thức quyết định đường lối ngoài giao của Việt Nam trong bối cảnh nước này cần vận động dư luận ủng hộ cho các tuyên bố lãnh hải và thềm lục địa?

Theo quan sát của BBC, đây là một tiền lệ hiếm hoi trong ngoại giao và chính sách thông tin của các quốc gia có chủ quyền.

Các chính phủ có liên minh chính trị, quân sự truyền thống sâu nặng như Anh, Mỹ, Úc cũng không có trang web chung nội dung, chia tên miền với các quan điểm trái ngược nhau và trái cả các tuyên bố chung chính thức như vậy.

Ngay giữa các nước Liên hiệp châu Âu, việc nêu ra các khác biệt lịch sử, hậu quả chiến tranh, lãnh thổ (như giữa Ba Lan và Đức), cũng được làm công khai theo các cấp, có bài bản và đúng luật pháp chứ không cất giấu trong các bài web có nội dung mâu thuẫn nhau, không rõ ai biên tập và được quyết định ở cấp nào.

Ý kiến ý cò của Hoa Mặt Trời :

1. Rõ ràng, mấy anh em nhà báo "đời ", báo "hại " này đâm sau mông chiến sĩ. Trong khi mọi người đang cố gắng góp chung tiếng nói đòi chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì mấy đồng chí "môi hở răng lạnh " này lại cho bạn Tàu mượn sân sau quánh quân mình! Cơ mà của trang thông tin của chính phủ mới chết cơ chứ! pótay.com! Chưa thấy pak Doãn lên tiếng vụ này! Chắc HMT phải học tập, khuyến khích bạn Tàu định cư không chỉ hai quần đảo mà còn thêm vài chỗ nữa.

2. Bạn Tàu không cần có đất mà vẫn được trồng cây, hái quả, không coi cái chủ quyền của mình ra cái gì hết trơn hết trọi. Không chừng mai mốt báo Nhân Dân, báo Đảng chuyển qua cho bạn Tàu thuê hết! Đang có hợp đồng khai thác Bauxít, giờ có thêm mảng mới : hợp đồng khai thác tuyên truyền thông tin.

Bài đăng trên Sàìgon tiếpthi (sgtt) về vấn đề này. Trích phần bình luận của tác giả :

Sáng 13.5, sau khi đọc được thông tin này trên blog Lê Tuấn Huy, được trang web viet-studies.info của GS Trần Hữu Dũng dẫn link, chúng tôi đã thông báo ngay tới các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cho đến ngày 14.5, những thông tin sai trái nói trên vẫn chưa được đưa ra khỏi trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc”. Vào lúc 10h30 sáng 14.5, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này. Lúc đầu ông Hưng cho rằng, “tôi nghĩ là không có gì quá ghê gớm cả. Anh phải vào thực tế trang web thì thấy có nhiều thông tin về hợp tác thương mại, kinh tế có nhiều điểm rất là tốt”.

Khi chúng tôi hỏi về phần tiếng Việt của website đăng tuyên bố của bà Khương Du thì ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng: “Đó là trang web của Trung Quốc chứ có phải của mình đâu”. Chúng tôi hỏi: “Trang web có đuôi .gov.vn thì người ta phải hiểu là của Việt Nam, thưa ông?”. Ông Hưng giải thích: “Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách. Tiếng Việt do phía Trung Quốc phụ trách để họ đăng trực tiếp bằng tiếng Việt giúp doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Hưng, chúng tôi liên hệ với người trực tiếp phụ trách trang web, ông Trần Hữu Linh, phó cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương. Ông Linh xác nhận trang web tiếng Trung do phía Việt Nam phụ trách, vietnamchina.gov.vn, vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh trang web này, chúng tôi còn tìm thấy một trang web khác, cũng gọi là “Mạng thông tin hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Trung Quốc” bằng tiếng Trung, nhưng có tên là chinavietnam.gov.cn/ (đuôi “vn” được thay bằng “cn”) và nội dung thì tương tự như website tiếng Việt, thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc về các vấn đề quốc tế và đặc biệt là về biển Đông.

Như vậy, trên thực tế, các nhà doanh nghiệp Trung Quốc thay vì tiếp cận được với website do bộ Công thương phụ trách lại nhận được thông tin do phía Trung Quốc đưa ra. Về phía các nhà doanh nghiệp Việt Nam, khi truy cập website “hợp tác...” để tìm thông tin về thương mại họ còn phải đọc những thông tin về các vấn đề đối ngoại và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc.

Cũng trong buổi sáng 14.5, ông Linh cho biết: “Cục Quản lý báo chí, bộ Thông tin truyền thông vừa đề nghị có mấy bài phải bỏ xuống. Tôi cũng đang báo cáo với lãnh đạo bộ để xử lý”. Nhưng, theo ông Linh thì vì, “theo thoả thuận phía Trung Quốc lo phần tiếng Việt. Phía Việt Nam lo phần nội dung bằng tiếng Trung”; cho nên bộ sẽ phải “gửi công hàm sang bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại”.

Theo thông tin của trung tâm Internet Việt Nam (Vnnic) thì trang web này do bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) đăng ký tên miền. Về nguyên tắc, khi đã đăng ký tên miền Việt Nam, thì server phải đặt tại Việt Nam. Nhưng, theo Vnnic, trang web www.vietnamchina.gov.vn đang hoạt động với một server ở Trung Quốc. Căn cứ nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet thì từ nội dung đăng tải trên website, đến phương thức hoạt động của trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” đều có nhiều sai phạm.

Saturday 9 May 2009

MÓN QUÀ BÔXÍT CHO TRUNG QUỐC

Bài viết trên BBC
Sau hàng loạt bài trên các báo quốc tế về vụ khai thác bauxite gây điều tiếng ở Việt Nam, nay tờ Financial Times của Anh nói hẳn rằng đây chính là "món quà của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" cho phía Trung Quốc.

Bài của David Pilling hôm 06/05/2009 nhìn vào cách thức một "nước Trung Hoa đang vươn lên" tìm cách làm lu mờ Nhật Bản và tăng sức ép lên các nước láng giềng.

Nhưng trong hoàn cảnh của Việt Nam, tác giả nói vụ khai thác bauxite là vấn đề nổi bật, cho thấy thực chất mối quan hệ với Trung Quốc.

Lần đầu tiên, một báo lớn ở Phương Tây dùng từ "quốc gia phụ thuộc" (client states) để nói về cách mối quan hệ này đang hướng tới.

Theo tác giả, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có vòng công du một tuần thời gian gần đây để "được tiếp kiến" các lãnh đạo Trung Quốc.

Hiển nhiên, điều này không nói lên gì về cá nhân Thủ tướng Dũng vì ông cũng chỉ làm như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy "tự đến khách sạn để được gặp ông Hồ Cẩm Đào" trong dịp Hội nghị G20 ở London vừa qua.

Nhưng điểm quan trọng là, theo bài báo, thủ tướng Việt Nam "đã mang theo các món quà bauxite của Việt Nam, thứ tài nguyên tạo ra nhôm" (nguyên văn: He brought with him gifts of Vietnamese bauxite, the main raw material for aluminium).

Tác giả David Pilling gọi đây là cách "triều kiến Trung Quốc" (pay tribute to China) và nói về tương quan thế lực hai bên.

Thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc cũng là vấn đề được hàng loạt báo chí quốc tế như trên Wall Street Journal, New York Times, The Economist hay Asia Times nêu ra như một lý do vì sao chính quyền Việt Nam cứ quyết tâm thúc đẩy vụ bauxite.

Nhưng David Pilling nói Việt Nam "đã hoàn toàn bất lực khi Trung Quốc đuổi ExxonMobil ra khỏi dự án với PetroVietnam" năm ngoái.

Trong khi không có ai ở Việt Nam, nước từng bị Trung Quốc "chiếm đóng 1000 năm" muốn vội vã trải thảm đón đầu tư của Trung Quốc Financial Times viết rằng chính quyền Việt Nam đã cấm một tờ báo nêu ra vấn đề gai góc về lãnh thổ với Trung Quốc.

Nhắc đến những phản đối vì lý do môi trường tại Việt Nam khi nhà nước đưa ra dự án bauxite, bài báo nói "Chính quyền cũng chỉ nói cho qua chuyện những lo ngại về môi sinh".

So sánh với khu vực

Một điểm đáng chú ý khác là sự so sánh vị thế và cách hành xử của Hàn Quốc và Việt Nam trong quan hệ với Bắc Kinh.

Bài báo nói Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc và ngược lại, các công ty Nam Hàn đã đầu tư tới 40 tỷ đô vào Trung Quốc.

Cơ sở hạt nhân Yongbyong của Bắc Hàn 

Mặt khác, Trung Quốc cũng nắm con bài Bắc Hàn vốn là yếu tổ an ninh chủ đạo cho sự sống còn của nhà nước Nam Hàn.

Hàn Quốc cũng có lúc công khai tỏ thái độ khi định nghĩa các quyền lợi chiến lược và ngoại giao của họ đối với Trung Quốc.

Financial Times, bản trên mạng đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc giữa tháng Tư đã công bố một bản phúc trình nói rằng "ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc có thể khiến nỗ lực ngoại giao của Seoul nhằm đảm bảo an ninh về tài nguyên bị nguy hại".

Sự việc đã gây ra một cú chao đảo nhỏ trong quan hệ hai bên, nhất là vì báo cáo cũng đề nghị Seoul phải "có biện pháp chống đỡ đối với Trung Quốc", nhưng rút cuộc các quan chức ngoại giao Hàn Quốc đã phải tìm cách giải tỏa căng thẳng vì quan hệ song phương quá quan trọng.

Còn đối với Đài Loan, đây là ví dụ thứ ba cho thấy sức hút của Trung Quốc.

Tuy Đài Bắc vẫn mua 6,5 tỷ đôla vũ khí từ Hoa Kỳ để phòng thủ trước Trung Quốc, có vẻ như bên cạnh chiến lược cải thiện quan hệ kinh tế, ngoại giao với Bắc Kinh vẫn được xúc tiến.

Vẫn Financial Times nói chính phủ Mã Anh Cửu gần đây cũng cho các công ty Trung Quốc vào đầu tư và rất có thể sẽ chuẩn thuận vụ công ty China Mobile mua 12% cổ phần trị giá 533 triệu đô trong công ty Far EasTone chuyên về điện thoại di động ở Đài Loan.

Không biết có phải tình cờ hay không mà cùng lúc Trung Quốc đã đồng ý Đài Loan hưởng quy chế quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới.

Bài báo kết luận rằng với thế lực của Nhật Bản ngày càng giảm sút vì kinh tế trì trệ, Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên các nước láng giềng, trong đó Việt Nam là nước bị ép nhiều nhất.