Tuesday 27 September 2011

ĐIỀU GÌ LÀM NHÀ NƯỚC TRỞ THÀNH KẺ CƯỚP ???

Trong bài diễn văn trước quốc hội Đức, nhân chuyến viếng thăm quê hương, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi nhấn mạnh đến nền tảng chính yếu của cơ chế chính trị trong một xã hội dân chủ, đã trích dẫn tư tưởng của Saint Augustin thế kỷ III “Đánh mất nền công lý thì Nhà Nước còn lại điều gì, ngoài lũ trộm cướp”.

Phải thú nhận rằng, sự hiện đại của khoa học kỹ thuật trong thế kỷ XXI, chưa hẳn là tất cả thước đo của sự văn minh, nếu đối chiếu những nguyên tắc căn bản về quyền con người, về khái niệm chính trị của những nhà tư tưởng thời cổ đại. Khi chỉ ra rằng, thể chế “chính trị” phải được xây dựng trên hệ thống pháp lý, và tôn trọng nền công lý, như điều kiện căn bản và tiên quyết để đánh giá mức độ hoàn hảo của một hệ thống chính trị, điều này cũng có nghĩa : người ta sẽ nhìn vào sự tôn trọng công lý để nhận định sự khác biệt giữa nhà nước dân chủ, và những bè “trộm cướp” núp bóng danh xưng “chính quyền, Nhà Nước”.

Không khó để chứng minh luận điểm này.

Chúng ta đã có không ít hơn một lần những bài học lịch sử để đánh giá cho nhận định kia : Người ta vẫn còn rùng mình khi nhắc, khi đọc lại những trang viết về những buổi đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất ; người ta chưa quên được sự uất nghẹn của những vụ án “Nhân văn - Giai phẩm”; nạn nhân của những cuộc cải tạo công thương, đánh tư sản hình như vẫn chưa bao giờ thống kê cho đủ; những xác chết còn chưa được xác định nấm mồ của những đợt tập trung cải tạo, tịch thu tài sản của “ngụy quyền”, con số những thuyền nhân “bỏ của chạy lấy người” đã phơi xác ngoài biển hay mất tích vẫn là một ẩn số; và hôm nay, danh sách của những dân oan bị mất đất vẫn tiếp tục tô đậm cho những nét vẽ về sự chà đạp công lý, khiến chữ Nhà nước hình như đã nhù nhòa và giao thoa với chữ “kẻ cướp”. Sự đau khổ và uất ức của những nạn nhân bất công xã hội, bao giờ cũng tỉ lệ thuận với những cách thức cướp cạn của chính quyền.

Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày một gia tăng. Bên cạnh những thông tin về sự bần cùng của lớp dân nghèo mà thu nhập chưa đến 1USD/ngày, người ta cũng có thể đọc thấy những cách ăn chơi và tiệc tùng rất “đẳng cấp” như thể ném tiền qua cửa sổ của một tầng lớp tư sản và viên chức chính quyền. Đáp số lý giải của điều này không quá khó : sự cấu kết giữa viên chức chính quyền và thương gia (nhóm lợi ích) đã thâu tóm phần lớn tài nguyên kinh tế. Cơ chế chính trị là nguyên nhân của tham nhũng và bất công xã hội. Một cơ chế chính trị càng độc tài, càng bóp chặt tự do và vi phạm công bằng xã hội, thì nạn nhân của những trò cướp bóc tinh vi này càng nhiều. 

Ông bà mình vẫn đúng khi từ lâu đã chỉ mặt đặt tên chính xác lũ cướp này :”cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Ngẫm lại không hề sai, “khi đánh mất nền công lý thì Nhà nước còn lại gì, ngoài lũ trộm cướp”.

 

 

 

Monday 26 September 2011

NGÀY XƯA ẤY ...

LTS : Tối nay bỗng lang thang vào blog của một người bạn, đọc lại bài viết từ thuở còn bên Yahoo 360 ngày nảo ngày nào. Chợt thấy lại cái comment họa thơ ngày trước. Tứ thơ đầu là của bạn, còn lại là phút nổi hứng thi sĩ của HMT, chép lại đây cho thấy mình cũng có lúc thật là ...lãng mạn, chứ chẳng phải khô như ngói kiểu xã luận bây chừ...



Chợt nghe lòng mang nỗi nhớ chông chênh.
Xuân vội vã lướt qua thềm quạnh vắng,
Hơi thở anh chạm hồn em sâu lắng
Giấy lên tình phiêu bạc giữa trăng thanh...

/////

Mưa có về xin nhắn với tình xanh
Lòng người vẫn mộng về đường kỷ niệm!
Ân tình xưa, giữ trong dây lưu luyến,
Vẫn tinh khôi như thuở ấy mưa hồng!

/////

Em vẫn mãi là em của ước mộng,
Vẫn nồng nàn, như thuở mối duyên đầu!
Sông thời gian, dẫu vẫn mãi trôi mau,
Thuyền tình đó, em vẫn còn ở bến!

Tuesday 20 September 2011

HẠT GIỐNG ÂM THẦM

"Le tombeau des héros est le cœur des vivant" (André Malraux)

"Mộ phần của những người anh hùng là con tim của những người sống", nhận định của nhà văn và chính trị gia André Malraux như muốn khẳng định một điều : Những người anh hùng không bao giờ chết trong trái tim nhân dân, và nấm mộ của họ, có thể nói, như một hạt giống nhiệm mầu đang ấp ủ sự sống, niềm hy vọng,  chờ ngày nứt hạt đâm chồi.

Đã có không ít những lời kết tội của báo chí truyền thông chính thống của chính quyền, cũng không thiếu những bài viết của những "ngòi bút được trả tiền" chỉ trích, thậm chí mạt sát những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, như thể việc làm của họ là vô nghĩa và rồ dại. Nếu đứng trên bình diện quan điểm an phận, chấp nhận kiểu "bình ổn" chính trị, thì rõ ràng họ là những người thua cuộc, và những rủi ro, thậm chí bị sách nhiễu, đánh đập và tù đày mà họ đang hứng chịu, chẳng khác nào một sự "sáng mắt, quả báo" rất thực tế và rất thời sự. Và nếu suy nghĩ này trở nên phổ biến như thể một triết lý khôn ngoan của cách hành xử trong xã hội thực dụng hôm nay, thì có lẽ, người ta sẽ không còn bao giờ biết đến những anh hùng.

Nếu anh hùng là những người can đảm "dám làm những điều mà ngườ khác không dám, để không phải mưu cầu lợi ích cho cá nhân hay một đảng phái, nhưng là nhằm đến lợi ích của dân tộc, của chính quyền lợi từng người dân", thì hành động của họ không bao giờ là chỉ dừng lại ở con số KHÔNG tròn trĩnh và khắc nghiệt, dù trong thực tế, những bất lợi xem ra là số âm. Trái lại, như những hạt giống dù rất âm thầm, một khi đã được gieo vào trong mảnh đất suy nghĩ của con người, nó lặng lẽ bám trụ, qua thời gian, đợi mưa thuận gió hòa, nó sẽ đâm chồi. Ai có thể phủ nhận
rằng, ngày nay người ta nói nhiều đến nhân quyền, về sự độc lập và dân chủ, nếu những thuật nghữ này không được viết bằng chính những sự kiện lịch sử, bằng sự "tù đày" của những người can đảm khai phóng đã dám can đảm chống lại những thể chế chính trị độc tài, vón thường thủ tiêu hay hạn chế quyền con người và đàn áp dân chủ. Cách đây 15 năm, những tiếng nói phản biện sự lãnh đạo độc tài của Đảng cộng sản chỉ là những tiếng rên xiết rất đau đớn, nhưng rất khẽ khàng, rất nhỏ. Ngày nay, người ta, dù không thể tự do, nhưng trong suy nghĩ, trong những bài viết trên mạng, trong những buổi họp mặt thân hữu, họ đã dám nói. Hạt giống đã nảy mầm.

Những bài học về lịch sử, về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, không bao giờ chỉ đơn thuần trên sách vở. Và nếu nó có bị bóp méo bởi những định hướng chính trị, thì thực tế cuộc sống luôn cho một câu trả lời trong sáng và thật hơn. Trong dòng chảy này, tiếng nói phản biện của những người anh hùng luôn là những khởi đầu đáng trân trọng.

Nếu lịch sử là một sự chuyển động không ngừng, thì những vết hằn nơi bánh xe ấy lăn qua trong trường thời gian, sẽ luôn được đọc lại, với những tên tuổi của những con người đang âm thầm góp sức mình viết lên những bài học lịch sử. Tôi mơ thấy một trang sử của tương lai :"Trong những ngày tháng khi Việt Nam phải đối mặt với những lấn lướt của Trung quốc về sự toàn vẹn lãnh thổ, khi chính phủ thân Trung Cộng tìm cách che đậy những thỏa ước nhượng bộ, thì đã có rất nhiều người biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, dù họ bị đàn áp và quấy nhiễu..."





Friday 16 September 2011

SƯỚNG CÁI MIỆNG !

1. Nam, bạn tôi, du học ở phương tây, trong dịp về Việt Nam thăm gia đình, bên đám bạn nối khố chén tạc chén thù, khi trả lời tôi có gì khác biệt giữa cuộc sống trời tây và ở “ta”, hắn điềm nhiên trả lời : Khác ở cái miệng.

Chậm rãi nhấp ngụm rượu, đánh khà một tiếng như lão già nghiện rượu thứ thiệt, giọng thật nhẹ hắn giải thích :

- Ở trời tây thì thèm ăn thức ăn Việt Nam, vì thức ăn tây mình không quen. Ăn không ngon miệng, nhưng được cái nói năng thoải mái sướng cái miệng. Không thích chính phủ, kể cả tổng thống thì chửi đổng cũng chẳng đụng đến ai. Về Việt Nam, ăn uống thức ăn theo khẩu vị Việt Nam, sướng cái miệng, nhưng bù lại, cũng khổ cái miệng vì không được nói những sự thật tai nghe mắt thấy.

Nhận xét dí dỏm của anh bạn làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Xem chừng ra cái căn bịnh “tay, chân, miệng” đang hoành hành kia không chỉ nơi trẻ nhỏ, mà lây lan ra cả nơi người lớn, và vùng phủ diện tích của bịnh thì rộng khắp, chừng như cả Việt Nam.

2. Nói khôn ngoa, thật ngữ đánh tráo của  báo chí ngày hôm nay đã đạt đến một trình độ thượng thừa :  Có những kiểu nói để tránh đụng chạm đến sự thật : Tàu Trung quốc vào quấy rối trong vùng lãnh hải thì phải gọi là tàu lạ. Số nhân công Trung quốc vào lao động trái phép thì gọi là “lao động nước ngoài” ; thậm chí vừa rồi, bất bình trước sự hung hăng của Trung quốc trên biển đông, những người yêu nước biểu tình phản đối, thì cho là “tụ tập tự phát”, rồi thì bị “thế lực thù địch “ kích động”, và bị đàn áp, nhũng nhiễu .v.v.

Cùng ngồi nhậu, anh bạn Đảng viên chỉ nói : tụi mày có biết đám nào dám nói mạnh miệng nhất không?

Rồi hắn tự trả lời : Mấy ông đảng viên về hưu ah. Không còn sợ thằng nào nữa thì dám nói thôi. Còn lại, tụi tao còn trẻ, phải lo “cái miệng”.

Tôi hiểu, cái miệng đây, vừa là “nín câm”, vừa là tìm lo miếng ăn, lo bươn chải với cuộc sống…

3. Theo truyền thuyết, Phượng Hoàng là going chim quý, thức ăn của nó là máu tươi. Phượng Hoàng sống bằng máu tươi. Còn lũ quạ thì chuyên nghề ăn xác chết. Máu tươi không dễ tìm, trong khi đó, xác chết thì đầy rẫy. Vì vậy, chuyện Phượng Hoàng đói là chuyện rất đỗi bình thường.

Một hôm, lũ quạ đang nhao nhao bên xác chết, nhìn thấy vẻ yếu lả vì đói của Phượng Hoàng, chúng nài nỉ :”Biết anh là loài cao sang, và thực phẩm của anh phải là máu tươi nguyên tuyền. Nhưng anh biết đấy, làm gì mà lúc nào cũng có máu tươi. Anh thử tập dùng thức ăn như chúng tôi thì chẳng lo đói”.

Cái đói làm Phượng Hoàng chao đảo. Mà con người cũng đã từng nói một câu ngạn ngữ “Đói thì đầu gối phải bò” cơ mà. Phượng Hoàng đáp xuống bên lũ quạ, ngại ngần rồi cũng thử nếm chút thịt xác chết. Mùi hôi tởm lợm khiến nó rùng mình.

Phượng Hoàng chợt vút bay lên, để lại một tiếng kêu vang, cùng với lũ quạ đang căng tròn mắt nhìn…

“Thà chết với nỗi khát khao dòng máu tươi của loài Phượng Hoàng, hơn là no say với mùi xác chết của lũ quạ”.

Tình hình là mình muốn có giờ để thăm và đọc các bài viết của bạn bè, trong FL thì nhiều quá, có những người mình cũng ... không biết là ai. Nên quyết định dọn nhà một chút. Mong các bạn nào đã vắng bóng thông cảm nhé ! (cha này lịch sự "lọa", kẻ vắng mặt mà còn hỏi ý kiến ý cò nữa..."

Điều chỉnh lãi suất trần ngân hàng xuống 14% có khả thi chăng? Chỉ số lãi còn nhỏ hơn chỉ số lạm phát? Liệu người dân có gởi tiền tiết kiệm hay là sẽ đổ xô đi mua trữ vàng, ngoại tệ, tạo nên hiện tượng rút tiền hàng loạt, các doanh nghiệp tư nhân sẽ thiếu vốn, tình trạng phá sản sẽ diễn ra hàng loạt, một số ngân hàng nhỏ sẽ mất khả năng thanh khoản, báo động những hiệu ứng domino .... Tệ rồi! Bức tranh quá ảm đạm!

Có phải là do khai thác bau-xít, chặt phá rừng đầu nguồn, nên khi mùa mưa lũ, nước không còn ngõ thoái mà gây nên cảnh sạt lở ở ĐàLạt vậy không ta? http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/456059/Lo-Ngu-Hanh-Son-sat-o-Da-Lat.html

Thursday 15 September 2011

ĐI QUA NHỮNG MÙA TRĂNG

1. Ngày Trung thu, tôi gọi điện về thăm mẹ, hỏi đùa mẹ đón Trung thu thế nào! Mẹ cười hềnh hệch, bảo : đang mưa rả rích, mưa thúi đất sáng giờ, chẳng có trung thu gì hết mày ah!

Nghĩ cũng buồn cười, trung thu là tết của trẻ con, ai cũng cho là tết nhi đồng. Nhưng hình như, trẻ con giờ đây không còn là đối tượng chính của ngày trung thu nữa. Những hộp bánh trung thu đắt tiền được dành để biếu xén, trẻ con nhà nghèo chỉ nhìn mà chẳng bao giờ biết được vị mặn ngọt của bánh trung thu. Đường phố thì chật chội, ngổn ngang xe cộ, chẳng còn đường đi để rước đèn... Những hình ảnh của trăng, của trẻ thơ ngày xưa , hầu như giờ đã là một phần của quá khứ, của kỷ niệm, chỉ còn thỉnh thoảng gợi lại trong những cuốn phim ca nhạc mà thôi.

Chợt nhớ đến những mùa trung thu của tuổi thơ. Những ngày tháng khó khăn, mùa trung thu đến, lũ trẻ chúng tôi vui thú với những chiếc đèn ống lon, với đuốc, với bất cứ  thứ gì có thể góp nhặt một ít lửa, một ít ánh sáng để cùng vui với Trăng. Con đường quê còn vắng vẻ, không có  đèn đường, đủ để cho ánh sáng của những chiếc lồng đèn chế tạo trở nên lung linh hơn và huyền ảo hơn. Tình thân cũng ăn theo những chiếc lồng đèn mà sáng hơn, gần gũi hơn rất nhiều. Hình như Trăng lúc ấy rất hiền diệu, và ánh đèn rất lung linh, chả vậy mà những khuôn mặt trẻ thơ dưới trăng và đèn trở nên hồng hào, rất đẹp.

2/ Mẹ giờ bị ốm, lại lớn tuổi, ngồi trên xe lăn, tính tình dễ tủi thân và hờn dỗi như đứa trẻ. Nghe mẹ nói mưa thúi đất, không có trung thu phá cỗ, biết là mẹ thấy buồn. Hỏi mẹ còn nhớ bài hát "Ông Trăng" của Phạm Duy không, mẹ không trả lời, mà lẩm nhẩm hát vài câu : Ông Trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo...

Tôi hỏi đùa ngang, nếu Trăng xuống chơi với mẹ thì mẹ cho gì? Mẹ nói, mẹ cho cái xe lăn.

Oh Trăng ơi, chẳng biết mày có cần xe lăn không. Chứ mẹ không có thì chẳng đi đâu được. Nếu mẹ cho Trăng xe lăn, có lẽ mẹ mong được lành bịnh, có thể đi lại mà không cần nó nữa. Nếu vậy, mùa trung thu năm sau, hẳn sẽ có cái lồng đèn theo mẫu xe lăn rồi. Trước đây có mẫu máy bay, xe hơi, tàu thủy .v.v., có thêm chiếc xe lăn cũng không khó gì.

3/ Em bảo Trăng ở quê em sáng hơn.

Vùng cao nguyên bạt ngàn gió, những đêm rằm, trăng sáng vằng vặt, tỏa ánh dịu dàng trải dài khắp núi đồi. Trăng và gió trở thành những thổ dân của vùng cao nguyên, những thổ dân hào phóng, sẵn sàng ban phát hình ảnh của họ cho hết mọi người.

Trăng và em là đôi bạn thân. Em lớn lên với con sông, với cánh đồng, với những đêm trăng vằng vặt. Trăng và em là đôi bạn tri kỷ, hơn cả tri kỷ, là tình nhân. Có những lần trăng đã phủ xuống khắp người em, vuốt ve lên cơ thể nở nang đang  thì con gái, và em lặng người trước những cảm xúc lạ lùng của gió và trăng... Em nói em yêu trăng, và người đàn ông của em phải hiểu em như trăng : Biết nhìn em với ánh mặt dịu dàng như ánh trăng, nghe được nhịp tim và tâm sự của em như ánh trăng trên ngực ; và biết đón nhận em với sự trân quý như trăng mỗi lần phủ bóng trên em...

Những ánh trăng trong căn phòng nhỏ của tôi sẽ đi thật xa, thật xa. Nó bận làm ánh trăng của vùng cao nguyên đầy gió.