Sunday 19 August 2012

NGÔN NGỮ TÌNH YÊU

Em !
Nếu có ai hỏi điều gì phong phú nhất trong cuộc sống này xét về nội dung cũng như hình thức, Tôi sẽ không ngần ngại nói rằng đó là Ngôn Ngữ. Nó là người bạn đường duy nhất chung thuỷ trong lịch sử của con người, nó hiện diện để dánh đấu mức độ văn minh của nhân loại.
Người ta có thể kể đến những ngôn ngữ của các dân tộc, nhưng cũng nói đến những ngôn ngữ ngoại giao, văn hoá, gia đình ..; có những ngôn ngữ được diễn đạt bằng thanh âm, nhưng cũng có ngôn ngữ không lời, được diễn biểu qua những hình tượng, cảm xúc, cử chỉ ...
Vì phong phú như thế, nên để hiểu hết những gì mà ngôn ngữ muốn diễn tả, người ta phải học hỏi một cách kiên nhẫn. Tình yêu cũng có một thứ ngôn ngữ riêng của nó. Một ngôn ngữ đặc trưng mà chỉ có những người yêu nhau mới hiểu hết được.
Khi yêu nhau, em và người yêu cũng bát đầu chập chững theo những lớp học ngôn ngữ của Tình Yêu! Cái đặc biệt của loại ngôn ngữ này, là nó có khả năng quyến rũ người ta tìm hiểu, nó vừa khó và vừa dễ, nó thăng cấp theo những cung bậc của tình yêu!!!
Khi chúng em nói nhớ nhau, điều đó nó diễn tả không chỉ là những ký ức về một vùng trời kỷ niệm êm đềm, không chỉ là cảm nhận mình đang thiếu vắng một cảm giác gần gũi, một bóng hình thân quen, mà nó còn làm sinh động hoá những ý tưởng, những suy nghĩ của hai người với nhau : mình cần có nhau bởi vì người ta sẽ không nhớ nếu đang bên nhau. Ngày nào nỗi nhớ còn, ngày đó, mình vẫn còn thiếu nhau, vẫn cần có nhau phải vậy không em! Và nếu kỷ niệm có khả năng tràn vào trong nỗi nhớ, thì chỉ có tương lai mới có khả năng lấp đầy nỗi nhớ này!
Em sẽ phải tiếp tục cùng nhau học hỏi và khám phá thứ ngôn ngữ kỳ điệu này của Tình Yêu em nhé. Để rồi một lúc nào đó, em sẽ biết được Tình Yêu dành cho nhau nó lớn lao thế nào không phải chỉ bằng câu nói "Anh rất yêu em ", nhưng sẽ bằng muôn vàn những cách thức phong phú của Tình Yêu.
Tôi muốn kể cho em nghe một câu chuyện mà tôi đã đọc được từ rất lâu. Nó nhẹ nhàng và dung dị như một câu chuyện cổ tích của đời thường .....

Hai người yêu nhau nhưng gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình cô gái. Họ cho rằng chàng trai không xứng đáng với đĩa vị của gia đình cô, và họ sẽ không tha thứ cho cô nếu tiế tục cóa quan hệ với anh.

Mặc dù rất yêu chàng trai, nhưng khi hai người gặp nhau, cô luôn hỏi : "Anh có yêu em nhiều không ?". Cô hay bực bội do chàng trai không trả lời như ý cô mong muốn; rồi với áp lực của gia dđình khiến hai bạn trẻ bất hoà. Cô thường trút giận lên chàng trai.
Về phía mình, chàng trai luôn chịu đựng trong im lặng. Sau một năm, anh tốt nghiệp và quyết định đi du học. Trước khi ra đi, anh đã cầu hôn cùng cô gái :
-"Anh biểu lộ tình cảm của mình bằng lời nói không giỏi, nhưng tất cả những gì mà anh biết là anh yêu em. Về phía gia đình, anh sẽ cố gắng hết sức thuyết phục để gia đình em đồng ý. Em thuận ý làm vợ anh chứ?"
Cô gái ưng thuận, và với sự quyết tâm của chàng trai, cuối cùng gia đình cô gái cũng nhượng bộ và đồng ý cho họ kết hôn với nhau. Trước khi chàng trai lên đường, hai người làm lễ đính hôn? Cô gái tham gia công tác xã hỗi trong khi anh tiếp tục học ở nước ngoài. Họ bày tỏ tình cảmm của mình qua những lá thư và điện thoại? Tuy khó khăn, nhưng họ vẫn luôn nghĩ về nhau.
Một ngày nọ, cô gái bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Khi tỉnh dậy, cô thấy cha mẹ mình bên cạnh giường? Cô cảm nhận được tình trạng tồi tệ của mìh. Nhìn thấy mẹ khóc, cô muốn làm cho mẹ yên lòng, nhưng những gì cô có thể thốt ra chỉ là tiếng thở dài : Cô đã mất đi giọng nói! Bác sĩ bảo ràng tai nạn đã gây tổn thương não của con và cô sẽ không thể nói được nữa. Cô suy sụp mặc dù cha mẹ, bạn bè động viên rất nhiều. Trong suốt thời gian ở bệnh viện, cô chỉ biết khóc trong thầm lặng.
Xuất viện về nhà, tình trạng của cô cũng chẳng thay đổi gì. Mỗi khi có tiếng chuông điện thoại reo, cô có cảm giác như từng nhát dao đâm vào tim. Cô không muốn cho anh biết và càng không muốn trở thành gánh nặng của anh. Cô viết cho anh một lá thư, nói ràng cô không còn kiên nhẫn đợi chờ anh anhữa. Cô gởi lại anh chiếc nhẫn đính hôn.
Chàng trai gởi hàng ngàn lá thư và gọi biết bao cuộc điện thoại, nhưng cô không trả lời và chỉ khóc. Cha mẹ cô quyết định chuyển nhà, hy vọng rằng cô sẽ thật sự quên những gì đã xảy ra để có thể sống yên ổn.
Cô gái học ngôn ngữ cử chỉ và bắt đầu một cuộc sống mới. Mỗi ngày cô tự nhủ mình hãy quên anh ấy đi. Nhưng một hôm, một người bạn của cô đến và cho hay anh ấy đã trở về. Cô van xin người bạn đừng cho anh biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Từ đó, cô không còn nhận được tin tức gì của ah.
Một năm trôi qua! Người bạn hôm nào đến thăm và trao cho cô thiệp mời dự lễ kết hôn của anh. Trái tim cô tan vỡ như những giọt nước mắt đang lăn chảy trên khuôn mặt! Khi mở thiệp cưới, cô thấy tên mình trong tấm thiệp! Ngước lên, cô thấy anh đang đứng trước mặt.
Chàng trai dùng ngôn ngữ cử chỉ để nói với cô gái :
-"Một năm qua, anh đã dành thời gian học thứ ngôn ngữ này để chỉ nói cho em hiểu rằng : Anh yêu em, anh không quên lời ước hẹn của chúng ta. Hãy cho anh có cơ hội được nói mãi với em rằng Anh Yêu Em".
Anh lồng chiếc nhẫn vào tay cô gái. Nụ cười và nước mắt hạnh phúc quyện lại trên đôi môi cô.
(Vũ Ngọc Thuỷ)
Này em,
Tôi muốn chuyển đạt ngôn từ của một chàng trai đã nói với người yêu của mình. Em sẽ đọc trong ấy những ý tưởng về ngôn ngữ tình yêu. Tôi mong rằng đó cũng là những ngôn từ mà người yêu em sẽ nói với em. Chúc em sẽ đạt được mức độ tròn đầy trong mức độ lĩnh hội và diễn đạt được thứ ngôn ngữ tình yêu nhiệm mầu này :
"Anh yêu em, nhớ em thật nhiều! Anh nhờ gió, nhờ mưa, nhờ nắng chuyển lại cho em lời nói đó. Anh muốn mỗi sáng bình minh khi em thức dậy, tia nắng đầu tiên của ngày mới sẽ chiếu vào cửa sổ; khi cơn gió ban mai hay hoàng hôn lùa vào nhà ; khi hạt mưa của những ngày cuối thu khẽ khàng hay mạnh mẽ đến bên em, chúng sẽ nói với em về tình yêu và nỗi nhớ của anh, để bên tai em luôn vang vọng lời yêu thương của Anh : ANH YÊU EM!"

Monday 16 July 2012

Các bạn thân yêu của mình ơi, xin các bạn đừng đi biểu tình nữa, vì công an phải dàn trải ra mà theo dõi các bạn, nên không có giờ và nhân lực để theo dõi người Trung Quốc dù họ vào nuôi cá ở Vịnh Cam Ranh, thu mua thổ sản hay thậm chí mua cả 100 mẫu đất mà chính quyền cũng không biết...

SAI NHA CÔN ĐỒ

Nước Vệ, triều Sản,

Đời sống dân tình lao đao vì vật giá phi mã, nạn cướp giật nổi lên khắp nơi. Ngoài khơi thì nước Tề cho tàu thuyền nghênh ngang đi lại, xua từng đoàn thuyền vào lãnh hải của Vệ để đánh bắt cá, có khi còn vào thẳng trong vùng bể của Vệ thả bè nuôi cá. Ở nhiều nơi, người Tề còn thu mua đất lập trang nương như ngay tại nước Tề.

Có những người tâm huyết với đất nước, rủ nhau đến quán dịch của Tề tại kinh thành để phản đối. Quần thần của Tề giận lắm, tranh nhau dâng sớ đòi thảo phạt Vệ nhằm dạy cho một bài học. Vệ Vương cả kinh, không thể ra tuyên cáo cấm không được phản đối Tề vì như thế là đi ngược lòng dân, còn để cho dân tình tụ tập phản đối Tề thì không được lòng thiên triều, e rằng chẳng còn giữ được ngai vàng.

Vệ Vương bèn họp với các đại thần tìm cách đối phó. Các quan cùng châu mày nghiêm mặt, vì xem ra chưa tìm được kế sách hay.

Tể Tướng Bạo, sau mấy vụ đưa con cháu lên làm quan, lại làm ngơ cho bọn trọc phú cùng với Thượng thư Bộ Hộ tác oai tác quái rút tỉa ngân khố, thôn tính các ngân hàng, nên bị quần thần chỉ trích, vì vậy chẳng mở lời. Song vì Vệ Vương hỏi mãi, Bạo bèn hiến kế :

"Triều đình không thể ban chiếu mà cấm dân phản đối Tề gây hấn, như thế các nước lân bang sẽ dị nghị bảo ta nô lệ cho Tề, còn để cho bọn thảo dân tụ tập phản đối, thì làm mất lòng Tề, e rằng khó giữ được ngai vàng. Chi bằng cứ cho sai nha giả dạng làm côn đồ, đến đánh đập bọn thảo dân kia ắt chúng sẽ sợ hãi mà không dám phản đối. Kế này thiên triều vẫn dùng gọi là "ném đá giấu tay". Vậy vừa dẹp được bọn thảo dân tụ tập phản đối thiên triều, vừa không phải sợ lân bang dị nghị".

Vệ Vương và quần thần cho là thượng sách, bèn tức tốc lệnh cho sai nha cứ ý kế của Bạo mà làm.

Thế là trong các phố thị, bọn sai nha giả danh côn đồ đi đánh đập những người biểu tình, cướp đồ và gây kinh hãi khắp nơi.

Bọn thảo khấu nghe được như thế, lấy làm mừng lắm, càng ra tay độc ác và cướp bóc nhiều hơn, cứ như thể là chúng và sai nha của triều Vệ đã là một, vì dân chúng chẳng còn biết đâu là con đồ thật và đâu là sai nha giả danh côn đồ.

Chính vì thế, trong dân gian thời ấy, tiếng côn đồ vừa dùng để chỉ bọn côn đồ lẫn sai nha của Triều Sản.

(Viết theo cảm hứng của Đại Vệ Chí Dị)






Thursday 15 March 2012

"Vẹt" Lương Thanh Nghị : "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử KHÔNG THỂ TRANH CÃI về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" => Cái con mẹ nó, thằng Trung Quốc "đếch" chịu cãi. Nó quánh!

NHỮNG CÁI CHẾT VÔ NGHĨA ???

Thầy tôi hay trích dẫn câu nói "Nơi đây an nghỉ một người đã không biết mình sinh ra để làm gì" để chỉ một người sống không có mục đích, không lý tưởng.

Nếu không biết sống để làm, thì có lẽ cũng chẳng cần phải đặt câu hỏi : vì sao mình chết, và mình chết vì điều gì? Hình như là điều rất thật đang tồn tại trong cuộc đời này : Có những cuộc sống bất định, không phương hướng, và có những cái chết vô nghĩa, vô giá trị.

Nhưng vấn đề không đơn giản : đâu là tiêu chuẩn để đánh giá một cuộc đời, và những điều kiện nào được dùng để đong đếm giá trị của một sự chấm dứt? Những tiêu chuẩn ấy nằm trên trục của những tiêu chí và nhân sinh quan nào? Điều này quả phức tạp, vô cùng phức tạp.

Ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc với khí tài vượt trội, đã tấn công vào bãi Gạc Ma của quần đảo Trường Sa, làm thiệt mạng 64 binh lính Việt Nam. Cuộc chiến bất cân xứng về sức mạnh quân sự kết thúc nhanh gọn, và nước biển ngày ấy thêm vị mạn chát bởi của máu những của những người lính bảo vệ biển đảo của Tổ quốc đã đổ ra.

Sau gần 25 năm, với những chuyển biến về quan hệ ngoại giao giữa hai Đảng Cộng Sản, những cái chết kia hình như PHẢI BỊ QUÊN ĐI để không ảnh hưởng đến tình hữu nghị đồng chí 4 tốt của hai Đảng. Những cái chết, tưởng như là anh hùng vị quốc vong thân, giờ trở thành những vật cản, những cái gai trong mắt của hai Đảng đang muốn nhìn về tương lai được vẽ lên bởi 16 chữ vàng : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Tuyệt nhiên, không hề một dòng tin, một bài viết nào trong hệ thống báo đài tuyên truyền của Chính quyền Việt Nam nhắc đến sự kiện này.

Người ta chỉ không muốn nhắc đến, không muốn tưởng niệm, không muốn ôn lại những gì là bi thương, vô nghĩa, vô giá trị trong cuộc đời.

Ngày 14/3, trên các mặt báo, vẫn có tin về người chết tai nạn lật xuồng, có tin người chết vì đụng xe, bên cạnh các tin thường xuyên của chủ đề "lộ hàng của ngôi sao", "đám cưới khủng", "mại dâm" .v.v.

Những cái chết ở biển đảo kia, hình như không còn mãnh lực để thu hút sự quan tâm của dư luận. Nó cần phải lãng quên. Không biết có một chỉ thị rõ ràng nào của ban Tuyên giáo về điều này chăng? Nhưng sự im ắng của hệ thống báo đài theo "định hướng" này, cũng có thể là một câu trả lời rất rõ ràng.

Ngược lại sự im ắng của hệ thống tuyên truyền nhà nước, rất nhiều những trang blog viết về biến cố lịch sử này.

Những trang blog vốn rất dễ bị quy chụp là do sự 'xúi quẩy" của thế lực thù địch, dễ bị đội mũ là "phản động", lại không muốn quên lãng những sĩ tử vị quốc vong thân. Những thành phần bị tuyên giáo của Đảng coi là "lề trái" lại không bao giờ muốn máu của các chiến sĩ đã chết vì Tổ quốc đổ ra vô nghĩa như những cái chết thiêu thân của đua xe, chơi thuốc. Những người mà Chính quyền luôn nhìn ngó với con mắt hằn học như thể kẻ thù của dân tộc lại không bao giờ muốn cái chết của những chiến sĩ ở Gạc Ma trở thành những cái chết vô nghĩa và vô giá trị.

Vậy đã rõ, ai là người vì lợi ích đảng phái riêng tư để bỏ qua những giá trị lớn lao và thiêng liêng của dân tộc!

Im lặng trước biến cố này, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc xiển dương quân đội Trung Hoa đã thảm sát các chiến sĩ ở Gạc Ma.


PS : Hình "qui hoạch" từ blog Mai Thanh Hải.

Wednesday 7 March 2012

TẢN MẠN NGÀY 8/3

Cách đây 3 năm, HMTđã viết một đoạn ngắn về ngày 8/3 để chia sẻ những cảm nhận rất riêng về ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Vẫn luôn là những day dứt không nguôi về những mảnh đời, về những thân phận của "một nửa thế giới".

Bao giờ cũng vậy, phụ nữ và trẻ em luôn là nạn nhân của những vòng xoay lịch sử và xã hội. Hình như tốc độ xoay cuồng này càng bạo liệt trong cơn lốc của xã hội Việt Nam hôm nay. Những nội dung đăng tải trên hệ thống báo chí Việt Nam, vốn được liệt kê trong vài ngữ từ "cướp, hiếp, giết", cho thấy mức độ và nhịp độ của những bạo hành đối với phụ nữ không hề thuyên giảm, nếu không muốn nói là mỗi ngày một tăng, tăng đến chóng mặt và hình như ở nhiều nơi như thể đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thêm vào danh sách những nạn nhân của sự phân biệt đối xử và bạo hành này, có thể kể thêm danh sách của những thân nhân của những nạn nhân bị chết bởi công an, hay bị bắt bớ tù tội. Tôi chợt nghĩ đến ánh mắt thẫn thờ đến xót xa của những người con, người vợ đối diện những cái chết bất công của cha, của chồng (như trường hợp của Kim Tiến, chị Tuyền...) ; tôi chạnh lòng biết bao trước những phụ nữ bị kết án, hay bị đưa vào Trại giáo dục cưỡng bức vì đã biểu lộ cách ôn hòa lòng yêu nước và khát khao công lý (Minh Hạnh, Bùi Hằng...).

Những sự bi ai này, như nét vẽ thêm vào bức tranh vốn đã rất thương tâm về thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Một bức vẽ hiện thực đến xót xa vì sự bạo hành, bị buôn bán và cưỡng bức nô lệ lao động hay tình dục. Con số ngày mỗi tăng của những tệ nạn này không chỉ diễn tả đến tận cùng những vết thương lên hình hài của "một nửa thế giới", nhưng còn là một tiếng thét kết án mạnh mẽ chính sách điều hành đất nước của chính quyền thích tự sướng bằng so sánh "dân chủ Việt Nam gấp vạn lần dân chủ tư sản" (sic).

Vì vậy, ngày 8/3, nếu là thật cần thiết và chính đáng dành để tôn vinh, để khơi gợi ý thức bình đẳng về phẩm giá, về thân phận của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, thì cũng không thể thiếu  lòng thương cảm xót xa cho những người phụ nữ đang là nạn nhân của nạn bạo hành, phân biệt đối xử, hay bị đối xử tàn tệ. Những bông hoa được nâng đưa, những món quà được trao tặng, sẽ chẳng bao giờ có thể diễn tả cho hết những sự khó nhọc và hy sinh của của những người bà, người vợ, người mẹ đã dành cho gia đình, cho xã hội và dân tộc.

Một ngày 8/3 hay vạn ngày 8/3 đi nữa, sẽ trở thành chuyện phù phiếm, nếu không thể cải thiện một xã hội dân trí, bình đẳng và tôn trọng cho mọi người, mọi giới. Mà thật, khi nói chuyện với những người bạn Việt Nam sống ở Châu Âu, hay cả với những người bạn Châu Âu, thì hầu như họ không hế để tâm đến ngày 8/3 để tặng hoa hay để nhắc nhở về sự tôn trọng người phụ nữ. Cũng đúng thôi, đối với họ, ngày nào mà người phụ nữ không được tôn trọng...

Chỉ riêng ở  Việt Nam là rầm rộ ngày 8/3.

Chỉ riêng ở  Việt Nam, người ta nghe được tiếng thở dài và giọng nói xót xa của các mẹ :"đời người phụ nữ nhọc nhằn và khổ lắm"...

Chỉ riêng ở Việt nam, tôi nhớ để gởi những lời cám ơn và đồng cảm sâu sắc với phẩm giá và thân phận người phụ nữ...

Chỉ riêng ở Việt Nam, tôi thắp lên một nén hương để khấn nguyện : cầu trời cho sự thái hòa..., cho quyền con người được tôn trọng.

PS : Viết cho ngày 8/3 năm 2009

Sunday 8 January 2012

CHUYỆN CON GÁI YÊU

Chiều nay bố mẹ đón con đi học về, từ ngoài cổng, bố mẹ ngóng nhìn con từ trong hành lang sâu của sân trường, nơi cô giáo thường dẫn con xuống để trao cho bố mẹ.

Nhìn con lẫm chẫm bước đi, lưng đeo cặp sách nhỏ, tay cầm chú thỏ bé mà mẹ mua cho con, bố thấy con gái bé bé bỏng thật đáng yêu biết chừng nào.

Vậy mà bỗng dưng có bạn lớn hơn, thích chú thỏ nhỏ trên tay con, đã nhào đến dành lấy. Bố thấy con gái bố chợt sửng sờ, rồi mạnh mẽ giữ lại con thỏ trong tay mình. Cuộc tranh giành ngắn ngủi nhưng rất quyết liệt cho đến khi cô giáo can thiệp, nói bạn kia bỏ tay để con giữ con thỏ nhỏ của mình. Nhìn con gái bé bỏng đỏ mặt vì tức giận, nhưng lại rất cứng cỏi, dù con là đứa trẻ nhậy cảm và dễ khóc, bố thấy tự hào biết bao.

Dĩ nhiên, bố không bao giờ muốn dạy con trở nên hung hăng hay hiếu chiến, nhưng cái cách con biết bảo vệ điều gì thuộc về mình, và dành quyền lợi ấy một cách quyết liệt làm bố nhìn con với ánh mắt ngưỡng mộ.

Đúng lúc ấy, mẹ của cậu nhỏ kia cũng đến đón con. Cậu bé rất thản nhiên như chưa hề xảy ra điều gì, và cô giáo cũng không thuật lại việc ấy cho mẹ của cháu. Mà đúng là chuyện giành đồ chơi chỉ là chuyện trẻ con. Bố cũng biết gia đình ấy, ba cậu nhỏ kia làm công an giao thông, nhà dĩ nhiên là khá giả, và qua cách phản ứng của mẹ cậu nhỏ, bố biết cậu vốn được cưng chìu lắm.

Bố chợt thấy bàn tay nhỏ bé của con tưởng chừng rất mỏng manh, thế mà lại tiềm ẩn một sức mạnh rất cương quyết. Bố chưa bao giờ quên đôi tay thật hồng hào và xinh xắn khi mẹ dạy con đưa hai tay cách trân trọng cho một người tàn tật. Mẹ đã dạy cho con biết tôn trọng và thương cảm những người bất hạnh khi thường đưa chút tiền để con biếu cho họ, bố càng không ngờ khi bàn tay bé xinh ấy lại biết trở thành một phương tiện để con rất quyết liệt với những gì thuộc về “chủ quyền” của con.

Bố mẹ sẽ vẫn tiếp tục dạy con biết đồng cảm, trân trọng và quảng đại để yêu thương và chia sẻ những gì mình có thể cho những người bất hạnh và thiếu thốn; nhưng cũng sẽ khuyến khích con biết quyết liệt chống lại những “bất công” và càng quyết liệt để bảo vệ những gì thuộc về mình.

Tối nay nhìn con đang ngủ say, tay vẫn còn ôm chú thỏ nhỏ bên mình như một “cam kết bảo vệ chủ quyền”, bố tin rằng tổ quốc này, nhân loại này cũng sẽ dạy con biết trân trọng quê hương, trân trọng quyền làm người, và bố tin rằng con cũng sẽ học được cách cương quyết để giữ lấy những di sản quý trọng đó.

Saturday 7 January 2012

TỪ NGỮ NHẬY CẢM : DÂN CHỦ!

Một trong những chức năng của ngôn ngữ là nhằm để diễn tả những ý niệm, sự vật hay  tư tưởng. Vì tính cách “trung gian” này, ngôn ngữ vừa có khả năng chuyển tải cách trong sáng luận đề cần trao đổi trong trường đối thoại, nhưng nó cũng có thể là tác nhân làm méo mó cũng chính những luận điểm ấy nếu bị cắt nghĩa một cách hời hợt, cẩu thả hay thậm chí bóp méo ngôn ngữ. Tùy theo cấp độ từ mập mờ đánh lận ý niệm, đến ngụy biện hay thậm chí cưỡng tình đoạt lý mà ngôn ngữ có thể biến chất.

Trong số những khái niệm đang sống dở chết dở trong tình trạng này, phải kể đến danh từ “dân chủ”.

Không phải cần đến những định nghĩa có tính cách hàn lâm, một cách cắt nghĩa rất bình dân, giản dị cũng đủ cho ý niệm này, dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ. Mà đã làm chủ, thì cũng bao hàm những quyền lợi. Sẽ không tồn tại một “chủ nhân ông” không có quyền lợi, hay nói cách khác, tước đoạt những quyền lợi cơ bản bất khả khuyết của người dân, là sự vi phạm dân chủ trắng trợn nhất.

Những quyền lợi cơ bản của người dân được đề cập trong Hiến Chương nhân quyền của Liên hiệp quốc từ năm 1948. Nền tảng của hiến chương này dựa trên nhân phẩm và nhân vị của một con người, vì thế khó có thể chấp nhận quan niệm rằng nhân quyền của quốc gia hay chủng tộc này khác với nhân quyền của đất nước hay xã hội kia. Làm gì có chuyện bạn không phải là con người, hay thậm chí xấu hơn, ở một vị thế thấp hơn khi bạn sống trong những vùng địa lý khác nhau. Đúng ra, cần phải xác tín rõ ràng rằng, sự hạn chế quyền lợi chính đáng và cơ bản của người dân là một hình thức độc tài và chuyên quyền. Nó cũng là một sự phỉ báng tàn nhẫn trên một dân tộc khi tước bỏ những quyền căn bản của người dân với chiêu bài “dân trí còn thấp”. Hãy tưởng tượng điều này chẳng khác gì một người bạn đồng môn ném  vào mặt bạn một câu nói “vì mày ngu, nên mày không được quyền nói”.

Vì dân chủ là thể chế được xây dựng trên nhân quyền, nên xây dựng một xã hội dân chủ, điều này cũng đồng nghĩa với việc xiển dương và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể sống và thực thi những quyền lợi tròn đầy xứng đáng với nhân phẩm của họ.

Hiểu như thế, dân chủ là một quyền lợi, là một tài sản của người dân mà chính quyền, được trao những chức năng đặc biệt, phải tôn trọng và xây dựng pháp điển nhằm bảo đảm quyền  của công dân. Nói cách khác, vì dân chủ là quyền lợi của người dân, nó cũng trở thành một một hàn thử biểu tính chính nghĩa hay phi nghĩa của chính quyền: Chính quyền độc tài sẽ tìm mọi cách hạn chế tính dân chủ và quyền công dân dưới mọi hình thức, trong khi đó, các chính thể dân chủ sẽ tìm mọi cách để phát huy tính dân chủ và nhân quyền.

Như vậy, dân chủ là một khái niệm, một tình huống chính trị rất gần gũi và cần thiết. Thậm chí xa hơn, có thể nói dân chủ như là một môi trường công bằng trong xã hội, nơi đó, tình trạng bóc lột sẽ bị khống chế bởi sự kiểm soát thực thụ của người dân.

Liệu bạn có thể tin rằng con cái của bạn sẽ là thiên tài  xuất chúng để trở thành đại gia trong một xã hội nhù nhòa bị điều khiển bởi nhóm lợi ích chính trị, kinh tế? Nếu chúng không có khả năng trở thành lãnh đạo thiên tài, điều này cũng có nghĩa là chúng tiếp tục kiếp “công nhân, lao động phổ thông”, và phải cung phụng, chung chi cho nhóm lợi ích độc tài như hiện nay.

Có thể bạn đang mải mê làm việc kiếm tiền để dành dụm cho tương lai con cái của bạn, nhưng liệu những di sản vật chất ấy có làm cho các thế hệ mai sau sống đúng nhân phẩm là một con người ?

Và liệu bạn đó bảo đảm rằng con cái mình sẽ hưởng trọn vẹn những di sản ấy, những di sản mà bạn đã đổ mồi hôi nước mắt để gầy dựng khi mà bỗng nhiên một ngày nó trở thành “quy hoạch, trưng dụng” hay đại loại một từ ngữ nào đó mà nhóm lợi ích dùng để chiếm đoạt.  Nhìn cái cách mà chính quyền khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho đến kiệt quệ, liệu bạn có niềm tin vào di sản trao tay cho con cái chăng?

Tôi muốn di sản dành cho con mình sẽ là tính dân chủ, vì tôi tin rằng, trong đó, con cái mình sẽ hưởng đủ những quyền lợi và phẩm giá của một con người. Và tôi cũng hiểu, dân chủ không thể xin xỏ, nhưng phải đòi lại : đòi những quyền lợi của một công dân và một con người được hưởng.