Saturday 26 November 2011

ĐẤT LẠNH TÌNH NỒNG

Nếu chỉ biết mùa đông của Edmonton qua những lời kể, hay những trang sách, thì không thể nào hiểu hết cái lạnh như thấu da cắt thịt của mùa đông nơi đây. Điều ấy cũng giống như người ta không thể nào biết được độ nóng của nước sôi nếu chưa ít là một lần trong đời có kinh nghiệm bị phỏng.

Những thông tin về mùa đông lạnh đến -40 độ không thể giúp tôi cảm nhận được đầy đủ cái độ lạnh của Edmonton. Ở Việt Nam, chỉ cần những ngày mưa bão của tháng 12, trời chỉ khoảng 20 độ, người ta đã phải khoác lên mình thêm chiếc áo để chống lại cái lạnh. Thế mà ở đây là -40.

Tôi đến Edmonton vào một ngày đầu đông, vậy mà tuyết đã phủ trắng trời. Từ trên cao nhìn xuống, cả thành phố như khoác một chiếc áo choàng trinh khiết. Chỉ hai ngày sau, nhiệt độ xuống còn -35. Những cơn gió đông gào thét, những đám bụi tuyết thốc trên đường hay rơi lả tả từ những cành lá rung mạnh sau từng cơn gió, và cái lạnh như xoáy vào hồn. Điều đáng kinh ngạc khác, trong khi con người thì co ro giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt ấy, thì thật lạ, trên cành thông phủ trắng tuyết trước nhà, thỉnh thoảng vẫn có con chim sáo đậu ở đấy và hót lảnh lót. Những hình ảnh đầu tiên về mùa đông của Edmonton đã đi vào trong ký ức của tôi như thế.

Giữa cái lạnh và mênh mông của đất trời, con người hình như trở nên nhỏ bé, và khi co cụm lại, họ cũng khám phá sự cô đơn của chính mình, khám phá điều cần biết bao những tình cảm nồng ấm của người thân, như một nhu cầu thiết thực giữa trời đông giá rét này. Không biết có phải vì thế không, mà tình cảm của những người đồng hương Việt Nam tôi gặp nơi đây thật đáng trân trọng.

Những ánh mắt nhìn thiện cảm, những nụ cười và những lời thăm hỏi vốn dung dị, đơn giản là thế, lại có một khả năng phi thường : nó mang đến một sự ấm áp trong tâm hồn giữa trời đông giá lạnh. Đôi lần tôi tự hỏi, giữa cái lạnh lùng  của đất trời mùa đông và thái độ “lạnh lung” của con người, cái lạnh nào khắc nghiệt hơn? Để đối phó với cái lạnh của mùa đông, người ta có thể khoác them chiếc áo ấm, mở máy sưởi .v.v.; còn cái lạnh lung của con người, nó có thể đeo bám cách dai dẳng dù có thể người ta đang ở trong căn phòng ấm áp; cái lạnh của thời tiết có thể kéo con người lại với nhau, khi chung chia một tách trà nóng, hay một ly rượu cho ấm người, ngược lại, cái “lạnh lùng” của con người khép kín lại cánh cửa đến gặp nhau; cái lạnh của đất trời rồi sẽ theo dòng thời gian mà thay đổi, khi mùa xuân  đến, khi những tia nắng rực rỡ của mùa xuân trở lại, cái lạnh lẽo và u ám kia sẽ ra đi để nhường chỗ cho sự nồng ấm và chan hòa, còn cái “lạnh lùng” của con người, sẽ cầm giữ họ trong một mùa đông đằng đẳng của kiếp người.

Tôi nhớ những  con đường của thị tứ này, nhớ ngôi thánh đường của cộng đoàn người Việt và nhớ mãi những hình ảnh thân thương của những người đồng hương, những bạn bè nơi đây, những người mà trong những giấc mơ, tôi vẫn gặp lại. Họ rất gần trong tâm hồn qua những lời kinh nguyện mà tôi vẫn có thói quen thực hành.

Ngày rời Edmonton, chiếc phi cơ lại vút lên, để lại sau lưng tôi thành phố Edmonton, vẫn còn ủ mình trong chiếc áo choàng trắng của tuyết. Những giọt nước mắt tôi chợt thổn thức rơi xuống, không phải vì nỗi lo lắng của bản thân của gia đình mà tôi đang mang trên vai, nhưng là sự xúc cảm tận sâu thẳm trong tâm hồn vì những tình cảm nồng hậu của những bạn bè dành cho tôi và gia đình.

Trong màn nước mắt nhạt nhòa ấy, tôi lại thấy lung linh hình ảnh của những người bạn, cũng như hình ảnh con chim vẫn đậu và cất tiếng hót trên cành thông trước nhà giữa trời tuyết lạnh. Thượng Đế thật tuyệt vời! Những gì Ngài ban tặng cho vũ trụ này luôn đẹp và tiềm tàng một sức sống mạnh mẽ đến kinh ngạc. Những tình cảm thân thiện kia giống như ngọn lửa nhỏ trong tâm hồn, đủ sức tỏa độ nồng ấm giữa trời đông lạnh.

Có lẽ khó có cơ hội trở lại nơi đây, nhưng hình ảnh của thành phố và những người bạn sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của tôi ; Edmonton, xứ lạnh, tình nồng.

Wednesday 23 November 2011

LẬT BÀI !

LTS : Thông tin về xung đột giữa chính quyền và cộng đoàn giáo xứ Thái Hà trong những ngày qua đã lôi kéo sự chú ý của nhiều người khi những phản ứng của đôi bên đã đến hồi gay gắt. Sự thật nào ẩn giấu bên trong những động thái này? Tại sao chính quyền phải gấp gáp và huy động cả hệ thống tuyên truyền nhằm cố gắng đạt được mục tiêu của họ? Tại sao giáo dân Thái Hà lại kiên quyết phản đối? Những thủ thuật nào đã được sử dụng để biện minh cho hành động của chính quyền Hà Nội? Bài báo trên trang NVCL cho ra một lời giải đáp rất "chuẩn không cần chỉnh" , xin mượn về để rộng đường trao đổi với mọi người. (HMT)

Sự ‘mập mờ’ con chữ của cái gọi là “Dự án xử lý nước thải BV Đống Đa”


Những gì mà báo đài nhà nước rêu rao về “Dự án Xử lý Nước Thải BV Đống Đa” hẳn đã khiến nhiều người lên án các linh mục giáo dân Thái Hà sao lại có thể ‘ngoan cố’ đến mức chống đối lại một dự án tốt đẹp, mà nay mai khi hoàn thành, nó sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng trong đó có cả giáo xứ này?

 

Quả thật! Nếu chúng ta để cái đầu mình xoay quanh mấy chữ “xử lý nước thải” của họ chắc chắn ai nấy cũng sẽ lên án Thái Hà là ‘ích kỷ’ và làm chuyện sai trái v.v… Đơn giản chỉ vì như chúng ta đều đã biết ‘bảo vệ môi trường’ đang ngày được nhắc đến nhiều trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ là những lời kêu gọi suông, mà từ lâu, đã được xem như ‘mệnh lệnh’ của cuộc sống. Để cuộc sống an toàn mọi người buộc phải có ý thức và thực hiện bảo vệ môi trường.

 

Sự quan trọng và hấp dẫn của đề tài này lớn đến mức đã từng khiến một cô người mẫu VN trở nên ‘dại dột’ khi tự phơi mình trần truồng giữa thiên nhiên, chụp hình nude rồi đem khoe với báo chí, bảo làm thế là để “kêu gọi mọi người ý thức bảo vệ môi trường”!?

 

Bởi vậy, viện lý do ‘lo cho sức khỏe người dân’ để làm việc này chuyện nọ giữa thời buổi nhập nhằng ‘vàng thau lẫn lộn’ như VN hiện nay thử hỏi còn sự nhân danh nào cao đẹp cho bằng?

Mục đích của cái gọi là "Dự án nước thải" là đây

 
 

Nhưng sự thật thì muôn đời vẫn là sự thật. Cũng như cô người mẫu Q ‘nhẹ dạ’ kia sau này tự thấy chuyện mình làm là ‘lố bịch’, những gì mà nhà cầm quyền Hà Nội đã và đang làm tại BV Đống Đa không hẳn là ‘bảo vệ môi trường’. Xử lý nước thải chỉ là một phần khá khiêm tốn trong một dự án lớn ‘ngốn’ hết những 75 tỷ đồng, được UBND Tp.Hà Nội duyệt chi hồi đầu năm nay.

 

 

 

Chi tiết về dự án này vì chỉ có một số rất ít báo chuyên ngành xây dựng đăng tải qua bản tin “Đấu thầu dự án nâng cấp bệnh viện Đống Đa và Saint Paul, Hà Nội (Thứ tư, 27/04/2011)” hầu hết trích lại từ tờ Doanh nhân VN Toàn cầu, nên không chắc đã có nhiều người biết rõ về những hạng mục khá ‘rối rắm’ bên trong dự án này ra sao?

 

Nhưng mặt khác, như một sự cố tình gây bất lợi dư luận, tạo sự hiểu lầm ác ý cho giáo xứ Thái Hà. Gần đây khi xảy ra căng thẳng báo chí ‘lề phải’ lại luôn trưng cụm từ “Dự án Xử lý Nước Thải BV Đống Đa” ra để nói về cái dự án 75 tỷ này!? Đây chính là sự nhập nhằng mà chính quyền Hà Nội đã cố tình ‘định hướng’ cho dư luận.

 

Nguyên văn đoạn nói về dự án sẽ thực hiện tại BV Đống Đa từ bản tin trên, như sau:

 

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa và dự án hiện đại hoá trang biết bị y tế Bệnh viện đa khoa Saint Paul.

 

Tại dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa, toàn bộ phần xây lắp, thiết bị của dự án được chia thành 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 75 tỷ đồng. Cụ thể,

 

1.Gói thầu số 1 gồm các hạng mục cải tạo nâng cấp khu nhà A, B, D, nhà giặt, nhà vệ sinh, nhà đại thể, căng tin, mua sắm, lắp đặt thiết bị liên lạc gắn liền với các công trình nêu trên; hệ thống khí y tế và khí sạch; mua sắm, lắp đặt thang máy. Giá gói thầu hơn 43 tỷ đồng.

 

2.Gói thầu số 2 gồm cải tạo nâng cấp nhà C; mua sắm, lắp đặt thiết bị gắn liền với nhà C; cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà gồm sân vườn, đường dạo, cấp thoát nước, chiếu sáng ngoài nhà… Giá gói thầu hơn 11,2 tỷ đồng.

 

3.Gói thầu số 3 gần 11 tỷ đồng gồm mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế.

 

4.Gói thầu số 4 hơn 8 tỷ đồng, gồm xây dựng nhà trạm biến áp, hệ thống cấp điện ngoài nhà, máy biến áp, máy phát điện dự phòng.

 

5.Gói thầu số 5 hơn 2 tỷ đồng, gồm mua sắm, lắp đặt trang thiết bị văn phòng.

 

…. (hết trích)


Cứ theo như nội dung trên thì ‘công trình xử lý nước thải’ nằm ở hạng mục cấp thoát nước trong gói thầu số 2, có tổng trị giá 11,2 tỷ.  


Toàn bộ gói thầu này chỉ chiếm 15% trị giá tổng dự án. Gồm 7 hạng mục, trong đó có ‘công trình xử lý nước thải’. Vậy % đầu tư thực sự cho việc xử lý nước thải tại BV Đống Đa còn lại được bao nhiêu sau khi trừ đi 6 hạng mục kia? Liệu nó có đáng để lấy muợn danh nghĩa ‘bảo vệ môi trường’ ra để dùng vào việc chi tiêu 75 tỷ đồng kia không? Chắc chắn là khó nghe rồi!

 

Như vậy, tên gọi “Dự án Xử lý Nước thải BV Đống Đa” rốt cuộc chỉ là chiêu ‘đánh lận con đen’ nhằm gây lạc hướng dư luận. Và điều này còn giải thích được vì sao họ lại chọn hạng mục ‘xử lý nước thải’ vừa nặng nhọc nhưng giá trị lại rất khiêm tốn để khởi công mà không phải những hạng mục khác có thể nhiều tiền hơn?

 

Lý do ‘bảo vệ môi trường’ được dùng để làm tấm chắn cho hành vi họ xâm phạm nhà dòng, mà họ biết chắc vì làm sai nên cần phải lôi kéo dân chúng về phía mình và lên án nhà thờ Thái Hà. Một kiểu ‘gắp lửa bỏ tay người’ rất quen thuộc của nhà cầm quyền.

 

Nhà nước VN hiện chẳng còn được lòng dân như trước kia, đó là điều chắc chắn. Nhưng dù họ có ghét họ thế nào chắc cũng chẳng ai ‘điên khùng’ đến mức thấy nhà nước chuẩn bị làm điều tốt cho mình hưởng mà lại đi ‘kiếm chuyện’ chống laị họ.

 

Mọi người hiểu vậy thì nhà thờ Thái Hà không thể làm khác đi được. Hơn nữa nơi này lại thuộc về Dòng Chúa Cứu Thế, một dòng tu lớn và lâu đời rất có uy tín trên toàn thế giới. Xưa nay nhà dòng chẳng bao giờ cổ súy giáo dân chống chính quyền bản địa bao giờ, nhưng chỉ hướng dẫn mọi người nói lên sự thật, tôn trọng sự thật và cùng họ quyết tâm bảo vệ nó đến cùng mà thôi

Sàigòn, 24/11/2011

Alf. Hoàng Gia Bảo

Saturday 19 November 2011

CHƠI TRỘI … NHƯ QUỐC HỘI!

Hơn tháng trước, lệnh thu hồi quyển sách “Sát thủ đầu mưng mủ” của Thanh Phong được ban ra với tiêu chí nhằm bảo vệ sự trong sang của tiếng Việt (như thể  trinh tiết của nàng trinh nữ Việt Nam sẽ không còn nguyên tuyền khi cô nàng đong đẩy cái giọng điệu “ăn nói… như con sói”,  kiểu nói phá cách của tuổi teen). Chẳng biết tác dụng của lệnh thu hồi này sẽ giữ được sự trong sáng của tiếng Việt đến đâu, nhưng một điều chắc chắn, tác phẩm này được pro đến kinh ngạc, các tay đầu nậu sách được một phen hốt bạc. Và cái thứ ngôn ngữ phi “hàn lâm viện” kia cứ tiếp tục phát triển và lan rộng cách ngạo nghễ.

Trong số các câu đó, có câu “chơi trội … như bộ đội”. Theo tôi, phải nói “chơi trội như … quốc hội” có vẻ chỉnh hơn. Điều này chẳng có gì là thậm xưng cả, câu chuyện về những phát ngôn của các vị nghị viên của nước ta chẳng phải đã ngốn bao nhiêu giấy báo để luận bàn rồi sao?

Năm trước, người ta chưa hết bang hoàng vì những câu nói đã được một số “nghị viên” của quốc hội Việt Nam XHCN khóa XII, mà có uống vài viên Tylenol thì vẫn chưa hết cơn choáng váng. Một trong số đó, nổi lên  nghị Nguyễn Tiến Cảnh với câu nói để đời, đã đi vào phát ngôn ấn tượng 2010 : “Các nước có IQ cao đều xây đường tàu cao tốc”. Kết cuộc thì ai cũng biết, cái dự án thổ tả kia bị phủ quyết, nó âm thầm chìm xuống như cái chỉ số IQ của nghị Cảnh kia.

Những câu nói tưởng như đùa và dù có đùa chăng nữa, cũng chưa hẳn có thể tượng tượng ra được còn chưa lắng độ âm vang, thì nghị trường và báo trường lại bị khuấy động bởi những phát ngôn cực kỳ ấn tượng mới đây.

Báo chí cả lề phải lẫn lề trái đã nhảy vào mổ xẻ đề xuất luật nhà thơ của nghị viên Nguyễn Minh Hồng. Độ nóng của nó càng sôi sục khi ông nghị này so sánh độ cấp thiết và bản thân ông nếu phải chọn giữa luật biểu tình và luật nhà thơ, thì ông sẵn sang bỏ phiếu cho luật nhà thơ. Một số người đã vận dụng kiểu nói này để đề nghị luật xe ôm, luật bán vé số, thậm chí có người còn muốn đề xuất cả luật đi ỉa, vì nếu xét về độ cấp thiết, thì rõ rang cái khoản này cấp thiết hơn nhiều. Thử hỏi mấy chú bị Tào Tháo rượt xem, có vắt chân lên cổ chạy không cơ chứ?

Khi mà cái luật nhà thơ tưởng như chuyện đùa kia vừa kịp lắng xuống, thì nghe đâu, doanh thu thuốc chống ói trên thị trường Việt nam lại tăng vọt với bài phát biểu của nghị viên Hoàng Hữu Phước.

Trước đây, cái tên Hoàng Hữu Phước như một kẻ vô danh, chỉ sau bài phát biểu, bỗng nổi như cồn. Tìm trên google, lập tức có đến gần nửa triệu đường dẫn lien quan. Thực ra, một trong các vai trò của đại biểu quốc hội là giúp cơ quan lập pháp này thẩm định những khuynh hướng, mức độ và tiến triển của xã hội để xây dựng một định chế luật tương xứng. Nhưng vấn đề nằm trong đầu của ông nghị Phước về luật biểu tình thì đáng xếp vào loại phát ngôn ấn tượng của năm 2011. Chẳng biết ông đã thăm dò bao nhiêu người và những hạng người nào để dám khẳng định “ đại đa số người dân phản đối luật biểu tình”.  Câu này cũng giống như câu nói của thủ tướng Dũng trước chất vấn của báo chí phương tây về hành vi bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ, thì cho rằng, “đại đa số người dân đồng tình với đường lối chính sách của Đảng”. Ông nghị Phước còn tô vẽ khuôn mặt của ông khi nhận định "trình độ dân trí Việt nam còn thấp thì không nên có luật biểu tình".

Những câu nói này rồi sẽ đi vào lịch sử nghị trường như một những câu chơi trội nhất trong lịch sử của quốc hội. Mà xem ra, cái số của người dân Việt cũng bị đánh giá lên xuống bất định theo quan điểm của các nghị viên này. Khi muốn xây đường cao tốc thì cho là dân Việt nam có chỉ số IQ cao, khi muốn bỏ đề xuất luật biểu tình thì rõ ràng dân trí thấp.

Đúng là chơi trội như quốc hội.

 

 

 

 

Chúc mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Xin tri ân tất cả quý Ân Sư đáng kính. Xin chúc mừng quý Thầy Cô đang miệt mài ươm gieo trên cánh đồng tri thức Việt.

VÔ CẢM

Đôi khi tôi tự hỏi, dành thời gian để suy nghĩ về đất nước, về thời cuộc, về những hiện tượng nghịch lý bất thường vẫn đang xảy ra cách bịnh thường trước mắt mình, liệu có phải là một sự "bất thường " chăng?

Đã không ít hơn một lần, những người bạn tâm giao khuyên mình đừng bỏ thời gian để suy nghĩ, để viết, để nói về chính trị nữa, "vô ích lắm", đó là kết luận của họ. Thậm chí, có người còn nói, họ vẫn đồng cảm với những suy nghĩ của mình khi đọc những bài viết, nhưng họ sợ sẽ có những liên lụy nếu để lại những dòng nhận định. Biết đâu công an mạng lại cho là họ có tư tưởng chống đối chính quyền, và rằng một khi đã bị lọt vào vòng ngắm ấy, họ có thể sẽ bị rắc rối, lắm chuyện rầy rà không tên.

Những suy nghĩ ấy rất thực, và nỗi sợ hãi cũng rất thực!

Tôi cũng đã từng mang nỗi sợ hãi đó. Thời sinh viên du học, chạy scooter, bằng lái bảo hiểm, giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật phương tiện đầy đủ, tôn trọng luậg giao thông, vậy mà vẫn giật thót người mỗi khi thấy xe cảnh sát chạy qua lại, hay cảnh sát đứng điều khiển giao thông. Chính cái "giật thót" này là tàn tích của những ngày tháng điều khiển xe ở Việt Nam. Tôi chưa bao giờ quên câu nói của người bạn về lực lượng công an giao thông Việt Nam :" Nó muốn phạt là phạt à, có 1001 lý do để nó phạt". Sự an phận, chấp nhận bị nhũng nhiễu là tâm lý rất "bình thường" của tôi và bạn bè khi sống ở Việt Nam.

Sự an phận này là lớp rêu phong đầu tiên bám vào trong tâm lý phản kháng của con người, nó tích tụ thành một mảng dày của sự khiếp nhược. Chính sự khiếp nhược này bao phủ từng cá thể lại, khiến nó không còn cảm nhận được mức độ cảm thức về nỗi đau của người khác, của đồng loại. Sự vô cảm của xã hội có lý do hiện diện và thống trị khởi đi từ đây.

Cách đây ít ngày, báo chí tường thuật sự phẫn nộ của nhiều người bỏ mặt em bé bị tai nạn ở Phật Sơn, Trung Quốc, và rất nhiều người đã cùng cất tiếng phụ họa cho tiếng nói phẫn uất này. Nghĩ cũng đúng, chính sự kiện "chốt" đó có thể làm thức tỉnh lòng trắc ẩn đã bị đóng rêu của con người. Nhưng xem ra, nó chỉ đến rồi đi như những thông tin được xử lý dưới bàn tay ma thuật của báo chí, rồi rơi vào vòng chảy êm đềm, rêu phong tiếp tục được phủ dày, phủ dày...

Có 3 người phụ nữ Việt Nam, lầm lũi cầm tấm hình người thân bị đánh chết đi tìm công lý... Họ bước đi lầm lũi, băng qua những ánh mắt vô cảm.

Có những người dân oan, dầm dũi nắng mưa đi tìm tiếng nói của công bằng, lẽ phải ... Họ lặng thầm đi, kéo theo những ánh nhìn vô cảm như lá mùa thu đầy dưới chân!

Có  đến gần 13000 người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm ... Lặng lẽ rời bỏ cuộc đời... Văng vẳng bên tai giọng nói vô cảm : đường xá vậy...

Đã có đến gần hơn 87.500 trẻ em nhiễm bịnh "tay, chân, miệng" và gần 150 em đã tử vong... Sự im lặng đến đáng sợ ... Như thể những nạn nhân bé nhỏ vô tội ra đi kia chưa hề được xem như những con người.

Có rất nhiều, rất nhiều những điều lòng trắc ẩn cần phải đặt câu hỏi vì sao và cần phải lên tiếng biểu lộ sự đồng cảm...

Nhưng tôi vẫn im lặng, và chỉ đứng nhìn....

Rêu phong nào đã bám chặt trong tâm hồn tôi???



Thursday 17 November 2011

TIN NÓNG : GIÁO XỨ THÁI HÀ BIỂU TÌNH ĐÒI CÔNG LÝ

Những hành động bất chính, vô luân của nhà cầm quyền Hà Nội chà đạp lên pháp luật, lên quyền con người, quyền tự do tôn giáo đã gia tăng ngày càng nặng nề và khốc liệt.

Đặc biệt là quyền tự do tôn giáo bị xâm phạm nghiêm trọng. Những ngày qua tại Giáo xứ Thái Hà, nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng cả hệ thống chính trị, tuyên truyền nhằm dập tắt tinh thần đấu tranh vì Công lý – Sự thật ở Thái Hà bằng nhiều cách chèn ép, dọa dẫm, khủng bố và nhiều âm mưu bẩn thỉu nhằm tấn công cộng đồng tôn giáo nơi đây.

Đặc biệt Tu viện của Dòng Chúa Cứu thế đã bị nhà nước “mượn” từ lâu để đưa vào đó ổ bệnh tật truyền nhiễm, lăng mạ, xúc phạm nơi Thánh thiêng của Công giáo, nhưng đã hành động bằng bạo lực khi giáo dân đòi lại. Hành động thi công nhằm xóa bỏ dấu tích của Tu viện này đã được tiến hành vào đêm 17/11/2011 đã càng làm giáo dân, tu sĩ, linh mục ở đây căm phẫn.

Ngày hôm nay, giáo dân, tu sĩ xuống đường đòi Công lý.

Đây là lần đầu tiên, các linh mục, tu sĩ xuống đường đòi Công lý, Sự thật.

Tu viện của Dòng Chúa Cứu thế hình thành từ năm 1928 đã bị "mượn".

Phòng Thánh, nhà nguyện bị biến thành nơi ăn chơi, nhảy múa trụy lạc

Nữ Vương Công Lý cập nhật hình ảnh cuộc biểu tình từ hiện trường:

8h30: Hàng trăm giáo dân từ các giáo xứ trên địa bàn Hà Nội tập trung dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ…

Vườn hoa Lý Thái Tổ

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân bắt đầu hành trình đòi công lý cho Tu viện DCCT, Giáo xứ Thái Hà…

Rợp trời biểu ngữ: “Đừng xâm phạm đất đai và tài sản tôn giáo”, “Mượn thì phải trả”, “Phản đối việc Đài truyền hình Hà Nội vu khống, nói sai sự thật về Thái Hà”…

Trước trụ sở Ban Tiếp dân của UBND TP Hà Nội:

Một số linh mục vào Phòng Tiếp dân, những người còn lại giơ cao biểu ngữ đòi công lý cho Tu viện DCCT – Giáo xứ Thái Hà tuần hành quanh hồ Hoàn Kiếm, sau đó mọi người cùng nhau đi về Nhà thờ Lớn Hà Nội.


Nữ Vương Công Lý

Saturday 12 November 2011

GIẢI MÃ HÀNH VI TRẤN ÁP TẠI VIỆT NAM

Với những động thái trấn áp mới đây, chính quyền Việt Nam đã không ngần ngại tỏ lộ cho thế giới và người dân Việt thấy rõ bộ mặt phản động của họ. Bởi lẽ, nó không chỉ leo thang ở những hành vi bạo lực (đánh đập, vu khống, sử dụng công an trá hình …), cũng không chỉ mở rộng ra các đối tượng (những người  giáo dân, nhà báo, blog…), nó còn thách thức lương tâm nhân loại (những vụ trấn áp trong thời đại truyền thông nhanh chóng, khi mà chỉ cần vài cái click chuột người ta có thể chuyển tải thông tin, đàng khác, nó xảy ra ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền của chính phủ Việt Nam và Hoa kỳ) và những cuộc trấn áp này không ngần ngại sử dụng những phương thức hạ đẳng, thủ đoạn và tàn bạo, bằng cách huy động hệ thống truyền thông để tuyên truyền, và tận dụng triệt đệ guồng máy công an trị.

Trước những động thái này, người ta không khỏi tự hỏi đâu là ý đồ của chính quyền, và tại sao nó cần phải thực hiện cách gay gắt trong thời điểm này. Trong những nỗ lực giải mã ẩn số chính trị này, có thể nói đến những lý do sau đây :

1.    Chiêu bài “phân hóa” của nhóm thân Trung Quốc :

Những hành vi trấn này được đẩy mạnh sau những chuyến thăm ngoại giao của quan chức Đảng và chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc, nó bao gồm những thỏa hiệp và lời hứa của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và cả trước đó những cuộc họp giữa quan chức nắm quyền quân sự Việt Nam. Người ta không quên một lời hứa của Nguyễn Chí Vịnh với quan thầy Trung Quốc nhằm bảo đảm không có những cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung  Quốc.

 Nằm trong những chuyển động chính trị này, hành vi trấn áp một mặt thỏa mãn yêu sách của Trung Cộng, mặt khác, nó đẩy Việt Nam xa dần những quan hệ ngoại giao với các quốc gia dân chủ trên thế giới. Hơn ai hết, các quan chức cộng sản Việt Nam thấm thía những đòi hỏi và chất vấn, cũng như giá trị dân chủ trong những đàm phán ngoại giao. Vì vậy, khi mạnh tay trấn áp và thách thức lương tâm nhân loại, nhóm thân Trung Cộng không gì hơn nhằm đẩy mạnh sự lệ thuộc của Việt Nam đới với Trung Quốc khi kéo Việt Nam xa dần những quan hệ với các nước khác.

 Điều này thực hiện trong thời điểm này, khi mà chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với những chỉ trích của cộng đồng quốc tế và bất lợi chính trị trong việc tranh giành Biển Đông. Những lien minh quân sự của Hoa Kỳ, Australie, Ấn Độ, Nhật Bản cùng với một số quốc gia ở vùng Đông Nam Á như Philippin, Malaixia .v.v. đẩy Trung Quốc vào thế cô lập, vì vậy, cần phải giữ chân đồng minh cộng sản thân cận Việt Nam.

 Đẩy Việt Nam ra xa sự giao hảo với các nước khác, bằng cách gây sự nghi ngờ về những cải cách tôn trọng nhân quyền và dân chủ mà Việt Nam đã cam kết, điều này cũng có nghĩa là giữ được Việt Nam trong quỹ đạo kiểm soát của mình. Và nhiệm vụ này xem ra đã được thế lực thân Trung Cộng thực hiện thành công trong thời gian qua. Chưa bao giờ Việt Nam xuất hiện trong mắt của mọi người như một chính quyền độc tài đang mạnh tay đàn áp những tiếng nói đối lập.

 2.    Chặn con đường “tự diễn tiến”

 Chính quyền cộng sản Việt Nam cương quyết đẩy mạnh sự cai trị chuyên chế độc tài bằng công an trị, sử dụng biện pháp đàn áp và khủng bố, nhằm bóp nghẹt phong trào đấu tranh đòi dân chủ. Thông điệp của chính quyền qua việc tiếp tục bỏ ngoài tai những tiếng nói chân chính về hiện trạng đất nước và mạnh tay đàn áp những người yêu nước, còn nhằm chặn con đường “con đường tự diễn biến” trong nội bộ Đảng và trong dân chúng.

 Những cuộc cách mạng dân chủ lật đổ những nhà độc tài, cùng thời điểm với những khủng hoảng tài chánh thế giới, trong hoàn cảnh những thất bại trong điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát phi mã, nạn tham nhũng tràn lan và hệ thống gây nên  điều này khiến sự phân hóa nội bộ trong Đảng cộng sản càng rõ hơn, và không hẳn là không có những suy nghĩ về cuộc cải tổ dân chủ trong một số đảng viên, để tìm một giải pháp tốt hơn cho đất nước.

 Đảng cộng sản vốn đã có nhiều sự mâu thuẫn lớn lao giữa nhân dân khi mà nạn tham nhũng và sự bất bình đẳng xã hội ngày một gia tăng. Đào sâu hố ngăn cách này bằng việc trấn áp, điều này cũng giống như chiếc xe tăng đã vận hành, chỉ còn lao về phía trước, sẵn sang nghiền nát những vật cản, và chỉ “bị “ dừng lại khi người ta nhất tề trừng trị tên lái xe điên rồ, giống như điều mà dân chúng Lybia đã làm với Gadhafi. Việc trấn áp như thế, vừa là đòn giằn mặt những phần tử muốn “tự diễn biến” trong Đảng, và cũng như chiêu bài Trung Quốc đã sử dụng, chính quyền cộng sản Việt Nam muốn tách biệt phần tử Đảng khỏi sự “giao hảo” với những lực lượng dân chủ,, để họ toàn tâm nằm trong quỹ đạo của Đảng Cộng Sản nhằm đối phó với dân chúng.

Như vậy, cũng chỉ là một dụng ý, nhưng bài học một mặt phải làm cho Việt Nam sống chết bám vào Trung Cộng để Đảng tồn tại, cũng như các Đảng viên phải lên cùng một chiếc tàu với nhóm thân Trung Cộng  để giữ Đảng tại Việt Nam, đã và đang được vận hành cách mạnh mẽ, gay gắt trong thời điểm này.

Trước những sóng gió mạnh mẽ này, thiết tưởng những người muốn chấn hưng Việt Nam cần phải xích lại và cộng tác bên nhau, ít là để cùng bảo vệ nhau. Những tiếng nói lương tâm là cần thiết, nhưng riêng lẻ sẽ chẳng mang lại thành công nào ngoài việc làm tăng thêm bề dày tội ác của nhà cầm quyền và làm mai một những ngọn lửa nhiệt huyết. Sẽ không có cảnh bắt bớ đàn áp mạnh bạo nếu gặp sự phản ứng đồng thuận của đám đông. Những người biểu tình yêu nước chưa thể quên sự kiện “binh nhì” Tiến Nam được giải cứu nhờ vào sự đồng thuận của những người biểu tình yêu nước.

Cần có những cam kết hỗ trợ nhau giữa các nhóm tôn giáo bị đàn áp, những dân oan và những tiếng nói dân chủ. Khi một phần tử của nhóm bị bắt bớ hay đàn áp, hãy lập tức dùng những phương tiện truyền thông để loan tin, và tập họp phản đối đòi thả người. Có như thế, những người nhiệt huyết với dân tộc mới có sự tin tưởng dấn thân trong việc đòi hỏi công lý và nhân quyền.

Tuesday 8 November 2011

LỜI KINH ĐÊM

Nếu chính quyền Việt Nam muốn chứng minh với thế giới rằng họ đang nỗ lực để đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa của người dân về những chính sách bất cập của họ, thì xem ra họ đã quá thành công bằng việc tiếp tục đẩy mạnh những hình thức bắt bớ và khủng bố như vừa qua.

Từ sau những cuộc trấn áp người biểu tình ôn hòa chống lại sự lấn chiếm của Trung Quốc, rồi gán cho họ những cái mũ như "phản động" bị các "thế lực thù địch giật dây", với những hình ảnh đáng hổ thẹn như bắt bớ, cướp giật .v.v, người dân, dù là những người có khuynh hướng ủng hộ, cũng đã nhìn vào chính quyền Việt Nam với con mắt nghi kỵ : Họ đang đứng về phía nào, về phía dân tộc, hay đang cố làm hài lòng những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa khi mà lực lượng công an sẵn sàng dùng những hình thức trấn áp bạo động đối với những người biểu tình yêu nước.

Trong bức hình lực lượng an ninh đeo băng đỏ cố dành cướp cho được chiếc nón của chị Bích Hằng, mà thông điệp của nó là dòng chữ khẳng định : Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, thì không còn lý lẽ nào để có thể biện minh cho sự hèn hạ trước áp lực của Trung Cộng lên chính quyền Việt Nam. Sự hèn hạ nằm ở chỗ, nếu những dòng chữ kia có nội dung khích động hay phản động, thì người ta rất dễ hiểu cảnh cả một nhóm an ninh uy hiếp một phụ nữ, đàng này, nó là một khẳng định về chủ quyền... Xem ra, sự sợ hãi đối với quan thầy Trung Quốc không phải nhỏ, trái lại, nó rất lớn đến độ chính quyền Việt Nam sẵn sàng mang tiếng xấu là trấn áp người yêu nước để làm hài lòng Trung Cộng.

Từ sự sợ hãi này đối với Trung Cộng, người ta sẽ đi đến một suy nghĩ khác : Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn rất anh dũng trong đấu tranh (như tuyên truyền), lại có thể cúi mặt làm một việc đáng khinh bỉ như thế? Góc khuất bí ẩn đen tối nào đang phải cố che giấu bằng mọi cách, kể cả dùng bạo lực với chính nhân dân? Có phải những lời đồn thổi về một thỏa thuận "bán nước để giữ Đảng" vốn râm rỉ từ nhiều năm là có cơ sở? Hay những lời thì thầm về sự khynh đảo của thế lực thân Trung Cộng đang khống chế Bộ chính trị, và họ sẵn sàng thủ tiêu những người "đồng chí" nếu thấy có một khuynh hướng khác (chẳng hạn, tin đồn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bị tấn công khi ông đang chơi golf, và gia đình không dám để ông điều trị ở bịnh viện Việt Nam, phải tìm cách đưa qua Singapor, nhưng ông đã chết trên đường đến đó?). Rất nhiều nghi vấn, rất nhiều lời đồn đoán về cách Đảng cộng sản Việt Nam đang làm.

Không dừng lại đó, những cuộc bắt bớ mới đây, mà danh sách nạn nhân chưa dừng lại, vẫn đang nhắm đến những người dám công khai phản đối chínhsách tham nhũng của chính quyền, hay dám công khai nói lên sự thật, cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh chuyên chính, và khẳng định dùng nó như hình thức thống trị người dân. Bài học chính trị từ chủ nghĩa Marxisme - Léninisme, đang được Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thực hiện ngay trên đồng bào mình.

Lời hô hào đấu tranh giai cấp là tiếng nói được tô vẽ bằng gam màu đỏ máu của những nạn nhân bị bức tử trong guồng quay của chế độ cộng sản. Đến bây giờ thì rõ ràng, ở Việt Nam, có một giai cấp Đảng Viên đang chống lại nhân dân. Những nạn nhân của nó không phải là con số nhỏ, từ cải cách ruộng đất, cho đến đánh tư sản, cải tạo công thương, tập trung cải tạo .v.v., số người chết có thể lên số hàng triệu. Những tội ác đó chưa bao giờ được nhìn nhận từ những người cộng sản, điều đó cũng có nghĩa là họ coi sự đàn áp và khủng bố như một phương cách ưu tiên, vẫn sẽ được sử dụng, trong những hình thức tinh vi khác.

Đọc tin những người bạn lần lượt bị bắt, những người bạn thường xuyên bị khủng bố tinh thần, thấy cứ đau đáu một nỗi đau. Nhưng tôi vẫn tin rằng, không có sự hy sinh nào là vô nghĩa. Trái lại, nó cần để sự thật của lịch sử được đánh giá đúng nhất, chân thực nhất.

Trong lời kinh đêm nay, sẽ có thêm những lời nguyện cầu cho đất nước, cho quê hương, cho những người bạn đang can đảm dùng máu để tẩy rửa những vết dơ trên dung mạo tổ quốc, không phải để muốn lưu danh như những sự háo danh của chế độ đang muốn làm những tượng đài đồ sộ rồi sẽ bị giật đổ như thời SôViết, nhưng chỉ muốn tìm lại một khuôn mặt trong sáng, hiền hòa của người dân Việt, người dân Lạc Hồng.