Tuesday 21 July 2009

Ở TRỌ

Trong một góc nhìn hết sức dân dã, động từ "ở trọ" tự nó hàm chứa một ý niệm mông lung, bất định, không chắc chăn. Về mặt cảm thức, động từ này chứa đựng một sự bàng quan, thiếu hẳn sự gắn bó thực sự với một nơi chốn, nó gợi lên một viễn cảnh hết sức tạm bợ "hay ở dở đi".

Người ta có thể ở trọ ngay trong chính gia đình của mình nếu sự liên kết giữa các thành viên bị bế tắc và gãy đổ ; hoặc trong một dạng thức khác, họ không thấy, hay đứng ngòai những họat động nhằm góp phần vào sự phát triển của gia đình. Đối với một kẻ ở trọ, sự vận hành của đời sống gia đình, theo hướng tốt hay xấu, không hề nằm trong suy nghĩ của họ. Nói cách khác, họ đi một nhịp trái ngược, không đồng bộ với bước đi của gia đình : Họ là người ở trọ, không có cùng cảm thức vui buồn về nó.

Theo một nghĩa loại suy, người dân có thể trở thành khách trọ ngay trong chính đất nước của mình khi mà vận mạng của dân tộc, tổ quốc được họ mặc nhiên chấp nhận trao vào tay của một nhóm người, hay một đảng phái .v.v. mà không hề bận tâm xem những người kia đang hành xử thế nào. Trong tâm tưởng của những "khách trọ " này không hề có chỗ cho những bận tâm, thao thức về vận mạng, tương lai của tổ quốc. Tóm lại, khi đứng ngoài như một người bàng quan với những biến cố, những sự kiện có ảnh hưởng đến vận mạng đất nước, người ta trở thành khách trọ trong chính tổ quốc mình.

Đã là khách trọ, mối tương quan với tổ quốc, dân tộc rất lỏng lẻo. Đã là khách trọ, thì việc điều hành đất nước, hoặc chủ quyền dân tộc được giao cho ai, sẽ đi về đâu, lệ thuộc vào quốc gia nào .v.v. khong  làm cho họ lo lắng. Họ trở nên một khách trọ hạng bét, ngay cả những lời phàn nàn và biểu tỏ quan điểm để đòi hỏi một "nơi ở " tốt hơn cũng không được kể đến.

Đã không ít một lần, tôi suy nghĩ về mối tương quan của mình và tổ quốc, tối thấy mình mang dáng dấp của người ở trọ hơn là người nhà. Đi xa hơn, tôi tự hỏi hòan cảnh nào, nguyên cớ nào đã đẩy tôi và rất nhiều, rất nhiều những đồng bào của tôi đến thái độ hững hờ như khách trọ ngay chính trong căn nhà tổ quốc của mình.

+ Nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền của đời thường đã lấp đầy rong tâm trí, đến độ không còn chỗ cho những thao thức về dân tộc ?

+ Hệ thống giáo dục đã định hướng cho tôi và mọi người rằn g yêu nước là yêu XHCN, là yêu Đảng Cộng Sản. Chính vì sự nhù nhòa ý niệm này giữa tình dân tộc, tổ quốc với một tình cảm về ý thức hệ, đảng phái đã đẩy  ra khỏi tôi những tình cảm thiêng liêng đúng ra phải có của một công dân với đất nước mình ?

+ Phải chăng hệ thống chính trị chuyên chính vô sản bằng công an trị, mà đàn áp, khủng bố và bằng mọi thủ đoạn đã bóp nghẹt những con tim hy vọng, chỉ còn trừ lại nỗi sợ hãi đến độ phải đành đoạn quay lưng làm ngơ với những nỗi xót buốt của quê huơng?

Nếu thật sự thiếu vắng những tình cảm về quê hương, nếu thật sự đã để cho sự sợ hãi chóang đầy trong tâm hồn, tôi đã thật sự làm khách trọ ngay trên quê hương mình, và mặt thực của nó , tôi đã mất TỰ DO.

Wednesday 15 July 2009

NHỮNG THẾ CỜ CHÍNH TRỊ (phần II)

Những vụ bắt bớ, khủng bố các nhà họat động dân chủ gần đây là một cách cố gắng của chính quyền Việt Nam nhằm lôi kéo dư luận tránh xa những ý kiến phản biện vốn đang dấy lên làn sóng phản đối ngày một nhiều nơi các tầng lớp trí thức, đảng viên.

Chưa khi nào chính quyền Việt Nam phải đối mặt với những tình huống bất lợi như hiện nay : một mặt phải đối diện trước sức ép của người "láng giềng Trung Quốc " mà những phân tích cho thấy, Trung Quốc đang mạnh mẽ đòi nợ cho sự bảo kê của họ đối với chính quyền Cộng Sản : khai thác bauxít, ký kết những hiệp ước biên giới (mà thực chất là nhường lãnh thổ ), gia tăng sức ép ở biển Đông trong việc bành trướng quyền kiểm sóat những vùng lãnh hải đang tranh chấp …, mặt khác phải đối diện với làn sóng bất mãn và phản đối nơi nhiều tầng lớp dân chúng, tất cả buộc Chính Quyền của Đảng Cộng Sản phải có những hành động đối phó.

Trước mắt, người ta đối diện với một làn sóng trấn áp mới. Không lạ gì khi thấy một loạt những vụ bắt bớ được tiến hành mà đối tượng được nhắm đến là những tiếng nói vốn mạnh mẽ chống lại những sự cúi đầu nhượng bộ của Chính quyền Cộng Sản với Trung Quốc, cũng như phê phán nạn tham nhũng, độc tài và đòi hỏi nhân quyền, dân chủ. Tuy nhiên, khi đi nước cờ sử dụng đàn áp này, chính quyền cộng sản đồng thời sẽ phải đối diện với những thách đố nghiêm trọng.

1. Gia tăng sự lệ thuộc vào Trung Quốc

Những vụ đàn áp đã gây nên những rạn nứt trong quan hệ ngọai giao của Việt Nam với nhiều quốc gia dân chủ. Có thể nói, những cố gắng trình bày về một Việt Nam tôn trọng nhân quyền và dân chủ mà  chính quyền Việt Nam làm trong thời gian qua, giờ đã bộc lộ cho thế giới một mặt trái của nó. Không lạ gì mà các tổ chức nhân quyền liên tục tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, các nước khác ra tuyên bố « quan ngại » về những hành động bắt bớ của Việt Nam. Một khi bị giải thiểu trong lãnh vực ngọai giao, để bù lại, ắt hẳn Việt Nam phải dựa vào một kẻ bảo kê không xa lạ là Trung Quốc. Chính điều này đẩy Việt Nam ngày càng đâm đầu vào vòng kim cô của quan thầy Trung Quốc. Không hẳn là chính quyền Cộng sản Việt Nam không hiểu được điều này, nhưng hình như, họ đã bị đẩy vào thế không còn khả năng chọn lựa khác. Lý do vì sao vẫn là một bí mật : người ta nói đến sự khống chế của Trung Quốc đối với những viên chức chính phủ, có những bí mật của Đảng Cộng Sản Việt nam mà Trung Quốc đang nắm giữ, trở thành dao kề cổ khiến Đảng Cộng Sản không có lối thóat.

2. Đẩy sự bất bình lên cao giữa nhà nước và nhân dân.

Những tiếng nói phản biện cho thấy sự bất mãn của giới trí thức, cựu tướng lãnh và nhiều tầng lớp nhân dân trước sự tham nhũng, bất tài và hèn nhát của chính quyền Cộng Sản. Với những cáo buộc mơ hồ về những nhà họat động dân chủ, mà con bài chủ yếu là điều 88 của bộ luật hình sự, người ta thấy rõ sự đàn áp cường quyền của bộ máy công quyền.

Chưa bao giờ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng lại xuống thấp như thế khi người ta thấy rõ bộ mặt thật của CN Cộng Sản. Có thể, người ta lo sợ trước những khủng bố, nhưng điều này không có nghĩa là một đảm bảo cho sự bình yên. Giống như một cuộc đấu, chính quyền Cộng Sản chỉ còn con đường dùng « chuyên chính vô sản » để trấn áp và bảo vệ quyền lực. Những tuyên truyền đối với người dân chỉ là những sáo rổng. Chính đây mới thực sự là tử huyệt của cộng sản : Một huyệt mộ rất sâu chỉ được che lấp bởi sự đàn áp, khủng bố, một khi sự mâu thuẫn bị dồn nén quá sức, nó sẽ vỡ tan tấm lót này, và sức tàn phá của nó còn khủng khiếp hơn những gì xảy ra với cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu.

3. Bài học cho những nhà họat động dân chủ.

Những vụ bắt bớ, cũng là dịp để cho những người họat động dân chủ tỉnh táo và khôn ngoan hơn trước một đối thú xảo quyệt và cường quyền. Người ta không thể đòi hỏi sự thay đổi của chế độ độc tài chỉ bằng những ngòi bút. Xét cho cùng, về tuyên truyền, chính quyền Việt Nam vẫn làm chủ một diễn đàn thông tin với hơn 700 tờ báo giấy và báo mạng truyền thông. Người dân Việt Nam cũng chưa đủ sự chuẩn bị cho một thay đổi ý thức hệ chính trị. Trong những điều kiện như vậy, sự riêng lẻ chỉ làm mồi ngon cho con dã thú đang khát máu.

Người ta cần phải học bài học về một chiến lược tổng thể, trong đó, có sự chủ lực của lưc luợng dân chủ, cộng với sự hậu thuẫn của những trí thức, tôn giáo và nhất là, phải có một lực lượng cấp tiến ngay chính trong hàng ngũ tướng lãnh quân độc , đảng viên.

Thời cơ đó chỉ đến trong tương lai. Có thể là gần hay xa, điều này còn tùy thuộc vào lực đẩy của những người trong cuộc.

Wednesday 1 July 2009

NHỮNG THẾ CỜ CHÍNH TRỊ

Vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định, và những diễn tiến mới nhất của vụ này (công bố trên phương tiện truyền thông, những quyết định khai trừ và thu hồi giấy phép hành nghề luật sư ...) cho thấy những thế cờ chính trị ở Việt Nam đã đến hồi quyết liệt. Người ta không khỏi đặt vấn đề, Việt Nam nhắm đến ý đồ gì, và liệu cách thực hiện ý đồ chính trị này sẽ đem lại những hệ luận nào ?

1. Một mũi tên nhắm đến nhiều mục tiêu :

Trước vụ bắt bớ, chuyện bauxít đang làm nóng đầu các quan chức chính phủ. Những phản biện của giới khoa học, xét về mặt lý thuyết và cả thực tiễn khoa học, đang dồn chính phủ vào thế bị động. Những trả lời chất vấn của những thành viên chính phủ xem ra thiếu hẳn sự thuyết phục, nếu không nói thẳng như một phân tích là "giả dối và quanh co ". Chính điều này không chỉ làm mất niềm tin vào sự lãnh đạo của "đỉnh cao trí tuệ ", nhưng đi xa hơn, sẽ đẩy người ta sẽ tìm đến vấn đề "vì sao trước những phản biện khoa học về sự bất lợi, về những nguy cơ an ninh, môi trường của dự án khai thác bauxít, mà chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt đưa chân làm cái "chủ trương lớn của Đảng " này ? Và để đi tìm câu trả lời, có lẽ người ta sẽ hội ngộ ở một chân lý : Đây chính là những điều kiện mà anh cả Đỏ Trung Hoa đã mặc cả để chính quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam có một chỗ dựa chính trị trong nước và cả quốc tế. Dự án khai thác Bauxít, cùng với những việc ký kết hiệp định biên giới, trên bộ và vùng biển, là những vật "thế thân " mà chính quyền Trung Hoa yêu sách để nhận bảo kê cho sự tồn tại của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nói rõ hơn : chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã buộc phải hy sinh những tài nguyên thiên nhiên và một phần chủ quyền lãnh thổ để đổi lấy sự bảo kê của Trung Hoa, bởi hơn ai hết, Đảng Cộng Sản Việt Nam thừa biết những dạ tâm che ẩn đằng sau 16 chữ vàng của người « láng giềng tốt bụng đã có kinh nghiệm ngàn năm đô hộ ».

Vì vậy, với những tiếng nói phản biện đầy tính khoa học đã đẩy chính quyền vào thế bị động. Bên cạnh đó, những tác hại của tham nhũng vốn không chỉ làm mất mặt Việt Nam đối với quan hệ quốc tế, mà còn dấy lên làn sóng phản đối, đặt biệt nơi giới luật sư, trí thức và những nhà hoạt động dân chủ, cùng đồng thời với những hoạt động tôn giáo cầu nguyện cho Công Lý Hoà Bình, chính những áp lực này buộc chính quyền Việt Nam phải chơi một nước cờ mới : khép lại những tranh luận ở quốc hội bằng một kết luận có tính răn đe : « bị thế lực thù địch lợi dụng nhằm gây chia rẽ »,bắt giữ luật sư Lê Công Định, đồng thời mở chiến dịch bôi nhọ, vu khống những tu sĩ tôn giáo. Người ta không quên trước đó là việc đòi các nhà cung cấp dịch vụ internet như Yahoo, Google phải cung cấp thông tin người sử dụng để « quản lý ». Việc Yahoo 360° chấm dứt dịch vụ blog là một nước cờ của nhà cung cấp dịch vụ này, khi mà cảm thấy áp lực của chính quyền Việt Nam, cũng như cảnh cáo của các nước khác về việc bảo mật thông tin của người sử dụng. Điều này cũng phản ánh sự lo sợ của chính quyền Việt Nam trước làn sóng thông tin đa chiều rất phong phú, đa dạng, nhanh nhậy và chính xác trái với hệ thống truyền thông « định hướng » vốn luôn bưng bít sự thật và tuyên truyền cho chính quyền. Tất cả thành những đợt sóng dồn dập của phong trào dân chủ mà chính quyền gọi là « diễn biến hoà bình » buộc chính quyền Việt Nam hành động.

Khi bắt giữ luật sư Lê Công Định, chính quyền Việt Nam muốn kéo dư luận tránh xa vụ bauxít, đồng thời, việc chuyên chính vô sản này còn có tác dụng răn đe những nhà hoạt động dân chủ khác. Nó cũng là đòn trấn an cho anh Cả Trung Hoa trước những thông tin về việc đi đêm của Việt Nam đối với các nước khác cũng như làn sóng phản đối với những kế hoạch « hợp tác » (đúng hơn là những kế hoạch tính sổ của Trung Quốc như thù lao của việc bảo kê cho Đảng Cộng Sản Việt Nam). Như vậy, một mũi tên bắn đi, chính phủ Việt Nam nhắm đến nhiều mục tiêu, và xem ra tạm thành công.

Nói tạm thành công, vì dư luận đã ít nóng bỏng về vụ bauxít, những tiếng nói phản biện tạm thời lắng xuống để chờ đợi những động thái mới, thế giới mạng xôn xao về vụ luật sư Lê Công Định, rồi hụt hẫng, nghi ngại sau những thông tin báo chí mà Việt Nam đưa ra (mặc dù ai cũng thấy sự vụng về của màn kịch mà chính quyền Việt Nam gọi là « nhận tội » của Ls Lê Công Định), cũng như những kiểu dọn đường dư luận mới đây nhằm tấn công Linh Mục Lê Quang Uy của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Nhưng rõ ràng, với bản chất « ăn xổi ở thì » và man trá không chỉ trong những kế hoặch điều hành đất nước, thì những thế cờ này, cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

(còn tiếp)