Wednesday 1 July 2009

NHỮNG THẾ CỜ CHÍNH TRỊ

Vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định, và những diễn tiến mới nhất của vụ này (công bố trên phương tiện truyền thông, những quyết định khai trừ và thu hồi giấy phép hành nghề luật sư ...) cho thấy những thế cờ chính trị ở Việt Nam đã đến hồi quyết liệt. Người ta không khỏi đặt vấn đề, Việt Nam nhắm đến ý đồ gì, và liệu cách thực hiện ý đồ chính trị này sẽ đem lại những hệ luận nào ?

1. Một mũi tên nhắm đến nhiều mục tiêu :

Trước vụ bắt bớ, chuyện bauxít đang làm nóng đầu các quan chức chính phủ. Những phản biện của giới khoa học, xét về mặt lý thuyết và cả thực tiễn khoa học, đang dồn chính phủ vào thế bị động. Những trả lời chất vấn của những thành viên chính phủ xem ra thiếu hẳn sự thuyết phục, nếu không nói thẳng như một phân tích là "giả dối và quanh co ". Chính điều này không chỉ làm mất niềm tin vào sự lãnh đạo của "đỉnh cao trí tuệ ", nhưng đi xa hơn, sẽ đẩy người ta sẽ tìm đến vấn đề "vì sao trước những phản biện khoa học về sự bất lợi, về những nguy cơ an ninh, môi trường của dự án khai thác bauxít, mà chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt đưa chân làm cái "chủ trương lớn của Đảng " này ? Và để đi tìm câu trả lời, có lẽ người ta sẽ hội ngộ ở một chân lý : Đây chính là những điều kiện mà anh cả Đỏ Trung Hoa đã mặc cả để chính quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam có một chỗ dựa chính trị trong nước và cả quốc tế. Dự án khai thác Bauxít, cùng với những việc ký kết hiệp định biên giới, trên bộ và vùng biển, là những vật "thế thân " mà chính quyền Trung Hoa yêu sách để nhận bảo kê cho sự tồn tại của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nói rõ hơn : chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã buộc phải hy sinh những tài nguyên thiên nhiên và một phần chủ quyền lãnh thổ để đổi lấy sự bảo kê của Trung Hoa, bởi hơn ai hết, Đảng Cộng Sản Việt Nam thừa biết những dạ tâm che ẩn đằng sau 16 chữ vàng của người « láng giềng tốt bụng đã có kinh nghiệm ngàn năm đô hộ ».

Vì vậy, với những tiếng nói phản biện đầy tính khoa học đã đẩy chính quyền vào thế bị động. Bên cạnh đó, những tác hại của tham nhũng vốn không chỉ làm mất mặt Việt Nam đối với quan hệ quốc tế, mà còn dấy lên làn sóng phản đối, đặt biệt nơi giới luật sư, trí thức và những nhà hoạt động dân chủ, cùng đồng thời với những hoạt động tôn giáo cầu nguyện cho Công Lý Hoà Bình, chính những áp lực này buộc chính quyền Việt Nam phải chơi một nước cờ mới : khép lại những tranh luận ở quốc hội bằng một kết luận có tính răn đe : « bị thế lực thù địch lợi dụng nhằm gây chia rẽ »,bắt giữ luật sư Lê Công Định, đồng thời mở chiến dịch bôi nhọ, vu khống những tu sĩ tôn giáo. Người ta không quên trước đó là việc đòi các nhà cung cấp dịch vụ internet như Yahoo, Google phải cung cấp thông tin người sử dụng để « quản lý ». Việc Yahoo 360° chấm dứt dịch vụ blog là một nước cờ của nhà cung cấp dịch vụ này, khi mà cảm thấy áp lực của chính quyền Việt Nam, cũng như cảnh cáo của các nước khác về việc bảo mật thông tin của người sử dụng. Điều này cũng phản ánh sự lo sợ của chính quyền Việt Nam trước làn sóng thông tin đa chiều rất phong phú, đa dạng, nhanh nhậy và chính xác trái với hệ thống truyền thông « định hướng » vốn luôn bưng bít sự thật và tuyên truyền cho chính quyền. Tất cả thành những đợt sóng dồn dập của phong trào dân chủ mà chính quyền gọi là « diễn biến hoà bình » buộc chính quyền Việt Nam hành động.

Khi bắt giữ luật sư Lê Công Định, chính quyền Việt Nam muốn kéo dư luận tránh xa vụ bauxít, đồng thời, việc chuyên chính vô sản này còn có tác dụng răn đe những nhà hoạt động dân chủ khác. Nó cũng là đòn trấn an cho anh Cả Trung Hoa trước những thông tin về việc đi đêm của Việt Nam đối với các nước khác cũng như làn sóng phản đối với những kế hoạch « hợp tác » (đúng hơn là những kế hoạch tính sổ của Trung Quốc như thù lao của việc bảo kê cho Đảng Cộng Sản Việt Nam). Như vậy, một mũi tên bắn đi, chính phủ Việt Nam nhắm đến nhiều mục tiêu, và xem ra tạm thành công.

Nói tạm thành công, vì dư luận đã ít nóng bỏng về vụ bauxít, những tiếng nói phản biện tạm thời lắng xuống để chờ đợi những động thái mới, thế giới mạng xôn xao về vụ luật sư Lê Công Định, rồi hụt hẫng, nghi ngại sau những thông tin báo chí mà Việt Nam đưa ra (mặc dù ai cũng thấy sự vụng về của màn kịch mà chính quyền Việt Nam gọi là « nhận tội » của Ls Lê Công Định), cũng như những kiểu dọn đường dư luận mới đây nhằm tấn công Linh Mục Lê Quang Uy của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Nhưng rõ ràng, với bản chất « ăn xổi ở thì » và man trá không chỉ trong những kế hoặch điều hành đất nước, thì những thế cờ này, cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment