Sunday 14 March 2010

KHOẢNG LẶNG

Trong âm nhạc, bên cạnh những nốt nhạc với những trường độ, cao độ và cường độ khác nhau, người ta thấy tồn tai những dấu lặng mang sắc thái của trường độ. Dấu lặng xuất hiện như một khoảng khắc để thính giả có thời gian cho dòng chảy của âm thanh rót vào trong tâm hồn cảm âm. Nguời ta không thể tưởng tượng một bản nhạc thiếu những dâu lặng. Nói cách khác, khoảng lặng là một yếu tố cần thiết cũng không kém những nốt nhạc để làm nên một giai điệu tuyệt vời.

Cuộc đời cũng cần những khoảng lặng, và nhịp sống nào càng vội vã, càng quay cuồng thì những khoảng lặng lại càng cần thiết. Đó là lý do giải thích vì sao ở trong xã hội tây phương, nơi mà nhịp sống được xem là hối hả, cuồng vội, thì người ta ngày càng nhiều  tìm đến THIỀN như một phương pháp kiến tạo những khoảng lặng. Khoảng lặng, vì thế trở nên một phương dược, một cách thế bù đắp những năng lượng đã hao tổn cho nhịp sống vội vã kia.

Khoảng lặng cần cho cuộc đời. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nguời đều biết sự cần thiết của khoảng lặng và tận dụng nó trong cùng những mức độ ứng dụng như nhau.

Mức độ phổ biến nhất của khoảng lặng là khoảng khắc để cho cơ thể nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng đã tiêu hao. Mức độ cao hơn là thời gian để định hướng lại những kế hoạch, chiến lược cho cuộc sống. Mức độ thượng thừa của khoảng lặng dành cho tôn giáo, nơi đó, những tín đồ có thể tìm được sự kết nối thông hiệp với thần linh.

Tôi có những người bạn, khi đối mặt với sự mệt mỏi, buồn phiền hay khó khăn của cuộc sống, họ thích ẩn mình vào một góc yên tịnh của quán cà phê, của căn phòng thân quen … Đó có thể coi là một khoảng lặng. Tránh xa và bỏ qua một bên nhịp sống ồn ào vội vã bên ngoài, họ dừng lại để trầm tư, để định hướng về cuộc sống, và tôi tin rằng, sau những phút giây sống trong “dấu lặng” đó, họ có thể lấy lại những năng luợng đã tiêu hao và tìm ra được chìa khóa cho những hướng mở tích cực khác.

Cũng có những người khác, thỉnh thoảng họ tham dự những ngày tĩnh tâm hay linh thao. Trong các khoảng lặng hầu như tuyệt đối và riêng biệt đó, họ tìm đến sự kết hiệp tâm linh của tín đồ với thần linh. Và bao giờ cũng vậy, tôi nhận ra sự bình an và hứng khởi mới của họ sau những giây phút sống yên bình trong khoảng lặng quý giá ấy.

Đôi khi, tôi gặp trên vài tạp chí câu chuyện về những gia đình tan vỡ, về sự hư hỏng và trượt dài trên dốc phạm pháp của những người trẻ, mà nguyên nhân rất thường là thiếu vắng những phút giây gia  đình sum họp, hay thiếu những thời gian để chăm sóc nhau. Phải chăng cuộc sống bận rộn, hối hả đã làm họ quên đi việc tạo nên những khoảng lặng nơi cuộc sống gia đình để bồi bổ cho nhau, và sự đổ vỡ đã đến một cách tất yêu, như một cổ máy hoạt động liên tục mà không có những khoảng lặng để nghỉ ngơi.

Monday 8 March 2010

CHỜ ĐỢI

“ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

 

 Ngày còn bé, nghe câu hát ấy, tôi không thể nào hiểu được vì sao cái dang dở lại trở thành đẹp. Rồi bị ám ảnh bởi những công trình xây dựng còn dang dở kéo dài qua ngày này tháng nọ, cứ lù lù một khố bê-tông đen đúa, ngổn ngang và trần truị, tua tủa những cộng sắc túa ra từ mọi phía, tôi lại thở dài cho cái dang dở nọ và lại cười  cho cái vô lý kia, làm gì có thể tồn tại cái đẹp khi còn dang dở.

 

Tuổi đời đã cho tôi những cảm nghiệm khác, dần dần, tôi cũng hiểu được chút tâm tưởng của tác giả của ý  thơ kia.  Tác giả chỉ gói gọn trong chữ TÌNH : tình dang dở thì đẹp. Đó là luật trừ trong muôn vàn cái dang dở xấu xí.

 

Tình dang dở giống như một đoạn đường chưa qua hết. Nó mở ra bao nhiêu ngõ đi lối về, và chọn một lối nào, cũng có thể đưa đến những điểm hẹn khác nhau, thậm chí những kết cục khác nhau. Nếu cái “vẹn câu thề” giống như một dấu chấm hết đóng lại một cung đường, thì cái “tình dang dở”, trái lại mở ngỏ cho bao nhiêu ước nguyện, cho bao sáng kiến, cho bao khát vọng, để còn chờ đợi, đau đáu chờ nhau.

  

Tình dang dở là cung đàn của kỷ niệm mà âm ba vẫn còn vang vọng, vẫn còn ngân nga và kéo dài đến vô tận, vì những nét cảm âm vẫn ngân rung và mời gọi. Dang dở nên hoài vấn vương là thế.

   

Vì dang dở vẫn còn khao khát một tràn đầy viên mãn, vẫn tồn tại một đam mê chờ đợi được thỏa mãn và lấp đâỳ, vẫn còn đó một ngóng trông mỏi mòn day dứt, vẫn còn tiếng thở dài, khắc khoải của sự vắng xa … Cái hay của dang dở là nó chưa chấm dứt, như sân ga vẫn còn nối dài và mong con tàu về bến đỗ. Một cuộc tình dang dở, chưa chấm dứt, thì dù đi về hướng nào, nó cũng vẫn là một tiếng thở dài khắc khoải, nó vẫn còn sống, còn hiện diện trong không gian kỷ niệm của tâm hồn.

  

Vì dang dở, nên tình biết mình còn những khiếm khuyết, nó chấp nhận với sự cảm thông sâu sắc cho những bất toần của nhau, nó chờ đợi sáng kiến của nhau để tìm đến sự viên toàn. Sự dang dở cần lắm những sẻ chia, cộng tác chân thành như những chất liệu để nắn nên hình nên tượng một con nguời. Ngày nào không còn sự dang dở, người ta không còn cần nhau. Sự viên toàn như vòng tròn khép kín, ngưòi tìm đến, kính phục và ngậm ngùi ra đi, họ không thể nào tìm thấy chỗ cho mình.

  

Em à,

Tình yêu đẹp là tình dang dở. Ngay cả khi em đã thốt lên lời yêu, đã có những kết ước thề non hẹn biển, đã là của nhau tròn đầy thì hãy vẫnđể tình yêu là tình dang dở, để rồi mỗi ngày vẫn ngong ngóng chờ trông, vẫn tiếp tục chinh phục, vẫn khát khao thăng hoa lên một mức độ cao hơn, vẫn tìếp tục diù nhau đi về một nơi xa xôi cuối đời. Chỉ khi gục xuống hai thân xác, chỉ khi ngừng đập hai con tim, lúc ấy mới thực sự là tình viên đầy, là lúc thực vẹn câu thề em ạ.

Khi vẫn còn chờ trông, là tình vẫn còn dang dở …

 

Friday 5 March 2010

TUYẾT

Bây giờ đã vào cuối đông. Bầu trời dần sáng sủa hơn,  dù gió vẫn lùa vào nhà đưa luồng khí lạnh của đông như  cố níu kéo, giữ lại bước chân không muốn rời xa.

Tôi hiểu vì sao đông muốn nán lại lại trong căn phòng nhỏ của tôi.

Đông muốn tôi trở về những ngày tháng kỷ niệm của những con đường phủ đầy tuyết trắng, những ngày gió lạnh thốc vào làm nguời ta phải vội vàng thắt lại khăn ấm, hay khoác chặt lại chiếc áo lạnh của mùa đông.

Tôi gặp em trong một ngày mùa đông…

Em bảo em yêu tuyết như chính hơi thở của mình. Em thích vuì mình trong tuyết để cảm nhận sự trinh nguyên của đất trời. Đưa tay hứng những bông  tuyết đang chơi vơi rơi, em như thể chìm vào màn tuyết đang đổ xuống. Em cười nắc nẻ đầy hồn nhiên khi tôi gọi em là cô bé tuyết.

Đôi lúc tôi tự hỏi, làm sao cơ thể thanh mảnh nhỏ nhắn kia đủ sức hóng chọi với cái lạnh đến thấu xương thịt của mùa đông nơi đây, khi thấy hàng ngày em vẫn băng mình giữa trời tuyết đến nơi làm việc và trở về khi tuyết đã phủ trắng xóa ngập đường. Nhìn dáng em một mình giữa trời tuyết, rồi nghịch ngợm lùa những  tuyết, hay tung từng vụn tuyết lên cao rồi ngước nhìn với ánh mắt ngời sáng, tôi có cảm tưởng như em và tuyết là đôi bạn tri kỷ tâm giao.

Em yêu tuyết vì nó luôn trắng ngần như một tình yêu nguyên tuyền. Trái tim yêu như tuyết, sẽ phủ trắng và xóa hết những dấu vết đen mờ buị bặm của cuộc đời, để lúc nào cũng là mới mẻ, trinh khôi. Yêu như tuyết là giữ mãi trong tim sự nồng ấm và mãnh liệt, để giữ mãi độ nồng nàn ngay cả khi chung quanh là quạnh vắng và im lìm nhất. Yêu như tuyết là biết tan chảy ra dưới ánh mặt trời, như sự nồng nhiệt và sự hòa quyện khi bên cạnh người yêu”. – Em nhẹ nhàng giải thích cho tôi như thế, giọng nói như cơn gió thoảng, trong một ngày em rủ tôi lang thang giữa trời tuyết.

Ngày em đi, tuyết rơi.

Cả đất trời phủ một mày trắng trinh nguyên. Nước mắt em cũng long lánh và trong trẻo như những bong tuyết đang lã chã rơi ngoài trời.

Em trao cho tôi lá thư nhỏ vẻn vẹn những dòng chữ sắc gọn và mạnh mẽ “Em sẽ mãi là bầu trời tuyết của anh, anh nhé”.

Ừa, giờ thì tôi hiểu vì sao, đông vẫn nấn ná lại căn phòng tôi, như mãi vẫn còn trong tâm trí tôi hình dáng nhỏ nhắn của em giữa trời tuyết ngày nào!