Saturday 1 November 2008

NHẢM (tập 1)

Nhớ lại hồi mới qua Paris được hơn 2 tuần, sau đó có người hỏi Paris và Việt Nam có khác nhau nhiều không? Lúc đó tôi trả lời "vì mới qua, chưa biết nhiều, nhưng ít là có thấy 4 điều khác giữa dân tây và dân ta :

Dân ta : "Hôn trong nhà, tiểu ngoài đường, ăn nhanh, đi chậm " ; còn dân tây thì ngược lại " Hôn ngoài đường, tiểu trong nhà, ăn chậm, đi nhanh ".

Ở Paris, (và có lẽ ở trong các nước tây âu nữa ) không ngạc nhiên mấy khi thấy những đôi tình nhân hôn nhau ngoài đường. Hình như có cả một bức hình nổi tiếng được giải thưởng về nụ hôn của một đôi trai gái sau thế chiến thứ hai. Gần nơi tôi trọ học, có một lycée, mỗi lần có dịp đi ngang, vẫn thấy những cô cậu học sinh cấp 3 này đứng hôn nhau. Ở Việt Nam, hình như càng ngày cũng bắt đầu xuất hiện hiện tượng này. Tâm thức người á đông, rất kín đáo trong cách bày tỏ tình cảm, nên đôi khi đâm ra phản cảm trước những cách bày tỏ tình cảm quá "tự nhiên " này.

nụ hôn

Nụ hôn kiểu 'Français "

Mấy người bạn Nhật, Hàn Quốc và Mỹ thì chê Paris còn ít những phòng toilette công cộng. Nhưng so với Sàigòn thì có lẽ Paris nhiều hơn. Trên những xa lộ, cứ khoảng hơn 100 km thì thường có một chặng dừng (l'aire) để nghỉ ngơi, đổ xăng và giải quyết "bầu tâm sự ". Việt Nam thì có những cây xăng, nhưng thói quen của người Việt thì ... vô tư. Một người bạn nước ngoài, sau khi đi du lịch Việt Nam về, hỏi hắn điều gì ấn tượng nhất khi ở Việt Nam. Hắn khen, đất nước Việt Nam có nhiều phong cảnh tuyệt với, người Việt Nam thân thiện và xinh đẹp, nhưng ấn tượng nhất là cảnh chạy xe trên đường, và nhiều người bị "tiểu đường " quá!

đái đương

Bị bệnh đái đường!!!

Tôi có thói quen dành khoảng 30 phút cho một bữa ăn. Còn tiệc tùng ở nhà, nếu vừa ăn uống .v.v. thì khoảng gần 1g30 phút. Bên tây mà ăn thì mất hết một buổi. Nhớ lại lúc mới qua Paris, một gia đình pháp mời dùng bữa trưa, mất hết gần 4 giờ. Bắt đầu bằng l'appéritif, uống chút rượu mạnh, ăn vài thứ bánh mặn nho nhỏ hay hạt dẻ .v.v.(không nhớ được tên ), rồi đứng nói chuyện hết gần 45 phút. Mới qua chưa biết tiếng tây tàu gì, không nghe nói chuyện được, thế là ... uống. Sau đó vào bàn, dùng l'entrée, vài lát jambon mỏng, hay chút légume, lại uống rượu và nói chuyện. Tôi khoắn hai lần thì xong, ngồi không biết nói gì, thì lại rót rượu ... uống. Cái khoản này cũng kéo dài thêm gần 45 phút! Kế đến là món chính (le plat), dùng thịt hay cá tuỳ chủ nhà chuẩn bị, và thường uống rượu vin. Ăn và trò chuyện là một kiểu "rất pháp ", tôi thiếu cái khoản "trò chuyện ", chỉ còn khoản "ăn ", hết phần ăn thì chỉ còn ... uống. Gần cuối bữa thì dùng fromage với bánh mì hay salade. Mới qua chưa quen với fromage, nên không dám ăn. (Về cái khoản fromage, thì giống như dân Việt mình, người miền nam thích ăn sầu riêng, người bắc mới vào chê "thối ", dân tây thì "sợ " cái mùi của sầu riêng ; ngược lại, hầu như ban đầu ai cũng có cảm giác đó với fromage của Pháp. Pháp có rất nhiều loại fromage, loại nào càng mềm, càng "thối " thì dân Pháp càng khen ngon ??!!). Không ăn được, không nói được, ngồi không thì nhạt miệng, nên tôi chọn ... uống! Cái khoảng ăn này cũng chiếm hơn 1giờ. Sau món chính là tráng miệng (le derssert), dùng trái cây, kem, bánh gâteau v.v. và uống café. Sau bữa ăn gần 4giờ này, tôi choáng váng vì rượu!!!

Ở trong ga tàu điện ngầm, xe lửa, hay bus, dân tây đi hùng hục như thể không có thời gian. Ngoài phố, trừ những nơi chợ búa, khu thương mại, và trừ những du khách đi dạo, hay những người già đi tản bộ, còn lại họ đi như chạy, nhịp sống lúc nào cũng hối hả, vội vã. Xem ra, chỉ có dân việt mình mới có dáng điệu khoan thai, nhàn nhã. Trách sao được, vì thói quen này ăn vào trong máu, và nhiều lúc cả trong quan niệm dân gian, đi nhanh quá không có "dáng " của người hiền :

Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.

Còn Nguyễn Nhược Pháp thì nói :

"Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu ".

No comments:

Post a Comment