Tuesday 11 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 3) : VƯỢT BIÊN!

Sau biến cố 1975, cùng với sự xuất hiện của các "chú bộ đội ", rồi những đợt tập trung cải tạo, rồi chiến dịch đưa dân đi khu kinh tế mới .v.v. là những đợt sóng người di tản tị nạn.

Cho đến bây giờ, người ta khó có thể đưa ra một con số chính xác những người đã tạm phải chạy trốn khỏi cái "quê hương là chùm khế ngọt " mà thời điểm ấy đã trở nên chua chát và đắng ngắt này. Người ta chỉ ước tính có hơn 2.000.000 người đã bỏ nước ra đi trong giai đoạn này và chỉ khoảng 1/4 trong số đó đến được các nước tự do. Số khác vĩnh viễn nằm lại ở trong lòng đại dương, hay nơi những trại tị nạn như một ký ức đau buồn của lịch sử dân tộc. Dòng người ùn ùn bằng đường bộ qua ngã Campuchia đến Thái Lan, hay bằng đường biển để mong được vớt nơi hải phận quốc tế! Chiến tranh biên giới tây nam (từ cuối 1977)với Campuchia tạm khoá lại con đường bộ, chỉ còn để lại con đường biển, vốn trải ra hầu như dọc theo chiều dài đất nước.

Người ta đi vượt biên vì nhiều lý do.

Biến cố 1975 giống như một cột mốc phân định giữa quá khứ và hiện tại, giữa giàu và nghèo, vinh quang và ô nhục, hy vọng và tuyệt vọng, chiến thắng và thất bại! Bấy nhiêu sự thay đổi là bấy nhiêu nguyên nhân để người ta tranh nhau trốn chạy!

Tôi không phải là một nhà tư tưởng chính trị, càng không phải là một nhà cách mạng ái quốc bẩm sinh. Cái tuổi lên chín lên mười không thể để trong lòng người ta một ý niệm chính trị về tổ quốc, về quê hương! Đất nước chỉ là những chuỗi ngày sống, với những nghịch ngợm vui buồn cùng chúng bạn, hay thảng hoặc nhìn thấy những thoáng lo âu, buồn rầu nơi ánh mắt xa xăm của mẹ, của cha. Quyết định đi vượt biên cũng không phải là do tôi quyết định, gia đình sắp xếp hết mọi sự, tôi chỉ nghe theo lời dặn của mẹ mà thôi.

Cũng phải nói, tôi biết mẹ tôi rất là lo lắng, vì tôi là con trai một, lại còn nhỏ! Mẹ tôi chỉ cho tôi tham gia trong những chuyến có những gia đình bạn bè thân của mẹ. Hồi đó, mấy bà cứ rỉ tai nhau những đường dây đưa người vượt biển. Thấy được được là mẹ cho tôi đi.

Nếu bây giờ mà xét mình như chuẩn bị xưng tội, và nếu căn cứ theo tinh thần của bộ Luật Hình Sự mà các anh em cán bộ nhà ta thường lên lớp tuyên truyền, thì tôi đã "phạm tội phản bội tổ quốc" đến 6 lần, tương ứng với 6 lần tham gia vượt biên.

Hồi đó, để tham gia một chuyến đi, phải xin phép nghỉ học ở trường. Mẹ tôi viết đơn xin phép cho tôi được nghỉ học để về đám tang ông bà nội 1 tuần hay 10 ngày (dù ông bà nội tôi đã chết từ hồi kháng chiến). Như vậy, cứ trung bình mỗi năm, tôi có một lần xin nghỉ vì đám tang. Mà cũng may là mỗi năm học một thầy, hay cô giáo khác, chứ nếu chỉ một người thì không biết giải thích thế nào tại sao mà ông bà nội ở đâu ra để chết nhiều thế!

Lần đi vượt biên nhẹ nhàng nhất, cũng là lần đầu tiên thì bị bắt ở trạm Cỏ May, Vũng tàu. Mấy người vượt biên chia nhau trên hai chiếc xe lam, khởi hành cách nhau 1 giờ. Khi chuyến thứ nhất đã đi an toàn qua trạm, chuyến thứ hai bị chặn để khám xét! Khi công an khám phá trong túi xách của hai cô kia toàn nước chanh đường khô quẹo (cái món này làm bằng cách vắt chanh pha với nước đường, nấu quẹo lại, để uống trong trường hợp thiếu nước ngọt), bắt cả xe về đồn, và khám ra thì có vàng, vitamin C ...., rồi mỗi người khai khác nhau, thế là bị tóm! Năm đó tôi chỉ mới học lớp 4. Nhỏ tuổi nên được thả ra chỉ sau một ngày "đi tù "! Đi vượt biên mà chưa thấy được biển đã bị chụp!

Lần thứ hai đi ở Long Hải! Năm học lớp 4. Không thành!

Lần thứ ba ở Vũng Tàu! Mùa hè năm học lớp 4. Không thành!

Lần thứ tư ở Rạch Giá! Xui xẻo là gặp bão, đợi chờ gần 1 tuần thì mọi người giải tán! Đợt này đi vào dịp nghỉ tết năm học lớp 5.

Chuyến thứ năm đi ở Vũng Tàu! Gia đình người môi giới là họ hàng và cũng là bạn hàng buôn bán với gia đình! Đã ra đến tàu, nhưng trái với lời chủ tàu đã nói trước đó. Thực tế chỉ là chiếc tàu đánh cá nhỏ, và có quá đông người. Nên họ quyết định không đi chuyến này!

Lần đi ở Rạch Giá thì suýt chết, năm học lớp 6

Đợt này chủ tàu tuyên bố chắc nịch là đã chung chi đầy đủ, mua bến bãi an toàn, xác suất thành công là cao nhất! Sau hai ngày đi đến Rạch Giá, nằm trong nhà ông chủ tàu chờ đợi thêm hai ngày! Tối ngày thứ ba, 10 giờ di chuyển đến điểm tập kết, rồi từ đó leo lên những cái thúng nhỏ gọi là "taxi " để ra tàu lớn đậu bên ngoài. Đợt này, tôi đi cùng với một chú Chiếu, chồng của người bạn gái của mẹ. Mọi sự vàng bạc, mẹ giao hết cho chú Chiếu, tôi chỉ có một việc là đi theo.

Chuyến taxi thứ nhất đi khoảng 10 phút, đến chuyến thứ hai là có tôi và chú Chiếu. Vừa đẩy ra được gần 100 met, thì trên bờ loạng xoạng ánh đèn pin, tiếng AK nổ chát chúa, tiếng người chạy, tiếng hô của công an và tiếng la hoảng loạn của những người còn lại. Bị lộ, bị phản thùng! Anh tài công lật úp cái thúng rồi bỏ của chạy người! mấy người lóp ngóp ngoài biển! Phải nói lúc này tôi mới nghiệm ra sự may mắn là thường xuyên trốn học đi bơi với mấy đứa bạn, vì vậy tôi có thể thoát chết! Trên bờ thì công an đứng bắt, vì vậy tôi cứ bơi ra phía ngoài, rồi thuận theo dòng chảy bơi một đoạn khá xa, bám vào một tảng đá lớn rồi nằm lỳ ở đó để chờ! Tôi kiên nhẫn chờ gần 3 tiếng đồng hồ cho đến khoảng 4 giờ sáng, khi không còn nghe những tiếng la hét quát nạt, tôi mới lặng lẽ bơi vào bờ!

Không có tiền, áo quần ướt bẩn, lại không biết đường xá, tôi chỉ biết tìm đến một ngôi nhà thờ! Bất đắc dĩ, tôi phải hành nghề "cái bang" xin mấy bà đi lễ về. Có lẽ thấy một đứa trẻ đáng thương như vậy, bà cho vài đồng để mua đồ ăn. Sau đó tôi đi bộ hỏi đường trở lại Rạch Giá. Ở Rạch Giá, tôi cũng chẳng nhớ được nhà ông chủ tàu, một phần vì trước đó chỉ ở trong nhà không được ra ngoài, phần khác, tôi nghĩ chắc ổng cũng bị bắt và chắc nhà bị theo dõi, làng chàng còn bị túm cổ, nên tôi ra chợ xin tiền. Tôi lưu lạc ở Rạch Giá thêm 5 ngày nữa, ăn bờ ngủ bụi như một dân cái bang thực thụ! Khi đủ tiền, tôi đón xe về Sàigòn. Đến Sàigòn, tôi kêu xe ôm chở về nhà ông bà ngay ở Bà Quẹo, mượn tiền trả xe ôm. Sau một ngày thì tôi về nhà! Mẹ tôi vui mừng rơi nước mắt khi thấy tôi. Mẹ đã nghe tin chuyến đi không thành khi chú Chiếu trốn được về nói có lẽ tôi đã chết! Đó là chuyến đi cuối cùng! Sau chuyến đi này, mẹ tôi không dám cho tôi đi vượt biên nữa.

Khi ngồi viết lại những dòng này, tôi mới nghiệm ra sự đúng đắn của cái câu "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ". Sau 6 lần tất tả vượt biên, có những lúc sinh mạng đánh đu giữa hai nhịp sống và chết, gia đình từ bỏ ý định cho tôi đi vượt biên, và tôi tự nhủ, mình "hổng có số xuất ngoại "! Vậy mà đến khi muốn ở lại VIỆT NAM để thực hiện những dự tính ấp ủ từ hồi còn ở trong trường hay nơi thực tập, đùng một cái, sếp tống cổ đi Tây! Đời sao trớ trêu!!!

Tôi cũng tự hỏi, nếu một trong những chuyến đi vượt biển đó thành công, thì giờ đây, tôi sẽ là ai, sẽ ở đâu hay làm gì ?

Và ngộ nhỡ, cũng có thể tôi nằm trong số những người không may mắn, những nạn nhân bất hạnh, đã nằm lại đâu đó trong lòng tĩnh mịch và giá lạnh của đại dương !!!

("Ánh Sáng dịu êm, dẫn tôi đi tới, từng bước một thôi "- Henry Newman)

Liên hệ : Tập 1 : Những người phụ nữ đẹp!

Tập 2 : Tuổi thơ dữ dội

1 comment:

  1. chời ơi, nhỏ xíu xiu mà mẹ cho đi một mình ra ngoài sao? May mà em còn biết bơi, biết xin tiền để về chớ không thì mẹ ân hận cả đời! Chị ở gần Bà Quẹo đó em!

    ReplyDelete