Tuesday 18 November 2008

CHUYỆN ĐỜI (tập 5) : TUỔI THẦN TIÊN

(Hình này chôm trên blog của TờTrang)

Tôi muốn khởi đầu phần tường thuật tuổi thơ bằng một câu chuyện ngụ ngôn!

Chuyện kể rằng, khi Thượng Đế đã tạo dựng nên muôn loài, Ngài muốn cho chúng một thời gian hiện hữu trên mặt đất. Đầu tiên, Ngài gọi Trâu đến và nói

- Trâu à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm.

- Lạy Thượng Đế, số kiếp Trâu khổ cực lắm. Quanh năm suốt tháng phải cày bừa phục vụ cho con người, bị đánh đập. Khi vô dụng thì giết thịt, da thì căng làm trống. Ba mươi năm thật quá cơ cực.

- Thôi được, vậy giảm đi 10 năm. Tuổi thọ trung bình của Trâu là 20 năm.

Chó được gọi đến tiếp theo. Thượng Đế cũng bắt đầu cuộc đối thoại bằng câu hỏi :

- Chó à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm

- Lạy Thượng Đế rất từ nhân. Suốt đời con trung thành canh nhà giữ cửa cho người, cúc cung tận tuỵ như đầy tớ. Đổi lại, thức ăn hàng ngày là cơm thừa canh cặn. Được việc thì chẳng khen. Chủ nhà bực dọc thì ăn đá! Chưa kể còn cái món thịt cầy 7 món mà chúng con nghe đã chết khiếp! Xin rộng lượng bớt cho con, 30 năm khổ lắm!

- Thôi được, vậy giảm 15 năm. Tuổi trung bình của chó là 15 năm.

Khỉ xếp thứ 3 trong số loài được phỏng vấn.

- Khỉ à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm.

- Lạy Thượng Đế, suốt đời chúng con khổ cực. Bị săn đuổi để làm trò vui cho người, bị hành hạ, đánh đập, bắt nhịn đói. Thỉnh thoảng người lại nhẫn tâm làm cái món óc khỉ. Xin Ngài thương xót, 30 năm quá cay nghiệt - Nước mắt Khỉ lã chã rơi xuống.

- Thôi được, tuổi thọ trung bình của Khỉ là 10 năm.

Thượng đế gọi Người đến.

- Người à, tuổi thọ trung bình của mi sẽ là 30 năm.

- Lạy Thượng Đế nhân từ, Ngài có bình thường không? Ba mươi năm thì có được bao. Mới lớn lên mà đã phải chết à ?

- Vậy cho Người thêm 20 năm tuổi của Trâu.

- Vẫn ít quá!

- Thêm 15 tuổi của Chó nhé!

- Vẫn còn ít!

- Thôi, thêm 10 tuổi của Khỉ. Không cò kè nữa.

Thế là Người có thể sống trung bình 75 tuổi.

Ba mươi năm đầu, họ sống đúng tuổi của Người. Nên quãng thời gian này là đẹp nhất : tuổi thơ đi học, lớn lên thì yêu.

Sau 30 tuổi, Người bước qua sống đời của Trâu. Lúc này đã lập gia đình, phải lo cày bừa, kiếp cơn nuôi gia đình. Quãng đời của trâu mà.

Đến 50 tuổi, Người bước qua tuổi sống của Chó. Sau những năm làm lụng vất vả, thì bo bo giữ của thủ thân. Trách sao được, bị ảnh hưởng bởi thói quen canh giữ nhà của chó.

Đến 65 tuổi, Người sống quãng đời của Khỉ. Lúc này, sức khoẻ sa sút, đầu óc không còn minh mẫn, thường lú lẫn, con cháu đem ra làm trò cười.

*&*&*&*&*&*&*

Nếu xét như chuyện ngụ ngôn, đời người đẹp nhất trong 30 năm đầu.

Trong 30 năm này, thì tuổi thơ là đẹp nhất : hồn nhiên, vô tư chơi đùa.

Tôi có một tuổi thơ đẹp. Đó là điều tôi luôn xác tín với chính bản thân mình. Những năm tháng khó khăn của thời mới giải phóng không làm cho tuổi thơ của tôi vì thế mà trở thành bi đát, dù rõ ràng, gia đình tôi rất khó khăn, túng quẫn trong thời gian này.

Biến cố 1975 là một chiến thắng của quân dân miền Bắc (lịch sử tôi học sau này gọi là đại chiến thắng mùa xuân ), nhưng lại là một cơn ác mộng đối với miền Nam. Cha tôi nằm trong số sĩ quan phải tập trung cải tạo. Gánh nặng gia đình chồng chất hết lên vai mẹ tôi : Bà phải bương chải để nuôi sống bầy con thơ. Mà đâu phải dễ bề yên ổn làm ăn, gia đình "Nguỵ quyền " thì luôn nằm trong số đối tượng được chính quyền quân quản "quan tâm đặc biệt ". Cứ vài bữa là có người của chính quyền vào làm việc tư tưởng, từ thuyết phục, đến đe doạ buộc gia đình phải giao nhà lại cho chính quyền để đi kinh tế mới. Một số gia đình chung quanh, không chịu được những sự nhũng nhiễu, đe doạ, đã bỏ đi, để chỗ cho các cán bộ. Cũng may mà mẹ tôi hết sức kiên định, vì thế chúng tôi giữ lại được căn nhà. Căn nhà duy nhất của một "nguỵ quyền "nằm trong xóm khu cán bộ cách mạng.

Lo tìm cách sinh nhai nuôi con chờ chồng, mẹ tôi hầu như chỉ có mặt ở nhà ban đêm. Ban ngày bà tần tảo như thân cò kiếm tép. Và vì vậy, mẹ để cho chị em tôi tự do tự quản. Chính điều kiện khó khăn này, lại trở thành một điều hay : tôi tự do để chơi đùa với tuổi thơ.

Ngoài giờ đi học, giờ ăn là ở trong nhà. Ngoài ra, tôi sống ở ngoài đường với chúng bạn. Tuổi trẻ hồn nhiên chẳng phải lo đến cơm ăn áo mặc, chỉ lo học, lo chơi, và lo ... phá làng phá xóm.

Thời đó chẳng có trò chơi điện tử. Nhà nào có cái tivi là hãnh diện lắm rồi. Tôi còn nhớ những năm chiếu những bộ phim như "Hồ sơ thần chết "; "Maika, cô bé từ trên trời rơi xuống " hay những tuồng cải lương, là cả xóm tập trung lại những nhà có tivi để xem. Người xem ngồi đông kịt, nên đứa nào mà đánh rắm, mùi xú uế còn không có đường bay ra, nên cả nhà hửi được.

Không có trò chơi điện tử, điều này chẳng nhằm nhò gì, lũ trẻ chúng tôi có khối trò tiêu khiển : Đánh khăng, đánh đáo, đánh cù, bắn bi, tạt lon, tạt vỏ thuốc lá, chơi trốn tìm mùa hè thì bắt dế, đá dế, thả diều, đi bắn chim, hái quả, câu cá, tắm suối, bắt cá, đá cá, thỉnh thoảng lại đánh nhau xóm trên xóm dưới, chọi cùi bắp, bắn bì .v.v. tuổi thơ tôi cứ mạnh mẽ lớn lên với những thực phẩm tinh thần như vậy, nên chẳng biết gì gọi là buồn.

Mỗi loại trò chơi có cái thú riêng của nó. Nhưng phải nói, đi tắm suối là thích nhất.

Xóm tôi nằm gần sân bay, nên lũ trẻ thường rủ sau ra suối sân bay để tắm. Suối này có 4 ống cống to, bắt nguồn từ hồ đại tướng chảy qua mấy ruộng rau muống thì đổ vào suối 4 ống cống, một khoảng suối rộng là nơi lũ trẻ bơi đùa.

Ai đi học bơi ở piscine thì có bài bản, có huấn luyện viên, chứ tắm suối thì chỉ có đứa này dạy cho đứa kia, mà bài mở đầu luôn là "muốn biết bơi phải cho chuồn chuồn cắn rốn ". Mấy anh lớn bảo thế, (và sau này tôi cũng bảo mấy đứa nhỏ hơn như vậy). Cái cảnh các anh vùng vẫy dưới suối là một cám dỗ mà hầu như chẳng có đứa trẻ nào cưỡng lại được. Vì vậy mà cắn răn chịu đau để cho chuồn chuồn nó cắn vào rốn. Nhìn con chuồn chuồn nghiến răng nghiến lợi cắn rốn, mà lòng trí mơ màng mình trở thành kình ngư để quên cái đau đang ngồn ngộn nơi bụng. Mà đau thật, chỗ rốn là cái sẹo da non, chứ có phải cái gót chân đâu mà không biết đau. Có thằng còn đau đến đái trong quần. Sau này biết bơi, thì tôi chẳng thấy có cái liên hệ gì giữa việc cho chuồn chuồn cắn rốn với cái nhịp thở, hay quạt tay đập chân cả. Tôi học bơi rất nhanh. Đầu tiên là bơi chó, rồi bơi sải hồ, bơi ếch... Dĩ nhiên, trước khi biết bơi là biết lặn, vì nhiều lần sặc và uống nước.

Đi tắm suối bao giờ cũng phải đi cả bọn, vừa tắm vừa chơi bắt đuổi tạt nước, rồi vây vũng để bắt cá. Bao giờ tắm suối xong, đứa nào cũng có vài con cá đem về nuôi trong bể hay lu nước ở nhà. Thú vị nhất là việc chặt mấy thân chuối, lấy dây lá mơ (dân nam gọi là lá thúi địch ) cột lại làm bè, chia phe đánh nhau như thể tái hiện cách hào hùng những trận thuỷ chiến của Ngô Quyền, của Trần Khánh Dư hay của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Có khi có bọn leo lên bè chuối xuôi theo dòng nước, khám phá xem nó sẽ chảy về tận đâu. Trí tưởng tượng của tuổi thơ cứ thả trôi theo dòng nước, hồi hộp, thú vị biết chừng nào.

Mà vào thời điểm ấy, trẻ con trong sáng và hồn nhiên. Đi tắm suối, có cả con trai con gái trong xóm, cứ thế mà hồn nhiên bơi lội. Mười một mười hai tuổi rồi mà cứ tự nhiên ở truồng tắm suối. (sở dĩ tắm truồng, là vì gia đình nào cũng cấm con cái tắm suối - bởi thỉnh thoảng vẫn nghe có đứa chết đuối - để đồ trên bờ xuống suối tắm, thì khi lên đồ vẫn khô, về nhà thì gia đình không biết). Khi lớn một chút, mấy đứa con gái mắc cỡ không còn dám tắm truồng, nhưng đám con trai thì vẫn "vô tư ".

Chuyện nghịch ngợm cũng từ đó mà ra. Hồi bé đọc chuyện cổ tích, có chuyện bầy tiên nữ xuống tắm suối, anh chàng nào đó trên bờ lén trộm đồ, tiên phải năn nỉ, khóc lóc thì chàng mới trả, tình yêu giữa người phàm và tiên có là vậy. Lũ trẻ tụi tôi tin vào cái chuyện đó, vì thỉnh thoảng, mấy thằng vẫn giấu đồ của nhau. Có đứa còn chơi ác, giấu đồ nhất định không trả, thằng bé phải "tồng ngồng " đi về đến gần tận xóm mới có quần mặc vào. Cũng may, đường từ con suối về nhà thường rất vắng vẻ.

Những trò chơi ở suối vui đến độ, dù bị gia đình cấm và thỉnh thoảng bắt về cho một trận, tôi vẫn "lét lút " trốn nhà theo bạn bè trong xóm đi tắm suối. Cũng nhờ biết bơi sớm mà khi đi vượt biên tôi thoát chết. Thỉnh thoảng trong vài giấc mơ, tôi vẫn thấy mình như trở lại thời trẻ, vùng vẫy cùng bạn bè giữa con suối, với tiếng la hét, cười đùa giòn tan. Lắm lúc, giấc mơ đến trong những pha kinh hoàng khác, tôi mơ mình bị nước cuốn đi, cứ xa, xa mãi những vòng tay níu của bạn bè! Giật mình tỉnh giấc, ừa, thì giờ cũng đã quá xa rồi! Tụi thằng Phong, thằng Thức, thằng Trầm, thằng Khánh, thằng Tèo, thằng Minh, ... con Loan, con Xinh nhỏ, Gái Lớn, Gái em ... giờ tụi nó ở phương nào cũng không biết!

No comments:

Post a Comment