
Khi thấy một người thành đạt trong công việc làm ăn, họ khẳng định đẳng cấp xã hội của mình bằng những tài sản sở hữu, người ta bảo : Ông ấy thành công.
Khi có người vượt qua kỳ thi khó khăn, và lãnh nhận được những bằng cấp. Dân gian cũng vẫn thường nói : họ thành công.
Xây được một ngôi nhà, tậu được một chiếc xe mới, người ta dễ dàng đánh giá và coi đó như là thành công.
Xem ra, trong xã hội vốn quen đánh giá con người qua những gì họ sở hữu, thành công vẫn thường bị đồng hoá với giá trị tài sản mà con người có được. Tài sản càng nhiều, con đường làm giàu càng thênh thang, thành công dường như càng được khẳng định. Mà đã thành công, thì như một hệ luận tất yếu, họ phải khẳng định chính mình và muốn được mọi người tôn trọng. Tiếng nói của họ cũng muốn phải có giá trị hơn : ông bà mình đã chẳng tổng kết điều ấy bằng một câu ngạn ngữ : "miệng nhà quan có gang có thép" là gì.
Và mặt trái của vấn đề này, là một hiện tượng làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn. Người ta chứng kiến nhan nhản hàng ngày việc xuất hiện những thủ đoạn mới để có thể kiếm được lợi nhuận tối đa, bất chấp sức khoẻ, sinh mạng của người khác. Bên cạnh đó, sự tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản chung để tư lợi, là một trong những cách thức họ muốn đạt được cái là thành công.
Hình như người ta quên rằng, có những thành công không thể đong đo bằng những giá trị vật chất. Anh bạn cùng trường luôn chăm chỉ làm việc, những kiến thức anh thủ đắc không bằng quay cóp, mà là vốn liếng thật sự của những đêm thức khuya, miệt mài học tập. Trải qua kỳ thi, kết quả anh không thuộc loại xuất sắc như những thí sinh quay bài, nhưng với tôi, anh ấy thực sự là người thành công.
Một ông bố cặm cụi bên chiếc xích lô để nuôi người con đi học. Mỗi ngày, ông dè sẻn trong số tiền đánh đổi bằng những lúc cong rạp mình đạp xe để nuôi con học đại học. Với tôi, ông ấy thành công hơn là một công chức tham nhũng để có thể ăn chơi một đêm vài triệu.
Người mẹ với gánh hàng rong, có thể nuôi sống gia đình, dù chỉ là những bữa cơm rau đạm bạc, bà vẫn là người thành công hơn những vụ áp phe, hay những người buôn bán ma tuý.
Một người bệnh tật cam đảm chống chỏi với số phận, những gì anh làm được, dù là bước đi những bước xiêu vẹo, khó khăn, hay nói được một câu chữ vuông tròn, anh ta đã là người thành công, hơn là những con người thau đêm suốt sáng phung phí sức khoẻ bởi những cuộc chơi...
Vẫn nhớ lời nội thường dặn con cháu mỗi dịp họp mặt ngày giỗ kỵ, hay lúc xum vầy khi xuân về :" Thành công không phải làm làm được việc này, việc kia, nhưng là không hổ thẹn với chính mình vì đã làm việc với tất cả trách nhiệm và lương tâm ".
Nội à, cho đến lúc này, xét theo tiêu chuẩn của người đời, con vẫn chưa thành công. Việc học vẫn còn dở dang, tài sản thì chỉ vẻn vẹn sách vở, và có thể tự nuôi sống mình để tiếp tục việc học. Con không thành công thực sự, nhưng con biết, con đã làm việc với sự cố gắng và với lương tâm của mình!
(viết trong ngày giỗ nội)
Entry đọc đễ suy ngẫm thêm nhiều điều... HMT viết sâu, ý nhiều...
ReplyDelete