
Không thể phủ nhận tính hữu lý của những phân tích đó, vì thực sự, chúng là những bề nổi mà người ta có thể dễ dàng nhận ra. Và những lối ứng xử kia là một bằng chứng hùng hồn, như thể mối liên hệ mật thiết của nguyên lý "nhân - quả", để chứng minh. Tuy nhiên, hình như sẽ chưa đủ, nếu người ta không dám nhìn nhận một nguyên nhân nền tảng hơn, khi tìm câu trả lời cho vấn nạn : ý thức hệ nào đã đưa đến tình trạng khiếm khuyết trầm trọng về nhân cách và mất đi ý thức về tôn trọng những giá trị chung. Đi tìm câu trả lời cho điều này, người ta có thể chạm đến một nguyên nhân mà đã ăn sâu trong tầm nhận thức của ý thức hệ "định hướng XHCN", như một thứ cỏ dại, gặp được mảnh đất tốt, thì mọc nhanh, lan rộng và bám rễ vào thâm căn kiết đế của cái gọi là "giống người " này (xin lỗi, nói điều này vì với Chủ nghĩa duy vật mà người cộng sản xem như tín điều, con người chỉ là một giống loài của "động vật cấp cao ", có họ hàng gần với vượn người - không hơn không kém).
Một trong những định đề chủ yếu của xã hội theo khuynh hướng CNXH là xóa bỏ quyền tư hữu. Cái khái niệm về tư hữu và chủ quyền đã bị thay thế bằng ý niệm "quốc hữu hoá " hay "của công ". Vấn đề là những ý niệm này đã bị "tha hoá " do chính thực tế xã hội hôm nay, để trở thành một ý niệm mơ hồ : làm chủ tập thể = ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm cá nhân. Khi không còn khái niệm tôn trọng quyền tư hữu, tình trạng xà xẻo, chụp giựt đã có đất để sống. Của cải, vật chất lúc này giống như một cái bánh thật to, thật ngon trước mặt một bầy đàn và kẻ nào nhanh chân mạnh tay có thể giành được cho riêng mình miếng ngon mà không cần đến khái niệm công bình hay tôn trọng tài sản của người khác. Ý niệm xấu hổ theo đó cũng dần mất đi để đưa đến cảnh chụp giựt kiểu "trâu chậm uống nước đục " theo một nghĩa "đen đúa " nhất.
Hệ quả của điều này giờ đã trở thành một "tính chất đặc trưng " của xã hội, mà con đẻ của nó là hiện tượng tham nhũng, xâm hại của công. Rất tự nhiên, hình thành trong tư duy người dân một ý niệm rất thực : Người ta không còn coi việc lấy trộm tài sản công là một điều đáng xấu hổ, mà đứa đáng xấu hổ là đứa đã "ăn vụng không khéo " hay "không biết chùi mép ". Thậm chí, trước những thứ của công, nếu mình không có thể chụp giựt được, thì xem ra là một thiệt thòi, thua kém và xui xẻo. Nếu tham nhũng lan tràn từ cấp to đến cấp nhỏ, xuất hiện trong mọi môi trường của xã hội, từ phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế ... thì chứng tỏ hậu quả của ý thức hệ triệt tiêu quyền tư hữu đã để lại những chứng bệnh trầm kha, mà để chữa trị chỉ còn con đường duy nhất là cắt bỏ khối ung nhọt này.
Bản tính con người vốn tham lam. Người ta vẫn dùng một thành ngữ "lòng tham không đáy " ; "được voi đòi tiên " để diễn tả bản tính này. Một định hướng giáo dục tốt phải đề cao sự tôn trọng những giá trị riêng tư của mỗi người, mỗi tập thể và giảm thiểu tối đa những cơ hội vi phạm quyền tư hữu và xâm phạm của công bằng hệ thống kiểm soát từ nhiều phía. Định hướng giáo dục tốt này còn phải được thể hiện và khuyến khích bởi một ý thức xã hội đề cao quyền tư hữu, quyền làm chủ cá nhân trên những giá trị vật chất và tinh thần, đặc biệt là đời sống thanh liêm của những quan chức chính phủ, của những người lãnh lấy trách nhiệm quản lý xã hội. Xem ra, để đi đến một ngày người dân biết tôn trọng tài sản riêng của người khác, hay của tập thể khác, vẫn còn là con đường quá dài cho xã hội Việt nam, nơi mà ý thức hệ XHCN đã xoá bỏ quyền tư hữu, và nạn tham nhũng đã trở thành "quốc nạn "!
Đứa bé hôm nay được cha mẹ khuyến khích khi nó lấy một bông hoa, một lồng đèn ; mai này, nó sẽ phải chúng tỏ thực tài nhiều hơn khi đảm nhận những chức vụ trong xã hội : tham nhũng có nguồn gốc sâu xa là ở đây!
No comments:
Post a Comment