Monday 12 January 2009

NẶNG LÒNG

Đọc trên Vnexpress thấy đưa tin công an phát hiện khoảng 120 cô gái Việt xếp hàng cho 4 người đàn ông Hàn quốc xem xét để chọn làm vợ. Có lẽ đây chỉ là một vụ được phát hiện trong số những vụ "xem hàng, bán gả " mà công an phát hiện được. Báo chí chỉ đơn thuần đưa tin như việc phát hiện một sự vi phạm pháp luật : sự việc diễn ra ở đâu, bị công an phát hiện thế nào, ai cầm đầu đường dây .v.v.

Tuy nhiên, thông điệp ẩn chứa sau điều này thì không hề đơn giản như những dòng tin vắn của báo chí.

1. Các thiếu nữ Việt này chấp nhận bị xem như một món hàng để được mua.

Báo chí có nói đến giá mà những người đàn ông Hàn quốc phải trả cho các công ty môi giới để có thể kiếm được một người vợ. Một cuộc hôn nhân được định giá bằng giá trị vật chất. Các cô gái chấp nhận cuộc hôn nhân này để được nhận một số tiền chỉ khoảng trên dưới 600 USD. Điều lạ lùng là dù có nhiều thông tin về những rủi ro và bất hạnh ở phía trước, nhưng các cô vẫn chấp nhận và mong muốn có được những cuộc hôn nhân này. Khi người ta chấp nhận trở thành một món hàng, thì nhân phẩm cũng bị tước đoạt theo những đồng tiền đã bỏ ra mua họ. Người ta có thể nói đến sự nghèo nàn, như nguyên nhân của thảm trạng này, nhưng có lẽ, họ quên mất một điều, đó là trong suy nghĩ của những thiếu nữ này, họ đã đánh mất ý thức về nhân phẩm. Họ mất ý thức về cái gọi là "con người ", để dám chấp nhận được mua bán như một món hàng. Trách họ, hay trách chính xã hội đã tạo ra suy nghĩ này. Khi người ta không còn ý thức mình là một con người, mọi thứ đều có thể xảy ra!

2. Các thiếu nữ này không còn một sự chọn lựa ?

Thu nhập của một công nhân ở mức trung bình là 1 triệu đồng/ tháng. Với số lương này, trước đây họ có thể xoay sở để qua ngày. Nhưng với sự lạm phát có thể đến 30%, thì cuộc sống giống như đi vào ngõ cụt. Với các thiếu nữ ở những vùng quê nghèo, thì số phận còn khó khăn hơn. Sự nghèo đói không cho phép họ đến trường, vì vậy, lối vào đời cũng chẳng có nhiều chọn lựa. Một đàng họ, các thiếu nữ, đứng trước sự khó khăn khi phải kiếm sống, đàng khác, có những người tán tận lương tâm, và lại xuất hiện những gã đàn ông có tiền cần những nhu cầu xác thịt, tất cả tạo thành một công thức, một guồng máy mà kết quả, sản phẩm là tình trạng đánh mất ý thức về giá trị nhân phẩm, tự đồng hoá mình như một món hàng.

3. Nước mắt có còn để chảy ???

Một cảm giác xót xa, tủi hờn vì những người chị em của mình bị rẻ rúng ; một sự bất nhẫn trước những người đồng vì lợi nhuận mà đem chính những đồng bào của mình dâng cho người nước ngoài để nhận những đồng tiền tanh mùi máu và dơ bẩn, uất ức trước những người ngoại quốc đến VIỆT NAM để chọn mua vợ, suốt cả đời, họ cũng chỉ là những con đực đi tìm chỗ thoả mãn dục vọng không hơn không kém, cái gọi là TÌNH YÊU sẽ chẳng bao giờ đến với họ, lẽ đơn giản, chỉ vì họ mua một thân xác của những con người đã đánh mất ý thức về nhân phẩm, chứ không phải là những người đến với nhau vì tình yêu.

4. Vì sao ?

Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở hoàn cảnh xã hội : Nghèo đói, tham nhũng, dốt nát, ý thức hệ ... là những nguyên nhân của hiện trạng này. Mình vẫn nhớ lời thầy giáo dạy chính trị, khi trình bày về CN TB, họ nói, đó là một xã hội người bóc lột người, lấy sự phát triển dựa trên giá trị thặng dư lao động, và con đẻ của nó là những tệ nạn xã hội. Vậy mà sau gần 33 năm mãi mê xây dựng thiên đường XHCN, thì những tệ nạn này lại nhiều hơn. Viễn cảnh nào cho thiên đường XHCN ở VIỆT NAM đây ???

PS : Bài báo này trên Vnexpress của năm cũ (2008). Hình như vào cuối năm có thêm mấy vụ "coi mắt = coi mặt, coi người " này nữa. Và hình như là Việt Nam đang có dự án thành lập các văn phòng kết hôn chính thức để tránh việc những cá nhân lợi dụng tình trạng hôn nhân với người ngoại quốc để trục lợi. "Món hàng " được chính quyền bảo hộ chăng ???

1 comment: