
Không ai có thể tin được là chỉ cá nhân ông Sỹ đã nuốt trọn số tiền hàng triệu USD mà các cựu nhân viên của PCI đã hối lộ để nhận thầu trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam (cụ thể là TP HCM).
Thông điệp mà chính phủ Nhật Bản gởi đến Việt Nam - qua việc quyết định đóng băng những hỗ trợ ODA cho Việt Nam năm nay, và tạm không cấp hỗ trợ này những năm sau cho đến khi vụ PCI được minh bạch và xử lý - thì đã quá rõ ràng : Họ không thể dùng tiền thuế của nhân dân Nhật Bản để nuôi sống một cơ chế tham nhũng, vốn chỉ đem lại sự giàu có bất công cho một tầng lớp người, mà ở đây, cụ thể là viên chức chính quyền.
Thế nhưng, qua những phát biểu của các viên chức, ngoài những lời tuyên bố có tính cách nogại giao như : chính quyền Việt Nam cảm thấy hối tiếc về vụ tham nhũng hối lộ này, sẽ nhanh chóng điều tra và xử lý các vi phạm .v.v.; thì vẫn còn những cách lấp liếm và lý luận rất ngây ngô, cù chầy, chẳng hạn như phát biểu của ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP HCM. (x. Nguyễn Thành Tài - xử lý vụ PCI)
Ông Tài cho rằng: “Đối với mỗi quốc gia và ngay cả Việt Nam, khi đưa một công dân hay một tội phạm nào ra xét xử thì cũng phải có chứng cứ để luận tội. Cho nên nếu phía bạn cho rằng PCI đã hối lộ cho nhiều quan chức ở Đông Dương (chứ không phải chỉ riêng TPHCM). Vậy thì hãy đưa ra bằng chứng, chúng tôi sẽ tiến hành xét xử, không thể nói chung chung”.
Khác với những tội phạm hình sự, những vụ án tham nhũng, hối lộ rất khó trưng ra bằng chứng, vì chẳng có ai đi hối lộ mà có biên nhận để ký. Ngoại trừ những trường hợp ghi lại bằng hình ảnh! Mà chưa chắc có ảnh là có thể làm bằng chứng (chẳng hạn vụ bà Vũ Mộc Anh ở toà đại sứ Việt Nam ở Nam Phi bị kênh truyền hình quay phim vụ buôn lậu sừng tê giác, mà bà ta vẫn chối không phải là mình). Vì vậy nên ông Tài đòi phía Nhật Bản đưa ra bằng chứng là điều mà mấy chú Phù Tang không dễ gì làm được. Xem ra, Nhật bản dù giỏi trong nhiều lãnh vực, nhưng kiểu ranh ma thì còn thua xa các quan nhà!
Điều này cũng cho thấy sự khác biệt về mặt hành pháp của Việt Nam với Nhật Bản (và có lẽ khác cả với thế giới, với các quốc gia lấy pháp luật làm nền tảng). Nơi các quốc gia, hệ thống điều tra và tư pháp độc lập với hành pháp, và có nhiều tổ chức kiểm soát! Vì vậy, các cựu quan chức PCI biết sớm muộn cũng bị điều tra đến nơi đến chốn, và có lẽ cũng vì một chút lương tâm còn sót lại, mà họ khai nhận tội phạm (chứ không lẽ ngu ngu nhận tội để đi tù sao?).
Bằng chứng là những lời khai của các cựu quan chức PCI, với VIỆT NAM chưa hẳn là bằng chứng. Còn cái bằng chứng sờ sờ ra đó - là việc giải trình những khoản tài sản thu nhập cá nhân của các quan chức chính quyền - thì không được xem như là một bằng chứng. Vì ở VN, ai cũng thấy sự giàu có của các quan chức, trong khi thu nhập lương bổng chỉ là một khoản bé nhỏ (chắc chỉ đủ tiền café, ăn sáng ???).
Ngày nào còn tồn tại cái não trạng "bằng chứng " đâu, thì ngày đó, con bạch tuộc tham nhũng vẫn còn tồn tại và tiếp tục vươn cái vòi đến tận mọi ngõ ngách của xã hội.
Biện pháp để chống lại cái não trạng "bằng chứng đâu " này chỉ có thể đến duy nhất từ việc tách rời các cơ quan điều tra ra khỏi sự kiểm soát của Đảng lãnh đạo, để hệ thống tư pháp có một khung nền độc lập tối thiểu, không bị chi phối bởi các cấp lãnh đạo, và hành xử theo hiến pháp qui định!!! Không biết bao giờ, ngành tư pháp Việt Nam mới có một "thượng phương bảo kiếm " để khống chế những quan tham!!!
No comments:
Post a Comment