Tuesday 30 December 2008

TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG

Thế giới đón Noël và năm mới trong bầu khí ảm đạm của cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dù có những tín hiệu khôi phục chậm chạp từ các dự án hỗ trợ nơi các quốc gia, người ta cũng không khỏi cảm nhận hậu quả nặng nề của những cuộc suy thoái này đang như cái bóng đen đè xuống trên các gia đình. Chọn lựa đón Noël và Năm mới trong những phương thức tiết kiệm nhất là những chọn lựa của rất nhiều người trong bối cảnh khó khăn đó.

Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ, nếu không muốn nói là ảnh hưởng nặng nề hơn. Từ đầu năm 2008, những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng này đã le lói bởi sự tụt dốc của thị trường chứng khoán, được nhiều người sánh ví như cỗ xe mất thắng đang tụt dốc. Từ đỉnh cao (ảo) của điểm số 1170 điểm vào tháng 3/2007 , chỉ còn lại ngưỡng 300 vào những ngày cuối năm 2008. Bên cạnh đó, cán cân mậu dịch quá chênh lệch đã làm cho nguồn dự trữ ngoại tệ vốn eo hẹp càng phải khó khăn hơn. Những tín hiệu không vui từ những mặt hàng xuất khẩu bị trả về vì thiếu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, cộng với sự sụt giảm giá dầu thô vào những tháng cuối năm, và những vụ cắt giảm viện trợ nước ngoài bởi quan chức tham nhũng ... tất cả làm cho bức tranh toàn cảnh Việt Nam trở nên ảm đạm. Càng thê thảm hơn, khi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nạn thất nghiệp sẽ bùng nổ khi một số công ty buộc phải cắt giảm nhân sự.

Năm 2008 cũng là năm với những xung đột giữa chính quyền với dân oan khiếu kiện đất đai, với các tôn giáo. Những cuộc khiếu kiện đất đai kéo dài của dân oan tại văn phòng thanh tra trung ương gần vườn hoa Mai Xuân Thưởng, cũng như tại văn phòng II chính phủ tại TP HCM phản ánh sự gia tăng của những căng thẳng này, mà cao điểm có lẽ là cuộc đụng chạm trán có tính bạo lực giữa nông dân ở Kiên Lương - Kiên Giang với chính quyền, khi người dân cố bảo vệ mảnh đất canh tác, vốn là nguồn sống chủ yếu của họ. Cũng vậy, việc đòi lại quyền sử dụng đất tại Thái Hà cũng như ở khu vực Toà Khâm sứ (vốn đã bị chia chác cho những quan chức ) và cách phản ứng của chính quyền (vu khống bằng hệ thống báo đài, ra những văn bản hăm doạ, vội vã biến các khu đất thành các vườn hoa, đem ra xét xử một số giáo dân ...) làm cho mối quan hệ giữa chính phủ và tôn giáo thêm phức tạp. Kết quả là mối căng thẳng này đã được đẩy lên mức độ "khó khăn " : người ta thấy các nhà thờ tại thủ đô Hà Nội đã không trang hoàng như mọi năm : thông tin của TGM Hà Nội thì cho là để tiết kiệm, lấy tiền đó giúp những nạn nhân thiên tai ; nhưng cũng có những suy đoán cho rằng đó là "để tang " cho những chuyện buồn vừa qua.

Đối với Phật Giáo, việc tổ chức đại lễ Phật Đản quốc tế đã làm cho bộ mặt Việt Nam được chú ý trên quốc tế như một kiểu trình diễn về "tự do tôn giáo ", nhất là sự kiện này được điểm tô bởi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, rồi nhóm làm việc của cư sĩ Lê Mạnh Thát và sự trở về "rầm rộ " của nhóm phật giáo dưới sự dẫn dắt của thiền sư Thích Nhất Hạnh .v.v. Tuy nhiên sau đó, người ta thấy sự căng thẳng của chính quyền với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mà cao điểm vây quanh ngày viên tịch của đại lão hoà thượng Thích Huyền Quang. Rồi như hành vi "vắt chanh bỏ vỏ ", vào dịp gần cuối năm, chính quyền đã giải tán những tu thất của "Làng Mai ", rồi quay ra tấn công (cũng vẫn theo phương thức dùng hệ thống báo chí) Nhất Hạnh bằng những cáo buộc vi phạm trật tự xã hội...

Trong mặt ngoại giao, dưới sức ép của Trung Quốc, việc ký kết những văn bản phân định biên giới đang vào giai đoạn cuối, trong đó, Việt Nam đang bị áp lực phải mất thêm bãi Tục Lãm, cũng như một phần khác của Thác Bản Giốc và khu Mộ Cao Bằng. Chính đòi hỏi quá đáng này của người "anh em 16 chữ " đã làm trong nội bộ Việt Nam phân hoá mạnh khi có thông tin cho rằng giới chức quân đội không có sức "chịu hèn " cao siêu bằng các vị trong Bộ Chính Trị, chủ trương không nhượng bộ trước những lấn lướt của Trung Quốc. Bên cạnh đó, vị thế Việt Nam, dù là chủ tịch của HDBA theo luân phiên, cũng không khỏi ê chề trước vụ cắt viện trợ bởi Nhật Bản vì tham nhũng, rồi vụ Bí thư thứ nhất Vũ Mộc Anh bị cáo buộc tham gia buôn lậu sừng tê giác tại Nam Phi. Việc một số quốc gia từ chối cấp hộ chiếu cho lao động Việt ( Czech, Qatar ) và mới đây vụ Nhật bản cáo giác đường dây trộm cắp liên quan đến các nghiên cứu sinh và nhân viên của Việt Nam Airline, chính là những gáo nước lạnh không thể làm "mát mặt " Việt Nam trên trường quốc tế.

Một vấn đề nữa mà chế độ độc đảng tại Việt Nam phải lo đối phó, là sự lớn mạnh của một thế lực truyền thông mới mà một số hãng thông tấn nước ngoài gọi là "phiến quân mới " ở Việt Nam : giới blogger. Sự bùng nổ của kỹ nghệ điện toán, một cách nào đó, đã hình thành một kênh thông tin mới với nhiều hấp dẫn hơn hệ thống báo chí "đi lề bên phải ". Sức lan toả và ảnh hưởng của nó không nhỏ, vì nó tác động đến giới trẻ, và cũng vì tính thời sự, rộng khắp của nó. Trong blog, người ta có thể tiếp cận với những thông tin mà khó lòng tìm được trên báo đài nhà nước.

Người ta tự hỏi, để đối phó với những hiện trạng ấy, chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm gì ???

- Người ta thấy việc tiếp tục dập tắt việc đòi đất bằng "bài bản " tương tự ở Hà Nội : biến đất đã chia chác mà bị phát hiện và khiếu kiện, đòi đất thành những công trình công cộng : vườn hoa : như trường hợp đất dòng Phaolo de Chartre tại Vĩnh Long.

- Sau những tuyên bố hùng hổ (chắc ngang ngược như cọp) của những vị quan chức TPHCM, và bị phản ứng mạnh mẽ của Nhật bản, thì vội vàng điều tra và chuẩn bị khởi tố vụ CPI. Thời gian im ắng kia là để dàn xếp nội bộ nhân sự.

- Ra thông tư quản lý blog, với những "định hướng " XHCN : Blogger phải biết "chọn bạn mà chơi " , cấm viết những thông tin "chống đối nhà nước ". Vụ xét xử hai nhà báo của Tuổi trẻ, Thanh niên, và việc thay đổi nhân sự hàng loạt tờ báo cũng không ngoài mục đích này : Bịt miệng.

- Tu sửa pháp lệnh khiếu kiện, theo đó, người khiếu kiện, đặc biệt về đất đai phải nộp án phí?! (đã bị mất đất, nghèo khó phải đi khiếu kiện, thì tiền đâu mà nộp án phí ???)

- Tung gói kích cầu trị giá 6 tỉ USD (không biết lấy tiền đâu ra và có thực không)

Trong tình huống ảm đạm như thế, chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở AFF như một chiếc phao may mắn rớt xuống. Cả nước mừng, nhưng có lẽ chính quyền là mừng nhất. Say sưa với chiến thắng, người dân có cơ hội ra đường gào thét để xả "stress "! Nhưng dư vị của chất men này sẽ kéo dài được bao lâu, khi mà cái tết dần đến và những hậu quả của khó khăn kinh tế, chính trị, xã hội vẫn còn bao trùm trên Việt Nam.

Nếu mùa đông là lạnh lẽo, ủ dột và khó khăn, thì hình như Việt Nam đang "trên đỉnh mùa đông "!!!

No comments:

Post a Comment