Monday 15 December 2008

QUÊ HƯƠNG U BUỒN!

Trong tuần vừa qua, thế giới kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp quốc ra đời. Nhiều nơi trên thế giới đã tưng bừng kỷ niệm biến cố này vốn được xem như một trong những tiêu chuẩn về trình độ văn minh của nhân loại.

Cũng qua biến cố này, thuật ngữ "Nhân Quyền" được nhắc đến nhiều hơn. Search trong Google với từ khoá đó (nhân quyền) người ta có thể tìm thấy kết quá khoảng 1 410 000 tài liệu đề cập (cho từ tiếng Việt ) và khoảng 4 570 000 bản văn cho từ pháp ngữ (droits humain). Đó là kết quả mà Google có thể cung cấp trên phương diện thông tin internet. Thực tế, ở Việt Nam, thuật ngữ này được nói đến trong một góc nhỏ hơn vì thường có cái đuôi định dạng theo kiểu tập tin : "blat blat blat.theo định hướng XHCN" hoặc là : "blat blat blat.trong khuon khổ pháp luật qui định".

Như vậy, phải chăng là khái niệm này có sự khác biệt ở Việt Nam, dù là chính phủ đã ký kết tham gia vào công ước công nhận và tôn trọng nội dung của bản Tuyên Ngôn này từ năm 1977! Thực tế, dù có thể được che đậy dưới những mỹ từ nào, thì người ta cũng nhận thấy, ở Việt Nam, vấn đề nhân quyền là một vấn đề nhậy cảm. Bởi vì nhân quyền luôn gắn kết chặt chẽ với tự do ngôn luận, báo chí, họp hội, tư tưởng ..., mà điều này thì rõ ràng rất hạn chế với thực tế ở VN. Vấn đề ở chỗ, nếu đó là quyền của mỗi cá nhân, mà theo nhận định của Tuyên ngôn Nhân quyền :"Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái" và rồi ... có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và có quyền hưởng một cuộc sống xứng với nhân phẩm", và chính phủ Việt Nam đã chấp nhận và ký kết tôn trọng, thì rõ ràng, với cách hiểu và thực hiện của chính quyền, người dân đã bị hạn chế rất nhiều, nếu không muốn nói là bị tước đoạt, những quyền lợi cơ bản mà mình đáng được hưởng. Trong rất nhiều lời nguỵ biện cho vấn đề này, chính quyền vẫn luôn khẳng định, họ tôn trọng tự do tư tưởng, tôn giáo .v.v., nghĩ là, anh có thể tự do suy nghĩ trong đầu những những ý tưởng, nhưng việc phát biểu và trình bày tư tưởng đó thì cần phải "trong khuôn khổ pháp luật cho phép ". Người ta chưa quên cô Phan Thanh Nghiên, hiện đang bị giam giữ vì cô đã phát biểu phản đối công hàm "chấp nhận quy ước về lãnh hải của Trung Quốc mà cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký kết với chính quyền Trung Hoa năm 1958 ", cũng như làm đơn xin phép biểu tình.

Khi một quyền lợi cơ bản và tối thiếu bị xâm phạm hay tước đoạt một cách bất công, nó sẽ tất nhiên hình thành một mối xung khắc.

Cứ nhìn vào thực trạng của Việt Nam thì sẽ thấy được sự gia tăng ngày càng nhiều của những mâu thuẫn, xung đột này : ngày càng nhiều những tiếng nói kêu gọi đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ; phong trào này tỉ lệ thuận với chiến dịch sử dụng lực lượng an ninh, công an để khống chế và đàn áp. Danh sách các nạn nhân của chiến dịch này mỗi ngày một gia tăng, bên cạnh những nhà đấu tranh cho dân chủ, người ta thấy thêm những nhà báo đôi khi với quyết tâm tìm sự minh bạch để chống lại tham nhũng, lại trở thàh nạn nhân của việc đàn ám. Đôi khi, nó xuất hiện dưới hình thức khống chế thông tin : chẳng hạn báo Việt Nam Nét đưa tin, trong 2 năm qua, 2007 - 2008, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trên thế giới về việc truy cập vào các trang web sex, trong khi những trang diễn đàn về dân chủ, tôn giáo thì bị chặn bởi tường lửa. Có nghĩa là, chính quyền muốn hướng cái căng thẳng của xung đột nhân quyền vào những trang đồi truỵ, thực hiện một chiến dịch ru ngủ, làm lu mờ đi cái ý thức về dân chủ và nhân quyền nơi dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, những người vốn có sẵn sự nhiệt huyết và nhậy cảm với tự do, dân chủ, nhân quyền, và cũng là đối tượng có khả năng hiểu biết về chủ đề này dựa vào kỹ thuật tin học.

Cách giảm thiểu sự căng thẳng này chỉ có một hướng duy nhất, là trao trả lại cho dân chúng những quyền lợi mà họ, khi là con người, đáng được hưởng.

Sức mạnh của một dân tộc, một quốc gia chỉ được phát tỏ mạnh mẽ khi người dân ý thức về quyền lợi của mình, cũng như thấu hiểu và có quyền làm chủ trên sự hưng thịnh, trên sự toàn vẹn lãnh thổ.

Nếu dân chủ, nhân quyền là những điểm đến của lịch sự văn minh nhân loại, thì dù thực tế có bị "kiềm hãm " bởi một tư tưởng chính trị, hay một thể chế độc tài, sớm muộn, đà tiến của lịch sử sẽ nghiền nát những cản trở đó.

Đã qua rồi cái thời ảo vọng say sưa chiến thắng, để nghĩ mình là chủ nhân ông, có quyền ban phát cho thần dân những quyền lợi. Đây là thời điểm mà chính quyền, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, phải cân nhắc để hành xử : trả lại cho nhân dân quyền lợi mà họ phải có. Nếu không, chính quyền sẽ trở thành kẻ đối kháng của nhân dân, một cuộc đối kháng mà sẽ phải giải quyết tất yếu và sẽ có có kẻ thắng người thua.

No comments:

Post a Comment