Tuesday 16 December 2008

BLOG ĐEN ???

Thời gian gần đây, người ta thấy xuất hiện một khái niệm của chính quyền về "blog đen" .

Những nỗ lực của các nhà quản lý, cụ thể là bộ "bốn tờ" , qua những phái biểu của ông Doãn, là nhằm để hạn chế những blog đen này, mà theo mỹ từ pháp của quan chức Doãn là "để giúp blog phát triển tốt hơn" .

Khái niệm blog đen không dừng lại ở những trang blog có nội dung trái với thuần phong mỹ tục, cổ suý cho lối sống sa đoạ, thì còn mở rộng đến những thông tin "chống lại chính sách của nhà nước, phá huỷ thành quả cách mạng, làm ảnh hưởng khối đại đoàn kết … ". Tắt một lời, chính quyền đã đưa ra một khái niệm độc đáo : blog đen là blog nói ngược lại những gì Đảng và Nhà Nước muốn nói.

Trong đối thoại, điều mà người ta luôn nói đến như một nguyên lý nền tảng và là một điều kiện cần thiết để cuộc đối thoại không đi vào bế tắc, đó là sự trao đổi, trình bày và đón nhận thông tin. Nói cách khác, cần phải có người nói, và có người nghe. Không có trao đổi, không có lắng nghe, đối thoại chỉ còn là độc thoại.

Nghe những âm thanh chưa đủ, còn phải hiểu được người phát ngôn muốn gì và trình bày điều gì. Điều này cần sự thiện ý, muốn lắng nghe và muốn đối thoại. Mối tương quan giữa chính quyền và dân phải được đặt trong chiều hướng đối thoại này. Thiếu nó, chính quyền trở thành độc tài, và dân trở thành tầng lớp bị cai trị vì không có tiếng nói.

Giữa hai đối tác của đối thoại, mà một bên bị hạn chế quyền phát ngôn, hoặc bị cắt xén (như trường hợp bài phát biểu với UBND Hà Nội của TGM Ngô Quang Kiệt), thì người ta phải tìm một lối thoát để biện minh cho tư tưởng và lời nói của mình. Blog là một trong những chọn lựa đó. Thực tế cho thấy, một số blog của nhà văn, nhà báo, có một lượng đọc giả nhất định vì họ có thể viết, có thể phản biện cách tự do hơn là trên mặt báo của Nhà Nước, vốn luôn được các quan chức của bộ TT-TT , và của Bộ Chính Trị quy định đi "lề bên phải" .

Người ta tự hỏi, trong trận lụt vừa qua ở Hà Nội, liệu ông Bí thư Phạm Quang Nghị có nói lời xin lỗi hay không nếu không có sự phản đối mạnh mẽ của giới blogger, vì tuyệt nhiên, trên các bài báo của chính quyền không có sự phản ứng mạnh mẽ.

Người ta cũng thấy vấn đề này biểu lộ sự nhậy cảm mà chính quyền Hà Nội sợ hãi. Trong một chế độ độc tài, thì liều thuốc đắng để chữa trị là cơ chế dân chủ, tức là sự minh bạch mà người dân được cung cấp đầy đu thông tin cấn thiết để hiểu biết, giám sát và đánh giá cách thực thi pháp luật của giới cầm quyền. Nền tảng của dân chủ là sự ý thức và phát triển dân trí, cũng như sự rõ ràng của những thông tin. Mà điều này chỉ có thể đến nhờ vào giáo dục và truyền thông. Người ta sẽ thấy chính quyền, dưới áp lực của quốc tế, có thể chấp nhận cho tư nhân hoạt động trong những lãnh vực kinh tế khác, nhưng truyền thông và giáo dục, nhà nước sẽ không buông ra vì đó là tử huyệt.

Cái gọi là "thế lực thù địch" chỉ là một cái bóng ma mà chính quyền dựng lên để biện minh cho những chính sách hạn chế dân chủ của mình. Trong số đó, tôn giáo và bây giờ, thêm giới blogger, là những đối thủ mà chính quyền phải đặt đến đầu tiên.

Tôn giáo, vì đó là các tổ chức có kỷ luật, và có thể có hệ thống thông tin độc lập nhờ những sinh hoạt tôn giáo thường xuyên, cũng như sự đồng bộ. Chủ trương của các tôn giáo lại là phục vụ cho những nhu cầu tâm linh, lên tiếng bảo vệ cho nhân phẩm của con người. Không ít thì nhiều, sẽ còn tiềm ẩn những xung khắc với một thể chế độc tài.

Blogger, vì là có thể hình thành một mạng lưới truyền thông, có thể quảng bá và cổ suý những vấn đề thông tin, đặc biệt về tự do, dân chủ, nhân quyền, trong đó nổi cộm sự phản biện về chính sách , cơ chế « đặc quyền « cũng như tham nhũng của giới chức.

Những động thái hành xử của chính quyền hiện nay, đã bộc lộ rõ những xung đột này, sau nhiều thời gian âm ỉ, có thể bùng nổ bật cứ lúc nào.

Cần lắm để cho một xã hội Việt Nam phát triển, vượt qua những xung khác, những cảnh nồi da xáo thịt, đó là chính quyền biết mở ra con đường đối thoại thực sự bình đẳng, thiện ý và tôn trọng người dân. Mong lắm thay !

No comments:

Post a Comment