
Có rất nhiều con đường dẫn đến âm nhạc. Đó có thể là một con đường thật ngắn như khi vừa chào đời, đã được nuôi nấng trong bầu sữa của lời ru câu hò ; có thể là một con đường thật dài, khi một ngày, trong một hoàn cảnh nào đó, chợt nghe một bài hát, một bản nhạc mà giai điệu và ca từ quá hợp với tâm trạng, rồi thì bạn bè với âm nhạc là vì thế .Con đường đó cũng có thể là một ngõ tắt, qua trung gian của một ai đó. Chợt nhớ đến người bạn tên Nhân, Nhân rất thích Nhã Thuỳ, và khi biết Nhã Thuỳ thích bài "gởi gió cho mây ngàn bay " của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Nhân cũng tập nghe, và rồi riết thành ở đâu cũng nghêu ngao "gởi gió cho mây ngàn bay, gởi bướm muôn màu về hoa ", thậm chí cả khi Nhã Thuỳ đã chia tay, lên xe hoa với một người khác, thì thỉnh thoảng khi gặp lại, trong một góc thênh thang của đời, vẫn nghe Nhân hát, lời hát như tự nói với chính mình : "nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, em rồi đi..."
Con đường đến với âm nhạc của tôi là qua mẹ, qua cậu dì. Không hiểu sao, mẹ thuộc rất nhiều bài nhạc tiền chiến, nhạc của Phạm Duy, và nhất là Trịnh Công Sơn. Đó có lẽ là một trong những thứ quý giá mà những thăng trầm của cuộc sống khắc nghiệt không thể làm phai mờ trong ký ức của mẹ. Cũng tự nhiên và thực tế như giòng sữa mẹ nuôi nắng tôi, âm nhạc, và nhất là những ca khúc tiền chiến, Trịnh Công Sơn cũng đi vào trong tâm hồn như vậy. Có lần, một thầy giáo cũng trạc tuổi mẹ, đã ngạc nhiên khi thấy tôi lại có thể biết và nhớ rất nhiều những bài hát tiền chiến, nhạc Trịnh như thế.
Thời gian gần đây, những luận bàn về âm nhạc của Trịnh Cong Sơn không còn sôi nổi như ngày nào, dù những dòng nhạc của nhạc sĩ tài hoa này vẫn được hát ở nhiều nơi. Điều người ta nói nhiều hiện nay, nhất là trong blog và trong những trang web của người Việt hải ngoại, đó là việc phân tích, thậm chí lên án, xem Trịnh Công Sơn = T.C.S = Thằng Cộng Sản (theo một blog, trích câu nói trong lúc trà rượu của Bùi Giáng " ; hoặc phân tích những ca từ trong bản nhạc "Bài ca dành cho những xác người " mà Trịnh công Sơn đã sáng tác từ những cảm nhận từ biến cố thảm sát tết Mậu Thân 1968 ở Huế, để khẳng định ông bị tư duy của Marxsime trong câu hát :
Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người
Hai câu hát bị cho là tư tưởng duy vật biện chứng, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày và xác thêm hơi cho đất ngày mai là sánh ví coi thường sinhmạng con người, coi cái chết bị thảm sát ở Huế là rất "bình thường để rồi trở thành một thứ phân bón cho đất thêm phì nhiêu ". Từ đó, qui kết khuynh hướng thân cộng sản của Trịnh Công Sơn thành việc ông "đồng loã, thoả hiệp, bênh vực cho nạn thảm sát".
Sao không nghĩ rằng : Trịnh Công Sơn chỉ là một nhạc sĩ, người sống với những xúc cảm , và rồi ông bị ảnh hưởng bởi học thuyết của Phật Giáo về luân hồi, về cái vòng luân chuyển của đất trời, con người , và điểu ông chống lúc đó là cuộc chiến gây những tang thương. Thì không lạ gì, trong ca từ đó, ông nhìn nhận những thương đau đầy chết chóc, đầy "xác người ", và ông hy vọng, những người đó còn nằm lại trong quê hương này, để như hạt thóc, hạt gạo sinh ra từ những mảnh đất đẫm máu đó, họ tiếp tục hiện diện và song hành với lịch sử Việt Nam. Phải chăng đó là ý nghĩa của ca từ : Đường đi tới, dù chông gai,thì quanh đây đã có người . Nếu nhìn nhận như thế, thì rõ ràng ông chỉ là một nhạc sĩ, thuần tuý, ông không phải là nhà chính trị. Đừng vội qui kết ông đồng thuận, thoả hiệp với thảm sát vào thời điểm ấy.
Có thể, âm nhạc phản chiến của ông bị lợi dụng để làm công tác chính trị. Nhưng đừng qui kết ông. Bởi vì, có lẽ, trong tâm tưởng, ông chỉ than khóc và nhạc hoá những cảnh đời ông chứng kiến hàng ngày. Ông vẽ đời bằng âm nhạc. Và chỉ muốn dùng lại ở đó. Và vì vậy, khi đánh giá ông, hãy đánh giá âm nhạc. Nếu như vậy, sẽ thấy mình từ tâm , độ lượng hơn, chắc vậy, vì ai có thể giận dữ khi lắng nghe một ca từ "yêu em, yêu thêm tình phụ! Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ "