Sunday 12 October 2008

BUỒN TRÔNG CON NHỆN GIĂNG TƠ!

Ngâm ngui - Quang Dung

Nó đợi mãi chưa được cơn gió thuận tiện để nhả tơ. Chân bám chặt cành cây và tơ đã sẵn sàng chỉ chờ cơn gió thuận tiện nhện thả mình từ trên cao xuống cành phía dưới cách đó vài thước. Sợi tơ nồng cốt này cần phải chính xác rơi đúng chỗ nhện mong ước. Sống no hay chết đói đều lệ thuộc vào nó.

Ba bốn lần nhện thả người xuống nhưng gió quẩn làm sợi tơ tạt sang bên. Thật là một cực hình phải cuộn lại tơ vì vừa cuộn vào buồng tơ vừa lau tơ sạch bụi là việc làm buồn nản, tỉ mỉ, chậm chạp. Chỉ một hạt bụi sót lại đủ làm nhện nhiễm trùng hoặc bị xé rách đuôi cho lần nhả tơ kế. Nghĩ đến đó toàn thân run lên, lông quanh người dựng ngược.

Trước khi giăng mạng bắt mồi nhện rình rập tìm địa thế. Ngày tắm nắng, đêm phơi sương đầu ngành quan sát chỗ giăng bẫy. Nhện chăm chú theo dõi từng con cào cào, cánh bướm, ruồi, muỗi.

Nơi định chăng là một hẻm nhỏ giữa các lùm cây, con đường giao thông duy nhất giữa hai lùm cây của đám côn trùng. Con hẻm giữa cây lớn, khuất sau bờ mương. Mọi con vật phải qua lại khi cần uống nước. Nơi đây gió lọt khe, cuốn hút, rất nguy hiểm cho côn trùng. Thỉnh thoảng mới có chút yên tĩnh. Gió lọt khe thường biến thành gió quẩn. Côn trùng lớn nhỏ đều sợ gió quẩn vì sức xoáy của gió. Thu hẹp cánh lại bị gió cuốn đi như hạt bụi, giang rộng cánh gió hút mất thăng bằng. Trong trường hợp như thế côn trùng thường chúi đầu bay hết tốc lực mong phóng nhanh qua vùng nguy hiểm, thoát khỏi luồng gió hút. Vì bay chúi đầu tránh gió nên rất dễ sập bẫy. Tất cả những thuận lợi đó giúp nhện bắt mồi dễ dàng. Dính màng là lưỡng đầu thọ địch, vừa chống gió cuốn vừa cố vùng vẫy thoát thân, mau kiệt lực.

NỀN MÓNG

Nhện thả sợi tơ nồng cốt làm giây chính. Còn hai sợi nữa cần thả làm nền móng. Việc còn lại tuy bận nhưng có thể làm trong mọi điều kiện khí hậu, không nguy hiểm, mất giờ như sợi nồng cốt.

Cả ba sợi căn bản đều lệ thuộc vào gió. Nhờ gió bay để nhả sợi tơ nồng cốt. Nghe có vẻ đơn giản, thực tế có trường hợp chưa thả được tơ đã toi mạng hoặc biến thành phế tật. Buồng tơ đã sẵn, thẩm định cơn gió đến, sức gió, hướng gió, điều kiện thuận tiện đến, buông chân lao nhanh xuống đích. Đây là lúc nguy hiểm nhất, giây phút quyết liệt giữa sống chết, phế thải, đói no xảy ra trong phút giây.

Bám ngược vào sợi tơ, mắt dính chặt vào đích, mình cuộn tròn như hòn bi đầu sợi chỉ, số mạng trước gió. Đu đưa, bầm dập. Gió nhẹ bớt đau, gió mạnh nát thân, mạnh hơn nữa đành bỏ cuộc, tiếp tục đu đưa thế nào cũng rụng chân, gẫy càng. Cơn gió đến, chân bám chặt hơn, run hơn, bám sát vào tơ biến thành con lúc lắc. Mặc gió lắc, gió lay, mắt mở lớn, toàn thân đong đưa, đợi đúng lúc toàn lực dồn về chân búng mạnh, phải chính xác. Như tên bắn nhện đảo dăm bảy vòng quanh cành cây cuốn chặt tơ vào đó.

SE TƠ

Mau mắn bò nhanh trên sợi tơ vừa thả, se, vuốt cho các sợi con dính chặt nhau thành sợi cáp vững chắc. Không nhanh đủ gió xé các sợi tơ cuốn rối bù coi như mất công, mất tơ. Phải mất cả tuần vất vả làm tơ với điều kiện đủ thực phẩm ngon mới bù lại được số tơ đã mất. Tiếc công, tốn của. Hai sợi kế tiếp nhện chờ gió thuận tiện búng toàn thân sang cành thích hợp rồi như trước bò trên sợi tơ vo tròn cho tơ được chắc. Lựa chỗ vừa ý nó cuộn tơ thành một cục tròn to tướng như trung tâm điểm của mạng.

Từ tâm điểm nhện kéo các sợi tơ ra chung quanh thành vòng tròn. Các sợi tơ phập phùng theo từng cơn gió, nhảy bật, co giãn, liên tục. Khi các sợi tơ dọc đã xong, nhện leo hẳn lên đầu cành kiểm soát. Biết mình an toàn không thương tích nó ngó mạng lần chót trước khi quyết định các bước kế.

Đắc ý hai chân trước nhện gại gại mỏ thích thú. Thói quen này rất gần với cách vuốt râu của các cụ. Khoái chí với thành quả nhện mơ màng thiếp đi.

PHẦN KẾT

Những sợi tơ nhỏ hơn được chăng vòng tròn theo cái mạng. Mỗi sợi tơ ngang đan tròn mạng trở nên vững, ít bập bùng hơn. Nhện phân chia đều đặn từng ô riêng cho mỗi sợi tơ, không quá xa; cũng không quá gần. Sợi cuối từ trung tâm mạng kéo dài tới nơi nhện làm tổ. Mục đích để điều khiển toàn mạng. Con mồi to, nhỏ, khoẻ yếu, hiền hay hung hãn ra sao nhện thẩm định được tại tổ mà không cần phải ra sương gió. Căn cứ vào sức đạp, sức giẫy mà nhện thẩm định nên đi bắt mồi ngay hay có thể chờ qua đêm hoặc ngay cả để tự nó giẫy chết vì kiệt lực.

TÂM ĐIỂM

Dù lớn hay nhỏ mạng nhện luôn có đủ các bước căn bản như điều kiện bắt buộc giúp chăng mạng. Tương tự cách dựng căn nhà. Sợi tơ nồng cốt coi như nền móng, kế đó là những sợi căn bản được ví như những cột trụ giữ cho nhà khỏi sập. Tiếp theo là những sợi ví như khung sườn, những sợi xoay vòng coi như rui, kèo. Sợi cuối cùng coi như là cây bỏ nóc liên kết các vì kèo, rui lại với nhau. Khi tất cả các vị trí quan trọng được sắp xếp, lợp nhà xong coi như có thể dọn vào.

Để ý kĩ sẽ thấy tất cả các sợi tơ dọc của mạng đều bắt đầu từ tâm điểm. Tâm đóng vai trò quan trọng như chuôi cái quạt, mọi rẽ quạt đều xuất phát từ chuôi, do chuôi điều khiển, cầm giữ các rẽ quạt. Khi chuôi quạt bể các rẽ quạt rời rạc, rơi theo.

Thứ đến là những phụ tâm. Mỗi sợi tơ đan vòng tròn ngoài việc dính với tơ dọc còn có thêm những điểm nhỏ, chạy quanh. Cứ ba hay bốn vòng lại có một phụ tâm giữ cho các tơ dính sát nhau hơn. Như thế một sợi tơ chạy dọc dính với tâm có ba hay bốn phụ tâm và kết thúc ở sợi niềng ngoài cùng, hay còn gọi là sợi vòng đai. Các phụ tâm đóng vai trò giữ cho các tơ luôn giữ đúng vị trí, không bị xô dạt khi con mồi giẫy, phá mạng.

Những sợi tơ ngang, nhỏ hơn, không bền bằng sợi dọc nhưng được hỗ trở bởi các sợi dọc và chất dẻo giữ con mồi. Tơ này nhỏ hơn, mềm dẻo hơn, tính co dãn cũng nhiều hơn. Nhện dùng nhu thắng cương. Con vật dính vào tơ càng vùng vẫy nhiều mau nằm im chịu chết vì chính nó phá huỷ cái tiềm năng thoát thân khi nó vật lộn với đám tơ.

Màng nhện thấy đơn giản, đẹp mắt, dính hạt sương trong trẻo dưới nắng sớm lại là mồ chôn tập thể của biết bao côn trùng. (Vũ Đình Tường)

No comments:

Post a Comment